“Một nửa thế giới” trong mắt cố TBT Lê Duẩn
(VietNamNet) - Không mấy ai biết, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một người rất mực ý chí và thần kinh “thép” - lại có một tâm hồn lãng mạn và đời sống tình cảm riêng đầy sóng gió. Có lẽ nhờ vậy mà ông luôn thấu hiểu, cảm thông với những tình huống éo le trong cuộc đời của “một nửa thế giới”.
“Con mà chết thì mẹ sống làm sao được!”
Một trong những kỷ niệm về Mẹ của mình thường được cố TBT Lê Duẩn nhắc với các con là chuyện về một nồi khoai luộc. Ông kể: khi còn nhỏ, một lần, Mẹ đi qua một nhà hàng xóm, thấy người ta đang dỡ một nồi khoai thật to giữa sân, khói bay nghi ngút. Bà thầm nhủ ước gì đến lúc nào đó, nhà mình cũng có một nồi khoai to như vậy!
Ước muốn giản đơn của mẹ thôi thúc cố Tổng Bí thư đi làm cách mạng chỉ với nguyện vọng đầu tiên là cho người nghèo bớt khổ. Vì dường như, trong bất kỳ người nghèo nào ông cũng nhìn thấy hình ảnh của mẹ mình trong đó.
Cha của cố Tổng Bí thư là người phản đối đầu tiên khi biết ông bỏ học đi làm cách mạng, còn mẹ chỉ nói: “Con làm cách mạng là đúng, nhưng việc ấy rất khó, lại rất nguy hiểm, chết như chơi, mẹ sợ con không làm được. Con mà chết thì mẹ sống làm sao được, hay là, con chờ mẹ chết đã rồi hẵng đi làm cách mạng!”
Những ngày tháng ở tù, cố TBT Lê Duẩn ngẫm nghĩ rất kỹ lời mẹ nói và thực sự ngạc nhiên trước suy nghĩ minh triết và cấp tiến của bà - một phụ nữ nông thôn sống ở vùng quê hẻo lánh, cả đời chẳng được đi học, sao đầu óc lại thoáng đạt đến thế. Một trong những điều ông ân hận nhất trong cuộc đời là đã không có cơ hội gặp lại để khoe với mẹ rằng: con đã làm được việc mà mẹ nói là rất khó ấy, cách mạng đã thắng lợi!
Vợ ông, bà Nguyễn Thụy Nga, trong hồi ký của mình, cũng kể lại câu chuyện thật cảm động về những tình cảm của người Mẹ của chồng mình. Bà viết:
“Bề ngoài trông anh như “ông đồ nho, nhưng tình cảm của anh rất đặc biệt. Anh làm cho tôi hình dung mẹ anh là một người phụ nữ thật nhân hậu, hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Bà thường nấu cao dán mụn nhọt theo toa gia truyền, cả làng đều nhờ bà. Lúc anh bị giặc bắt cầm tù, thư anh gửi về mẹ nhờ hàng xóm đọc cho nghe nhiều lần, xong bà cho may một cái túi nhỏ xếp thư vào khâu lại và mang trên cổ như người ta mang bùa vậy. Khi bà chết, anh không về được nhưng người nhà nói lại thư anh vẫn đeo trên cổ bà! Những chuyện kể của anh làm tôi vô cùng xúc động…”
“Em phải là người đàn bà ấy!”
Cố TBT Lê Duẩn và vợ ông, bà Nguyễn Thụy Nga trong những ngày kháng chiến chống Pháp (ảnh tư liệu gia đình) |
Do hoàn cảnh, vợ chồng, con cái của cố Tổng Bí thư luôn bị ly tán, khi thì vợ Bắc chồng Nam, lúc lại vợ Nam chồng Bắc, con cái cũng không mấy khi được sống trong một mái nhà có đủ cha, đủ mẹ… Trong hoàn cảnh ấy, những khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc của cố Tổng Bí thư chỉ có thể tỏ bày trong những lá thư viết cho người vợ thân yêu của mình, bà Nguyễn Thụy Nga.
“Hạnh phúc là tình yêu, là tấm lòng thiết tha thương yêu nhau, sống chết không bao giờ và không thể nào bỏ nhau. Đến một lúc thì tình yêu không phải là hạnh phúc về vật chất và vật chất cũng không phải là cơ sở nữa mà chính là lòng yêu nhau, quý nhau, hiểu biết chân tình ý nghĩa đầy đủ của nhau. Lòng thương là duy nhất, trong sáng như một tấm gương và không có gì êm ái, nhẹ nhàng, ấm áp bằng tình của mẹ thương con, của vợ thương chồng.
Người đàn bà là một linh hồn để xoa những nỗi đau khổ của con người. Em phải là người đàn bà ấy. Người đàn bà là một bài thơ, một bản nhạc hay, một bông hoa đẹp thơm tho, một luồng gió mát, một biển cả mênh mông. Người đàn bà là người có hằng hà sa số tình thương, là người bạn tốt nhất, đẹp nhất (tấm lòng đẹp nhất) của người chồng. Em phải là người đàn bà ấy. Em tin ở anh. Anh tin ở em. Chúng ta thương nhau nên tin nhau, em cố gắng tiến lên, anh rất vui sướng thấy em hiểu anh nhiều, thương anh nhiều”.
Đối với bà Thụy Nga, trải qua bao cay đắng, xót xa, tủi hờn, tiếc nuối, nhưng trong bà vẫn nguyên vẹn tình yêu thương như thuở ban đầu ông bà gặp nhau trong kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Nam bộ.
“Ba mươi hai năm tình nghĩa vợ chồng nhưng chúng tôi chỉ hạnh phúc bên nhau ba năm trọn vẹn, còn phần lớn là sống trong cay đắng, chia ly. Tôi buồn rất nhiều nhưng cũng rất tự hào chồng mình là người có hoài bão lớn lao, dám hy sinh trọn đời cho cách mạng”. (Trích hồi ký bà Thụy Nga, vợ của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn)
Người cứu cố TBT khỏi án tử hình
Có một người phụ nữ mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hay nhắc tới với tình cảm trân trọng, đó là người đã cứu ông thoát khỏi án tử hình của thực dân Pháp, bà Nguyễn Thị Quang Thái, người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lúc ông bị tù, có một người tù khác đã ném cho ông mẩu giấy nói rằng ở ngoài sắp sửa làm bạo động Nam kỳ. Mảnh giấy đó bị rơi ra ngoài và một sĩ quan Pháp nhặt được. Người Pháp sẽ xử bắn bất kỳ người nào dính đến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Lúc đó, bà Quang Thái tình cờ đi qua, ông nhờ bà Thái nói chuyện với viên sĩ quan kia để lấy lại mẩu giấy đó. Nhờ sự khéo léo và vốn tiếng Pháp thành thạo, bà Quang Thái đã lấy lại được lá thư, tức là đã cứu sống ông.
Ông còn kể chuyện về chị ruột của bà Quang Thái, bà Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khởi nghĩa Nam kỳ, bà bị bắt và bị thực dân Pháp kết án tử hình. Chết bà không sợ, nhưng điều bà lo lắng là những ý kiến bất đồng của chồng bà, đồng chí Lê Hồng Phong và ông về đường lối cách mạng Việt Nam. Ông đã kịp thời thông báo cho bà rõ hai ông đã thống nhất quan điểm để bà ra đi được thanh thản.
Một câu chuyện khác xảy ra trong thời kỳ ông hoạt động bí mật tại Nha Trang. Một chị là cơ sở cách mạng nuôi giấu ông trong buồng ngủ. Bất chợt, người chồng trở về và nổi cơn ghen khiến ông có nguy cơ bại lộ... Chị cơ sở báo động và xin chỉ thị có cần phải “khử” người chồng hay không? cố Tổng Bí thư không đồng ý và đề nghị một phương án khác, thu xếp mọi việc êm thấm và thoát hiểm. Sau giải phóng, khi về thăm lại gia đình người phụ nữ cơ sở, cố Tổng Bí thư vẫn ám ảnh mãi về câu chuyện ngày ấy, nếu ông quyết định thiếu cân nhắc thì có lẽ sẽ phải ân hận cả đời.
Cố Tổng Bí thư thường tâm sự, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là thời kỳ hoạt động bí mật, ông có rất nhiều đồng chí. Có nhiều người, vì không chịu đựng nổi gian khổ, tù đầy, hiểm nguy mà phản bội lại đồng đội của mình. Nhưng, điều đáng nói là không có một người phụ nữ tham gia cách mạng nào ông từng gặp phản bội lại lý tưởng mà mình đã chọn. Tố chất ấy của những phụ nữ tham gia cách mạng khiến ông vô cùng cảm phục và trân trọng. Nhưng ông cũng rất băn khoăn, nhất là về cuộc đời một nữ anh hùng khác, chị Út Tịch và đàn con của chị. Vẫn biết, sự hy sinh của chị cho cách mạng là cao cả, nhưng giá như, có cách nào vẹn toàn hơn để phụ nữ vừa tham gia hoạt động cách mạng, vừa chăm sóc được cho các con vẫn tốt hơn.
“Sao lại nỡ kỷ luật cô ấy…”
Một lần, khi xuống nhà nghỉ quen thuộc, thay cho cô phục vụ cũ là một người mới toanh, ông hỏi người kia đâu, họ trả lời: cô ấy bị đuổi vì quan hệ nam nữ bất chính. Ông rất buồn và nói với lãnh đạo nhà nghỉ: sao lại nỡ kỷ luật cô ấy, cần có thái độ cảm thông và bao dung hơn với phụ nữ, lỗi ấy chẳng đến nỗi phải đuổi việc. Tất nhiên, lúc ấy, ý kiến của ông cũng chỉ là ý kiến riêng nên không giúp được gì cho cô nhân viên kia. Vì vậy mà ông cứ buồn phiền mãi.
Sau ngày giải phóng miền Nam, cố Tổng Bí thư nhận được nhiều thư của các cựu nữ thanh niên xung phong. Họ đề đạt nguyện vọng muốn có một đứa con ngoài giá thú, được xã hội thừa nhận. Thông cảm cho nguyện vọng thiêng liêng muốn làm mẹ của những người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, cố Tổng Bí thư đã đặt vấn đề này với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là bên đó phản ứng rất găng, không đồng ý với đề nghị của ông. Ông vẫn day dứt mãi về chuyện này.
Một hôm, ông đi thăm một ngôi chợ ở Đà Nẵng. Một phụ nữ bán hàng nhận ra ông. Bà bèn “chất vấn”:
“Ông làm lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, ông có biết, với mẹt hàng này, tôi không thể nào nuôi nổi 5 đứa con không?”
Ông trả lời: “Tôi biết, cuộc sống bây giờ quá khó khăn nên chị thật vất vả nuôi 5 đứa con. Nhưng chị có biết, ở ngoài Bắc, có bà mẹ có 5 đứa con, tất cả đều hy sinh, giờ sống thui thủi một mình, không còn một đứa con nào để nuôi nấng, để lo lắng nữa không?”. Người phụ nữ nghe ra òa khóc và ôm chầm lấy ông. Bà ngộ ra rằng, những khó khăn trước mắt của bà chẳng thấm gì so với nỗi đau mất con của người mẹ kia!
“Người phụ nữ đẹp đầu tiên phải rất hiền dịu”
Trong một lần tiếp đại diện phụ nữ miền Nam ra thăm miền Bắc, một chị trong đoàn hỏi ông: “Thế nào là phụ nữ đẹp?”
Cố Tổng Bí thư trả lời: “Người phụ nữ đẹp đầu tiên phải rất hiền dịu, đó là một trong những tố chất quan trọng nhất để nuôi con”. Rồi giảng giải: khi bú, đứa con bao giờ cũng chăm chú nhìn vào gương mặt của mẹ. Sự hiền dịu trên gương mặt của mẹ tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách của đứa con sau này.
Không chỉ là tính tình hiền dịu, phụ nữ cũng cần phải mặc đẹp. Ông thường nói, ở người phụ nữ, nhu cầu mặc đẹp là rất lớn. Ngay cả mẹ ông, một phụ nữ nông thôn, tuy đã già nhưng khi được mặc quần áo mới, đôi tay bà cứ rờ trên quần suốt cả ngày, cử chỉ ấy làm ông nhớ mãi.
Ngày mới giải phóng, mốt của thanh niên lúc ấy là mặc quần loe. Rất nhiều người phản đối chiếc quần hợp mốt này, thậm chí, trong cuộc họp của Bộ Chính trị, có người nói: “quần loe, tư tưởng cũng loe”. Ông bảo với họ: con gái tôi cũng mặc quần loe mà tư tưởng nó có loe đâu?”.
Khi sang thăm Liên Xô, gặp gỡ các du học sinh, có một bạn trẻ cũng mạnh dạn hỏi ông: “Bác nghĩ sao về quần loe”. Ông trả lời: tôi biết sứ quán đang cấm các cháu mặc quần loe. Nhưng sứ quán có quần áo khác cho sinh viên mặc không? Nếu không thì cấm sao được? Điều quan trọng không phải là quần loe hay không loe mà phụ nữ cần phải ăn mặc đẹp”. Cả hội trường lúc ấy vang dậy tiếng vỗ tay hưởng ứng của sinh viên…
Tình yêu thương, trân trọng, luôn thấu hiểu, thông cảm với những tình huống “éo le” trong cuộc sống của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khiến những người bạn, người đồng chí của ông, nhất là những cán bộ phụ nữ Nam bộ, luôn kính trọng và xem ông như người anh lớn, họ thường gọi ông bằng hai tiếng “anh Ba” một cách thật thân thương, trìu mến.
-
Nguyễn Thủy