,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
920254
Người vẽ hình ảnh Việt Nam trên gốm
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Người vẽ hình ảnh Việt Nam trên gốm

Cập nhật lúc 14:14, Thứ Tư, 11/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Một người bỏ ra hơn nửa cuộc đời tìm đường đi cho riêng mình, bắt đầu từ việc tự thiết kế tượng gỗ, vẽ tranh, rồi đổi sang nghề không dính dáng gì đến nghệ thuật là nuôi tôm, cuối cùng lại trở về với nghề gốm - niềm đam mê từ tấm bé. Ông là Huỳnh Văn Đa, người sở hữu bộ bình gốm đang làm mê hoặc nhiều người yêu bộ môn nghệ thuật này.

Ngày 10/10/2006, sự xuất hiện của hoạ sỹ điêu khắc Huỳnh Văn Đa và một trong 54 chiếc bình gốm của ông trên sàn giao dịch ý tưởng Việt Nam do Trung tâm sách Ý tưởng Việt Nam (Vietbooks) tổ chức tại TP.HCM đã làm cho những người thưởng ngoạn phải kinh ngạc. Ngay lập tức, công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình (TP.HCM) đã đề nghị được bỏ vốn đầu tư để ông tiếp tục phát triển ý tưởng về sản phẩm mới, mở rộng sản xuất và phân phối ra thị trường. 

Sau đó, bộ bình gốm độc đáo của ông được Công ty cổ phần Hoà Bình, UBND tỉnh Vĩnh Long, Công ty Vietbooks tiến cử ra Hà Nội trưng bày tại cổng vào Trung tâm hội nghị APEC như một hình ảnh quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Con đường dẫn đến thành công của họa sỹ điêu khắc Huỳnh Văn Đa quá gập gềnh, say mê hội hoạ điêu khắc, nhưng không có điều kiện nên ông chỉ mày mò tự học hỏi. Giới thiệu về văn hoá Việt Nam ra thế giới cũng chính là tâm nguyện lớn nhất của hoạ sỹ điêu khắc Huỳnh Văn Đa gửi gắm trong bộ bình gốm này. 

"Nửa đời, tay vẫn trắng tay!" 

1

Ông Huỳnh Văn Đa trong những ngày hoàn thành bộ sưu tập 54 chiếc bình gốm

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở chốn đô thị cổ nhỏ bé miền Trung, cậu bé Đa mê mẩn với những đồ chơi dành con nít trong làng gốm Thanh Hà (Hội An). Lớn lên qua nhiều biến cố của xã hội, 27 tuổi, Huỳnh Văn Đa vào Cam Ranh - Khánh Hòa mày mò thiết kế và mở một quầy điêu khắc bán tượng gỗ. Nhưng cái nghề buôn nghệ thuật này cũng chẳng mấy suôn sẻ với ông, “phẫn chí” Đa bỏ đi nuôi tôm. Mộng làm giàu không thành, nhưng niềm say mê nghệ thuật vẫn đau đáu trong ông. Ngoái lại đã gần nửa cuộc đời, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Đang chới với chưa biết tìm đường đi cho riêng mình thì biết sư trụ trì chùa Phước Long (Thị xã Cam Ranh) có nhu cầu một bức tượng Phật. Với vốn kiến thức và niềm say mê nghiên cứu Phật pháp, ông dốc tâm làm bức tượng Phật bà cao 3m bằng chất liệu xi măng trắng, đặt giữa sân chùa. Bức tượng Phật bà có gương mặt thuần Việt - tác phẩm đầu tiên, tuy chưa lớn lao nhưng đã lờ mờ mở ra con đường phía trước cho Huỳnh Văn Đa, nhưng ông vẫn còn nhiều lúng túng trong quyết định nghiệp đời.

Ông lại quay về Hội An ở cái tuổi ngoại tứ tuần, mở một phòng tranh nhỏ. Tranh của Đa ngày đó khá lạ lẫm với khách hàng vì ông chỉ vẽ những điều mà bản thân mình nhìn và cảm: những chiếc cổng nhỏ, những cái lề đứt cũ kỹ, cảnh lụt lội… tất cả đều bật ra rất tự nhiên từ tình yêu và niềm tự hào sâu lắng trong tâm khảm của người con đất Quảng…

Gánh nặng cơm áo, gạo, tiền cho ba đứa con ăn học đã đẩy ông vào Sài Gòn làm nghề thiết kế mẫu thuê cho một công ty gốm, tài năng của ông được phát hiện nhưng không được trọng dụng. Trong cái kiếp làm mướn đó, ông đã bị màu hồng phấn của gốm Vĩnh Long mê hoặc, ý tưởng về 54 bình gốm cộng đồng dân tộc Việt Nam cứ thôi thúc mãnh liệt trong ông. Nhưng ý tưởng vẫn là ý tưởng vì ông không có một đồng vốn. Ông bắt đầu gõ cửa từng người thân, bạn bè mong được sự ủng hộ. Ai cũng động viên ông nhưng chẳng mấy người tin tưởng chịu mở hầu bao cho ông vay mượn để thực hiện ý tưởng chưa chắc chắn đem lại sự thành công.

“Diệu cố cõng Đa qua giai đoạn khó khăn này”

1

Ông Huỳnh Văn Đa đang thực hiện tác phẩm bông sen bằng gốm lớn nhất Việt Nam

Thần may mắn chỉ mỉm cười khi đã có một người tin ông và ủng hộ ông vô điều kiện. Bà là Nguyễn Thị Huyền Diệu, bạn học với ông từ thuở nhỏ. Trong một lần tình cờ họ gặp lại nhau, thấy bạn mê gốm, mến tài, đồng cảm với tâm hồn nghệ sỹ phải lang thang khắp nơi, bà Huyền Diệu cóp nhặt từng đồng, từ tiền bán bao, tập học sinh và cả tiệm photocopy của gia đình lo bố con ông từ những khoản chi phí sinh hoạt nhỏ nhất để ông yên tâm thực hiện ước mơ gốm bấy lâu.

Vào đầu năm 2006, bà Huyền Diệu đầu tư cho ông Đa một khoản để thực hiện ước mơ gốm. Nhưng ông càng làm thì chi phí càng leo thang, vượt ra ngoài dự kiến ban đầu rất nhiều. Khoản tiền bà Huyền Diệu bỏ ra cho ông làm gốm, cho đến khi 54 bình gốm hoàn thành đã lên tới gần ba trăm triệu đồng! Bà phải cầm cố nhà cửa để ông không bỏ dở giữa đường, gắng gượng động viên ông: “Diệu cố cõng Đa qua giai đoạn khó khăn này”.

Sau hàng tháng trời ngồi lỳ trong các viện bảo tàng để nghiên cứu tài liệu về 54 dân tộc Việt Nam, đến tận nơi, cùng ăn, cùng ở với bà con dân tộc ở Buôn Mê Thuột, Hà Giang, Phan Rang, Trà Vinh… Những nét đặc trưng nhất về văn hoá, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, trang phục… của mỗi dân tộc đã được Huỳnh Văn Đa chắt lọc, tưởng như đã ngấm vào máu thịt, chỉ cần nhắm mắt lại là thấy hiển hiện trước mắt như một tấm thảm đan chéo. 

Ông tìm về Vĩnh Long, bắt tay vào thực hiện. Lần thứ nhất thất bại, 11 chiếc bình đầu tiên hư hỏng nặng do công suất của lò quá nhỏ, chuyển sang lò khác vẫn thất bại do thiếu kinh nghiệm. Ông đến Sở Công nghiệp Vĩnh Long nhờ giúp đỡ và được giới thiệu đến lò Hiệp Lực 3, có kinh nghiệm làm loại bình gốm lớn thì mọi việc mới được suôn sẻ. Trong 3 tháng, ông cùng 4 người thợ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều liên tục đắp, nặn dưới cái nóng hầm hập của lò nung rồi lại cặm cụi ngồi vẽ mẫu tới 2 giờ sáng...

Ông đã vắt kiệt sức mình để đảm bảo đường nét trên mỗi chiếc bình đảm bảo tính sáng tạo và cũng để kịp tiến độ do đặc điểm công trình. Các hoa văn, họa tiết của dân tộc Ba Na, Brâu, Bố Y, Chơ ro, Chu Ru, Chut, Co, Dao, Ê Đê, Giáy, Gia Rai, Gié Triêng, Hmông, Hrê, Khang, Khơ Mu, La Chí, La Ha, La Hu, Mạ, Mường, Nùng, Phù Lá, Pu Péo, Ra Glai, SiLa, Tày Tà Ôi, Xơ Đăng, XTiêng… lần lượt hiện lên các mặt bình mới ra lò. Càng làm, ông càng thấy hưng phấn, ông bám lò ngày đêm, không rời những chiếc bình đang tượng hình nửa bước, hình ảnh của 54 dân tộc anh em khắc hoạ luôn nhảy múa trong đầu, ám ảnh cả trong giấc ngủ của ông.

Lập kỷ lục Việt Nam

Đến tháng 7/2006, 54 bình gốm cộng đồng các dân tộc Việt Nam hoàn thành với cùng một kích cỡ: chiều cao 1,55m, bề ngang 80cm, độ dày 2cm, cân nặng 150kg. Ngay lập tức những đứa con tinh thần này đã ghi tên ông vào sách kỷ lục Việt Nam: “Người đầu tiên thực hiện bộ bình gốm biểu tượng cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”.

1

Bình gốm Chăm - một trong 54 bình gốm cộng đồng dân tộc Việt Nam.

54 bình gốm được chia thành 3 cộng đồng các dân tộc: 20 chiếc bình của các dân tộc Tây Nguyên, 30 chiếc bình của các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc và 4 chiếc của các dân tộc Bình Nguyên. Nét độc đáo của 54 bình gốm là ở chỗ, mỗi chiếc bình vừa có được những nét chung nhất của dân tộc Việt Nam, lại vừa thể hiện được những nét đặc trưng văn hoá, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt riêng của từng dân tộc. 

Như 20 bình gốm khắc hoạ những nét văn hoá các dân tộc Tây Nguyên đều có hình ảnh chiếc khố và lễ hội đâm trâu nhưng chiếc bình của dân tộc Tà Ôi còn diễn ra hình ảnh đi sim, thờ tín vật, dân tộc Ba Na là hình ảnh con chó vốn rất được yêu thích, dân tộc Ê Đê là những đặc điểm của ngữ hệ nam đảo và đời sống săn bắt hái lượm...

30 chiếc bình của dân tộc Tây Bắc, hình ảnh trung tâm là trang phục của các cô gái Thái, nhưng chiếc bình của dân tộc Lô Lô lại có thêm những hoa văn là những tam giác lớn, nhỏ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng ông bà, trời đất, vuông tròn…

Công phu nhất trong 4 chiếc bình của các dân tộc Bình Nguyên là chiếc bình dân tộc Kinh. Hoa văn miệng bình thể hiện ngữ hệ Nam Á nhóm Việt Mường, vai bình được trang trí hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, thân bình được trang trí bằng hình ảnh Văn miếu Quốc Tử Giám, những hình ảnh đó phản ánh lịch sử phát triển của dân tộc từ thời đại Hùng Vương tới triều đại vàng son Lý Trần, đồng thời nó cũng thể hiện tính độc lập tự do dân tộc. Đai ngọc quanh thân bình thể hiện khả năng thống lĩnh của dân tộc Kinh. Một số hoa văn khác trang trí trên chiếc bình cũng thể hiện sự phát triển kinh tế theo từng thời kỳ: bông lúa tượng trưng cho nền văn minh lúa nước từ thời Âu Cơ, và tiếp đó là các hoa văn tượng trưng cho nền công nghiệp hoá, điện khí hoá và hiện nay là du lịch, thương mại, xuất khẩu… phía mặt sau bình là hoa văn thể hiện những thành quả đạt được, đó là Việt Nam gia nhập các tổ chức thế giới như: ASEAN, APEC, Liên hiệp quốc, WTO…

Hiện nay 54 bình gốm các dân tộc Việt Nam đang được làm khuôn để sản xuất hàng loạt với 3 loại kích cỡ: kích cỡ ban đầu (1,55m) dùng để trang trí ngoại thất, 36cm dùng cho trang trí nội thất và loại nhỏ nhất 15cm dùng làm quà tặng du lịch. Hiện nay hoạ sỹ điêu khắc Huỳnh Văn Đa đang thực hiện ý tưởng làm một bông sen bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Ông có dự định sau khi tác phẩm hoàn tất sẽ thỉnh 100 vị cao tăng ký tên, sau đó đem bán đấu giá lấy tiền từ thiện đem lại ánh sáng cho người mù nghèo.

  • Nguyễn Huế (ảnh Lan Phương)

,

Tin khác

Tin khác của 'Ký sự nhân vật'

,
,