Chuyện của ông Lê Huy Ngọ...
(VietNamNet) - Ông né tránh gần như tất cả các câu hỏi về việc ông xin từ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mà kể về phát triển nông nghiệp và nông thôn, về những trăn trở mà ông chưa làm được...
Sau giờ từ nhiệm
Tôi không hiểu trong giây phút ấy ông nghĩ gì, nhưng tôi dám chắc rằng ông vẫn chưa qua "cơn sốc". Đành rằng ông đã chuẩn bị cho giờ phút này từ khi ông đặt bút viết dòng đầu tiên vào lá đơn xin từ nhiệm. Ông buồn, ông đau... không phải vì ông phải rời cái ghế Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mà bởi tại gần như cả cuộc đời ông gắn bó với nông thôn, với nông dân. Nay rời nó sao không buồn cho được. Nhưng có lẽ ông đau là bởi tại ông buộc phải rời vị trí "hạn hán, lụt bão", "Tám cây, hai con", với "đại dịch cúm gà"... là do "có một phần trách nhiệm về quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp". Ông từng tâm sự: "về trách nhiệm và ý thức chính trị thì mình ý thức rằng mình nên làm theo tổ chức (tức là xin từ nhiệm - NV). Còn thực tình trong thâm tâm mình vẫn luôn khao khát được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn. Bởi vì gần như cả cuộc đời mình gắn bó với nó, lăn lộn với nó".
Chính thức miễn nhiệm chức vụ của ông Lê Huy Ngọ | ||
Tại buổi làm việc chiều 1/6, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đối với ông Lê Huy Ngọ với đa số phiếu thuận. |
Ông nói rằng suốt thời gian qua ông nhận được rất nhiều thư từ, điện thoại của bạn bè, của những người thân và của rất nhiều người mà ông không hề biết mặt biết tên. Trong số họ có những người "quanh năm chân lấm tay bùn". Họ chỉ biết ông qua màn ảnh nhỏ khi ông đứng giữa biển nước mênh mông trong những trận chống lũ lụt. "Thôi, Ngọ ơi, rời vị trí lúc này là đẹp lắm rồi!" - Nhà văn Nguyễn Khải, bạn ông gọi điện từ TP.HCM.
"... Bác thật là dũng cảm vì bác dám làm một cái việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, bà con chúng tôi cho rằng nếu bác dũng cảm hơn thì bác phải tiếp tục làm việc nữa..." - Một nông dân ở ĐBSCL gửi thư cho ông.
"...Chúng tôi xin mạnh dạn và tha thiết kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn để đồng chí Ngọ đảm đương trọng trách Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đến hết nhiệm kỳ của Chính phủ" - một lá đơn của 12 vị nguyên là Thứ trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng các vụ, viện của Bộ Lâm nghiệp cũ và Bộ NN&PTNT gửi các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Vợ ông kể: "Hôm nghe đài báo đưa tin, đứa cháu ngoại 6 tuổi hỏi: "Bà ơi, ông từ chức là gì hở bà?". "Là từ nay ông sẽ ít đi công tác và ở nhà chơi với cháu" - Tôi trả lời"... Vâng cách thể hiện tình cảm, chia sẻ với ông thì có khác nhau, nhưng không ai không cảm thông và có chút tiếc nuối. Trong tờ trình QH “về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT của ông Lê Huy Ngọ” do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng trình bày, Chính phủ cũng đánh giá cao những công hiến của ông đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Từ khi xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh người ta nói rất nhiều đến trách nhiệm của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ. Là người đứng đầu một Bộ mà ở đó xảy ra vụ án nghiêm trọng, có tới 2 thứ trưởng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông không thể không chịu trách nhiệm. Và ông đã nhận trách nhiệm ấy: ông đã từ nhiệm. Tuy nhiên nếu chúng ta nghe ông bộc bạch thì sẽ thông cảm với ông là tội của ông một phần cũng còn là do cơ chế: "Bộ NN&PTNT là bộ lớn, mới hợp nhất từ 3 bộ (Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ lợi), quản lý nhiều lĩnh vực; có tới 18 tổng công ty và gần 400 doanh nghiệp thành viên và trực thuộc.
Từ khi thực hiện chế độ phi chủ quản, nhiều vấn đề về quản lý doanh nghiệp không có tổ chức chuyên sâu để đảm bảo quản lý doanh nghiệp; việc quy định chế độ báo cáo tài chính của doanh nghiệp đối với Bộ bị buông lỏng; việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với doanh nghiệp là hết sức khó khăn, hạn chế và có nhiều sơ hở, bất cập. Tôi về Bộ NN&PTNT tháng 10/1997, trong khi đó các vấn đề về tổ chức cán bộ, tổ chức bộ máy của Công ty tiếp thị đầu tư NN&PTNT và Dự án triển lãm đã được quyết định và phê duyệt từ năm 1994 -1997 và khi tôi về, dự án đang được tiếp tục triển khai. Tôi không được bàn giao từ Bộ trưởng cũ về vấn đề này. Bộ NN&PTNT có tới 18 tổng công ty và gần 400 doanh nghiệp. Bộ trưởng không nắm các doanh nghiệp và phân công cho các thứ trưởng phụ trách theo lĩnh vực của mình. Bộ trưởng thì phải tin các Thứ trưởng. Những người như anh Hà, từng là Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, lại là nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm và cống hiến, nếu không tin những con người như vậy thì còn tin ai nữa”.
Nhiều người “kết tội” ông là sau khi phát hiện ra bê bối của Công ty đầu tư tiếp thị, Thứ trưởng của Bộ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Quang Hà đã đề nghị ông cho kiểm tra nhưng ông không làm mà lại bảo "vướng trên vướng dưới, khó lắm, Hà ơi!". "...Sau khi được vụ Tài chính kế toán và Thanh tra Bộ báo cáo về công tác tài chính của Công ty tiếp thị và công tác quản lý tài chính của Giám đốc Lã Thị Kim Oanh có hiện tượng không bình thường mình đã chỉ đạo tiến hành công tác kiểm tra (tháng 2/1999).
Sau gần 4 tháng kiểm tra, công tác kiểm tra gặp khó khăn và không đạt yêu cầu, sổ sách không đầy đủ, nên tháng 6/1999, mình đã quyết định thành lập Đoàn thanh tra và thực hiện thanh tra. Sau một năm, ngày 24/5/2000, mới có kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả thanh tra mình đã yêu cầu ban giám đốc công ty khắc phục hậu quả. Ngày 22/5/2001, mình báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó đã chủ động gặp đề nghị đồng chí Lê Thế Tiệm và cơ quan công an giúp đỡ để ngăn ngừa diễn biến phức tạp của vụ việc. Đấy có phải là mình không làm đâu” - ông tâm sự.
Những ngày qua...
“Tôi có một tuổi thơ có thể nói là rất khó khăn” - mỗi lần ngồi hàn huyên, nhớ lại tuổi thơ của mình ông thường bắt đầu câu chuyện như vậy. Tôi đã có dịp về quê ông: xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Điều kỳ lạ là mặc dù ông đã rời quê gần 50 năm rồi mà người dân Tĩnh Hải vẫn còn lưu mãi hình ảnh ông - một cậu bé nghèo mà học giỏi, lam lũ mà hiếu thảo...
Ông sinh năm Mậu Dần (1938), trong một gia đình nghèo có tới 6 người con, ở một trong những miền quê thuộc loại nghèo nhất nước. “Có thể nói hầu như cả cuộc đời ấu thơ tôi chưa bao giờ được ăn một bữa no nê” - ông kể. “Bố mất sớm. Nhà lại nghèo, nên ông đến trường bữa được, bữa không. Ấy vậy mà bao giờ ông ấy cũng học giỏi hơn những đứa trẻ no đủ khác cùng trang lứa” - một ông lão ở Tĩnh Hải nhớ lại.
Học xong phổ thông, ông phải ra Hà Nội bán nước mắm thuê cho một người cùng làng có xưởng nước mắm ở phố Cát Linh để kiếm sống và hàng tháng gửi tiền về cho mẹ. Hàng ngày gánh hai chục chai nước mắm đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội. "Công việc kéo dài chừng nửa năm thì một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên xảy ra đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Hôm ấy không biết trời xui đất khiến thế nào tôi lại đưa nước mắm lên tận Chèm để bán. Loay hoay đong nước mắm cho một bà lão xong, lấy tiền cho vào túi, ngẩng đầu lên, tình cờ nhìn thấy tấm bảng xi măng nhỏ có dòng chữ “Trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương”. Trong đầu tôi như loé lên một tia chớp: Tại sao ta không thử thi vào trường này nhỉ? Sau đó tôi đã thi và đã đỗ...” - ông kể.
“Cái số mình nó khổ. Thậm chí làm Bộ trưởng rồi mà ...” - ông trầm ngâm. Dường như ông đang nhớ lại những ngày tháng bận rộn ấy. “Tháng 10/1997 mình về Bộ. Còn nhớ, hôm ấy bay từ TP.HCM ra Hà Nội để nhận chức Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, vừa xuống sân bay Nội Bài, chưa kịp về số 2 Ngọc Hà (trụ sở Bộ NN&PTNT- NV) thì đúng lúc cơn bão số 5 ập tới. Mình quyết định lên máy bay bay ngược trở lại TP.HCM để từ đó dùng trực thăng bay tức tốc ra Côn Đảo chỉ đạo chống lụt bão với anh em ngoài đó. Có lẽ đây là điềm báo trước rằng những ngày tháng tới đối với mình sẽ hết sức khó khăn. Quả đúng là như vậy. Không năm nào là không có bão lụt và hạn hán. Có anh em gọi đùa mình là “Bộ trưởng bão lụt” là thế.
- Nhưng vì sao có người lại gọi ông là "Bộ trưởng nông dân"?
Ông cười, dường như quên cả việc mình vừa từ chức: “Hôm họp Chính phủ về sớm, mình quyết định bắt xe ôm về Bộ. Đưa tới cổng cơ quan, anh xe ôm nói: “Bây giờ bác đi đâu cháu lại chở bác đi tiếp và không lấy tiền của bác đâu”. Mình ngạc nhiên, nhưng cậu ấy bảo: “Cháu biết bác là bác Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng chống bão lụt ấy mà!”. Lại một lần khác, mình ra phố Thuỵ Khuê ăn phở Cò Cử, 2 cậu công nhân của Công ty vệ sinh môi trường mua 4 bát phở và nói: “Chúng cháu mỗi người ăn một bát còn bác phải ăn 2 bát”. Mình lại ngạc nhiên, còn các cậu ấy nói: "Bác là bác Lê Huy Ngọ, bác phải ăn 2 bát mới đủ sức để chống bão lụt". Một lần đi chống lụt ở Phú Yên, ra quán mấy bà bán nước cứ ép uống mà không lấy tiền vì nói vừa nhìn thấy mình hôm qua trên truyền hình giữa đồng nước mênh mông. Những chuyện đại loại như vậy thật là cảm động”.
- Ông sinh ra và lớn lên ở Thanh Hoá, nhưng dường như Vĩnh Phú mới là nơi gắn bó với thời trai trẻ của ông?
- Có thể nói một trong những khoảng thời gian đẹp nhất của mình là gắn với mảnh đất Vĩnh Phú (vợ ông cũng là người Vĩnh Phú - NV). Có buồn, có vui, có những ngày tràn đầy hạnh phúc, nhưng cũng có những phút giây buồn đến nao lòng. Gần như cả thời trai trẻ của mình là ở đây: đi lên từ một cán bộ khuyến nông của Sở Nông nghiệp, rồi trưởng phòng, trưởng ban, Phó Giám đốc, Giám đốc, Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Chủ tịch, Phó Bí thư, Bí thư tỉnh uỷ”.
Hỏi ông về kỷ niệm buồn thời làm cán bộ ở Vĩnh Phú ông cười: “Dạo ấy anh em công nhân chuẩn bị dọn dẹp đường phố để chuẩn bị chào mừng ngày lễ lớn. Khi đốn cây, một cành cây đã không may rơi vào nhà một anh thương binh làm vợ anh ấy bị thương nhẹ. Không hiểu nghe ai nói đường phố dọn dẹp là theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh. 5h sáng hôm sau tôi vừa mở cửa ra ngoài sân tập thể dục thì anh thương binh này cầm một con dao lớn lao ngay vào nhà tôi và nói: "Vợ tôi bị cây đè sắp chết rồi, tôi sẽ chém chết ông". Tôi bảo: "Trước khi anh chém tôi, cho tôi được nói một câu. Ngay bây giờ tôi sẽ gọi tới Bệnh viện tỉnh để anh em ở đó tới cứu chị ngay. Hoặc là anh chém, tôi chết, vợ anh không ai cứu cũng chết. Anh sẽ đi tù. Vậy anh chọn đi!". Anh ta lưỡng lự rồi buông dao xuống: "Thôi bác gọi điện đi!". Tôi gọi điện, 10 phút sau xe cứu thương tới. Tôi bảo anh ta: "Bây giờ anh chém tôi hay về đưa vợ đi viện?". Anh ta bảo: "Tôi về đưa vợ đi viện". Tôi nói: "Vậy thì anh về đi và hãy để con dao lại nhà tôi". Anh ta ra về, tôi gửi theo cân đường, hộp sữa. Hôm sau anh ta tới xin lỗi tôi và nói vợ đã khỏi rồi, chỉ bị xước nhẹ thôi. Tôi trả lại anh ta con dao...”
Thế vì sao ông lại được điều về làm Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá?
- Dạo ấy tình hình Thanh Hoá có nhiều vấn đề không ổn, nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng. Một hôm anh Linh (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thời ấy - NV) cho gọi tôi từ Vĩnh Phú về và nói: "Bộ Chính trị có ý định điều anh về Làm Bí thư Thanh Hoá, anh có ý kiến gì không? Tôi thưa với anh Linh là tôi phục tùng sự điều động của Bộ Chính trị. Anh Linh hỏi: trước khi về Thanh Hoá anh có yêu cầu Bộ Chính trị giúp đỡ gì không? Tôi nói có 2 yêu cầu: một là, cho Thanh Hoá hoãn chuyển 1,8 tấn gạo ra Hà Nội cứu đói (lúc bấy giờ nạn đói đang hoành hành dữ dội ở Thanh Hoá - NV). Hai là, Bộ Chính trị cho phép tôi được sắp xếp lại Bộ máy nhân sự theo ý mình. Anh Linh đồng ý và thế là tôi về làm Bí thư Thanh Hoá. Đó là mùa hè năm 1988”.
Lại “bắt” ông kể một chuyện, nhưng là chuyện vui, trong thời làm Bí thư Thanh Hoá. Ông trầm ngâm một lúc rồi kể: “Dạo ấy Thanh Hoá tổ chức một cuộc hội thảo lớn về nhà sử học Lê Văn Hưu. Các nhà khoa học kéo về đông lắm. Trong một lần trò chuyện với các nhà khoa học về cách thức làm cho Thanh Hoá thoát nghèo, mình hứng khởi ra một vế đối: “Rừng cũng nhiều, biển cũng nhiều, người cũng nhiều, làm sớm chiều mà dân vẫn đói”. Giáo sư Hà Văn Tấn đứng lên ứng khẩu ngay: “Nghĩ cho khá, hiểu cho khá, làm cho khá, dẹp đấu đá Thanh Hoá sẽ giàu”. Mọi người cùng cười vỗ tay tán thưởng. (Sau này Trung ương nhận định ông Ngọ 4 năm về làm Bí thư Thanh Hoá đã làm được 3 việc: Một là, ổn định tình hình Thanh Hoá. Hai là, nội bộ lãnh đạo Thanh Hoá đoàn kết. Ba là, Thanh Hoá phát triển đi lên - NV)”.
Những giọt nắng cuối cùng của ngày đầu tiên tháng 6 vừa tắt. Ông tiễn chúng tôi ra ngõ, đi qua khuôn viên rộng lớn, um tùm cây lá của Bộ NN&PTNT. “Năm sau nơi đây sẽ là vườn bách thảo (Trụ sở Bộ sẽ chuyển đi nơi khác - NV). Khi mình về nhậm chức, cả Bộ đang hừng hực khí thế. Anh Tạn vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng. Anh em rất hào hứng...”.
Chúng tôi đứng ngoài ngõ nhìn theo ông quay trở lại trụ sở Bộ. Ông đi giữa hàng cây, nhỏ dần, nhỏ dần, rồi mất hút...
-
Lê Thọ Bình