– Chưa cần phải đi đâu xa, đến các vùng nông thôn khó khăn hay vùng sâu vùng xa thì ngay giữa lòng Hà Nội cũng có những bác sỹ khẳng định chỉ sống vỏn vẹn bằng đồng lương ít ỏi và phúc lợi không đáng là bao.
Họ là những người làm công tác y tế dự phòng hoặc làm việc tại khoa chống nhiễm khuẩn của các bệnh viện. Thậm chí, có người công tác tại trạm y tế phường, trung tâm y tế quận rơi vào tình trạng “không có cách nào xoay sở để tăng thu nhập”, giữa bối cảnh mọi sinh hoạt phí ở thành phố đều tăng vù vù.
>>Choáng với bảng lương của bác sỹ, y tá
>>Tâm sự của một bác sĩ chỉ sống bằng ... lương
>>Bác sỹ làm giàu: Thức thời hay cơ hội?
Không có cơ hội làm thêm
Ông Nguyễn Văn Thọ hiện đang là Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Hà Đông (Thành phố Hà Nội). Sau bao nhiêu năm làm bác sỹ rồi lên làm quản lý, hiện bậc lương của ông Thọ là 5,76. Cộng với phụ cấp chức vụ, ưu đãi nghề (2%), …, tổng một tháng thu nhập của ông Thọ cũng ngót nghét 6 triệu đồng.
Theo chia sẻ của ông thì mức thu nhập này đã được cải thiện nhiều rồi (so với trước đây). Tuy rằng mức này không thể so sánh với các bác sỹ điều trị làm việc ở bệnh viện vì họ có phòng mạch, có nhiều khoản khác nhưng ông Thọ cho rằng: “Lương công chức thấp chung rồi, không kêu ca nhiều làm gì cả, nhiệm vụ phải làm thì cứ làm thôi”.
Làm công tác y tế dự phòng (chống dịch) hay bác sỹ làm tại các trạm y tế phường/xã, trung tâm y tế quận, huyện ngay tại Hà Nội cũng không có thêm thu nhập gì (Ảnh: Internet) |
Đối với công tác y tế dự phòng, nếu có dịch (sốt xuất huyết, cúm A/H1N1 như năm 2009) thì công việc khá vất vả, chạy suốt ngày. Nhưng nếu không có dịch thì cũng không đến nỗi nào.
Song điều khó khăn nhất đối với người làm trong ngành y tế dự phòng là cơ hội làm thêm (tận dụng chính chuyên môn của mình) để tăng thu nhập là rất khó, gần như bằng không.
Với những việc như phun thuốc diệt khuẩn, làm sạch môi trường, tiêm chủng, vv… thì hầu như không có nhu cầu dịch vụ từ phía người dân. Nếu có cũng không đáp ứng được vì nhận lực hạn chế. Còn nếu vẫn đáp ứng thì tiền công thu lại cũng chẳng đáng là bao nhiêu.
Ông Thọ cho biết có thể chỉ có các Trung tâm Y tế dự phòng lớn (như Hà Nội hoặc TP HCM) mới có dịch vụ tiêm chủng (như dịch vụ tiêm vắc-xin 5 trong 1 chẳng hạn). Ngoài ra, các dịch vụ khác cũng không thể “trăm hoa đua sắc” được như bên khám chữa bệnh, điều trị, thuốc thang…
Thu nhập bình quân của cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng quận Hà Đông là từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Nhưng cũng có không ít cán bộ trẻ mới vào làm, lương chỉ trên 1 triệu đồng/tháng.
Không công tác trong ngành y tế dự phòng như ông Thọ mà trực tiếp khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân nhưng bác sỹ D (đề nghị được giấu tên vì không muốn bị hiểu nhầm là lên báo chí để kể nghèo kể khổ - PV), hiện công tác tại Trung tâm Y tế Long Biên (Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự.
Có một thực trạng là các trạm y tế xã/phường, các Trung tâm Y tế quận/huyện hiện nay ở Việt Nam dù đã được nâng cấp, cải thiện nhiều (theo nhận định của Bộ Y tế) nhưng cơ sở vật chất vẫn quá nghèo nàn, trình độ bác sỹ, y tá thấp (thậm chí có nơi trạm y tế xã còn chưa có bác sỹ), dịch vụ không đa dạng, không hấp dẫn và không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân. Vì thế, những nơi này thường xuyên rơi vào tình trạng “ế ẩm” trầm trọng.
Điều đó đã kéo theo rất nhiều buồn phiền cho các bác sỹ công tác tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế quận/huyện, bởi không có bệnh nhân đồng nghĩa với việc không có thu nhập.
Đi làm đã 5 năm nhưng lương cũng chỉ ở mức trên 2 triệu đồng/tháng. Lại thêm bệnh nhân ít, dịch vụ ít nên phúc lợi không đáng là bao. Cộng tất cả các khoản (trực, ưu đãi, …) vào thì mỗi tháng thu nhập của bác sỹ này cũng chỉ trên 2 triệu.
“Mọi người cứ nghĩ làm bác sỹ, ngoài giờ làm tại cơ quan thì có thể làm thêm ở phòng mạch rất dễ dàng. Vì đúng là ở Hà Nội phòng mạch nhan nhản. Nhưng không phải ai cũng được như vậy. Phòng mạch muốn đông khách và đảm bảo chất lượng phải có bác sỹ tay nghề cứng trở lên, hoặc phải có quan hệ thân quen mới có cơ hội thử sức. Chúng tôi ở đây quanh năm làm những việc “lặt vặt”, chữa ba bệnh ho ốm làng nhàng, chuyên môn mai một nhiều. Như vậy thì tay nghề thấm vào đâu mà đợi được họ mời? Nếu họ không mời mà mình tự tìm đến cũng khó có thể làm được”, vị bác sỹ chia sẻ.
Áp lực nhân đôi
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Viết Hùng đã công tác tại Bệnh viện Bạch Mai được 25 năm và hiện là Trưởng khoa chống nhiễm khuẩn. Với bậc lương trên 6, cộng phụ cấp chức vụ, tiền độc hại, phần tăng thu (500 ngàn đồng/tháng), tổng thu nhập một tháng từ bệnh viện, bác sỹ Hùng nhận được khoảng trên 5 triệu.
Khoa chống nhiễm khuẩn của bệnh viện Bạch Mai có khoảng 60 người (có biên chế). Trong đó có không ít điều dưỡng ra trường đã vài năm, lương được 1,5 triệu. Thêm phụ cấp độc hại (6.000 đồng/ngày công), tiền trực (300 ngàn/tháng) thì tổng thu nhập của đối tượng này là xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt các hộ lý tổng thu nhập chỉ được khoảng trên 1 triệu/tháng. Có hộ lý làm việc tại bệnh viện này từ khi mới ra trường, đến giờ đã sắp về hưu mà thu nhập vẫn chỉ khoảng 3 triệu/tháng. Đây cũng là thu nhập trung bình của các bác sỹ trong khoa.
Do đặc thù công việc, bác sỹ, điều dưỡng làm ở các chuyên ngành không "hot" như chống nhiễm khuẩn cũng đều không có cửa tăng thu (Ảnh chụp tại BV Bạch Mai - C.Q) |
Năm 2009, thực hiện chủ trương khoán đồ vải từ bệnh viện, thu nhập mỗi người trong khoa chống nhiễm khuẩn tăng thêm khoảng 1 triệu/tháng. Ở vị trí của mình, ông Hùng có thêm một nguồn thu (ông Hùng cho là không đáng kể) là làm nghiên cứu khoa học và triển khai công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho các nơi có nhu cầu.
Điều khó khăn nhất là những bác sỹ, điều dưỡng trong khoa này không thể làm thêm ở bất cứ đâu (phòng mạch, bệnh viện tư) để tăng thu như những người làm công tác điều trị hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Lý do là vì chuyên môn về chống nhiễm khuẩn chỉ làm được trong các bệnh viện mà thôi.
“Có người vào làm ở đây 20-30 năm rồi nhưng thu nhập chỉ đủ để đảm bảo những điều kiện sống tối thiểu như cho con ăn, học. Đó là họ còn không phải thuê nhà. Muốn cho con cái hưởng các dịch vụ tốt về giáo dục, vui chơi cũng không phải dễ”, ông Hùng nói.
Về việc có bác sỹ làm về chống nhiễm khuẩn nhưng vẫn làm thêm được, ông Hùng cho rằng việc này có thể có nhưng rất hiếm: “Công việc ở vị trí nào trong bệnh viện cũng nhiều vì bệnh viện luôn quá tải. Làm chống nhiễm khuẩn rồi thời gian đâu mà đọc sách, mà cập nhật thuốc, phương pháp điều trị. Vì thế, dù trước đây tôi cũng làm bác sỹ nhưng giờ không dám đi khám”.
Áp lực đối với những bác sỹ không có nguồn thu thêm nào nhưng lại sống giữa Hà Nội, theo ông Hùng, là nhân đôi so với những người công tác tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
“Thời gian công tác và ngạch bậc tính ngang nhau nhưng phải nói chi phí sinh hoạt ở nông thôn thấp hơn nhiều so với thành phố. Lương bác sỹ tỉnh lẻ thấp (bằng chúng tôi) nhưng họ còn dễ sống hơn người làm ở thành phố như Hà Nội”, ông Hùng nhận định.
Bản thân ông cũng chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình: “Cách đây vài năm, bỗng dưng tôi giật mình khi nghĩ nếu bây giờ bố mẹ, vợ con (ông Hùng chỉ có 1 cậu con trai - PV) và bản thân tôi chẳng may ốm đau thì lấy gì để chạy chữa? Vì thu nhập chỉ đủ chi tiêu, không có tí tích lũy nào”.
Với thu nhập của mình, ông Hùng cho biết chỉ đủ lo cho cá nhân. Mọi chuyện khác đều do gia đình và vợ đảm nhận (vợ ông làm trong ngành Dược - PV).
“Nói bác sỹ có thu nhập mấy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu một tháng không sai nhưng số đó là không phổ biến. Đó là chỉ các bác sỹ ở bệnh viện lớn, có tên tuổi, làm ở các ngành “hot” như sản, ngoại khoa, …”, ông Hùng nhận định.
Về chuyện y tá nhận tiền “bồi dưỡng” và bác sỹ “không có tiếng” nhận “hoa hồng” từ hãng dược cũng như “phong bì” của bệnh nhân, ông Hùng nói ông đảm bảo chuyện này là có thật nhưng số lượng không nhiều và đại đa số cán bộ y tế đều có thu nhập rất thấp (như ở khoa ông).
“Người trong ngành y cảm thấy đau lòng”
Các bài viết trên VietNamNet đã phân tích khá đầy đủ, tôi chỉ xin tóm tắt: Thu nhập của nhiều bác sĩ hiện nay rất cao nhờ làm tư: mở phòng mạch, mổ ngoài bệnh viện tư, mổ ngoài giờ…. (đó là lao động chân chính có thể chấp nhận), hoặc nhờ phong bao, phong bì (có thể do tự nguyện của bệnh nhân hay bắt chẹt người bệnh, hoặc hành nghề không theo chính đạo, trục lợi trên sức khỏe người bệnh thiếu hiểu biết… là hậu quả của nhất thế y tam thế suy)
Tuy nhiên, hiện dư luận xã hội chỉ mới nhìn thấy “điểm” mà chưa thấy ”diện”. Số bác sĩ ở các thành phố lớn có thu nhập cao, “nhà lầu, xe hơi” chỉ là thiểu số trong cả nước so với các bác sĩ ở tuyến quận, huyện, xã, phường hay các y tá, điều duỡng, y công…. Điều này tôi hoàn toàn nhất trí với bác sĩ Huỳnh Quốc Hiếu ở Quảng Nam.
Sự đòi hỏi về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp đối với ngành y là rất cao, nhưng đồng lương mà những người theo ngành này đang được hưởng thì lại thực sự là không đủ sống. Chính sự bất hợp lý đó đã dẫn tới sự xuống cấp về y đức, y đạo khiến xã hội lên án và rất nhiều người trong ngành y cũng cảm thấy đau lòng.
Nhưng nếu chỉ phê phán những bác sĩ “sống không nhờ lương” mà không mổ xẻ và cải tổ đến cùng cái cơ chế tồn tại lâu nay đã dẫn tới: hoặc là phải chụp giựt để sống, để nuôi vợ con, hoặc là lợi dụng để trục lợi ở một số người trong ngành y, thiết nghĩ cũng chỉ mới là phiến diện!
B.s Lê Quang Thông (Bệnh viện Đà Nẵng) |
- Cẩm Quyên