,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
155453
“Dấu lặng” bên dòng đô thị mới
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

“Dấu lặng” bên dòng đô thị mới

Cập nhật lúc 16:39, Thứ Bảy, 29/11/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Hai mươi sáu hộ dân với hơn 120 khẩu của làng Cổ Dù – một phần của khu đô thị mới Chân Mây (thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) đang phải sống giữa ''ốc đảo'' với những điều kiện dưới… chuẩn của nông thôn: không điện, không đường, không chợ, và không đi học…  

Anh Trần Tàu đang nghe thời sự ở một trong 3 cái radio của làng.

Tiếng là thuộc khu đô thị mới Chân Mây, nhưng Cổ Dù chẳng khác nào một ốc đảo biệt lập và xa lạ với cả những văn minh tối thiểu nhất của đời sống bên ngoài. Có hai đường để vào được làng Cổ Dù, một đường biển, một đường núi. Tôi chọn đường núi bởi nó gần hơn những một tiếng đồng hồ đi bộ, hơn nữa đây là con đường khá phổ biến đối với người bản địa. Gởi lại chiếc xe máy trong một quán nước dưới chân núi có cái tên rất lạ - núi Rẫm - tôi bắt đầu cuộc hành trình.
 
“Chợ”… trên vai
 
Tôi vào đến làng Cổ Dù đúng 11h trưa. Chưa kịp thăm hỏi, trưởng làng Trần Tàu đã hối hả giục vợ thổi cơm để đãi khách. Thế nhưng mãi cho đến 12h, chúng tôi đã đi hết những nơi cần đi, gặp hết những người cần gặp, nói hết những chuyện cần phải nói, bụng đã sôi sùng sục, mà vẫn chỉ thấy hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau, chẳng thấy mô tê chuyện cơm nước gì cả. Mãi một lúc lâu mới thấy anh Tàu gãi đầu phân bua: “Anh thông cảm, cơm thì cả nồi, nhưng thức ăn thì không, phải chờ chị Tiếp”. Thấy tôi ngớ người, anh Tàu giải thích tiếp: “Anh coi, đường chẳng thành đường, đi bộ gần cả tiếng, rồi tiền xe ôm, tiền đò ngang mất thêm chục ngàn đi về, bà con lấy mô ra tiền mà chợ búa. Đành phải chợ chị Tiếp vô rồi có ngon ăn ngon, có dở ăn dở. May có chị, mấy năm nay tụi tui đỡ đi nhiều lắm. Bữa nào mà chị Tiếp ốm không vô được là cả làng ni… có chi ăn nấy”.

… Chờ mãi rồi  chị Tiếp cũng đến. Chủ nhà đã quá quen cảnh này cả rồi, chỉ có tôi là mừng như ngày xưa mẹ đi chợ về. Tôi tò mò săm soi đôi quang gánh. Chị Tiếp cười, mồ hôi nhễ nhại: “Sắp vơi rồi, chỉ còn mớ cá, ít rau cải, thịt và chè cho trẻ con, chiều trở ra mới nặng”. “Sao trở ra lại nặng?” - Tôi ngạc nhiên. “Mấy hôm nay bà con túng tiền, phải đổi thức ăn bằng gạo” – chị kín đáo thở dài: “Buôn bán như ri cực khổ lắm, nhưng phải đi, phần vì bà con, phần vì nuôi 6 đứa con ăn học. Họ nói phi thương bất phú, nhưng tui buôn bán chỉ đủ bỏ vào miệng hàng ngày. Chú coi, gánh hàng nặng 50kg, đi rã chân 10km mới kiếm được 30 ngàn đồng từ mỗi thứ một chút. Vẫn biết là bà con lệ thuộc vô mình nhiều, nhưng không vì rứa mà bán ép bà con được…”.

Năm nay chị Tiếp 43 tuổi, vốn là sinh ra ở làng Cổ Dù nhưng nay đã theo chồng ra sinh sống ở xã Lộc Bình ở bên kia núi. Một ngày của chị Tiếp bắt đầu bằng việc mua gom hàng hoá ở chợ Vinh Hiền ở làng bên, tiếp đến phải trở về bằng một chuyến đò ngang, xuống đò, chị bắt đầu gánh “chợ” đi bán dạo từ đấy cho đến hết xã Lộc Bình – nơi chị ở; bán qua lượt ở xã Lộc Bình  mới vượt núi đến làng Cổ Dù. Đã 4 năm nay, sáng chiều chị đi về trên quãng đường dài gần một tiếng đồng hồ này. Đã thế, trên vai còn gánh cả một cái… “chợ” nặng… 50kg, gồm những cá, thịt, rau, kem, sách vở, giấy bút… Tóm lại là tất tần tật thượng vàng hạ cám những gì mà 120 con người của làng Cổ Dù cần để nuôi sống mình hàng ngày. 
 
Mỏi mắt chờ điện, đường, trường, trạm…

Chợ …trên vai

Đến thời điểm này, làng Cổ Dù ngoài không đường ra, còn có không điện, không trạm xá, không biết… đi xe đạp, không có thanh niên, chỉ toàn người già và trẻ em. Trưởng làng Trần Tàu vừa thanh minh, vừa kể khổ: “Trước mặt là biển, nhưng vì chúng tôi không có khả năng đóng tàu lớn để ra khơi đánh bắt nên chỉ biết quanh quẩn trong bờ bắt mấy con hàu để kiếm sống. Sau lưng là núi cao, trước đây thì còn kiếm chác được chút “lộc” rừng, nhưng mấy năm nay kiểm lâm họ mần gắt lắm, chịu. Chỉ còn mấy mẫu ruộng khoán. Ruộng núi thì anh biết rồi đó, hẻo lắm. Tụi tui xác định rồi. Đường thì còn mảy may hi vọng, chứ điện thì có lẽ là đến hết đời tui cũng không bao giờ thấy được. Cả làng mấy năm ni mới có được 5 cái radio, 3 cái ti vi đen trắng, nhưng lúc coi được, lúc không, bởi phụ thuộc vào cái bình điện. Như hôm nay, hết mà không đi gánh đi sạc kịp là coi như chịu. Còn chuyện làng ni chỉ có trẻ em và người già, có nguyên nhân như ri: Trẻ con sinh ra, lớn lên quanh quẩn trong cái làng, lúc trước chưa có thấy giáo thì có mấy chú bộ đội ở đồn biên phòng qua mở lớp dạy cho mấy chữ, học mấy năm thì gọi là hết lớp năm, chứ chả ai công nhận. Năm ni có một thầy giáo mới về, dạy một lúc 3 lớp từ một đến 3, sang năm chưa biết ra răng. Mần ruộng, xúc hàu mãi cũng chán, thanh niên trong làng kéo nhau vô Sài Gòn mần thuê hết, đến Tết lại về, ra giêng lại đi. Rứa là làng quanh năm chỉ có trẻ con với người già thôi”.      
 
Người trong làng kể rằng, một dạo, có hai đứa trẻ con của làng Cổ Dù theo mẹ đi chợ Vinh Hiền. Vừa ra đến đường cái quan thuộc xã Lộc Bình bên kia chân núi, thoáng thấy bóng một chiếc ôtô, hai đứa trẻ vụt ôm chầm lấy mẹ, khóc thét lên vì sợ như thấy… quái vật. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ở nhà anh Tàu lại có nhiều người hàng xóm đến góp chuyện, tôi xác minh lại câu chuyện vừa nghe. Bà Ngô Thị Của, 67 tuổi - Hội trưởng Hội phụ nữ làng cố giấu sự xấu hổ: “Đúng là có chuyện đó thiệt… Nhìn sang mấy làng bên tê núi, đêm nằm tủi thân khóc hết nước mắt. Nhưng nói gì thì nói, mấy chục năm giải phóng lên, làng Cổ Dù đã thay đổi nhiều lắm rồi. Trước đây còn thảm hơn nhiều: phần vì đói, phải ăn độn, phần vì uống nước đục, gái trai, già trẻ làng ni đều bụng phình to như bụng chửa, mặt bủng, da chì. Giờ thì đỡ rồi”.

… Cũng lâu lắm rồi, tôi mới qua đêm ở một nơi không có điện, không ti vi, nên cảm giác bức bối cứ như có ai vừa cướp mất của mình điều gì đấy. May mà trời có trăng, trăng với cát một màu vàng hung, đẹp buồn bã. Trưởng làng Trần Tàu kẹp một bịch rượu dầm trái cây mùi ngai ngái kéo tôi ra bờ biển. Với Cổ Dù, thiên nhiên đã ưu đãi cho một bãi biển ngang dài hơn 5km sạch và đẹp không tin được. Nhưng cũng chỉ có thế. Sau một hồi chén chú, chén anh, trưởng làng thở dài, giọng lè nhè: “Gần đây, tui lại nghe nói tỉnh sắp làm ở đây một khu du lịch sinh thái chi đó, tưởng tượng thôi đã thấy đời lên hương rồi. Nhưng không biết họ có làm thiệt không, hay là như con đường, nghe hứa mãi mà chẳng thấy…”. 

  • Thi Yến
,
,