Lênh đênh phận gái và chân dung những tên trùm buôn người
hững cô gái nhẹ dạ bị lừa bán sang Campuchia, TQ. Khi xuống sắc thì bị bán sang Malaysia. Những tên cò có khi là người thân, có khi là thầy giáo của chính họ...
Nhà chứa Svay Pak
Tháng 8/2004, chị Ngô Thị H. ở thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp) gửi thư tới các cơ quan hữu trách nhờ can thiệp cứu con chị, cháu L., đang bị kẹt ở Malaysia. Theo lời chị H., L. bị gạt bán sang Campuchia từ hai năm nay, lúc đó chỉ mới 17 tuổi. Không hiểu trôi giạt thế nào mà giờ đây L. lại ở Malaysia.
Thông tin duy nhất của L. mà gia đình có được là bức thư gửi về nhà cách nay bảy tháng. Bì thư còn ghi rõ dấu bưu điện Malaysia, nhưng địa chỉ cụ thể thì không thấy. Trong thư L. viết: “Con bị bắt đã gần 11 tháng nay rồi. Con đang ở trong một cái trại nào đó xa lắm. Ba má ơi, cứu con...”.
Chị nghẹn ngào: “Tất cả đều bắt nguồn từ ông Thạnh (một tay môi giới ở xã Tân Thuận Tây, thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp). Hồi tháng 10/2002 ổng kêu tôi đưa con đi bán quán cà phê ở Cồn Tiên (Châu Đốc, An Giang). Nghe lời ngon ngọt, tôi đưa cháu đi. Tới nơi, không biết tôi bị họ cho uống thuốc gì trong ly cà phê mà người mê mê tỉnh tỉnh. Họ nói gì tôi cũng nghe. Họ dẫn cháu L. qua Campuchia hồi nào tôi cũng không biết. Đến chiều tối Thạnh đưa tôi về Đồng Tháp rồi cho tôi 1 triệu đồng. Thạnh nói cứ yên tâm, cháu đi làm vài tháng rồi về”.
Chị không ngờ sau đó L. bị đưa vào một ổ chứa ở gần thành phố Phnom Penh. Có một lần L. gọi điện về nhà vào lúc nửa đêm, giọng đầy lo sợ. L. khóc và nói rằng bị bắt phải tiếp khách. Nếu chống cự là bị đánh đập tàn nhẫn. Chị H. chưa kịp nói gì với con thì nghe trong điện thoại có tiếng la, nạt nộ dữ lắm. L. chỉ kịp kêu: “Má ơi, cứu con...”, rồi bị cúp điện thoại. Từ đó chị H. bặt tin con.
Chừng sáu tháng sau, một người bạn sống chung với L. là S. trốn về được. S. nói hai đứa bị đưa vô “cây số 11”, một xóm nhà thổ ở Svay Pak, cách Phnom Penh chừng 11km. Mấy người lạ mặt nói với nhau gì đó rồi giao cả hai cho một bà mập có tên là Phỉ. Bà Phỉ đưa tiền cho những người lạ mặt rồi dẫn hai đứa vô một phòng nhỏ cho ở đó. Công việc lúc đầu là bưng nước, dọn dẹp, rửa chén, lau nhà. Được chừng hai tuần thì bà Phỉ bắt mặc quần áo đẹp mang món nhậu cho khách. Hai tuần sau nữa bà bắt phải tiếp khách. Hai đứa không chịu bị bà đánh đập sưng cả mặt mày. Vào một đêm tối trời, S. bỏ trốn, lội rừng vượt suối về tới VN và tố cáo Thạnh với công an. Từ đó tới nay S. cũng không biết L. sống ra sao.
…Tại hội thảo “Phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em tỉnh Đồng Tháp” ngày 31/8/2004, kể chuyện của mình, em Lê Thị D. ở huyện Thanh Bình nói trong nước mắt: “Mẹ bán em từ năm 13 tuổi với giá 300 USD. Em bị đưa vô nhà chứa Svay Pak. Ở đó còn có nhiều con gái VN cũng nhỏ như em mà đã bị tiếp khách. Tiền tiếp khách chúng em không được lãnh. Bà chủ nói trừ nợ mẹ em hết rồi. Chúng em chỉ được cho đi lẩn quẩn trong khu vực nhà chứa. Lúc nào cũng có người kiểm soát, theo dõi”. Trong một lần truy quét, công an Campuchia đột nhập ổ mại dâm này và đưa các em ra trại xã hội. Mọi việc được báo về Tổ chức Di dân quốc tế VN (IOM), nơi đây kết hợp với địa phương làm thủ tục đón các em về.
Svay Pak là gì? Đó là một ngôi làng nhỏ ở cách thủ đô Phnom Penh (Campuchia) chừng 20 phút đi xe về phía bắc. Nơi đó còn được gọi là “Sài Gòn nhỏ” hay “cây số 11”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Phó Chủ nhiệm UBDS,GĐ&TE tỉnh Đồng Tháp, người đã từng “đột nhập” nơi đây - cho biết tại Svay Pak có gần 20 nhà chứa hoạt động dưới dạng quán cà phê với trên 300 phụ nữ và trẻ em VN đang hành nghề. Trong đó 80% có độ tuổi 12 - 16. Có tới 40% trẻ em làm gái mại dâm ở Svay Pak là người Đồng Tháp, 50% từ An Giang, 10% từ các tỉnh khác ở ĐBSCL. Mỗi ngày các em gái phải tiếp 5-10 khách với giá 5 USD/khách hoặc 20 USD/đêm. Số tiền này chủ nhận 50%, còn lại bị trừ dần vào tiền nợ mà gia đình đã nhận trước của chủ và chi trả các khoản nợ khác như mỹ phẩm, quần áo… Để trả nợ, các em phải làm việc nhiều giờ trong ngày, bị lạm dụng thân thể, bị cưỡng hiếp, bị chủ lừa gạt...
Lấy chồng Trung Quốc
Năm 2003, chị Đ. ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) nghe lời bà Hạnh - người cùng xóm - rủ đi ra Quảng Ninh làm nghề hái trà, lương 1,5 triệu đồng/tháng. Dự tính làm một năm kiếm vốn rồi về, chị đồng ý lên đường.
Ra đất Bắc, khung cảnh vùng núi lạ lẫm, chị không phân biệt được đây là đâu. Sau khi uống ly cà phê bà Hạnh đưa, chị ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang ở một khu làng miền núi hẻo lánh. Chị hỏi: “Đây là đâu?”, bà Hạnh trả lời: “Trà thất mùa không còn để hái, tôi đưa chị qua Trung Quốc kiếm việc làm”.
Biết mình bị lừa, chị Đ. đòi về nhưng bà Hạnh nói chị còn nợ chưa trả, phải làm trừ nợ mới được về. Không tiền bạc, cũng chẳng biết đường đi nước bước, chị đành nhắm mắt đưa chân. Bà Hạnh dẫn chị vô một khu chợ nhỏ, sau này chị biết là chợ Sà Kha thuộc một tỉnh miền núi Trung Quốc. Ở đó có một nhà chứa. Vô đó chị mới biết ngoài chị còn có chừng 15 người nữa đang chờ người tới “coi mắt”. Hỏi thăm thì hóa ra toàn người miền Tây Nam bộ. Qua ngày sau có mấy người đàn ông Trung Quốc tới dòm dòm ngó ngó các chị. Bà chủ nhà nói gì đó rồi dẫn chị giao cho một người tuổi chừng 50, dáng vẻ khắc khổ, gân guốc. Ông gật đầu chào chị rồi ra dấu đi theo, ý nói hai người đã là vợ chồng.
Nghĩ mình tuổi cũng đã 38, lại chưa có gia đình, thôi thì chịu lấy ông chồng này cho xong. Biết đâu duyên số… Hai người đi bộ chừng một ngày đường, qua không biết bao nhiêu dãy núi cao ngất, ông đưa chị tới một căn nhà ở lưng chừng núi. Ông chỉ ở một mình. Xung quanh hàng xóm hầu như chẳng có ai.
Buổi sáng ông gọi chị dậy sớm. Hai người ra đồng trồng bắp. Xung quanh là các đồi trà lưa thưa. Cuộc sống cứ vậy trôi đi. Ông chồng chị nắm hết tiền bạc trong nhà và giữ chặt chị Đ. bên mình. Chị chỉ có nhiệm vụ ra đồng, nấu cơm, giặt giũ rồi lẩn quẩn trong nhà. Một đêm tối trời, chờ ông chồng ngủ say, chị lẻn ra khỏi nhà và lần tìm đường xuống núi. Chị cứ đi, đi mãi cho tới sáng.
Lúc chị mệt lả ngất đi cũng là lúc gặp một anh công an VN đi tuần tra biên giới. Anh đưa chị về đồn và cho chị tiền đi xe về nhà. Kết thúc chuyến phiêu lưu gần một năm trời nơi xứ lạ.
Những tên "cò" buôn người
Chị Mã Thị Muỗi (Hồng Ngự, Đồng Tháp), người đã cứu được con gái và ba đứa cháu thoát khỏi nanh vuốt bọn buôn người. |
Mới đây, ngay giữa tháng 9/2004, bộ đội biên phòng thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) đã bắt quả tang một đối tượng ở TP.HCM đang đưa bốn phụ nữ quê ở các tỉnh phía Nam vượt biên trái phép. Theo lời khai của đối tượng, y là một tay chuyên buôn bán phụ nữ từ VN sang Trung Quốc... Đây là một trong rất nhiều vụ buôn người bị phát hiện. Vậy mánh lới của bọn buôn người như thế nào? Chúng hoạt động ra sao?...
Nguyễn Công Thạnh là giáo viên, ngụ tại xã Tân Thuận Tây, thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp. Năm 1999 do bị bệnh nên Thạnh nghỉ dạy chuyển qua chạy xe ôm. Năm 2002, trong một chuyến chở khách đến Châu Đốc, Thạnh quen một người tên Chạy, Việt kiều Campuchia. Chạy gợi ý cần người giúp việc nhà, bán quán nước ở Campuchia. Nếu đẹp, biết chiều khách sẽ cho đi sang nước thứ ba là Thái Lan hoặc Malaysia. Chạy nói nếu Thạnh đưa người tới sẽ được hưởng hoa hồng mỗi người 1 triệu đồng. Thạnh đồng ý, Chạy cho số điện thoại liên lạc với một người tên Nguyễn Khánh Bình, địa chỉ tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Thấy có điều kiện kiếm tiền dễ dàng, Thạnh dụ dỗ học trò cũ Lê Thị B. S., 18 tuổi, nói là sẽ giới thiệu cho B.S. việc làm có lương cao, gia đình sẽ được ứng trước một khoản tiền lớn, công việc chủ yếu là tiếp viên nhà hàng và phụ giúp việc nhà. Tin tưởng Thạnh là thầy cũ nên gia đình đồng ý cho B.S. đi. Tháng 9/2002, Thạnh chở B.S. đến Châu Đốc rồi điện báo cho Chạy biết. Chạy cho người em qua đón và đưa B.S. về nhà Chạy ở Campuchia. Chạy đưa cho Thạnh trước 200.000đ “tiền cà phê”, 10 ngày sau tiếp tục đưa 1,5 triệu để Thạnh giao cho gia đình B.S..
Một tháng sau, Thạnh tiếp tục đưa L. đến Châu Đốc giao cho Chạy. Cùng đi với L. có mẹ là chị Ngô Thị H.. Sau khi nhận L., Chạy đưa cho chị H. 1 triệu đồng và hứa sẽ thanh toán tiếp. Còn Thạnh thì được hưởng 700.000đ. Hai tuần sau, ngày 22/10/2002, Thạnh tiếp tục đưa Trần Thị H. đi cùng mẹ là Phạm Thị T. đến Châu Đốc để giao cho Chạy. Thế nhưng khi đến Châu Đốc thì bà T. sinh nghi, bởi vì Thạnh hứa đưa H. đi TP.HCM nhưng sao lại tới đây? Hỏi thì Thạnh ỡm ờ “đường nào cũng về TP”. Bà T. hỏi thăm người địa phương, bà con cho biết ở đây chỉ còn đường qua Campuchia. Biết mình bị lừa, bà T. tri hô cầu cứu và đưa con thoát khỏi một đường dây buôn người.
Nhờ may mắn, B.S. thoát được trở về VN. Gia đình B.S. cùng bà T. tố cáo Thạnh với chính quyền. Thạnh bị tòa án tuyên phạt 8 năm tù về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Thêm một gương mặt “cò” buôn người nữa đó là Thái Thị Thu Hạnh, chủ một quán cà phê ở thị trấn Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long). Hạnh ly dị với người chồng VN, sau đó lấy một ông chồng người Trung Quốc. Biết được chị Lương Thị Ng. (ở xã gần bên) nhà nghèo thiếu việc làm, Hạnh rủ chị Ng. ra Hà Nội hái hoa trà, mỗi ngày kiếm được 100.000đ. Chị Ng. tạm ứng tiền trước, giao giấy tờ CMND và đồng ý đi cùng Hạnh.
Tới Móng Cái, Hạnh dẫn chị Ng. tới một nhà chứa ở chợ Sà Kha. Tại đây, Hạnh bán chị Ng. cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 6 triệu đồng. Hạnh lấy 2 triệu, đưa chị Ng. 2 triệu, số còn lại Hạnh nói trừ nợ chị. Khi cuộc mua bán ngã ngũ, hai ngày sau chị Ng. làm bộ đi vệ sinh rồi chạy vào rừng lẩn trốn. Thoát khỏi nanh vuốt bọn buôn người, chị làm đơn tố cáo, Công an huyện Bình Minh phát lệnh truy nã nhưng Hạnh trốn mất. Nghe nói bà ta ở Quảng Tây với ông chồng mới.
Đó là một vài mánh lới của bọn buôn người. Nhưng đây cũng chỉ là mánh lới của đám “cò con ăn quẩn cối xay”, còn mánh lới của những tên trùm thì tinh vi và tàn nhẫn hơn nhiều...
Tên trùm giấu mặt
Đa số những tên trùm của các đường dây là chủ chứa ở nước ngoài, núp bóng dưới dạng quán cà phê, tiệm cắt - cạo gió, hớt tóc hoặc mát-xa. Một trong những chủ chứa điển hình là vợ chồng bà Diệu - ông Phước ở làng Svay Pak (Campuchia), nơi có hàng chục quán cà phê matxa trá hình. Hai vợ chồng này là người VN, gốc gác ở Vĩnh Long, qua Campuchia sinh sống. Họ bắt mối với các tay “cò” ở VN, yêu cầu đưa người qua với hoa hồng 700.000 - 1 triệu đồng/người.
Theo lời tố cáo của cô Nguyễn Thị C. ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long), khoảng tháng 9/2002 cô được đưa qua quán bà Diệu cùng với một cô gái khác tên K.. Chỉ mới một ngày là bà Diệu bắt cô phải tiếp khách để trừ nợ. Cô từ chối, bà Diệu chửi mắng và đánh đập cô thậm tệ. Sau đó bà Diệu hăm dọa sẽ thủ tiêu, quá sợ hãi, cô đành phải tiếp khách. Được khoảng 10 ngày, bà Diệu lại đem bán cô cho một chủ quán mát-xa khác ở cách đó 20km với giá 330 USD.
Cô gái tên K. cũng bị bán chung với giá 320 USD. Chủ quán mới là một người đàn ông người Campuchia, không biết tên là gì, chỉ nghe gọi ông Ut. Ông Ut không yêu cầu hai cô tiếp khách mà cho đi sửa mũi tại một thẩm mỹ viện ở gần “cây số 11”. Cô C. ở nhà ông Ut 15 ngày, được cho ăn uống đàng hoàng, được mua sắm cho ba bộ đầm rất đẹp, nhưng bên cạnh luôn có hai tên bặm trợn suốt ngày canh giữ.
Thời gian ở đây cô C. để ý thấy trong nhà ông Ut còn có trên 10 cô gái cũng đang được “dọn” lên rất đẹp. Sau này cô mới biết ông Ut chuẩn bị bán các cô qua Malaysia. Một buổi sáng đầu năm 2004, ông Ut đưa cho cô và K. mỗi người một bông hồng và một vali, nói là đi Malaysia. Xuống sân bay cứ cầm bông hồng trên tay làm hiệu là có người đón. Tới Malaysia, hai cô được một người đàn ông bản xứ khoảng 30 tuổi đưa về khách sạn của một ông chủ tên là SiQuin.
Ban ngày hai cô được ăn, ngủ dưới sự canh gác cẩn mật. Chiều tối phải tiếp khách tới sáng. Được chừng bảy tháng thì khách sạn này bị nhà chức trách Malaysia ruồng bắt, xử phạt rất nặng. Do thua lỗ, ông SiQuin phải tìm cách bán các cô cho ông chủ khác. Cứ vậy, ở Malaysia, hai cô C. và K. bị bán qua tay năm ông chủ khác nhau chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Vẫn theo lời kể của các nhân chứng, tại Svay Pak có một nhà chứa với bà chủ khét tiếng hung dữ, nghe qua ai cũng khiếp sợ. Đó là bà Phỉ. Trong nhà bà lúc nào cũng có sẵn 15 - 20 cô gái trẻ chờ giao cho khách. Bà chỉ có một “chiêu” hăm dọa làm cho các cô chết khiếp là: trói đem bỏ vô rừng.
Cô Nguyễn Thị L. ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tố cáo với chúng tôi: “Em chống cự quyết liệt tới 15 ngày thì bà Phỉ cho người trói em đem bỏ vô rừng. Em bị muỗi cắn, lạnh cóng và nhất là sợ thú dữ ăn thịt nên cuối cùng chịu tiếp khách theo yêu cầu của bà".
Sau khi “dùng” một thời gian, thấy cô nào hơi xuống sắc một chút là bà Phỉ bán qua Malaysia.
Những ông trùm buôn gái thường kèm theo nghề chủ chứa. Cánh này chỉ ngồi một chỗ và giấu mặt nên rất ít khi bị bắt. Và chính bọn chúng mới là những tay cầm đầu các đường dây buôn bán phụ nữ.
(Theo TT)