– Mọi người nói giáo viên dạy qua loa trên lớp để kéo học sinh về lớp học thêm thì oan cho giáo viên quá. Tôi cũng là một giáo viên THPT, tôi biết chỉ có những người không phải trong ngành mới nói như vậy (Bạn đọc dep136@yahoo....)
Sau khi đăng bài viết “Thu nhập “siêu khủng” của giáo viên thành thị”, VietNamNet đã nhận được rất nhiều phản hồi, trong đó có nhiều người là phụ huynh, là học sinh – những đối tượng đã hiểu quá rõ về thực chất của việc dạy thêm, học thêm và thu nhập của giáo viên.
Có hay không chuyện dạy cầm chừng trên lớp?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng việc dạy thêm không có gì là xấu. Đây là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này. Việc ép buộc học sinh học thêm cũng có thể có nhưng vô cùng hiếm. Phần lớn những giáo viên có đông học sinh theo học là những người có chuyên môn vững vàng, do đó họ chỉ có gạt bỏ bớt học sinh cho đỡ đông chứ không cần ép buộc.
Nhưng tôi cũng phản đối ý kiến cho rằng giáo viên day trên lớp hời hợt để dành cho dạy thêm. Bởi vì thực tế mỗi tiết học trên lớp chỉ 45 phút trong khi phải làm bao nhiêu việc khác như: ổn định tổ chức (1->3 phút), kiểm tra bài cũ ( 10->15 phút) , rồi giảng bài mới theo quy định chương trình, củng cố, dặn dò, hướng dẫn về nhà...nên cùng lắm là hoàn thành quy trình 1 tiết học, đâu có thể nâng cao, mở rộng thêm kiến thức cho học sinh được?
Ngoài ra, theo tôi học sinh phải đi học thêm nhiều chính là xuất phát từ lý do thi cử. Vì kiến thức học trong SGK rất đơn giản nhưng khi thi lại đòi hỏi phải có kiến thức rất sâu và rộng , mà điều này hoàn toàn không có trong chương trình! (Tôi cũng không biết các nước khác có như chúng ta không). (Bạn đọc Minh Xuân).
"Mọi người nói giáo viên dạy qua loa trên lớp để kéo học sinh về lớp học thêm thì oan cho giáo viên quá" |
Bạn thử nghĩ xem, nếu một người giáo viên lơ là nhiệm vụ hoặc làm qua quýt công việc tại trường học thì có học sinh nào dám tin để đến học thêm không? Nếu họ không dạy tốt và có cố gắng trong việc trau dồi chuyên môn thì có ai dám học không? (Bạn đọc Minh Anh).
Đây là những ý kiến ít ỏi trong số hàng trăm ý kiến phản hồi, cho rằng việc giáo viên dạy cầm chừng trên lớp để dạy thật ở lớp học thêm là rất hiếm. Đại đa số các ý kiến phản hồi mà VietNamNet nhận được đều đồng tình cho rằng có quá nhiều bất cập trong dạy thêm, học thêm hiện nay, nổi cộm nhất là chuyện dạy chính với dạy thêm khác nhau một trời một vực.
Con tôi đi học thêm thường xin tiền 320 đồng cho một thấy/ tháng. Lớp có 20 cháu thì thầy đã có 6 triệu 400 ngàn tiêu vặt. Thầy lại có hai đến 4 lớp như vậy, đó là chưa kể tăng ca, ngày 2 lần thì thầy có khả năng dạy đến 8 lớp/ tháng. Vị chi thầy thu 48 triệu đồng/tháng.
Tôi có thể khẳng định ngay là có không ít thầy cô dạy trên lớp cho học sinh rất qua quýt (hỏi han vbà kiểm tra bài vở của con hàng ngày là tôi biết ngay). Và như vậy các phụ huynh muốn con mình học tốt thì không có đường nào khác là phải đi học thêm, đấy là cách tạo nhu cầu của giáo viên! (Bạn đọc thuan_vd@yahoo....)
Giáo viên kém chuyên môn cũng đua nhau dạy thêm!
Bài viết đánh giá mặt trái của dạy thêm là đúng với thực tế hiện nay nhưng theo tôi thì chưa đủ.
Vì như hiện nay, tôi thấy hầu như không giáo viên nào là không dạy thêm. Nhưng được thầy giỏi, cô giỏi đã đành. Đằng này, kể cả những giáo viên có chuyên môn kém cũng "bắt" học sinh học lớp của mình phải đi học thêm ở nhà mình. Còn nếu không đi thì ai cũng biết rồi đấy. Cho nên, vẫn phải cho con đi học ở lớp học thêm của cô giáo dạy chính, nhưng ngày nghỉ hoặc thời gian rảnh lại vẫn cho con đi học ở những nơi mình thực sự mong muốn.
Chất lượng đào tạo học sinh hiện nay có rất nhiều vấn đề, học sinh lớp 9 không thuộc hằng đẳng thức, đa phần là học vẹt và không biết trình bày bài, .... (Bạn đọc Nguyen Truong Dung).
Quả đúng như vậy đấy. Bây giờ có con mà không cho con đi học thêm thì coi như chưa cho con đi học. Các giáo viên thường có biểu hiện "khác lạ" ngay với em nào không đi học thêm. Vì sợ, lo cho con nên phải theo thôi ! Thời phải theo thời đi ngược lại là thấy ngay hậu quả (Bạn đọc Nam Sơn)
Chết thôi, giáo viên giỏi thì dạy thêm đã đành, còn giáo viên kém (nói thằng ra là dốt) cũng bắt học sinh đến nhà học, không học thì bị điểm kém. Khổ thân mấy cháu học tiểu học quá, bố mẹ dở khóc, dở cười vì chuyện học thêm. (Bạn đọc Trần Lan Anh).
Cần rà soát lại danh sách các HS không đi học thêm với HS học thêm, nếu có sự chênh lệch quá cao, thì xử lý, vì đây là việc trù úm, kiếm tiền vô nhân đạo. (Bạn đọc Trần Hùng)
Những giả dối, khuất tất
Con tôi không đi học thêm, không may bị ốm nghỉ một bữa là hôm sau biết mặt ngay. Cô sẽ gọi lên bảng truy bài và cho điểm 0 để rằn mặt. Hơn nữa, cô giáo thường cho bài kiểm tra hoặc bài tương tự chuẩn bị kiểm tra cho học sinh làm trước trong những buổi học thêm nên số học sinh đi học thêm điểm thường cao hơn các học sinh khác không đi học thêm. chỉ tội cho bọn trẻ về khóc sụt sùi xin bố mẹ cho học thêm.
Tôi cho rằng học thêm nên cũng như các ngành khác, phải hành lập ra trung tâm hẳn hoi, phải có số phòng tối thiểu và phải có điều kiện hành nghề, phải quản lý nghiêm minhchứ thấy cấm mãi mà không thấy ăn thua gì cả! (Bạn đọc Nguyễn Vân Anh).
Một xã hội mà ai cũng phải "chân ngoài dài hơn chân trong” thì không thể phát triển được, đặc biệt là đối với lĩnh vực giáo dục |
Cô giáo của con tôi dạy cả tuần không nghỉ tối nào mỗi buổi cũng khoảng 500 ngàn đồng. Tình trạng này cần được xem xét. Khi học các cô bắt học sinh phải viết giấy xin học để khi nhà trường có hỏi thì bảo là học sinh tự nguyện xin được học thêm chứ không phải cô chủ động đứng ra tổ chức (Bạn đọc doiodoi_pro@yahoo....).
Nhu cầu "học" của HS, nhất là HS yếu kém là điều tất yếu. Thế thì các em phải học thêm khi mà tiết dạy trên lớp không đủ để phụ đạo cho các em này là điều tất nhiên! Nhưng thực tế trong buổi "học thêm" ấy bị biến tướng thành lớp "học trước" để nhồi nhét kiến thức cho các em vì như thế dễ dạy hơn do không thể kèm cặp từng em, từng môn rất khó! (Bạn đọc Nguyễn Văn Ngọc)
Liệu tất cả thầy cô có đóng Thuế Thu nhập? Chắc ít người tự giác đóng, vì không muốn để lộ mức Thu nhập. Vậy Bộ Giáo Dục và Đào tạo có biện pháp gì quản lý việc này để Thày Cô có thu nhập đàng hoàng và Đạo đức trong sáng ? Thầy Cô trốn thuế (vô tình hay cố ý?) thì khó mà dạy ra được 1 lớp người Việt Nam Giỏi và Trung thực được (Bạn đọc Việt Hùng)
Theo ý kiến của tôi, là lương của cán bộ công chức nói chung đều không ổn, hay nói rộng hơn trong xã hội ta nhiều thứ không ổn. Mọi người đều phải cật lực làm thêm, làm nghề tay trái mới (bỏ công sức ra làm) đủ sống, nếu không làm thêm thì cũng có những khoản thu nhập ngoài khác, còn bộ phận khác thì có những thu nhập khác mà không cần bỏ công sức. thì thử hỏi cái việc kiếm tiền nào lương thiện hơn.
Chương trình chính khóa rất nặng nề, giáo viên dạy cho kịp chương trình cũng đã mệt, học sinh cũng vậy, không học thêm thì thi đậu đại học mới là chuyện lạ (việc dạy thêm học thêm có từ thời GS Ngô Bảo Châu còn học cấp 3 tuy không rầm rộ như bây giờ).
Nói như vậy không phải tôi biện minh hay ủng hộ cho việc dạy thêm học thêm nhưng ý tôi muốn nói là trong xã hội mình hệ thống giáo dục của VN mình có cái gì đó không ổn, từ dạy thêm học thêm, từ chuyện chạy trường chạy lớp, chạy bằng cấp và việc tiêu cực có mặt khắp các ngành nghề .... (Bạn đọc Quang Trụ).
Không đi học thêm, bị cô “trù dập”
Tôi có người cháu học lớp 1 trường tiểu học V.X.T (quận Long Biên, Hà Nội). Hôm tôi sang nhà cháu chơi, lúc đó là 6h chiều, không gặp cháu ở nhà,được cha mẹ cháu cho biết, cháu đi học về rồi cô giáo đưa về nhà cô học thêm luôn.
Tôi thực sự bất ngờ và rất bất bình.
Cháu tôi đi học ở trường từ 7 giờ sáng đến 16 giờ 30 chiều là vào nhà cô học luôn đến 19 giờ tối. Cháu thậm chí là không được nghỉ ngơi, ăn uống sau một ngày học tập căng thẳng và vất vả ở trường
Tôi có hỏi bố mẹ cháu thì được biết, cô xếp lịch như thế thì phải chịu, cô day như thế để cô dạy được tăng 2 từ 19 giờ đến 21 giờ. Mẹ cháu bảo cháu đi học về nói rằng ở lớp cô không dạy gì, về nhà cô mới dạy, mà nếu không cho cháu đi học ở nhà cô thì đến lớp cô trù.
Quá bức xúc nên tôi đi tìm hiểu,đúng như chị tôi nói,ở gần cổng trường tiểu học V.X.T có nhà hai cô giáo D. và N. Các cô đi dạy ở trường từ 7h sáng đến 16h30, hết giờ ở trường là các cô đưa học sinh về nhà dạy tiếp từ 17h đến 21h.
Thật sự tôi không biết các cô giáo này dạy thế nào nhưng sau khi đưa các cháu vào nhà, lên tầng là cô khoá cửa. Ở đây tôi chưa dám nói đến chất lượng dạy và học nhưng các cô làm từ 7h sáng đến 21h đêm và các cô dạy cả tuần như vậy thì không hiểu các cô lấy sức đâu mà soạn giáo án, lấy sức đâu mà lên lớp?
Điều đáng nói nữa là chất lượng phòng học, như nhà cô D. theo tôi quan sát thì phòng cô dạy học sinh rộng khoảng 10m vuông vậy mà mỗi ca học,cô dạy từ 30 đến 35 cháu. Cháu tôi đi học về bảo nóng và chật kinh khủng. Nhà cô N. thì cũng không khá hơn.
Nhà nước ta đang tìm cách giảm tải cho học sinh cấp 1 thì các cô giáo ở đây đang đi ngược lại chính sách của nhà nước và tìm cách bóc lột học sinh. Khi đến khu vực nhà hai cô để tìm hiểu tôi con nghe được câu chuyện như sau: năm 2009,cô D. thu của các cháu là 15.000đồng/1 buổi, đến năm 2010,cô tăng giá lên 25.000đồng/1 buổi kèm theo lời giải thích la năm ngoái em thu 15.000đồng bị các cô khác mắng là phá giá nên năm nay em tăng giá cho các cô đỡ nói (?!)
Thật sự khi nghe đến đây, tôi rất buồn. Thế hệ trẻ của chung ta đang được giao vào tay ai thế này? Các cô giáo trẻ bây giờ có đầu óc kinh doanh quá, lương tâm nghề giaó các cô đánh rơi hết rồi. Không biết thầy hiệu trưởng có biết việc làm của các cô này không? Được biết ngành giáo dục nước ta không cho phép dạy thêm, nhưng dường như các cô giáo này vẫn cố tình không biết và đang tìm mọi cách để kiếm tiền.
Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm,chăm sóc và bảo vệ.Những người dạy các em phải là những người có tư cách đạo đức và tình người. Kiếm tiền là việc không ai cấm nhưng kiếm tiền như các cô giáo trường tiểu học V.X.T là điều không thể chấp nhận và cần phải lên án.
|
- Cẩm Quyên (Tổng hợp)