– Đã có những người Việt “thức tỉnh” với hàng hiệu, bệnh “sính ngoại” bớt trầm trọng, nay quay trở về dùng hàng Việt, đúng tinh thần cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”. Trên con đường trở về này, hàng Việt dần lên ngôi.
Nhưng liệu người tiêu dùng Việt Nam có yên tâm sử dụng hàng Việt Nam hay không, khi mà một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phải thừa nhận là “có tình trạng hàng ngoại trà trộn vào các cửa hàng bán hàng nội”?
Bài 1: "Hàng hiệu" giá rẻ "chềnh ềnh" giữa trung tâm thương mại
Bài 2: Tìm nguồn gốc hàng hiệu, mời "thượng đế"... lên trời!
Bài 3: Hàng hiệu rởm vào shop "xịn", thượng đế nhắm mắt chi tiền
Bài 4: Hàng hiệu thật mong hàng giả... ngày càng nhiều (?!)
Cùng 1 kiểu áo, mang 2 nhãn hiệu!
Ngày 25/03/2010, khi khảo sát các loại quần áo bán tại cửa hàng Made in Vietnam số 268 Tây Sơn (một trong những cửa hàng phân phối sản phẩm may mặc Việt Nam thuộc hệ thống phân phối của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến – viết tắt là VietBrothers), phóng viên VietNamNet phát hiện có những chiếc áo giống hệt nhau về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, kích cỡ, giá cả nhưng mỗi chiếc áo lại mang một nhãn hiệu khác nhau hoàn toàn!
2 chiếc áo này không khác nhau ở điểm nào, trừ nhãn mác gắn trên cổ áo. Giống nhau y hệt nhưng mỗi chiếc là một nhãn khác nhau (Ảnh chụp ngày 26/03/2010 tại cửa hàng Made in Vietnam, số 268 Tây Sơn, Hà Nội) |
Không hiểu vì lí do gì, rất nhiều chiếc áo được bán ở hệ thống cửa hàng Made in VietNam đều được cắt bỏ hẳn phần dòng chữ in “Made in… “. Theo nhân viên bán hàng của cửa hàng Made in VietNam thuộc hệ thống VietBrothers tại số 65 Trần Nhân Tông thì bởi quần áo này là hàng xuất khẩu nhưng bị một lỗi nhỏ nào đó. Nếu để nguyên mác thì sẽ vi phạm, các công ty thuê mình gia công mà biết như thế có thể kiện. Vì thế, phải cắt mác đi.
Các chữ đứng sau 2 chữ "Made in ..." trên rất nhiều các sản phẩm quần áo bán tại các cửa hàng Made in Vietnam đều bị cắt bỏ. |
Theo ông D., chủ một trong những cửa hàng Made in VietNam tại Hà Nội cho biết “Hàng bán trong hệ thống các cửa hàng Made in VietNam thì chỉ có 3 loại. Hàng 5% là hàng do hãng sản xuất nhưng bị lỗi, được cắt mác bán tại Việt Nam. Loại hàng thứ 2 là hàng công ty đứng ra mua vải của hãng, xin bản quyền của hãng và bán. Loại hàng thứ 3 là hàng nhái, may tại Việt Nam và nhái các kiểu dáng đang thịnh hành. Trong các cửa hàng Made in VietNam, nếu nói về chuyện có hàng Trung Quốc trà trộn vào hay không thì phải nói rằng là có”.
“Hô biến” hàng ngoại thành hàng nội?
Tại cửa hàng in nhãn mác số 19 Hàng Bồ - con phố chuyên bán các loại nhãn mác và chuyên làm nhãn mác theo đơn đặt hàng - khách hàng có thể mua bất kỳ loại nhãn mác nào, trong đó, theo lời chủ chủ cửa hàng thì nhãn mác Made in Vietnam bán rất chạy.
Riêng với nhãn mác in dòng chữ Made in Vietnam được chia làm 2 loại: 1 loại giấy (thường dùng cho đồ rẻ tiền) và 1 loại vải. Trong loại vải thì có 2 loại: Loại vải có chữ Made in Vietnam (đúng như kiểu chữ viết trên bảng Made in Vietnam của các cửa hàng bán ở trên phố ) được dùng để gắn cho các loại hàng hóa chất lượng tốt, giá cao. Loại chuyên may vào hàng “rởm” của Trung Quốc là in chữ hoa MADE IN VIETNAM.
Các cột vải may nhãn mác chất cao trong các cửa hàng in nhãn mác trên phố Hàng Bồ. Nhân viên của các cửa hàng này cho biết sẵn sàng nhận in nhãn mác số lượng lớn cho các cửa hàng, công ty, nhất là vào các thời điểm giao mùa, chuẩn bị có hàng đón mùa mới. Trong tất cả các loại nhãn, nhãn Made in Vietnam bán rất đắt hàng. |
Chỉ với khoảng 50.000 đồng, khách hàng đã có thể sở hữu 1000 nhãn mác MADE IN VIETNAM loại thông thường. Khi gắn các nhãn mác này vào quần áo, người tiêu dùng khó có thể kiểm chứng nguồn gốc hàng hóa này từ đâu mà ra và cứ yên tâm rằng mình đang dùng hàng nội chính hiệu!
Còn với các loại mác đặt theo kiểu dáng, mẫu mã riêng thì các cửa hàng in nhãn mác vẫn sẵn sàng có mẫu in sẵn, có mẫu vẽ ( do đã in nhiều lần ) để bán với giá dao động từ 3.000đ đến 4.000đ một mác.
Để có thể “hô biến” hàng nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc) thành hàng Made in Vietnam phải trải qua công đoạn gia công nhãn mác. Các phóng viên VietNamNet đã liên hệ được với nhiều công ty may mặc nhận gia công nhãn mác nằm rải rác ở các vùng ven đô, thậm chí không thiếu các xưởng may tư nhân cũng nhận làm công việc này.
Anh H., Trưởng bộ phận sản xuất của Công ty TNHH Công nghệ ứng dụng A.V cho biết: “Quần áo được yêu cầu gia công nhãn mác thường là có xuất xứ Trung Quốc, Campuchia”.
Theo anh này, nhu cầu cần gia công nhãn mác hiện nay rất lớn. Nhãn mác được thay thế phổ biến là nhãn Made in Vietnam.
Hình thức khá phổ biến hiện nay là các công ty này chủ động hoàn tất mọi công đoạn thay nhãn mác rồi đổ thẳng hàng vào các cửa hàng Made in Vietnam. Cách làm này vừa đóng vai trò là một kênh phân phối cho các công ty và cửa hàng tư nhân, vừa giúp các cửa hiệu Made in Vietnam cắt giảm được công đoạn gia công để họ tập trung vào kinh doanh và thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, nếu gia công nhãn mác ở các công ty này, có điều bất lợi là có thể sẽ có đoàn thanh tra, kiểm tra và có thể bị phạt vì gian lận thương mại. Do đó, bên cạnh các công ty có thể nhận làm lô hàng lớn trong thời kỳ cao điểm, các công ty thường hay chia nhỏ lô hàng ra và gửi nhiều xưởng may gia công tư nhân nhỏ lẻ gần Hà Nội để tránh việc bị phát hiện.
Xưởng gia công nhãn mác N.T của anh N., chị T. (huyện Thường Tín, Hà Nội). Anh N., chủ xưởng cho biết anh sẵn sàng nhận gia công nhãn mác Made in Vietnam vào các loại quần áo theo yêu cầu của khách hàng với giá thành trung bình từ 3 đến 4 ngàn đồng/sản phẩm. |
Khu vực có nhiều xưởng may gia công quần áo tư nhân rải rác ở Thường Tín, Vân Đình (Hà Tây cũ). Tại xưởng may tư nhân N.T tại huyện Thường Tín, trong vai những người cần gia công nhãn mác Made in Vietnam lên quần áo, chủ xưởng may này đồng ý nhận làm bởi đây đã là công việc quen thuộc của xưởng.
Giá mỗi sản phẩm cần gia công nhãn mác trung bình là 3.000 – 4.000 đồng. Tuy nhiên, theo chị H., Giám đốc Công ty may mặc T.M (Cổ Nhuế, Từ Liêm, HN) thì hiện đang có xu thế là các công ty hoặc những đầu mối buôn bán quần áo đã quen thuộc với các chợ quần áo tại Quảng Châu có thể gửi nhãn mác sang để may trực tiếp vào lô hàng đã được chọn mẫu sẵn.
“Cách làm này tiết kiệm chi phí, nhanh, chất lượng nhãn mác và quần áo cũng đẹp hơn vì không phải tháo ra tháo vào. Nếu có bị thanh tra, kiểm tra thì các công ty cũng có thể nói họ thuê bên Trung Quốc gia công giúp, bởi nhân công bên Trung Quốc rẻ hơn Việt Nam, dù thực chất là không phải như thế”, chị H. cho biết.
“Đã phát hiện hàng ngoại rởm trà trộn vào cửa hàng bán hàng nội”
Đứng ở góc độ người tiêu dùng trong thời điểm này, ông Hoàng Đại Nghĩa, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (đội chuyên chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ), thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội cho rằng người Việt nên dùng hàng nội, để tránh việc người bán đưa ra nhiều lý giải khác nhau về nguồn gốc khiến thông tin bị nhiễu.
Người tiêu dùng Việt đang có xu hướng quay trở lại với hàng nội chất lượng tốt, đảm bảo nguồn gốc, giá thành hợp lý. Nắm được tâm lý này, nhiều nơi đăng ký và quảng cáo bán hàng nội "xịn" đã trà trộn hàng rởm vào. Sự việc này đã được đơn vị quản lý thị trường xác nhận. |
Mặt khác, ông Nghĩa cũng cho rằng nếu dùng hàng nội, thì vừa dễ cho người dân lẫn cả cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xác định giả - thật. Còn các loại hàng xa xỉ của các thương hiệu lớn trên thế giới dành được cảm tình của một bộ phận nhỏ những người dân có thu nhập cao, kiến thức và trình độ tốt thì họ phân biệt tốt, tránh việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng với giá như giá của hàng thật.
Tuy nhiên, điều làm ông Nghĩa băn khoăn nhất là làm sao bảo vệ và thực hiện được chủ trương khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
“Đây không phải chuyện dễ dàng, có thể làm một sớm một chiều. Chúng tôi đã phát hiện có hiện tượng hàng ngoại rởm được đưa vào các cửa hàng bán hàng nội để bán, lừa người tiêu dùng. Ngoài vấn đề thuế còn là vấn đề tâm lý và lòng tin của người tiêu dùng”, ông Nghĩa khẳng định.
- Nhóm PV Điều tra
(Còn nữa)