221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1269045
Những lỗ hổng “chết người” trong quản lý giá thuốc
1
Article
null
Bài cuối:
Những lỗ hổng “chết người” trong quản lý giá thuốc
,

LTS: Trao đổi với báo chí sau khi có kểt quả thanh tra giá thuốc của Cục Quản lý Dược, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang (chuyên trách lĩnh vực Dược) khẳng định: “Trong hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong quản lý giá thuốc, vấn đề cần xử lý rốt ráo nhất hiện nay là hoa hồng cho thầy thuốc kê đơn”.

Đây cũng không phải lần đầu lãnh đạo Bộ Y tế mới nói đến chuyện dẹp bỏ tình trạng “hoa hồng”. Nhưng vì sao đến bây giờ tình trạng này không những không được dẹp bỏ mà ngược lại, càng ngày càng biến chuyển tinh vi và trầm trọng hơn?

Vậy trên thực tế, bác sỹ khám bệnh, kê đơn đã đóng vai trò và có tác động lớn như thế nào đối với giá thuốc? Tiền “hoa hồng” đã “bôi trơn” cho những khâu nào trong đường đi của thuốc từ các công ty Dược đến các bệnh viện công?

VietNamNet tiếp tục đăng tải những câu chuyện, những ý kiến chia sẻ của những người có thâm niên kinh doanh dược phẩm để thấy được con đường cũng như cách thức để thuốc vào được bệnh viện. Qua những câu chuyện này, bạn đọc có thể thấy được công nghệ “làm giá” đối với thuốc, công nghệ “móc túi” bệnh nhân một các hợp pháp, mức lợi nhuận một bác sỹ nhận được từ việc kê đơn cũng như những “lỗ hổng chết người” trong vấn đề quản lý giá thuốc tại Việt Nam.

– Giá thuốc đang ở mức “không thể cao hơn” và bị “làm giá” một cách dễ dàng xuất phát từ những lỗ hổng “chết người” trong công tác quản lý giá thuốc của ngành y tế.

Bài 1: Sự thật về người bệnh bị "bòn rút" qua giá thuốc
Bài 2: "Công nghệ móc túi" bệnh nhân ở Việt Nam
Bài 3: Khi trình dược viên nói thật...

Giá tiêu thụ cao hơn giá nhập khẩu bao nhiêu cũng được?

Ngày 31/08/2007, Thông tư liên tịch số 11/2007/TTLT-BYT-BTC-BCT của Bộ Y tế - Bộ Tài Chính – Bộ Công Thương về “Hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc dùng cho người” ra đời với hi vọng kiểm soát được 2 việc: Không để thuốc chạy lòng vòng khiến lãi suất tăng, đẩy giá thuốc lên cao và kiểm soát tính hợp lý trong việc kê khai giá thuốc của các doanh nghiệp kinh doanh Dược phẩm.

Phần c, mục 3.2, phần II của thông tư này ghi rõ: “Tính hợp lý của giá thuốc kê khai, kê khai lại được xem xét trên các căn cứ cụ thể là: Chi phí nhập khẩu, chi phí sản xuất, lưu thông thuốc (xác định theo các quy định pháp luật hiện hành) và mặt bằng giá thị trường thuốc trong nước và khu vực”

Căn cứ trên, theo ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban giám định BHYT (BHXH VN) là chính xác. Nhưng điểm bất cập thấy rõ nhất trong thông tư trên là đã không quy định mức lãi tối đa cho từng khâu trong quá trình phân phối thuốc. Nói cách khác là chưa có quy định cụ thể về mức chênh lệch tối đa giữa giá thuốc tiêu thụ (giá trúng thầu) và giá thuốc nhập khẩu.

Do đó, cơ quan quản lý cũng không biết thế nào là “hợp lý” hay “bất hợp lý” để làm cơ sở xử phạt các công ty đẩy giá mang đi đấu thầu cao gấp mấy trăm lần giá nhập khẩu.

Mô tả ảnh.

Những hậu quả của việc yếu kém trong công tác quản lý giá thuốc không đổ lên vai người có trách nhiệm mà đang đổ lên đầu người bệnh.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đưa ra “khuyến cáo” mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá tiêu thụ “không nên” vượt quá 35% (đây cũng là mức khuyến cáo của WHO).

Trong phạm vi này, ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng giá thuốc sau khi nhập khẩu có thể bị tăng lên, thậm chí vượt nhiều lần mức 35% so với khuyến cáo nhưng “oái oăm” là vẫn chưa vượt "mức trần", do đó cơ quan quản lý vẫn không thể “bắt lỗi” ai được.

Mà trần giá thuốc do Bộ Y tế đưa ra hiện nay quá rộng. Tôi cũng không hiểu Bộ tính thế nào để đưa ra trần giá này nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh Dược phẩm cho biết dù giá đẩy cao lên như thế nhưng họ vẫn chưa để giá bán vượt giá trần”, ông Thảo băn khoăn.

Trong phạm vi “khuyến cáo” 35% này, các doanh nghiệp cũng rất “khôn ngoan”, vì nếu tăng giá cao quá (sát giá trần chẳng hạn) thì dù không bị phạt nhưng sẽ bị “nhắc nhở”.

Tuy nhiên, với những loại thuốc ngoại rất đắt tiền và nhà phân phối là độc quyền thì mức chênh lệch này sẽ vẫn tăng theo tốc độ “phi mã”, ở mức vài trăm % như trong bài viết trước mà VietNamNet đã lấy ví dụ.

Theo thống kê tại bệnh viện Bạch Mai, năm 2007 có tới 74,8% thuốc nhập khẩu của bệnh viện có mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá tiêu thụ nhỏ hơn hoặc bằng 35% (đúng trong mức khuyến cáo). 25,2% còn lại có mức chênh lệch cao hơn 35% và đều là những loại thuốc đắt tiền, qua nhiều nấc phân phối trung gian.

Thông tư này cũng cho biết một căn cứ nữa để xét tính hợp lý của giá thuốc kê khai là mặt bằng giá thị trường thuốc trong nước và khu vực. Theo đó, đối với thuốc nhập khẩu và lưu hành tại thị trường Việt Nam, giá thuốc tại thời điểm kê khai hoặc kê khai lại không được cao hơn giá nhập khẩu thực tế trung bình của thuốc đó (cùng hoạt chất nồng độ hoặc hàm lượng và quy cách đóng gói) mà cơ sở sản xuất ở nước ngoài bán cho một số nước trong khu vực.

Muốn làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc phải kiểm soát được giá cả gốc của nguồn hàng nhập khẩu. Nhưng theo nhận xét của ông Nguyễn Minh Thảo thì việc này hiện các cơ quan quản lý Việt Nam chưa làm được hoặc làm được nhưng ở mức rất hạn chế.

Vì vậy mới có chuyện “vô lý”: Thuốc chống thải ghép Neoral của công ty Novatis bán tại Việt Nam là 3,2 triệu đồng/hộp. Trong khi đó, giá bán loại thuốc này (cũng của công ty này) tại Thái Lan và Philippines là 1,7 – 2,2 triệu đồng/hộp!

Để thuốc “chạy lòng vòng” rồi tự động “đội giá”

Một trong những “lỗ hổng” của các cơ quan quản lý giá thuốc hiện nay là để thuốc đi “lòng vòng”, qua hết công ty này đến công ty khác rồi cuối cùng mới vào đến bệnh viện. Tất yếu, qua mỗi một công ty, giá lại được nâng lên một chút.

Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết thông tư 10 (hướng dẫn đấu thầu, cung ứng thuốc trong bệnh viện) đã thể hiện rõ những “lỗ hổng” khó có thể khiến các doanh nghiệp Dược phẩm chịu “ngồi yên” để người khác dành được “miếng mồi” ngon một cách dễ dàng.

Thông tư 10 cho phép mỗi công ty tham gia đấu thầu có thể đấu thầu cùng lúc nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, mỗi công ty lại có một thế mạnh riêng về một loại thuốc nhất định. Vì thế, khi đấu thầu cả các loại thuốc không phải “thế mạnh” của mình, các công ty này sẽ chuyển sang mua thuốc đó ở các công ty khác về và đem đi đấu thầu. Trước đó, các công ty khác có thể không nhập khẩu trực tiếp thuốc này mà lại mua từ một công ty khác nữa.

Có thể lấy ví dụ như sau: Thống kê 606 mặt hàng thuốc nhập khẩu tại bệnh viện Bạch Mai năm 2007 cho thấy: Có 10 loại thuốc mà giá trúng thầu (cũng là giá tiêu thụ trong bệnh viện) cao hơn 300% so với giá nhập khẩu. Tất cả 10 loại thuốc này đều có chung một điểm: Công ty nhập khẩu và công ty trúng thầu không trùng nhau.

Trong khi đó, nếu so sánh 2 loại thuốc: Inimod 30mg và Nimotop 30mg có cùng hoạt chất Nimodipine, hàm lượng 30mg, dạng viên sẽ thấy ngay sự khác biệt.

Thuốc Inimod 30mg do công ty Traphaco nhập khẩu, công ty Việt Pháp trúng thầu, mức chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu là 653%. Nhưng thuốc Nimotop 30mg do công ty Dược liệu Trung ương II vừa là công ty nhập khẩu, vừa là công ty trúng thầu thì mức chênh lệch này giảm xuống ở mức khó tin: 13%!

Thuốc chạy lòng vòng như thế, cứ qua mỗi lần mua giá lại bị đẩy lên cao hơn do lợi nhuận. Vì thế, khi vào đến viện, cộng với các chi phí trung gian khác, giá cao ngất trời là điều dễ hiểu”, ông Thảo nhấn mạnh.

Hiện nay, ông Thảo cho biết có một cách có thể kiềm chế được tình trạng “chạy lòng vòng như ma” thế này là tổ chức đấu thầu, cung ứng và thanh toán chi phí thuốc theo phương thức tập trung.

Sẽ cho nhiều nhà thầu vào cùng đấu thầu hơn, nhưng mỗi nhà thầu chỉ được phép đấu thầu những loại thuốc là thế mạnh của mình, tránh phải đi mua thuốc mình không có từ chỗ khác về để đem đi đấu thầu nhằm thu lợi nhuận”, ông nói.

Mặt thứ 2 của đấu thầu tập trung là các bệnh viện sẽ tổ chức cùng đấu thầu để thống nhất về giá, tránh tình trạng cùng một thuốc nhưng mỗi nơi mỗi giá như hiện nay, khiến người bệnh “hoa mắt”.

Bó tay trước “liên minh ma quỷ”?

“Liên minh ma quỷ” ở đây được hiểu ở 2 cấp độ.

Đầu tiên là hệ thống “liên minh” giữa trình dược viên và các mắt xích trung gian (như bác sỹ, dược sỹ, quản lý). Một số bệnh viện đã tìm cách kiềm chế những bất hợp lý trên bằng cách “cắt đứt” một mắt xích quan trọng: Cấm bác sỹ trong bệnh viện tiếp xúc với các trình dược viên.

Điều này, nếu lạc quan, thì có thể nói là cấm được trong bệnh viện. Nhưng nếu bác sỹ tiếp xúc với trình dược viên tại nhà thì không cơ quan nào cấm nổi!

Mô tả ảnh.

Mỗi ngày, có hàng trăm bệnh nhân mua thuốc ở nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai. Theo tìm hiểu của VietNamNet, tình trạng chênh lệch giữa giá thuốc nhập khẩu và giá bán ở bệnh viện này đang ở mức cao. Để hạn chế sự hoạt động của các khâu "trung gian: khiến giá thuốc đội lên cao, đã có những bệnh viện cấm bác sỹ tiếp xúc với trình dược viên nhưng đây thực chất chỉ là quy định có tính hình thức.

Thứ 2 là liên minh giữa các công ty Dược nước ngoài với nhau và với các công ty nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam.

Báo cáo “Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) chủ trì thực hiện nghiên cứu và công bố hồi tháng 03/2009 cho biết:

“Thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được nhà phân phối, công ty môi giới cấu kết với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài tại Việt Nam để “ấn định” giá. Các công ty nước ngoài cũng quyết định luôn giá bán buôn và giá bán lẻ ra thị trường, có khi giá thuốc được nâng cao hơn giá gốc từ 200 đến 300%”.

Khi tìm hiểu vấn đề này từ các doanh nghiệp dược nước ngoài, họ đều cho biết giá bán thuốc đã được kê khai trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam và giá bán buôn hay bán lẻ đều do các công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam định giá.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các công ty nhập khẩu và phân phối thuốc của Việt Nam thì giá cả các loại thuốc nhập khẩu đều do các công ty nước ngoài “ấn định” trước.

Song, theo bản báo cáo này, điều đáng nói là hiện nay các công ty nhập khẩu và phân phối thuốc của Việt Nam mặc nhiên chấp nhận mức giá đã được “ấn định” và nâng cao hơn giá gốc đó mà không hề có phản kháng gì. Điều này có nghĩa là các công ty của Việt Nam cũng “đồng tình” và “thống nhất” ấn định mức giá do bên doanh nghiệp nước ngoài đưa ra.

Về sự “đồng tình” này, theo một số nhà kinh doanh Dược phẩm, có thể có 2 hướng lý giải: Hoặc là họ “không biết”, hoặc là họ biết nhưng họ chấp nhận quyền lợi của người kinh doanh không đi liền với quyền lợi của người tiêu dùng!

Và theo cách lý giải nào thì cũng thấy một điều: Vai trò quản lý giá thuốc của các cơ quan chức năng đang quá mờ nhạt.

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,