Hầu chuyện người khởi kiện... dioxin
(VietNamNet) - "Sau khi sinh con trai đầu lòng, thấy nó bị dị dạng, hàng xóm nói mình kiếp trước ăn ở thất đức nên kiếp này bị quả báo. Đau lòng lắm, nhưng tôi vẫn không tin. Sau này báo chí nói nhiều, tôi mới hiểu nguyên nhân nỗi bất hạnh mà tôi đang phải chịu đựng suốt 17 năm nay: Tôi là nạn nhân chất độc da cam/ dioxin''. Người đi kiện các công ty sản xuất chất da cam Mỹ tâm sự.
Thảm cảnh ở căn phòng 18m2
Ba cha con ông Quý đã cầm cự với nỗi đau da cam suốt 17 năm nay... |
''Tôi sinh năm 1955, xung phong vào bộ đội đi Nam năm 1971 khi vừa tròn 16 tuổi. Khi đó, Tổ quốc đang rất cần những người con lên đường ra mặt trận. Tôi phục vụ tại đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 2 (C3 D17 trực thuộc F2), chiến trường khu V, là lính thông tin''.
Trong căn phòng nhỏ, chừng 18m2 ở phố Cát Cụt (Hải Phòng), ông bắt đầu câu chuyện trong tiếng thở ngắt quãng mệt nhọc khi căn bệnh ung thư đang hành xác, trong không gian sặc mùi amoniac của những đứa con dù đã lớn nhưng không thể tự nhận biết được sinh hoạt hàng ngày.
Tại đây, 17 năm nay có một gia đình 4 nhân khẩu sống trong thầm lặng và chịu đựng:
Desmond Tutu - Giải Nobel Hoà bình 1984 |
"Quá khứ không hề biến mấy hoặc nằm xuống và im tiếng mà nó quay lại và ám ảnh chúng ta một cách dai dẳng và đáng hổ thẹn trừ khi nó được giải quyết một cách thích đáng trên thực tế". |
Con trai họ năm nay đã 15 tuổi, nhưng chỉ ngồi bất động. Ngày mới sinh da cháu vàng như nghệ, cứ mềm nhũn ra, đến 4-5 tuổi vẫn chỉ nằm một chỗ. Khi lớn lên, cháu mới cứng cáp hơn một chút, biết nhoài người dậy. Nhưng đến nay, hai chân cháu vẫn bất động, teo cơ, chỉ như hai khúc củi dính liền vào khớp háng. Cháu không nhận biết được gì, nên không thể đến trường, cũng không có bạn.
Cô con gái 14 tuổi, đã đến tuổi dậy thì, nhưng những khi mẹ đi vắng vẫn phải nhờ người giúp đỡ. Lúc đói, chưa kịp cho ăn, cháu sẵn sàng hắt cả mâm cơm đi. Cháu không thể biết được đúng - sai. Cháu chỉ cần có cơm ăn no, không hề nhận thức được ngon với dở. Cháu không biết nói, từ khi sinh ra chỉ biết ú ớ. Khuôn mặt cháu ngơ ngác, sợ sệt, luôn nhìn người lạ với đôi mắt đờ đẫn.
"Tôi sẽ đi đến cùng trong cuộc đấu tranh vì công lý, vì lẽ công bằng này..." |
Hai anh em đến nay đã 14-15 tuổi, nhưng đầu óc cũng chỉ như trẻ con, chỉ có cái "xác" là lớn lên hàng ngày. Hai đứa đái dầm suốt ngày. Buồn cười quá cũng đái, vui cũng cũng chảy nước tiểu, không tự kìm chế được, "như không có "van" kiểm soát. "Đấy, ngay cái chỗ anh ngồi, chúng nó đái dầm suốt ngày, khai lắm", người cha kể. Trước đó, một đứa đã chết khi còn trong bụng mẹ.
Cũng trong căn phòng nồng nặc mùi nước tiểu này, có một người phụ nữ năm nay 39 tuổi, nhưng suốt 17 năm lấy chồng, sinh con, có chưa tròn 300 ngày hạnh phúc. Ngày sinh đứa con thứ 2 cũng bị dị tật như đứa con đầu, khi nghe bác sĩ khuyên không nên sinh con nữa, chị đã phải lặng lẽ chấp nhận phần thiệt thòi: đi triệt sản. Chuyện đó, xảy ra cách đây 15 năm, khi chị mới 25 tuổi, vừa cưới chồng tròn 3 năm.
Chị không nghề nghiệp, phải buôn đầu chợ bắc, bán cuối chợ nam. Chồng chị sức khỏe yếu, chỉ ở nhà chăm con, nay thì tự chăm sóc mình cũng không đủ sức. Con cái có năm nằm trong bệnh viện Nhi Đức Hải Phòng 5-6 tháng, đến mức cả khoa quen, "giống như mình chuyển hộ khẩu về đấy ở vậy". Cứ hết đứa này lại đến đứa khác, hoặc cả 2 đứa đều "đua nhau" cùng lên viện một lúc. Cứ hết viêm phổi, lại đến viêm thanh quản, đau bụng..., người cha không thể nhớ hết bệnh của các con mình. Ông kể: ''Bọn này hay ốm lắm. Bây giờ lớn thì đỡ, chứ hồi bé ốm thường xuyên".
Sau chiếc kiếng này, chắc Trung nhìn cuộc sống tươi đẹp lắm! |
Người chồng cho biết, vợ ông nhiều khi tưởng chừng không chịu đựng nổi, giận dỗi đòi bỏ đi. Đó là hồi những năm 89-90. Hoàn cảnh vất vả quá, mà sức chịu đựng con người chỉ có hạn, trong khi con chị cứ đau ốm triền miên năm này qua tháng khác. Nhưng rồi, thương chồng thiệt thòi, thương con bất hạnh, chị đã nuôi chồng, nuôi con vượt lên số phận 17 năm nay.
Bản thân người chồng sức khoẻ ngày càng kém dần. Ngày trẻ, ông cao 1,60m, nặng 57-60kg, nhưng gần hai chục năm nay chỉ còn 50kg, "chỉ nặng bằng bao xi măng thôi". Vài năm gần đây lúc nào ông cũng buồn nôn, đi trên đường nhiều lúc hoa mắt, chóng mặt, phải ngồi bệt xuống vệ đường. Thấy sức khoẻ xuống hẳn, ông đi khám. "Bác sĩ khám xong bảo phải vào hẳn bệnh viện điều trị, không cho toa chữa ở ngoài, nhưng không nói rõ tôi bị bệnh gì. Tôi xin đơn thuốc cũng không cho".
Ông là Nguyễn Văn Quý, một trong số những nạn nhân đầu tiên đứng đơn khởi kiện 30 công ty sản xuất chất độc da cam/ dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng rải xuống Việt Nam. Hai đứa trẻ tật nguyền tên là Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Thị Thuý Nga, 2 con của ông Nguyễn Văn Quý. Người phụ nữ thiệt thòi tên Vũ Thị Loan, vợ ông Quý.
Cuối 2003, ông Quý phát bệnh nặng. Đêm nào ông cũng gần như thức trắng vì đầu, bụng, ngực đều nhức không thể ngủ được. "Căn bệnh hành hạ tôi ghê lắm. Nhiều đêm, nó cắn tôi tưởng chừng không thể thở được. Đau, nhưng không dám kêu. Con cái mình vậy, kêu chỉ thêm khổ người nhà''. Ông cố giấu, cố chịu đựng, nhưng rồi vợ biết được, nên bắt ra viện 203 (Hải Phòng) khám. Khi vợ ông muốn đưa ông lên bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội, bà bác sĩ tiêm cho một mũi trợ tim, rồi yêu cầu ''đi ngay, đừng về nhà nữa''. "Tôi biết là mình đã đến giai đoạn quyết định", ông Quý lặng người.
Bệnh án của ông ghi rõ: Tháng 9/2003, ông Quý đến khám tại một BV ở Hải Phòng và được kết luận ông bị ung thư dạ dày và gan. Một tháng sau, ông khám tại BV 108 ở Hà Nội, ông được phát hiện ung thư phổi, cơ thể suy yếu. Nghi K (ung thư) dạ dày, tràn dịch màng phổi, ở gan bên trái có nổi cản quang từ 2,5-2,8 cm.
Từ đó, mỗi tháng một lần ông phải lên bệnh viện K (Hà Nội) cắt thuốc. Cứ 20 ngày thêm 1 lần điều trị hoá chất, tính ra mỗi lần tốn gần hai chục triệu tiền thuốc. Tiền bạc, tài sản của gia đình cứ thi nhau ''đội nón ra đi''.
17 năm khổ ải
"Khi sinh ra, da cháu Trung cứ vàng như nghệ...". |
Vùng đất người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Quý đặt chân đến đầu tiên là Kon Tum, đoạn giữa Đắk Tô - Tân Cảnh và biên giới Việt- Lào, dọc sông Pôkô (thuộc huyện Đắk Tô và Ngọc Hồi (Kon Tum) ngày nay). Đó là vào năm 1972. Cuối năm 1972, anh Quý được điều động về Quãng Ngãi. Đến cuối năm 1973, Quý lại được điều động về Quảng Nam, đóng tại vùng rừng núi Trà My, Phước Sơn, Thạnh Mỹ, từng là túi bom đánh phá của địch nhằm cắt đường vận tải chiến lược Trường Sơn. Đến năm 1977, Nguyễn Văn Quý ra quân.
Nạn nhân chất Dioxin Nguyễn Văn Quý: |
"Chúng tôi đã để lương tâm họ tự phán xét, nhưng kết quả chỉ là sự im lặng. Nay chúng tôi cần đến toà án, và sự thật đang hiện diện đối với gia đình tôi hàng ngày, với gia đình các đồng đội tôi, với hàng triệu người trên đất nước này, là sự thật không ai có thể chối bỏ". |
Những vùng đất ông đã đi qua lúc bấy giờ chỉ có cỏ dại hoặc tầng cây lá thấp. Còn rừng cây cổ thụ thì trơ trụi lá. Đồng đội cho ông biết, quân Mỹ đã dùng chất diệt cỏ rải xuống để huỷ diệt sự sống của những khu rừng này. Hằng ngày, và ngày tiếp ngày, ông cùng đồng đội sống, chiến đấu giữa những rừng cây như vậy, những rừng cây chỉ còn trơ cành vươn thẳng lên trời, khô cứng. Ông Quý kể: "Lúc bấy giờ vẫn là thanh niên, đang khoẻ, lại bị sốt rét, nên thỉnh thoảng lại thấy người cứ khật khà khật khừ, chứ làm sao biết mình bị nhiễm chất da cam".
Lúc bấy giờ, ở trong trạm thông tin của ông, cứ 3 người ở với nhau, bảo vệ đường dây 5-7 km. Những khi không kịp nhận gạo tiếp tế, thì vào rừng nhặt rau rừng ăn thay cơm. Nước uống chỉ là nước suối, nước khe chảy trong núi ra. "Tôi nhớ hồi đó trên đường đi kiểm tra đường dây có 1 lạch nước, đi ngang thường ghé lại uống. Thỉnh thoảng, vào mùa nắng nóng, hoặc sau cơn mưa, lại nghe mùi rất khó chịu sộc lên, nhưng mình đâu có biết".
Trong các vùng ấy vẫn gặp các thùng phi trút xuống. Ông và các đồng đội nhầm tưởng là thùng xăng, đem về cạy ra, rửa qua dùng đựng nước uống, hoặc thùng bé thì làm đèn dầu thắp. Lúc bấy giờ không ai trong số những chiến sĩ trẻ ấy nghĩ mình đang sống trong vùng chất độc dioxin, và đang sử dụng những thùng đựng chất da cam rỗng ném xuống từ máy bay Mỹ.
Năm 1987, Nguyễn Văn Quý lấy vợ. Sau khi sinh đứa con gái thứ 2, bác sĩ hỏi ông có đi bộ đội không và ở đâu. "Tôi trả lời xong, họ khuyên đi triệt sản, không nên sinh con nữa. Họ nói tôi bị nhiễm chất da cam/ dioxin. Tôi bàng hoàng không tin vào tai mình. Vợ tôi khi đó đang nằm trong phòng mổ. Tôi nhận tin con ra đời mà nước mắt cứ chảy ròng ròng", ông nhớ lại.
"...Tôi bị chất độc da cam, nhưng hơn 10 năm lại đây hàng xóm láng giềng mới hiểu, mới thông cảm. Còn trước đó, mình chỉ biết cắn răng mà chịu. Sau khi sinh thằng Trung, thấy nó dị dạng như vậy, người ta nói gia đình mình, bản thân mình kiếp trước sống thất đức, nên kiếp này bị quả báo. Tôi không tin điều đó, mẹ tôi năm nay 93 tuổi, vẫn khoẻ mạnh đấy thôi. Người ta nói vậy, vợ tôi khóc nhiều lắm, rồi đi cúng bái, giải hạn...".
Nhiều đêm, vợ ông đang nằm cạnh chợt vùng dậy ngồi ôm mặt khóc. "Những lúc ấy, tôi chỉ biết câm lặng. Mình là đàn ông, đâu có thể khóc trước vợ con được. Trông con cái cứ chảy nước mắt mà đâu có dám khóc thành tiếng. Có khi đi trên đường, nghĩ tới con, tới bản thân mà nước mắt cứ trào ra", ông Quý thẫn thờ. "Nhiều lúc, tôi cảm giác phẫn nộ với số phận mình, muốn phá tung tất cả vì không chịu đựng nỗi. Cũng không ít lần, chán nản, tôi chỉ muốn tự sát. Nhưng nhìn thấy các con quặt quẹo lại chảy nước mắt, buộc mình phải tiếp tục sống. Làm như vậy chỉ là để giải thoát cho riêng mình, chứ còn vợ con, ai sẽ đỡ đần. Nếu tôi biết trước mình bị thế này, thì có lẽ tôi đã không lấy vợ, sinh con làm gì".
Trung thấy người lạ đến nhà, vội đẩy xe lăn tới gần ngó nghiêng nhìn. Ông Quý mắt rơm rớm nhìn con, kéo Trung lại gần. Tóc trên đầu ông Quý giờ đã rụng gần hết vì điều trị hoá chất thường xuyên, đôi mắt ông mờ đục, cầm những tấm giấy khen, bằng khen, huy chương chiến sĩ giải phóng, huân chương chống Mỹ cứu nước ra, nhưng không còn nhìn nổi chữ viết. Trung ngồi sau ghé sát vào, cũng nhìn, cũng ú ớ đọc. Những tiếng nói vô nghĩa, nó nào có hiểu gì đâu!
Cùng hoàn cảnh như ông, có một đồng đội cũ tên Kim (Gia Lộc, Gia Khánh, Hải Dương), là thương binh 3/4, có mấy đứa con thì da đều có vẩy, ngớ ngẩn. "Gia đình nó nghèo lắm, nên vẫn phải đi làm thợ hồ, rồi chết vì ngã từ giàn giáo xuống", ông Quý trầm ngâm.
Và sự thật không thể chối bỏ
"Các con ông Quý chỉ là hai trong hàng triệu nhân chứng". |
"...Tôi là người có lỗi, nhưng là chỉ với các con tôi, với vợ tôi. Nhưng lỗi ấy tôi đâu muốn, tôi đâu có chủ ý, tôi đâu có quyền quyết định. Tôi là một nạn nhân, con tôi là những nạn nhân trực tiếp tiếp theo, và vợ tôi là nạn nhân gián tiếp phải chịu đựng nỗi mất mát đau đớn này". Một gia đình, 4 số phận người, 2 thế hệ, đang phải gồng gánh nỗi đau mà lỗi không thuộc về mình. Người cha mất hoàn toàn sức lao động, các con hoàn toàn không có khả năng lao động.
Ông Nguyễn Văn Quý nghẹn lời: "Tôi đâu biết mình sẽ tồn tại được bao lâu nữa, khi trong người có mười mấy khối u, đang phải điều trị bằng hoá chất. Có thể vài năm, vài tháng, thậm chí chỉ vài ngày. Nghĩ tới tương lai chỉ chảy nước mắt ra thôi. Tôi không biết, không hình dung nổi ngày sau các con tôi sẽ ra thế nào nữa".
Vì vậy, ông quyết định khởi kiện các công ty sản xuất chất da cam của Mỹ. Nhưng ông khởi kiện các công ty sản xuất chất Dioxin không phải chỉ cho riêng mình. Ông muốn làm một điều gì đó có ích cho gia đình, cho các đồng đội, các nạn nhân như ông, như các con ông. Ông nhân danh cá nhân khởi kiện, nhưng vì tất cả những người khác, những nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa không hiểu biết chút kiến thức pháp luật nào.
Tuyên bố của Hội nạn nhân chất độc Da cam/ Dioxin Việt Nam |
"Các nạn nhân Việt Nam tiến hành vụ kiện này không phải chỉ vì cuộc sống của riêng mình, mà còn vì quyền lợi chính đáng của mọi nạn nhân chất độc hoá học/Dioxin ở nhiều nước khác, kể cả ở Mỹ. Vụ kiện này không phải chỉ vì một thế hệ mà còn vì nhiều thế hệ đã, đang và sẽ phải chịu đựng những cực khổ kéo dài. Vụ kiện này được tiến hành vì quyền sống thiêng liêng, quyền trước tiên của con người, vì rằng lương tri và công lý còn tồn tại và được tôn trọng trên trái đất này". |
"Tôi đem bản thân tôi ra, đem các con tôi ra, để làm những vật chứng, những bằng chứng cụ thể để làm chứng cho vụ kiện này. Bản thân tôi là nhân chứng sống, các con tôi cũng là nhân chứng sống. Những đồng đội không may mắn của tôi, cùng con cái của họ, đều là những nhân chứng sống. Trên đất nước này, hàng triệu người, hàng triệu nạn nhân, đều có thể là những nhân chứng, bằng chứng sống động nhất, thực tế nhất, đang hiện diện. Có thể khi tôi chết đi, vụ kiện này vẫn chưa kết thúc, nhưng tôi chắc rằng những đồng đội tôi, bạn bè tôi, những thế hệ sau tôi, những người có lương tri và trách nhiệm sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ kiện, vì lẽ công bằng cho tất cả chúng tôi".
Năm ngoái, khi phải đi chữa bệnh ở viện K tận Hà Nội, gia đình ông chỉ biết vay bạn bè, người thân và nhận sự hỗ trợ của hàng xóm, đồng đội cũ. Dẫu biết căn bệnh ung thư khó lòng có thuốc, ông vẫn mong mình đủ sức tiếp tục cầm cự với cơn trọng bệnh, để có thể sống tới ngày nhìn thấy kết quả thắng lợi trong cuộc đấu tranh cuối cùng của cuộc đời mình.
"
Năm nay, tôi đã gần 60 tuổi. Suốt 17 năm, tôi quặn mình trong cuộc chiến thầm lặng vì nỗi đau đớn khủng khiếp mà tôi và gia đình tôi phải chịu đựng, vì chất độc đi-ô-xin quái ác. Nay, tôi phải tiếp tục, và sẽ đi đến cùng trong cuộc đấu tranh vì công lý, vì lẽ công bằng cho gia đình tôi, vì các đồng đội của tôi, vì những gì mà đất nước tôi đã phải chịu đựng trong những năm tháng qua". Từ ngày nạp đơn khởi kiện đến nay, ông vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về diễn tiến vụ kiện qua thông báo của luật sư và các phương tiện thông tin đại chúng....Tôi nhìn thằng Trung, con trai ông Trung lại đang ngồi dán chặt trên chiếc xe lăn vừa được Hội chữ thập đỏ Trung ương tặng, đang đeo kiếng lên, làm điệu bộ, nhoẻn cười để chụp ảnh. Chiếc kiếng nó đeo màu hồng. Chắc nhìn qua màu hồng, hướng ra đường, Trung thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn! Đèn flash nháy sáng, Nga lạ lẫm chạy vào, ú ớ kêu. Anh em Trung - Nga bám chặt vào nhau, cùng nhìn vào ống kính.
Vòng xe lăn liệu có đủ dìu bước những đứa trẻ này tiếp tục cuộc hành trình đi tìm câu trả lời về tương lai và bù đắp cho những bất hạnh mà chúng không đáng phải gánh chịu?
-
Trường Giang