221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1284260
Cả nước dõi theo việc xử lý khoáng sản ở Cao Bằng
1
Photo
null
Cả nước dõi theo việc xử lý khoáng sản ở Cao Bằng
,

- Ngay sau khi VietNamNet đăng loạt bài về tình hình khai thác khoáng sản và xuất lậu quặng thô ở Cao Bằng qua biên giới, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã có công văn yêu cầu dừng cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác tài nguyên để kiểm tra, xử lí và có báo cáo trước ngày 10/6/2010.

Báo VietNamNet nhận được hàng ngàn ý kiến đóng góp của độc giả khắp cả nước bày tỏ bức xúc trước thực trạng trên và hoan nghênh những chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ Cao Bằng để bảo vệ nguồn tài sản vô giá của đất nước.

Bài 1: Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Bài 2: Xâm nhập chợ quặng lậu vùng biên
Bài 3: Những vùng đất chết khi chưa kịp... "sống"
Bài 4: "Tùng xẻo" cả đất nông nghiệp để đào vàng
Bài 5: Tiết lộ động trời chuyện "chạy" dự án ở Cao Bằng
Bài 6: Quyết tâm "xẻ thịt" cả "Đà Lạt của vùng Đông Bắc"
Bài 7: Xin được "chỉ mặt", "ăn tát" để đào bới lòng đất?
Bài 8: Tối hậu thư để khai sinh thêm một "vùng đất chết"

Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày
Clip 3: Đi qua những "vùng đất chết" miệt biên viễn

Hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước đang bị khai thác quá mức để bán rẻ cho nước ngoài đã gây nên những nuối tiếc, xót xa cho những người con dân nước Việt vốn yêu mến mảnh đất ngàn đời của ông cha, nhất là những người con Cao Bằng, nơi quê hương chôn rau cắt rốn của họ đang bị đào xới từng ngày.

Độc giả ở địa chỉ email: caotungpro@gmail.com chia sẻ tình cảm của anh về mảnh đất quê hương Cao Bằng trong xanh, thơ mộng nay đang bị tàn phá, tiếc nuối lắm thay:

Tôi sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng, tôi cũng đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, để thấy rằng thiên nhiên đã ưu ái rất nhiều cho Cao Bằng. Những con đường uốn lượn qua những dãy núi trùng điệp, cây xanh xung quanh tươi mát. Tiếc rằng các dự án khai thác khoáng sản đang hàng ngày phá đi cảnh quan ấy.

Bạn có thể tưởng tượng trong một ngày các đơn vị khai thác có thể phạt vài quả đồi hay một góc của cánh rừng. Tại sao tỉnh Cao Bằng lại thực hiện chính sách tận thu khoáng sản triệt hạ tài nguyên thiên nhiên như vậy. Phải tiêu xài tất cả những gì tổ tiên để lại, không dành chút gì cho con cháu hay sao?

Còn anh Bùi Nguyên Đức, email: buiduc_1974@yahoo.com, người đã từng làm việc trong các hầm khai thác quặng thì cung cấp thêm thông tin cho VietNamNet về tình hình “chảy máu tài nguyên” đang diễn ra tại địa phương nơi anh sinh sống:

“Tôi đã từng làm việc ở trong mỏ quặng man-gan huyện Trà Lĩnh, xã Quang Hán, thôn Khau Phải và bản Mặc. Mời các phóng viên cứ vào thôn Khau Phai mà xem, thực tế hiện nay các đoàn ngựa thồ quặng đi sang Trung Quốc bán hàng ngày, ban ngày chứ không phải đêm. Tôi thống kê một ngày có khoảng gần một trăm con ngựa thồ quặng mangan sang Trung Quốc bán. Nếu các phóng viên ở cả tối để xem thì ngựa thồ quặng sang Trung Quốc bán, rồi lại thồ lá thuốc lá về (tất nhiên là nhập lậu).

Ở bản Mặc, dân lên khai thác quặng man-gan trái phép ở khu đất mỏ của doanh nghiệp, có cả mìn và máy nén khí để khoan. Công an xã cũng không hay biết dân nổ mìn lấy quặng. Mìn ở đâu ra? Xin thưa là mìn ở Trung Quốc về. Quặng đi thì mìn lại về. Khi có tổ công tác của huyện vào làm việc thì dường như họ đã biết trước, máy nén khí được chôn vùi, tạm phủ cây cỏ lên che đậy, miệng giếng cửa hầm cũng được che đậy tạm và vùi đất lên, tổ công tác đi rồi thì đâu lại vào đấy.

Hiện tượng ngựa thồ quặng đi Trung Quốc cho đến ngày 12/5/2010 vẫn còn nguyên. Mong các phóng viên vào cuộc để cho nguồn tài nguyên của đất nước không bị lãng phí. Nhà nước cấm xuất khẩu quặng thô, doanh nghiệp khai thác thì phải nộp thuế tài nguyên nhưng không khai thác được trên chính phần mỏ của mình vì dân cản trở. Mời các bạn phóng viên cứ vào bản Mặc và xóm Khau Phai xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh thì sẽ rõ”.

Mô tả ảnh.

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Cao Bằng, những vấn đề nhức nhối trong hoạt động cấp phép, khai thác và vận chuyển quặng thô trái phép tại địa bàn tỉnh Cao Bằng sẽ phải được kiểm tra và báo cáo Tỉnh ủy chậm nhất trước ngày 10/6.

Bạn đọc Nông Ngọc Chiến, một người dân ở Cao Bằng cũng thông tin thêm cho biết:

“Tôi là một người dân ở Cao Bằng, rất quan tâm đến các bài viết của nhóm phóng viên điều tra. Cao Bằng là một nơi rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là quặng mangan, gần như ở huyện nào cũng có. Quặng thì nhiều, nhưng để vận chuyển xuống Thái Nguyên để luyện thép là 1 điều rất khó khăn do đường sá, và phương tiện giao thông không thuận tiện. Bên cạnh đó, ngay bên biên giới Trung Quốc họ có các nhà máy luyện mangan, giá thành thu mua cao nên người dân tự đào quặng để bán sang Trung Quốc.

Mấy năm gần đây một số nhà máy chế biến mangan tư nhân mọc lên ồ ạt tại các địa bàn trong tỉnh nhưng không ngờ lại xảy ra những chuyện như nhóm phóng viên điều tra đã nêu. Vậy là một trong ít người người dân được đọc phóng sự này tôi rất ủng hộ việc điều tra đưa ra ánh sáng những việc "chạy" dự án như trên, và đề nghị cơ quan có chức năng suy xét quan tâm để Cao Bằng có thể phát triển lành mạnh hơn”.

Bạn Trần Hải, cũng là một người con Cao Bằng bày tỏ tiếc nuối về một Cao Bằng tươi xanh nay đang bị tàn phá kiệt quệ:

“Tôi là người con Cao Bằng, đã sống và làm việc tại các huyện có các điểm khai thác tài nguyên ở trên, việc khai thác trái phép đã diễn ra rât lâu, các bạn phóng viên ngoài huyện Nguyên Bình, hãy đến với các điểm khai thác quặng, vàng ở huyện Bảo Lâm, tình trạng diễn ra còn hơn cả miền tây nước Mỹ những thế kỷ trước.

Tất cả việc khai thác trên người dân đâu có được hưởng lợi gì chứ? Giờ đây con sông Bằng Giang nước trong xanh như ngọc đã được thay bằng "con sông chết", còn môi trường xung quanh thị xã Cao Bằng những ngày đẹp trời, quang mây thì "tầm nhìn xa" không được 5km. Câu ca "Cao Bằng gạo trăng nước trong, ai lên đến đó đừng mong ngày về" đã là dĩ vãng rồi.

Tôi nghĩ để cứu màu xanh cho quê hương, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá cho con em Cao Bằng mai sau thì ngay bây giờ Chính phủ có ý kiến chỉ đạo dừng ngay việc khai thác tài nguyên một cách tràn lan ở tỉnh Cao Bằng. Cảm ơn nhóm phóng viên và mong các bạn hãy đến với huyện Bảo Lâm, việc khai thác quặng, vàng đang diễn ra ngang nhiên không kém ở Nguyên Bình”.

Bạn đọc ở địa chỉ email: dinhck3403@yahoo.com thì lo lắng cho tương lai con cháu sẽ nghèo đói, đất nước rơi vào lạc hậu khi nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt:

“Việc xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản không làm cho người dân Việt Nam giàu lên mà chỉ làm cho các chủ mỏ giàu mà thôi. Muốn cho dân giàu, nước mạnh thì phải chế biến tài nguyên khoáng sản. Việc xuất khẩu này chỉ làm cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường, để lại đói nghèo cho thế hệ mai sau mà thôi”.

Và lo sợ cho sự phát triển không bền vững của đất nước nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn:

“Nhà nước cần có những giải pháp giáo dục và bảo vệ đất canh tác. Người ta nói “có thực mới vực được đạo”, nước Việt Nam thì nhỏ, mang đi khai thác khoáng sản hết, không còn đất để trồng trọt, lúc đó kinh tế không bền vững được”. (thuyduong_marketing@yahoo.com )

Cùng với tâm trạng đau đớn, xót xa khi tài nguyên đất nước bị xâm hại, bạn nguyen.buitrung@gmail.com bức xúc:

“Thật xót xa khi tài nguyên đất nước bị khai thác một cách bừa bãi, ảnh hưởng tới sinh thái, tới cuộc sống của người đân địa phương. Đâu còn rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu nữa. Khai thác kiểu này khác gì móc ruột mình ra? Khác gì bán máu đâu?. Thật là quá lắm rồi, chỉ vì lợi ích của một số ít mà người ta đang tàn phá tài nguyên thiên nhiên thế này đây”.

Cũng với tâm trạng đau xót ấy, bạn Phương Thảo (email: vtpthao@exotissimo.com) tâm sự:

“Là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, tôi thực sự đau và xót xa cho đất rừng quê hương. Tôi thực sự buồn và xót xa khi bằng những hành động nghèo lương tri này, họ đang biến Cao Bằng thành một ổ bệnh nham nhở, méo mó và dị dạng. Tôi mong, rất mong các đơn vị có thẩm quyền qua những bài báo, những nỗ lực của phóng viên mở đường có thể khoét đi khối u này, trả Cao Bằng lại với hình ảnh đẹp như xưa…”

Những giá trị về sinh thái và cảnh quan Cao Bằng đang bị giẫm đạp cần được bảo vệ ngay là ý kiến của bạn buivanchinh1986@gmail.com:

“Là một người yêu thiên nhiên, tôi thực sự cảm thấy bức xúc về thái độ của những người đứng đầu tỉnh Cao Bằng đối với khu rừng phòng hộ Phia Oắc, Phia Đén. Những giá trị to lớn về sinh thái, môi trường của khu rừng phòng hộ Phia Oắc, Phia Đén cần phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Các cấp lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cần phải lắng nghe, tôn trọng lợi ích của nhân dân, phải tìm cách ngăn chặn ngay lập tức những hành động phá hủy rừng phòng hộ mà chính mình đã vô tình hay cố ý tiếp tay. "Nếu chúng ta bắn vào môi trường bằng một phát đạn thì tương lai con cháu chúng ta sẽ lãnh đủ cả một phát đại bác".

Ngay khi Tỉnh uỷ Cao Bằng có chỉ thị cho các cơ quan chức năng của tỉnh ngừng cấp phép khai thác khoáng sản, có báo cáo xử lí trước ngày 10/6/2010, nhiều độc giả đã gửi thư về VietNamNet bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ.

Một bạn trẻ làm hướng dẫn viên du lịch ở địa chỉ email: nguyenhung10277@yahoo.com đã gửi thư về tòa soạn VietNamNet thể hiện mong muốn UBND tỉnh Cao Bằng sớm có biện pháp để việc khai thác khoáng sản bừa bãi sớm chấm dứt, trả lại cảnh quan xanh tươi vốn có cho Cao Bằng:

“Tôi làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Tôi đã nhiều lần dẫn khách đi qua tỉnh Cao Bằng - nơi có rất nhiều cảnh thiên nhiên rất đẹp được du khách nước ngoài đánh giá cao. Nhưng thật đáng tiếc tôi cũng thấy rất nhiều công ty khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mĩ quan làm mất đi cảnh đẹp tự nhiên mà thiên nhiên đã trao tặng cho Cao Bằng. Tôi hy vọng UBND tỉnh Cao Bằng sẽ xem xét và đưa ra quyết định đúng đắn để cho cảnh quan, môi trường của Cao Bằng nói chung, Nguyên Bình nói riêng được bạn bè du khách trong và ngoài nước yêu thích và đánh giá cao”.

Còn độc giả Trương Hữu Thọ, email: ththo.bdu@gmail.com thì hoan nghênh ý kiến chỉ đạo rất kiên quyết của một số cán bộ Cao Bằng để cứu lấy tài nguyên đất nước:

“Hoan hô những người dân và lãnh đạo ở huyện Nguyên Bình! Nếu trên đất nước Việt Nam này nơi nào cũng có những người dân và lãnh đạo kiên quyết chống lại những kiểu mượn danh nghĩa phát triển kinh tế, xã hội để tàn phá môi trường, tước đoạt công lao khai phá bao đời của người dân nhằm mưu lợi riêng thì các kẻ tham sẽ hết đất sống”.

Nhiều bạn đọc lại ngỏ lời cảm ơn bà Mã Thị Ình, một quan chức nhưng “không ngại nói thật”:

“Xin cảm ơn bà Mã Thị Ình, bà đúng là một con người đúng nghĩa, một con người biết sống vì dân vì nước. Chúng tôi trân trọng những người biết nghĩ đến nhân dân trong phạm vi chức trách được giao phó! Cần lắm những người như chị!”

(vinh110@yahoo.com)

"Tôi rất cảm phục sự thẳng thắn của bà Chủ tịch huyện. Nhưng nhìn chung hiện nay tất cả các mỏ khoáng sản của Việt Nam đều xuất nguyên liệu thô qua Trung Quốc. Như tỉnh Phú Yên có một mỏ sắt. Ban đầu khai thác thì phương án kinh doanh sẽ cho ra sản phẩm là thép, nhưng hiện nay khai thác xong đưa sang Trung Quốc, tài nguyên quốc gia như vậy là cần thiết. Không biết các vị lãnh đạo có thấy tài nguyên chảy máu hay không hay là cách quản lý lỏng lẻo, quan liêu. Kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Chính phủ có hướng quản lý đúng không để tài nguyên thất thoát về một cá nhân nào đó.”(vinhdoandl@yahoo.com)

Bạn đọc cũng thể hiện lòng cảm ơn phóng viên VietNamNet vì lòng yêu nghề, sự quả cảm đã mang đến những thông tin trung thực, hữu ích cho độc giả, để lãnh đạo địa phương, Nhà nước sớm đưa ra những chỉ đạo cụ thể, kịp thời.

Bạn Trần Đăng Ngân, ở emai: dangnganv3@gmail.com viết:

“Thật cảm phục tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, yêu nghề, yêu Tổ quốc của nhóm phóng viên VietNamNet. Cảm ơn các anh đã cho bạn đọc những bài báo thật sự có ý nghĩa. Mới đây là chùm bài viết về nghề cá trên biển Hoàng Sa, vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc và qua đó chúng ta thật sự đau đớn và xót xa khi biển đảo thân yêu của Tổ quốc đang từng ngày bị chiếm đóng. Và bây giờ là tài nguyên của Tổ quốc đang từng ngày chảy máu sang Trung Quốc…”

Anh Đào Xuân Bái, email: Dxbai@monre.gov.vn gửi ý kiến: “Tôi cảm ơn nhóm phóng viên VietNamNet đã đăng tải loạt bài vẽ lên bức tranh tổng thể về hiện trạng khai thác tài nguyên đất nước tại tỉnh Cao Bằng. Cảm ơn bà Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình - Mã Thị Ình đã dám nói lên sự thật. Bà thực sự là một cán bộ vì dân, vì nước, là công bộc của dân. Mong bà hãy giữ vững quan điểm, lập trường. Bên cạnh bà còn có dân và hàng triệu bạn đọc ở mọi miền đất nước ủng hộ bà.

Qua bức tranh hiện trạng về khai thác khoáng sản ở Cao Bằng, tôi thấy rõ ràng ta đang đổ "thóc giống" ra để ăn và đang phá hủy môi trường sống của chính mình. Đâu còn là phát triển bền vững. Mong rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải nhanh chóng vào cuộc vì dân. Thiết nghĩ một quyết định sai lầm (không hội tụ được mọi yếu tố) sẽ là có tội với dân và thế hệ mai sau”.

Nhiều bạn đọc lại thể hiện lòng mong muốn các cơ quan chức năng sớm có những chỉ đạo kịp thời để cứu lấy nguồn tài nguyên vô giá của đất nước.

Bạn đọc mylovett2005@yahoo.com cũng bày tỏ sự cảm ơn đến VietNamNet đã đăng tải loạt bài viết hết sức có ý nghĩa cảnh tỉnh đến các cơ quan chức năng địa phương và mong muốn Chính phủ vào cuộc để giải quyết vấn đề để giữ vững lòng tin của nhân dân.

Bạn minhngoccb@gmail.com thực sự bức xúc và kính mong Chính phủ vào cuộc:

“Không chỉ Nguyên Bình sẽ dần thành đất chết! Gần như 13 huyện đều đang được các doanh nghiệp khai thác vô tội vạ. Cao Bằng sẽ ra sao khi sông Hiến, sông Bằng không còn nước chảy? Cảm ơn VietNamNet đã đột phá sự thật đau xót này. Kính mong Chính phủ hãy vào cuộc để cứu lấy mảnh đất thiêng liêng Cao Bằng, cứu lấy cội nguồn cách mạng!”

Còn bạn Đỗ Tuấn Cường, email: cdcuongcuong@gmail.com cũng mong muốn Nhà nước vào cuộc:

“Tôi thiết nghĩ Nhà nước phải vào cuộc thì mới cứu vãn được Đà Lạt vùng Đông Bắc. Ôi Việt Nam rừng vàng, biển bạc, chúng ta cứ thế mà khai thác! Tiền chỉ vào túi một số cá nhân trong khi đất tài nguyên là của nước Việt Nam cơ mà!”

Độc giả Nông Văng Hùng, một người con của Cao Bằng thì lại bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm có những chỉ thị kịp thời và xử lí nghiêm mình những người đã cố tình làm trái quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên:

“Tôi là người Cao Bằng hiểu và biết những gì đã và đang xảy ra ở Cao Bằng. Tôi rất cảm phục bà Chủ tịch huyện Nguyên Bình và UBND huyện Nguyên Bình đã đứng ra bảo vệ dân. Tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của một số quan chức tỉnh Cao Bằng đã có những văn bản tiếp tay cho việc khai thác khoáng sản và tàn phá môi trường ở tỉnh nhà”.

Theo bạn đọc Xuân Cần, email: Congly63@yahoo.com thì đè nghị Đảng và Nhà nước cần có những biện pháp quản lý sát sao hơn nữa đến việc bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững đất nước:

“Hoan nghênh loạt phóng sự đã phản ánh đúng những bức xúc trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản không chỉ ở một địa phương mà còn trên cả lãnh thổ nước ta. Đảng, Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo thống nhất việc cấp phép trong lĩnh vực này để đảm bảo quyền lợi quốc gia phục vụ cộng đồng hiện tại và tương lai. Chúng tôi tin tưởng sẽ có sự đánh giá, nghiên cứu, chỉ đạo kịp thời và nghiêm túc của Đảng và Nhà nước. Công cuộc đổi mới đất nước đã thu được rất nhiều thành tựu, theo tôi quan trọng nhất là chúng ta đã đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, vì vậy nếu không có quyết sách để giữ đất nông nghiệp thử hỏi bao nhiêu năm nữa con cháu chúng ta sẽ làm thế nào để làm đủ cái ăn?”

Anh Nguyễn Lương Đăng, email: Nguyenluongdang@yahoo.vn thì lại mong muốn nhờ VietNamNet chuyển ý kiến của anh cũng như những độc giả khác vào nghị trường Quốc hội:

“Phải nhìn thẳng vào thực tế từ chính sách đúng đắn của Đảng ta để quyết và làm những gì dân đang cần chính đáng (đơn cử như khoán 10); không nên làm những gì các "chuyên gia" ngồi một chỗ nghĩ ra viết thành văn bản, nghị quyết v.v... có như vậy mới hợp lòng dân và nước ta mới thực sự phát triển! Lâu nay nhiều việc làm thiếu phản biện, và rất thiếu thực tế nên dân phải gánh chịu, thật buồn! Vì điều kiện và môi trường hiện nay là hoà bình rồi, không có lý do gì lại làm những việc trái lòng dân, không hợp với mục tiêu của Đảng. Xin toà soạn chuyển nguyện vọng của dân tới nghị trường Quốc hội đang họp. Xin cảm ơn!”

Nhiều bạn đọc khác lại mong muốn chính quyền, các cơ quan chức năng trước khi đưa ra quyết sách, hãy tham khảo ý kiến của dân, đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết.

Bạn Nguyễn Tuấn Khanh, email: chuonchuon_tiennu_135@yahoo.com bày tỏ:

“Sau khi tôi đọc các bài phóng sự này của VietNamNet, tôi thấy các phóng sự điều tra đều đúng sự thật về lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng - Sở Tài nguyên Môi trường cấp chồng chéo các giấy phép khai thác về tài nguyên và khoáng sản. Có thể có chuyện "chạy" dự án thì mới có sự việc trên. Tôi mong Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo giải quyết dứt điểm sự việc. Mong chính quyền các cấp trước khi ra quyết định hãy lắng nghe những mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân. Hãy đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”.

Bạn Bùi Thanh Minh, email: btminhxy2006@yahoo.com.vn lại đưa ra ý kiến phát triển kinh tế xã hội Cao Bằng bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà không phải đào khoáng sản đi bán. Bởi Cao Bằng là địa phương được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh quan lí tưởng, có thể phát triển rất tốt ngành dịch vụ không khói: du lịch, vừa đảm bảo cho môi sinh, vừa phát triển bền vững:

“Tôi thấy đã có nhiều dự án vì "mê" cái lợi trước mắt mà để lại hậu quả lâu dài cho thế hệ mai sau. Tôi chưa từng đặt chân lên Cao Bằng, chưa đặt chân lên Phia Oắc, nhưng theo những hình chụp cho thấy nơi này là khu lý tưởng dành cho du lịch. Với khí hậu ôn đới mát mẻ, sẽ thu hút rất nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, giải trí... Chúng ta phải biết khai thác lợi thế của ngành công nghiệp không khói này, miễn sao ta quản lý hiệu quả thì "cái lợi" mang lại cho huyện, tỉnh nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn.

Tôi đã được thử cảm giác mát mẻ, dễ chịu, cái se se lạnh, cảm giác lâng lâng với không khí mát mẻ, không cần phải quạt, không cần máy lạnh như ở vùng đồng bằng. Lợi thế về vẻ đẹp rừng thông, không khí mát mẻ, khoáng đãng là rất lớn. Nếu vì cái lợi trước mắt, UBND tỉnh cấp phép cho các công ty khai khoáng (dẫu tư nhân hay nhà nước) thì sẽ là một sai lầm rất lớn.

Thử hình dung sau khi công ty khai khoáng đã "khoắng" sạch tài nguyên rồi thì Phia Oắc còn lại những gì? Trơ trọi đá và ô nhiễm môi trường. Cuộc sống của cư dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kinh tế du lịch vĩnh viễn mất (nếu phục hồi cũng phải mất hàng thế kỷ). Như vậy, cái lợi và cái hại cần phải tính toán lại. Nếu không thì chúng ta sẽ bỏ con tôm mà bắt con tép bệnh.

Cộng đồng, những người có trách nhiệm, lương tâm và quan tâm đến thế hệ mai sau, quan tâm đến phát triển bền vững của đất nước nên ngăn chặn những quyết định sai lầm, những quyết định làm suy kiệt đất nước. Bởi vì công nghệ của ta chưa đủ "mạnh" để sản xuất những sản phẩm tận dụng được tài nguyên, mà chỉ là xuất thô. Như vậy khi công nghệ thế giới, công nghệ trong nước phát triển thì lúc đó ta sẽ tiếc nuối cho những "khoáng vật đã một đi không trở lại". Khi ta xuất khẩu thô thì giá rẻ mạt, chỉ bằng 1/10 giá xuất khẩu sản phẩm trí tuệ. Tài nguyên thiên nhiên là vô giá, hàng trăm ngàn, hàng triệu năm mới có được. Nếu chúng ta nóng vội thì hậu quả sẽ thật khôn lường”.

Đó là một số trong hàng ngàn ý kiến của độc giả gửi về báo VietNamNet mà chúng tôi đưa lên để góp một tiếng nói của những người con đất Việt đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc cũng như những người con đất Cao Bằng. Mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng cũng như Trung ương sớm đưa ra những giải pháp kịp thời để bảo vệ tài nguyên và môi trường, có những biện pháp xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,