,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
514576
Vị giáo sư có tên trong "sách đỏ"
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Vị giáo sư có tên trong 'sách đỏ'

Cập nhật lúc 19:00, Thứ Hai, 20/09/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ông là GS. Vũ Văn Chuyên, một trong hai người Việt Nam có tên trong cuốn từ điển chuyên ngành cây, con làm thuốc của thế giới - The Directory of Specialists in Herbs, Sprices, and medicinal Plants.

Năm 2000, ông làm giới khoa học sửng sốt với công bố: tại căn nhà số 8 Chân Cầm (Hà Nội) còn sót lại một cây lá thông thời đại Cổ sinh sống cách đây ba triệu năm. Ông cũng là người đã tuyên bố với thế giới: VN có nhân sâm.

Nhà khoa học nằm trong... hàm cá sấu

Soạn: AM 145267 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Vũ Văn Chuyên.

Ông nằm lọt thỏm trong miệng cá sấu há to. Chỉ còn nhìn thấy nửa mình trên. Mắt mở to hoảng hốt... GS. Vũ Văn Chuyên nói ngay khi thấy khách hốt hoảng: "Đấy chỉ là ảnh ghép thôi, đừng sợ... Ngày ấy, khi trung tâm nghiên cứu thuốc cắt cơn nghiện Cedemex suýt bị đình chỉ, mình "kêu lên các anh" ở số 10 Nguyễn Cảnh Chân (Ban văn hóa tư tưởng TW), một vị lãnh đạo bảo: "ông đang nằm trong hàm cá sấu đấy!..." Thế là mình ghép luôn cái ảnh này để nhớ về một chuyện cay đắng trong đời".

GS. Vũ Văn Chuyên được giao cái chức GĐ Trung tâm Nghiên cứu khoa học, trực tiếp nghiên cứu đề tài thuốc Decemex cai nghiện ma tuý cho chương trình cai nghiện ma tuý của Bộ Nội vụ khi đã nghỉ hưu, năm 1995. Thế nhưng, điều ông không ngờ nhất là ba năm sau, cơ quan của ông lại "bị" cơ quan pháp luật "sờ" tới. "Bọn mình lại bị chính cảnh sát kinh tế quận Cầu Giấy làm khó! Ông cảnh sát ấy còn bảo trước mặt bao nhà khoa học ở cơ quan mình: "Ông "chơi" chúng mày đấy!" - Ông buồn rầu nhớ lại.

Đó là câu chuyện buồn nhất trong đời làm khoa học của ông. "Ngày 26/12/1998 có 5 người lạ mặt đến trung tâm ra lệnh: "nội bất xuất ngoại bất nhập". Họ lục tung hết giấy tờ tài liệu. Cuộc khám xét kéo dài từ 10h30 đến tận 13h. Lúc đó, ông không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở cơ quan, ông đang ốm nằm nhà "và suốt một tuần liền "ngày nắng cũng như ngày mưa" 3 chiến sĩ công an lúc nào cũng túc trực ngay cạnh giường bệnh?!" - ông nói.

"Đừng sợ...!"

Vị giáo sư hóm hỉnh nheo mắt: "Họ nắn gân mình đấy! Nếu có sai phạm gì thì run và khai ra ngay! Nhưng cây ngay nào sợ chết đứng! Công trình ấy đã được Hội đồng khoa học kĩ thuật đánh giá ngày 20/10/1996: "Thuốc Cedemex cắt cơn nghiện êm dịu, bình ổn được nhiều triệu trứng của "hội chứng cai" như dị cảm dòi bò, giãn đồng tử, mạch nhanh, tăng thân nhiệt... Đặc biệt 2 triệu chứng làm người cai rất sợ và từ chối cai là dòi bò và giãn đồng tử lại không xảy ra khi cai bằng thuốc Cedemex... Thời gian cắt cơn nghiện nhanh (04) ngày. Không gây tai biến nào trên người đã sử dụng thuốc. Ngoài ra bệnh nhân ăn ngủ tốt và tăng cân".

"Thuốc Cedemex đã được Cục sở hữu công nghiệp - Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cấp Bằng Độc quyền sáng chế số 1017, mà mình làm khoa học chứ có phải là kẻ làm hàng giả đâu mà sợ!" Nhưng khổ cho ông và bao nhà khoa học tâm huyết với "sự cố" ấy công trình đã "được" đắp chiếu tám năm liền... chờ thẩm tra kiểm định?!

"Được vạ thì má đã sưng!" - Sự việc trên đã làm cho ông quá mệt mỏi. Thay vì dồn tâm sức vào nghiên cứu bài thuốc cai nghiện ma túy, nhà khoa học lại phải trở thành người đi... thưa kiện! Lần ấy với cương vị GĐ trung tâm, GS. Vũ Văn Chuyên phải chạy khắp, tới Toà án, Viện kiểm sát đâm đơn đòi công lý. Đã có lúc ông mệt mỏi đến mức phải nằm viện hàng tháng trời. Trong khi đó "bài thuốc" Hufusa của một người không có nghề làm thuốc và Heantos cuả một con nghiện đã làm chết mấy con nghiện ở Đan Phượng (Hà Tây), Đồng Đăng (Lạng Sơn) lại được phép lưu hành?!

Xuống tóc đi tu...

Soạn: AM 145261 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Vũ Văn Chuyên: "Nghị lực đã đẩy lùi tử thần!".

Năm cậu bé Vũ Văn Chuyên 12 tuổi, một hôm đang đứng vẽ lên bức tường nhà dòng ở phố nhà Chung thì tình cờ gặp gỡ, rồi kết thân với chị Vũ Lê Dung ở phố Huế, lớn hơn ông chục tuổi. Hai người quý nhau như chị em ruột thịt... Một hôm, đang trong giờ học, ông nhận được tin chị Dung chết vì một căn bệnh hiểm nghèo. Rụng rời chân tay... bỏ cả tiết học, ông khóc tức tưởi chạy đến nhà để kịp nhìn mặt chị lần cuối...

Cú sốc này khiến ông quyết định bỏ học, xuống tóc đi tu! "Ngày ấy mẹ tôi khóc ròng cả tháng trời. Tôi là con một mà! Mẹ tôi lại đau ốm liên miên. Phải mất cả một thời gian dài tôi mới bình phục được và quyết định sẽ học thật giỏi để sau này theo nghề thuốc..." - Ông bồi hồi kể lại.

Học xong chương trình ở trường Abbert Sarraut (số 10 Nguyễn Cảnh Chân ngày nay), ông ghi tên học trường thuốc hệ 7 năm. Ngặt nỗi nhà nghèo không đủ tiền học nên đành chuyển sang học Cao đẳng Khoa học. Ngày ấy cái vốn tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Latin của cậu thanh niên công giáo "trọng chữ hơn cơm" đủ để "chạy sô" gõ đầu con Tây kiếm sống ngoài giờ học. Tối đến lại nhận dịch bài đăng báo, đến 10h đêm mới mò về nhà ngồi vào bàn học. Sáng dạ ít ai sánh kịp nhưng do phải làm việc khuya triền miên nên lúc nào ông cũng ở trạng thái "trên mây trên gió".

Cẩn thận quá lại hoá dở, "Khi đi thi tôi uống thuốc cho tỉnh nào ngờ thành lú lẫn, bị trượt, phải chuyển sang ban Vạn Vật học" - Ông buồn bã nhắc lại. Đỗ bằng dự bị, ông ghi tên học tiếp 3 ngành khác: động vật, thực vật và địa chất. Cứ hai năm một chứng chỉ, lúc nào ông cũng đứng nhất lớp.

Đang học dở chứng chỉ thứ ba thì Nhật đảo chính Pháp. Mới chỉ kịp có bằng dự bị. "Phi cao đẳng bất thành sư phụ" - ông tỏ ra tiếc rẻ về sự học dở dang của mình. Nhưng ngày ấy những người như ông ở Bắc Kỳ chỉ có 20 người!

Bắt đầu từ anh nhân viên thí nghiệm cho đến khi thành GS giảng dạy, Nhà giáo nhân dân, cuộc sống và sự nghiệp của ông gắn với con số 13 Lê Thánh Tông tính ra tròn nửa thế kỷ.

Một con đường phải đổ vào đó công sức, tâm huyết, trí tuệ đầy nhọc nhằn vậy mà ông vẫn ví von một cách vui vẻ: như con tầu thẳng tiến trên đường ray vậy! Đến bây giờ ông cũng không nhớ nổi mình đã dìu dắt bao sinh viên trở thành nhà khoa học!

Thời Pháp, ông đi xe hơi. Khi đất nước gian khó, ông đạp xe đạp như  bao nhiêu ông thầy khác. Lên rừng, xuống biển, đều theo vòng quay nặng nhọc của chiếc xe đạp cũ kỹ... Thời bao cấp, theo ngạch giáo dục, "suất" của ông chỉ được 13kg gạo/tháng, lúc nào ông cũng trong tình trạng... đói! Học trò và lãnh đạo trường thương thầy Chuyên sáng dạy dược chiều lại đeo ba lô đá đạp xe xuống chùa Láng dạy địa chất học, liền... làm đơn kiến nghị lên cấp trên xin cấp thêm "lương" cho ông thành 21kg/tháng!

Những năm rừng Cúc Phương mới được quy hoạch, ông thường xuyên vừa đạp xe vừa... ngủ gật từ 5h sáng đến 5h tối, vượt 120km từ Hà Nội, để xác định mấy trăm loài cây cỏ và lập danh mục thực vật ở đây. Một lần, chỉ với ba lô bánh mì, ông đã leo tận lên đỉnh một ngọn núi cao 2.500m tìm kiếm để rồi sau đó tuyên bố với toàn thế giới: Việt Nam có nhân sâm!

Để có được 47 cuốn sách về thực vật học, khoáng học bằng tiếng Việt, Anh, Nga, Bồ Đào Nha, chủ trì và tham gia 28 công trình về thực vật học, đôi chân của vị giáo sư già đã in dấu khắp mọi miền đất nước. Nơi nào heo hút chưa có ai đặt chân luôn là nơi ông thích thú, say mê tìm đến.

Cũng thật đặc biệt, ông luôn thích những loài hoa dị dạng có mùi... khó ngửi, bởi theo ông đó là những cây quý, cần tìm ra nó, chế ra thuốc đặc trị để người Việt không phải "nằm trên đống thuốc mà đành chịu chết".

Bận túi bụi nhưng ngay khi biết tin những đứa trẻ ở Thái Nguyên ăn quả rừng bị ngộ độc, phải cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai, ngay lập tức ông gọi "đích danh thủ phạm", đó là quả khua mật, và chỉ ra tên chất độc cùng với thuốc giải...

Bạn bè đồng nghiệp, học trò, những người am hiểu về thực vật đều gọi ông là "cuốn từ điển sống" về thực vật bởi bao năm nay ở đất nước ta chưa có ai có được cái khả năng kỳ diệu chỉ cần nhìn ngắm mẫu thực vật dù còn tươi hay đã khô trong vài phút là đọc vanh vách tên khoa học của nó!

Trồng cây lành, hái quả ngọt

Soạn: AM 145263 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Với một ba lô bánh mì ông đã đi và công bố với thế giới: "Việt Nam có nhân sâm".

Tiếp xúc với thầy Chuyên có cảm giác đang được trò chuyện với người bạn thân lâu ngày gặp lại hơn là một vị giáo sư uyên bác 84 tuổi. Cả đời làm khoa học nên ông có thói quen "nói có sách mách có chứng" ngay cả khi nói về chuyện tình cảm! Vừa nói ông vừa lôi chính xác từ trong đống nhật ký dưới tầng tầng lớp lớp sách chật cứng căn gác để cho "đối tác" phải tâm phục khẩu phục.

Có lần, nhờ làm "xe đạp ôm" đưa bà cụ già đến thăm con ở đơn vị bộ đội xa hàng chục cây số tình cờ gặp ngang đường đi công tác mà ông tránh được loạt bom Mỹ rải thảm đứt cầu Long Biên năm 1972. Nếu cứ đúng như lịch trình thì hôm ấy ông đã rơi vào đúng tọa độ chết! Kỷ niệm ấy được ông ghi chép tỉ mỉ và có ý định mang ép plastic cùng những kỷ niệm của đời làm khoa học!

Lại có lần ông đi công tác miền núi, người lái xe và cả đoàn đều... ngủ gật! Trong lúc loạng quạng lao sang đường, bỗng có tiếng dê kêu "be be" làm tất cả choàng tỉnh. Ngay trước mặt là vực thẳm! Ông cho rằng đó là nhờ vụ mấy người dân tộc thiểu số nhầm ông là "nhà chăn nuôi giỏi" nên gửi thư hỏi cách nuôi... dê sao cho năng suất! Ông đã tìm tài liệu hướng dẫn và gửi đến tận nơi cho họ. Chẳng biết có phải những con dê đó lớn lên nhờ những tài liệu của ông không, nhưng chuyện này cũng được ông ghi cẩn thận vào nhật ký.

Người dân ở phố Nhà Chung còn nhắc mãi "sự kiện" năm 1987, nhà ông bị người ta xây lấn bịt cả lối đi, hai vợ chồng giáo sư bị nhốt chặt trong nhà. Biết tin, hàng trăm sinh viên trường Dược kéo đến "giải vây" cho thầy và đòi lại công bằng...

Để có được tình cảm thương yêu kính trọng, sẵn sàng "xả thân" từ phía học trò dành cho mình như ông từng có thì không phải nhà giáo, nhà khoa học nào trong lịch sử giáo dục nước nhà đều muốn là cũng có thể có được!

  • Minh Thụy

,
,