,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
456692
''Thắng và thua không có nghĩa là đã kết thúc''
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

''Thắng và thua không có nghĩa là đã kết thúc''

Cập nhật lúc 16:27, Chủ Nhật, 11/07/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - 74 tuổi, gắn bó với Việt Nam vì thấy mình ''có mối dây gắn bó chặt chẽ'' với đất nước còn khó khăn nhưng rất hào hùng này. Năm 1992, ông thành lập Hội hữu nghị Anh - Việt để có điều kiện giúp đỡ các nạn nhân da cam tại Việt Nam một cách thiết thực nhất. Đó là Len Aldis.

''Thắng và thua không có nghĩa là đã kết thúc. Thế giới sẽ lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân da cam/ dioxin Việt Nam'', Len Aldis.

Được biết đến với hình ảnh một người Anh luôn hoạt động tích cực, phi lợi nhuận vì mục đích giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ông chính là người thành lập website http://www.petitiononline.com/AOVN/petition.html kêu gọi mọi người trên thế giới ký tên ủng hộ các nạn nhân chất da cam tại Việt Nam trong vụ khởi kiện các công ty sản xuất chất da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Câu chuyện giữa Len Aldis với chúng tôi bắt đầu trên tầng cao của một khách sạn ngay cạnh hồ Gươm (Hà Nội), trong một buổi chiều cuối tháng 5/2004, khi ông vừa từ Điện Biên Phủ trở về. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ 20 của ông kể từ năm 1989 đến nay.

Năm 1989, lần đầu tiên đến Việt Nam, Len làm tour xuyên Việt từ Hà Nội vào TP.HCM để ''ngắm nhìn đất nước đã quá nổi tiếng''. Cũng lần đầu tiên, ông ghé thăm căn phòng đặc biệt dành cho các nạn nhân chất da cam Việt Nam. Len được tận mắt chứng kiến 2 nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, thế hệ thứ 2: 2 em Việt và Đức, tại bệnh viện Từ Dũ.

''Trở về London, tôi viết những bài báo kể lại những gì mình đã được chứng kiến. Cũng từ đó, tôi dành sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam.  

Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ hơn nửa thế kỷ

Trong ký ức của người đàn ông 74 tuổi nhưng trông còn khoẻ khoắn nhiều so với cái tuổi mà người châu Á vẫn quen nhìn ''thất thập cổ lai hy'' này, cái tên Việt Nam bắt đầu tồn tại hiện hữu từ năm 1945. Khi đó, Len Aldis mới qua tuổi thiếu niên.

Lúc bấy giờ, anh trai cả của Len từng phục vụ quân ngũ trong Chiến tranh Thế giới 2. Em trai út của Len vừa có chuyến du lịch qua Trung Đông, Sri Lanka, Myanmar. Chuyến đi của người em khiến Len ''chợt phát hiện ra trên bản đồ cái tên: Đông Dương. Đấy là lần đầu tiên tôi biết có một Việt Nam tồn tại trên thế giới này''.

Đến năm 1948 - 1949, Len Aldis gia nhập Quân đội Hoàng gia Anh. ''Thời gian đó cũng là lúc đất nước các bạn tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp''. Len Aldis bắt đầu tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.

Đến năm 1954, Len đã biết nhiều hơn về cuộc đấu tranh cho độc lập tự do ở Việt Nam. ''Có lẽ, điều đó bắt đầu cho mối cảm thông của tôi với mảnh đất này. Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới này phải chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh đến như vậy'', Len hồi tưởng lại.

Len Aldis đã từng chứng kiến những năm tháng khốc liệt của cuộc Chiến tranh Thế giới 2. Vì thế nên sau này, khi đọc được những bài báo nói về những trận bom B52 trút xuống Việt Nam, ''bỗng nhiên  ông nhớ lại những kỷ niệm kinh hoàng mà mình đã trải qua trong Chiến tranh Thế giới: "tiếng máy bay gầm rú, bom đạn mù trời''.

Cùng với hàng triệu người khác, ôngđã xuống đường bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam và phản đối Mỹ tiến hành cuộc chiến vô lý  ở Việt Nam.

Những kỷ niệm đó đã đưa Len Aldis đến với Việt Nam năm 1989.

''Đám mây độc của cuộc chiến''

80 triệu lít chất độc da cam có chứa dioxin đã được quân đội Mỹ trút xuống chiến trường Việt Nam!

''Năm ngoái, tôi cho công chiếu bộ phim "Đám mây độc của cuộc chiến" của nhà làm phim Cecile Trijssenaar nhân Hội thảo Quốc tế về Chất độc da cam tại Việt Nam. Đáng tiếc, cho đến nay phía Mỹ vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến rằng cần có thêm các cuộc nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam''.

Trong khi đó, các nghiên cứu đã được tiến hành bởi Việt Nam, Canada và Mỹ. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trong một bài phát biểu của mình cũng đã thừa nhận hậu quả của chất độc da cam gây ra đối với các cựu chiến binh Mỹ. ''Tuy nhiên, ông ta không nói một lời nào về những hậu quả trên người Việt Nam'', Len tỏ ý không bằng lòng.

Vào năm 1996, tổng thống Bill Clinton, trong một lần gặp gỡ các cựu chiến binh Hoa Kỳ tại tòa Bạch Ốc, đã lên tiếng xin lỗi về những tác hại mà Mỹ đã làm một cách không cố ý lên các quân nhân Mỹ khi dùng đến chất độc màu da cam. Dựa vào đó, ông bằng lòng bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ nào bị hai chứng bệnh có liên quan đến chất độc màu da cam, mà một trong hai bệnh này là ung thư tuyến tiền liệt.

Trong phần trả lời báo chí sau đó, tùy viên báo chí của ông Clinton khi được báo chí hỏi: "Những gì sẽ xảy ra cho con trai của các cựu chiến binh có mặt hôm nay khi 50 năm sau họ bị bệnh tuyến tiền liệt?", tùy viên của ông Clinton trả lời: “Nếu như người cha đã từng phục vụ tại Việt Nam bất luận trong một thời gian dài hay ngắn, mà người con bị tuyến tiền liệt, thì người con cũng sẽ được bồi thường”.

Trong ký ức Len, ông vẫn không thể quên hình ảnh về hai em Việt - Đức. ''Có lẽ hình ảnh hai em bé có đầu to bất bình thường ấy khiến hai cháu chỉ có thể nằm trên giường luôn lúc lắc sẽ còn ám ảnh tôi suốt đời. Thật khó tả được cho đúng cảm xúc của tôi lúc ấy. Một sự pha trộn giữa nỗi tức giận, phẫn nộ và xót xa. Lúc đó, tôi chỉ muốn nâng các cháu dậy và ôm chúng vào lòng, nhưng chỉ sợ các cháu gẫy cổ mất vì cái đầu to quá cỡ.

 Tôi biết mình phải nói lên trước công luận về các em, về những nạn nhân ấy. Tôi đã trở thành người gây quỹ ủng hộ ở Anh để giúp đỡ các nạn nhân trẻ em của chất độc da cam từ đó''.

Trở lại London, năm 1992, Len Aldis thành lập Hội Hữu nghị Anh -Việt. Cũng từ đó, ưu tiên hàng đầu của Hội là gây quỹ giúp đỡ các nạn nhân da cam Việt Nam.

Tại Anh, Hội có 200 thành viên, ''Chúng tôi tổ chức bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Số tiền thu được chuyển đến cho các nạn nhân dioxin ở Việt Nam'', Len kể.

Ấn tượng về chuyến đi xuyên Việt năm 1989 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức Len Aldis: ''Tôi nhận thấy đất nước các bạn đã bị tàn phá nặng nề như thế nào bởi những trận bom Mỹ. Hồi đó, Việt Nam còn đang trong giai đoạn rất khó khăn. Hầu như không có điện sinh hoạt, cùng lắm được 2 tiếng mỗi ngày. Các bệnh viện không thể hoạt động hàng ngày. Tôi đã thấy những ngôi làng nghèo. Tôi đã thấy những bệnh viện sơ sài, thiếu thốn trang thiết bị cần thiết. Tôi cũng đã chứng kiến những câu chuyện thương tâm ngay giữa thời bình do bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến tranh gây ra, đã thấy di chứng của chất độc da cam trên thân thể những con người ở mảnh đất này''.

Chất độc da cam hiện đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3 (đời cháu) ở Việt Nam

Ông đã đến thăm một bệnh viện do Cuba giúp Việt Nam xây dựng. Ở đó, khi đã trao đổi với 2 bác sĩ người Cuba, Len đã được họ chỉ cho thấy 1 cậu bé bệnh nhân 10 tuổi. Cậu bé đang chơi đùa cùng chúng bạn trên cánh đồng thì mìn nổ, giết chết 2 em gái, còn cậu thì mù mắt. Vụ nổ xảy ra chỉ một ngày sau ngày Quốc tế Phụ nữ. 

''Chắc bạn có thể hình dung được cảm xúc của tôi khi chứng kiến những em bé không tay, chân, cơ thể rúm ró... Các em hoàn toàn vô tội và chẳng liên quan gì đến cuộc chiến tranh đã qua. Lẽ ra, các em có quyền và phải được sống một cuộc đời bình thường, khoẻ mạnh''.

Giọng người đàn ông 74 tuổi nghẹn lại.

Chung một niềm tin

Các nghị sĩ thuộc ba đảng trong Quốc hội Anh đã bày tỏ sự ủng hộ với phiên toà bằng cách ủng hộ Kiến nghị EDM 680 do Harry Cohen, một nghị sĩ ở London, đưa ra.

EDM như sau: "Nghị viện hoan nghênh tin 3 người VN nạn nhân của chất da cam do Mỹ rải xuống đất nước họ đã khởi kiện các nhà sản xuất và đòi bồi thường. Nghị viện lưu ý rằng Tổng thống Clinton đã công nhận "nỗi đau mà đất nước chúng ta (Mỹ) không chủ tâm gây ra cho những người con trai và con gái của chúng ta bằng cách khiến họ phơi nhiễm chất da cam". Nghị viện trông đợi kết quả thành công của phiên toà quan trọng này vì hơn 2 triệu "người con trai và con gái của VN" đã bị ảnh hưởng bởi chất da cam".

Len Aldis kêu gọi ủng hộ cả kiến nghị trên mạng và EDM 680.  Người Anh hãy yêu cầu các nghị sĩ của họ ký EDM 680 và ký tên vào kiến nghị trên mạng.

Cách đây 4 năm, Len Aldis gặp một cậu bé 8 tuổi tên Lý Văn Chính. Em bị dị tật bẩm sinh do hậu quả chất độc da cam, một chân của em chỉ đến khoeo.

''Tôi đưa em đến bệnh viện làm phẫu thuật. 3 tháng sau khi trở về London, tôi nhận được một bức ảnh, trong đó em đã được lắp chân và tay giả. Tháng 10 năm ngoái, tôi gặp lại em. Chính đã có thể đứng dậy, mang sách lại cho tôi. Tôi thực sự hạnh phúc bởi số tiền nhỏ bé đã có thể làm thay đổi cả cuộc đời một con người. Điều đó cũng thể hiện giá trị của nguồn quỹ mà Hội đã quyên góp cho các nạn nhân da cam. Tất nhiên, con số 3 triệu nạn nhân da cam là quá lớn. Nhưng nó có thể có ích với một con người cụ thể nào đó'', Len cười tràn hạnh phúc. 

- Lý do nào khiến ông thiết kế một trang web thu thập chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện các công ty sản xuất hoá chất ở Mỹ?

- Hồi tháng Giêng, tôi đọc được bài báo nói về vụ kiện đang tiến hành ở New York. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một hành động như vậy. Tôi đã bàn bạc với một số người bạn cùng tâm huyết ở Anh, Thuỵ Điển và Mỹ xem chúng tôi có thể làm gì để giúp họ.

Ở đây, có hai khía cạnh của vụ việc. Một mặt, các luật sư sẽ giải quyết vụ kiện tại phiên toà. Còn trách nhiệm của chúng ta là khuấy động dư luận, tạo diễn đàn cho mọi người trên thế giới để bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của những nạn nhân, đồng thời thu hút sự quan tâm của những người có thể chưa bao giờ nghe nói đến chất độc màu da cam. Đó là lý do vì sao tôi thiết kế trang web http://www.petitiononline.com/AOVN/petition.html

Sau đó, tôi gửi rất nhiều e-mail cho bạn bè và những người thiện cảm với Việt Nam ở Anh và các nước khác trên thế giới và yêu cầu họ thông báo cho những người khác nữa.

- Ông cho rằng việc làm này có hiệu quả đối với vụ kiện?

Tôi không nghĩ rằng việc làm của chúng ta không có ý nghĩa.Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được chữ ký của hơn 20.500 người đăng ký qua mạng từ nhiều quốc gia khác nhau.

Tháng 9/2004, người ta sẽ ra phán quyết rằng vụ kiện có đưa ra xét xử hay không. Và chúng tôi rất cần có thật nhiều chữ ký ủng hộ. Các luật sư sẽ nói với quan toà rằng: ''Hãy nhìn xem, thưa ngài, chúng tôi đã có bao nhiêu người ủng hộ''.

Chương trình thu thập chữ ký ủng hộ các nạn nhân da cam sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Tôi sẽ gửi bản danh sách chữ ký đến Tổng thống và Thượng viện Mỹ cũng như ban điều hành của 35 công ty hoá chất.

- Con số 20.500 người ký tên có phản ánh hết sự ủng hộ của nhân dân thế giới dành cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?

Thực ra, chiến dịch này chỉ mới bắt đầu và rất nhiều người chưa biết đến. Vì thế, những gì chúng ta phải làm là khiến cho đông đảo mọi người biết đến hành động này.

Ba cha con ông Nguyễn Văn Quý, trong số những nạn nhân da cam đầu tiên tại Việt Nam khởi kiện các công ty sản xuất chất độc của Mỹ.

Ngoài ra, tôi đã nói chuyện và vận động các nghị sĩ Quốc hội Anh ủng hộ vụ kiện chất độc da cam. Đến bây giờ, đã có 33 nghị sĩ ký tên ủng hộ vụ kiện. Sau khi về nước, tôi sẽ tiếp tục gặp các nghị sĩ. Tôi cũng sẽ viết thư cho Liên đoàn Lao động Anh, đề nghị họ ủng hộ phong trào lấy chữ ký. Tôi sẽ tiếp tục nói chuyện tại các trường đại học về chất độc da cam. Tôi sẽ tiếp tục công việc của mình.

Một mình Việt Nam không thể giải quyết gánh nặng di sản chiến tranh được. Việt Nam đang rất cần sự giúp đỡ của bên ngoài.

Len tâm sự: '' Chiến dịch của chúng tôi nhằm làm dấy lên bất bình của dư luận, đòi hỏi Monsanto phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam''.

Cách đây nhiều năm, Monsanto và một số công ty hoá chất khác đã bị các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam khởi kiện. Các hãng này đã phải bồi thường cho họ 180 triệu USD. Vụ việc này đã được giải quyết bên ngoài toà án, vì thế, Monsanto không phải biện hộ cho hành động của mình.

Đây là lần đầu tiên, chúng ta sẽ được xem tập đoàn hoá chất hùng mạnh Monsanto (hãng hoá chất chính cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) biện hộ như thế nào cho việc sản xuất chất độc da cam của họ. Trong lịch sử, họ chưa từng bao giờ lên tiếng về điều này.

- Ông đã bao giờ suy đoán về kết quả vụ kiện này?

- Tôi cho rằng, chúng ta đừng bao giờ bi quan về tương lai của vụ kiện. Người Mỹ có câu nói nổi tiếng: "Trong một cuộc chiến tranh, khi một bên đã giành chiến thắng và một bên thua không có nghĩa là cuộc chiến đã kết thúc''. Cho dù việc theo đuổi vụ kiện này là rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng nó không vô ích. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một hành động như vậy.

Người ta có thể đã nghe nói về chất độc da cam qua vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ. Nhưng giờ đây, với vụ kiện này, thế giới sẽ lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, sẽ được chứng kiến và hiểu những nỗi đau bấy lâu họ phải chịu đựng.

''Một người ký tên, hãy gửi địa chỉ website này đến 10 người khác để họ cũng làm như bạn'', Len Aldis

Thắng và thua không có nghĩa là đã kết thúc - Thế giới sẽ lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Vĩ thanh

Và nếu bạn muốn góp một tiếng nói chung, một sự ủng hộ dù nhỏ nhất của mình, để ủng hộ với những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đơn giản nhất, chỉ cần một động tác click chuột vào http://www.petitiononline.com/AOVN/petition.html. Và đồng thời, hãy gửi trang này cho bạn bè của bạn!

Sự cảm thông sẽ khiến nỗi đau dịu bớt, và những thân phận thiệt thòi sẽ luôn cảm thấy họ được tôn trọng và đối xử bình đẳng, từ những người mà họ chưa bao giờ, có thể sẽ không bao giờ, có dịp gặp mặt.

  • Trường Giang - Việt Lâm

,
,