,
221
2022
Bài hay báo bạn
baoban
/psks/baoban/
502606
Trở lại Nông Sơn
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Trở lại Nông Sơn

Cập nhật lúc 16:00, Chủ Nhật, 22/08/2004 (GMT+7)
,

Nay, ông lái đò Võ Nghĩnh tuần nào cũng vài lần chống gậy ra sông thắp nén nhang tưởng nhớ 18 sinh linh đã mất. Con đò nhỏ xưa đã được thay bằng những chiếc thuyền máy. Chiếc cầu bắc qua bến Cà Tang nay cũng đã nên dáng, nên hình...

Khai thác than ở Nông Sơn.

Hơn một năm sau vụ chìm đò tang thương trên bến Cà Tang, chúng tôi trở lại thăm và sống cùng những người thợ mỏ trên đất này. Từ Đèo Le qua Trung Phước đến Nông Sơn, bông vang rợp một vùng đồi - nơi hàng trăm thợ mỏ ngày đêm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để khai thác mỏ “vàng đen” của thượng nguồn Thu Bồn, góp phần làm giàu cho đất nước.

Cảm giác nghèo hèn

Xí nghiệp Than Nông Sơn, thuộc Công ty Than nội địa, được thành lập từ năm 1977. Trong số 280 công nhân của mỏ than Nông Sơn hiện nay, có đến 100 nữ, đa phần là lao động thủ công. Buổi trưa, hàng chục xe ben đua nhau lên xuống rầm rập. Những chiếc máy xúc đang hối hả đưa từng cốt than chưa được phân loại lên xe chuyển về phân xưởng. Anh Võ Văn Vinh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Than Nông Sơn, cho biết, anh em máy xúc, xe ben thay nhau hoạt động thường xuyên để bảo đảm cho những đơn đặt hàng.

Anh Nguyễn Quang Thế, quản đốc phân xưởng chế biến than thành phẩm, đã có 26 năm trong nghề. Phân xưởng anh có hơn 40 công nhân chia nhau thành 3 ca liên tục làm việc, ngày 8 tiếng. Nhưng khi có khách hàng là công nhân phải làm việc cật lực ngày đêm. Có khi tới 19h khách hàng yêu cầu cung ứng hàng là anh em phải đi làm. Anh nói: “Thợ mỏ cực nhất trong các “loại” thợ. Lúc nào cũng đen như... Bao Công. Thậm chí có những lúc kha khá tiền trong túi vẫn mang cảm giác... nghèo hèn!”.

Nhìn sang dây chuyền sản xuất kế bên, có hơn 5 nữ công nhân, nhưng ai cũng gầy ốm, đeo khẩu trang kín mặt. Khi các dây chuyền hoạt động cùng một lúc, bụi bay tung tóe, mù trời, tôi chẳng còn nhận ra được ai trong số những người thợ lẩn khuất trong màu khói bụi của than, mồ hôi nhễ nhại. Giữa mịt mù than và bụi lùng bùng, bóng những người công nhân trở nên nhỏ bé, còm cõi. Tưởng sau một thời gian họ sẽ bỏ nghề vì chịu không nổi khói bụi, độc hại, ấy vậy mà, mỗi khi tan ca, dưới vành nón lấm láp, nghiêng che của những cô gái áo xanh, nụ cười của họ vẫn rạng rỡ.

Bỏ mạng lại núi rừng

“Làm nghề thợ mỏ cực khổ, độc hại, chúng tôi được mạnh khỏe như thế này là may mắn lắm rồi”, chị Thái Thị Lan tâm sự. Nhìn những người thợ gầy ốm, xanh xao ai cũng hiểu họ vất vả đến dường nào. Có không ít người đã phải bỏ mạng lại nơi núi rừng này. Anh Lê Minh Xương để vợ con tận ngoài Nghệ An vào đây làm thợ kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Chưa đầy một năm, anh phải nằm lại trên đất này bởi một cơn bạo bệnh.

Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Tính cũng thật oái ăm, chồng chị - anh Đình Xong - trong một lần ra sông kiếm vài con cá về nấu canh chua, đã bị nước lũ thình lình ập đến cuốn trôi, để lại 2 đứa con nhỏ. Hằng ngày, ngoài công việc làm người thợ mỏ, chị Tính phải vào rừng đốn củi kiếm thêm tiền đong gạo nuôi con. Khi chúng tôi đến nhà, 2 đứa con của chị Tính cho biết, mẹ vừa đội nón vào rừng. Khi hỏi ông Lê Hữu Chuyên, giám đốc xí nghiệp mỏ, còn hoàn cảnh nào thương tâm đến thế nữa không, ông Chuyên trả lời trong tiếng thở dài: “Nhiều lắm chú ơi, không tài nào kể hết”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thuận, bây giờ đang khốn đốn, chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền về nuôi chồng bị bệnh. Chồng chị, anh Nguyễn Đức Cả, trong một lần sửa điện, không may bị ngã dẫn đến tai biến, bại liệt. Trong khi đang nuôi chồng tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thì nhận được tin con là Nguyễn Đức Thoại bị chết trong vụ chìm đò ngày 19/5/2003.

Khi chúng tôi chuẩn bị rời vùng mỏ, cũng là lúc tập thể mỏ than đưa anh Vũ Văn Phương vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để chữa bệnh ung thư vòm họng. Hai đứa con nhỏ chạy theo tiễn đưa cha mình đến bến đò Cà Tang thì quay trở lại, nuốt vào lòng những giọt nước mắt tủi thân.

Chuyện tình trên bến sông

Theo lời ông Chuyên, vào thời điểm trước năm 1990, nhiều cặp vợ chồng dẫn nhau vào đây chưa được dăm ba ngày đã cuốn gói bỏ về. Nhiều sinh viên mới ra trường lên làm việc chưa đầy 5 ngày cũng xin đi. Đó là chuyện của ngày trước. Còn bây giờ, gần 300 công nhân từ mọi miền đất nước hội tụ về đây làm việc, yêu nhau, rồi nên vợ, nên chồng.

Trong số hàng chục cặp vợ chồng thợ mỏ, cuộc hôn nhân của chị Lê Thị Kiệm là câu chuyện tình “nổi tiếng” nhất. Rời quê hương Quảng Bình vào mỏ than Nông Sơn năm 21 tuổi. Thân gái một mình, sống lặng lẽ nơi bốn bề là núi, rừng. Chiều chiều chị ra bờ sông bật khóc vì nhớ nhà. Anh Hoàng Minh Sử (quê Thanh Hóa) cũng cùng tâm trạng, họ gặp nhau trên bến sông và yêu nhau từ đó. Lúc đi đến quyết định cưới nhau, hai người gặp phải sự phản đối của gia đình chị Kiệm vì không muốn con mình ở mãi nơi hoang vu này. Nhưng, vì tình yêu lớn lao, chị ở lại cùng anh Sử, gắn bó với vùng than để hai người nên duyên vợ chồng, giờ họ đã có với nhau 3 đứa con.

Cũng không ít người vào đây làm việc chưa đầy một tháng, rồi bỏ đi vì không chịu nổi công việc nặng nhọc nơi núi rừng hẻo lánh này. Nhiều gia đình dẫn theo con cái vào đây lập nghiệp, người quê Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị... lập thành làng mỏ. Con họ lớn lên yêu nhau, rồi nối nghề cha mẹ. Gia đình bác Ngô Văn Thuấn, quê Thăng Bình-Quảng Nam, dẫn theo 3 người con gái lên đây lập nghiệp. Con gái họ lớn lên nối nghiệp cha mẹ, rồi yêu những người cùng nghề thợ mỏ và xây dựng hạnh phúc gia đình. Bây giờ vợ chồng bác Thuấn đã về hưu, nhưng 3 người con và 3 người rể vẫn gắn bó với nghề thợ mỏ. Gia đình bác Lê Xuân cũng có đến 5 người làm thợ ở đây. Còn gia đình bác Đỗ Kiếm thì đến với mỏ than Nông Sơn như một duyên phận. Trong một lần dẫn đứa con gái là Đỗ Thị Yến vào thăm người thân ở mỏ, Yến đã phải lòng anh thợ Võ Đình Đạt. Cuối cùng, cha mẹ cô cũng chuyển vào đây để sống cùng con gái. Bây giờ ở đây đã có nhiều gia đình đã có 2 thế hệ gắn bó với nghề thợ mỏ.

Căn nhà 350.000 đồng

Những lần lên Nông Sơn trước đây, tôi đều được công nhân mỏ mời bữa cơm trưa. Qua bao thời gian, bữa cơm của họ hôm nay cũng chỉ có vậy, hết sức giản dị với một đĩa rau lang luộc, một đĩa cá sông và hai quả trứng. Giữa không gian đạm bạc ấy, tôi “giật mình” khi nghe họ kể về những ngôi nhà có giá rẻ... nhất thế giới. Đó là những ngôi nhà trước đây được xí nghiệp xây dựng để cho công nhân lưu trú.

Theo ông Nguyễn Xuân Lữ, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Nông Sơn: “Chưa có nhà ở đâu rẻ như ở đây, anh em thường bảo rẻ nhất thế giới vì sau khi hóa giá cho công nhân, một ngôi nhà xây kiên cố rộng chừng 70m2, có lót nền gạch hoa chỉ được tính giá 750.000 đồng. Đa số nhà không được lót gạch hoa thì chỉ được bán với giá... 350.000 đồng/căn”. Thế nhưng, chẳng ai mua, họ chỉ “xin” vào ở rồi trả góp. Mặc dù có chủ trương hóa giá đã 5 năm rồi nhưng cũng chỉ vài người trả đủ tiền cho xí nghiệp. Đơn giản, vì ai cũng nghèo khó, phải tiết kiệm tiền nong kiếm được cho tương lai con cái. Hơn ai hết, lãnh đạo xí nghiệp mỏ thấu hiểu hoàn cảnh của họ, nên cũng chẳng... đòi!

Những năm gần đây, nhờ đầu tư thêm trang thiết bị máy móc nên sản phẩm xí nghiệp Nông Sơn làm ra đạt hiệu quả cao. Nếu năm 2003 tiêu thụ 50.000 tấn than, đến thời điểm này của năm 2004 đã tiêu thụ 54.000 tấn, doanh thu trên 10 tỉ đồng. Nhờ đó mà đồng lương bây giờ đã khá hơn trước nhiều. Chị Lê Thị Kiệm cho biết lương 600.000 đồng/tháng, cộng với tiền độc hại 4.000 đồng/ngày và 2.500 đồng tiền bồi dưỡng/ngày, cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Ngày trước cả làng chỉ có một cái tivi, còn bây giờ gần như nhà nào cũng có. Nhìn lên những con đường dốc đá chông chênh, những chiếc xe máy, mà ở đây dân làng mỏ gọi là “ngựa sắt”, đã về đến làng. 40 trong số 100 hộ ở làng thợ mỏ Nông Sơn đã sắm được “ngựa sắt”.

                                        *  *  *

Chưa ai có thể quên được vụ chìm đò làm 18 em học sinh chết đuối hơn một năm về trước. Tại làng Nông Sơn - Cà Tang thượng, nỗi đau giờ đã qua đi, những người công nhân mỏ không còn ghét bỏ ông lái đò Võ Nghĩnh nữa mà chia sẻ, thông cảm với ông. Tình làng, nghĩa xóm đã xóa đi khoảng cách yêu - ghét đời thường. Sau phiên xử phúc thẩm, tòa án buộc UBND xã Quế Trung phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại vật chất, tinh thần cho các gia đình nạn nhân trong vụ chìm đò. Người dân xứ mỏ cũng đồng lòng.

Còn ông lái đò Võ Nghĩnh, giờ đã bước qua cái tuổi gần đất xa trời, tuần nào cũng vài lần chống gậy ra sông thắp nén nhang tưởng nhớ 18 sinh linh bé bỏng đã mất. Con đò nhỏ ngày xưa bây giờ đã được thay thế bằng những chiếc thuyền máy vững chắc từ tiền quyên góp của bà con trên cả nước gửi tặng. Chiếc cầu bắc qua bến Cà Tang nay cũng đã nên dáng, nên hình, vài tháng nữa thôi sẽ vắt ngang dòng Thu Bồn, kịp cho các em học sinh qua lại trước mùa mưa bão năm nay.

Ông Chuyên cho biết, Tổng Công ty Than Việt Nam đang đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện tại đây, chạy bằng than Nông Sơn, dự kiến năm 2007 sẽ có điện. Chưa hết, con đường quốc phòng từ Đại Lộc qua Nông Sơn, xuyên Tí, Sé, Dùi, Chiêng thẳng tiến Khâm Đức sẽ mang lại cho làng mỏ một diện mạo mới. Người thợ nơi này sẽ thoát khỏi cảnh lầm than. Người dân xứ “chó ăn đá, gà ăn muối” Cà Tang sẽ bớt khổ cực, bớt cảnh phải bỏ xứ tha hương để rồi canh cánh nỗi nhớ nhà mà không về được như trong thơ: “Cà Tang quê mẹ xa mờ. Quê cha Trung Phước bây giờ ra sao?!” (Tường Linh). “Nông Sơn sẽ không còn cảnh vắng bóng người. Cuộc sống sẽ thay da đổi thịt”, ông Chuyên khẳng định, giọng đầy tự tin.

(Quang Dũng - NLĐ)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,