,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
493144
Trần gian có thứ… thơ đề!
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Trần gian có thứ… thơ đề!

Cập nhật lúc 08:57, Thứ Sáu, 30/07/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - ''Hôm nay dễ lại 8 về. Đẹp đôi 2 số, ăn thề cùng ai. 7 rằng ta nói 0 sai. Mong sao 2 số, tái lai mà về…''... Thơ của người tâm thần? Không phải! Thơ đề. Nói cho rõ hơn là những vần thơ mỗi ngày mỗi mới để người ta dựa vào đó mà đánh lô, đề.  

Thơ đề của ngày 25/7/2004.

Sáng nào cũng vậy, như ''một phần tất yếu của cuộc sống'', thơ đề được phát hành đều đặn đến các ''độc giả'' chẳng khác nào nhân viên bưu điện đưa thư, báo tới từng nhà. Tác giả của nó là ai? Xin chịu! Nơi nó được viết ra là một ''tòa soạn'' hay ''trại sáng tác'' nào? Chẳng ai biết! Khi đến được với ''các bạn yêu thơ'', nó đã qua tay nhiều ''nhà xuất bản'', nhiều ''cơ quan phát hành''. Nó đã được tái bản (bằng máy photocopy - dĩ nhiên) từ lúc nét chữ trên giấy còn đen đậm đến khi bạc phếch, đứt đoạn, mờ mờ... 

Được in dày kín cả 2 mặt khổ giấy A4, thơ đề gồm rất nhiều ''chuyên mục''. Thường thì có khoảng 10-12 mục chính với những ''đầu mục'' rất bắt mắt như: Độc lập, GiMiKo, Tin & Tức, Ra đa… Cùng nghệ thuật design cực kỳ bay bướm với những con số từ 0 đến 9 được trình bày đủ kiểu ngang - dọc, xiên - chéo... là một nội dung không kém phần sinh động nhờ những câu thơ lục bát mà Bút Tre sống lại cũng hoa mày chóng mặt: "Lâu nay mong đợi số ra. Đợi ngày có 6 để ta vào đề. 3 kia cũng muốn đòi về. Cuối tuần có kép nó về chiều nay". Và nữa: ''Vào lồng chẳng muốn đòi ra. Mặc dù ta biết, rằng ta đã nhầm. Vì rằng có kẻ mừng thầm. Đã có được cá, đã cầm giải to''... 

Rồi cũng không phản ánh cụ thể con số nào sẽ là kết quả xổ số buổi tối, thơ đề thể hiện đúng ''tính chất nghệ thuật'' của thơ là vẩn vẩn vơ vơ, ỡm ỡm ờ ờ... nói thì không nói hẳn, cứ nói xa nói xôi! Nó muốn người đọc phải động não, phải tự suy luận. Hoặc, nó có ''tính giáo dục cao'' nên muốn tập cho người đọc không ỷ lại nên chỉ đưa ra những gợi ý!? 

"Kết quả đê!"- Chết cả đi!

 

Thế mà, nó vẫn đắt như tôm tươi, được xem như ''cẩm nang'', như ''tư vấn tiêu... tiền!''...  Người viết bài này chỉ quan sát một lát buổi sáng tại quán nước chè vỉa hè phố Yên Phụ (Hà Nội) đã thấy ông chủ bán vèo vèo khoảng 20-30 ''tờ báo'' này, với giá 500 đồng/tờ. ''Có công là số nở hoa. Có 7 có 6, có 3 cùng về...'' - bác Tấn (sống tại phố Yên Ninh, Hà Nội) vừa lẩm nhẩm đọc thơ đề vừa giải thích thêm: ''Rỗi rãi mua về tính toán cho khỏi buồn, hưu rồi mà! Đẹp thì chơi vài con, nhỡ không chơi, tối về lại tiếc...''

''Sao in gì mà mờ thế?'' - một chị ghé chiếc ''a gù'' vào mua thơ đề tại một quán cà phê phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), hất hàm nói. Rồi, không trả tiền, chị phóng thẳng. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của người viết bài này, chị Hoa chủ quán thẽ thọt: ''Khách quen. Sáng nào cũng đến mua. Nghiên cứu cả ngày, chiều đi làm về vào đánh rồi trả tiền luôn thể''. Sợ đối phương không tin, chị tiếp: ''Ở đây, có khách quen ngày nào cũng mua thơ, tháng trả tiền một lần ấy chứ!''. Ngừng một lát, chị lại tiếp tục chứng tỏ mình là ''nhà buôn dưa lê lớn'': ''Bà ấy làm cơ quan nhà nước, không hiểu lấy tiền đâu chơi nhiều thế? Ngày nào cũng vài ''cặp lô'', mỗi con ít cũng 50 điểm (50.000 đồng). Rồi ''đề'' hôm nào cũng từ 200 điểm trở lên mới ''bõ ăn''. Mà này, đánh nhiều nơi lắm nhá! Vì mỗi người một vía, rồi lại ngày hợp, ngày không. Chơi nhiều nơi thế mới yên tâm''.  

Bà chủ quán nói đến đây, tôi chợt nhớ tới vụ Lê Phước Tuấn (nhân viên Công ty Kinh Đô) phá két cơ quan lấy 59,279 triệu đồng chỉ để ''nướng'' lô, đề. Lại nhớ tới biết bao gia đình ''trúng đề thì vợ vợ chồng chồng, trượt đề thì chồng Đông vợ Đoài''. Rồi một đấng nam nhi tên B. ở phố Hàng Đậu (Hà Nội) thua ''lô - đề'' nhiều đến mức làm giả giấy tờ nhà bố mẹ vợ, lừa vay tiền của 3 ngân hàng, mời cả nhà vợ ra ''đứng đường'', bản thân ''nhập kho'' hơn 20 năm… và còn vô số cảnh nát tan, ly tán vì đề - mà không biết bao nhiêu người trong số đó đã từng nâng niu thơ đề trên tay, đặt vào thơ đề cả niềm tin, hy vọng và hạnh phúc của mình? 

Hỏi chị Quyên (bán xổ số ở phố Quán Thánh, Hà Nội): ''Bây giờ người ta không đánh đề theo các giấc mơ như: Nhìn thấy chó vàng: 29-49-99-94-39; Đi đường gặp gái: 23-33-73-37-57… nữa hả chị?'' - ''Xưa rồi! Sách mơ chẳng chính xác đâu! Cả trạng đề cũng thế! Không biết trạng đề à? Là mấy thần đồng trẻ con biết cho người lớn số để đánh đề ấy!'' - ''Chị gặp trạng đề chưa?'' - ''Chưa. Nhưng mà luyên thuyên lắm! Chỉ có thơ đề là đang được chuộng nhất!'' - chị bán xổ số hồn nhiên nhận định. 

Thơ đề của ngày 24/7/2004.

Lý giải theo một nhà tâm lý học thì, suy cho cùng tất thảy những thơ đề, trạng đề hay sổ mơ nói trên đều ''nảy nòi'' ra để hỗ trợ cho một tâm lý hoảng hốt vì thất bại quá nhiều, thua lỗ quá nhiều của người đánh lô, đề. Nó như một giải pháp, một chỗ dựa, một sự cứu tinh. Thua quá! Lô đề mãi mà chưa giàu... biết nghe ai bây giờ, thôi thì nghe thơ. Có thế nào, đổ tại cho thơ. Cũng tựa như người ta đi xem bói khi thấy lòng bất an, nghe được vài điều vẽ vời, thế là thanh thản, sau rồi có biết sai cũng không sao!!! 

Đặc biệt, các ''nhà xuất bản'' thơ đề khác nhau cũng đưa ra những cảnh báo khác nhau đối với khách hàng. Cụ thể, có tờ thơ đề ghi ''Chống thơ rởm'' ở góc (nghĩa là có cả thơ rởm?). Tờ khác lại viết ''Bảo đảm bản gốc 100%''. Điều này chứng tỏ sự cạnh tranh của thị trường thơ đề đang khá khốc liệt! Có điều, không biết lấy tiêu chí gì mà thơ đề này bảo thơ đề khác là ''rởm'', bản photocopy này bảo bản photocopy kia là ''không chính gốc''??? 

Rõ là thơ, lại chẳng phải thơ. Việc được ấn hành thường xuyên, nhiều người đón đọc, thu ''tiền tươi thóc thật'' của thơ đề như đang thách thức những vần thơ chân chính nhưng lại ít người nhâm nhi, những cuốn thơ chỉ in ra để tặng bạn bè làm kỷ niệm... Người viết bài này lại thấy nhói đau khi nghĩ đến câu chuyện chẳng biết thật hay đùa nhưng được nhắc đến trên một tờ báo về cuộc họp mặt của những nhà thơ bên bàn nhậu: ''Ông nào muốn đọc thơ, muốn chúng tôi nghe thơ thì bỏ 30.000 đồng ra đây!''... 

Cứ thế, thơ đề đến với một bộ phận không nhỏ đều như vắt chanh vào sáng sáng. Coi nó là văn hóa phẩm, hay ấn phẩm - là việc của các cơ quan chức năng. Có thu thuế được từ việc kinh doanh rộng rãi thơ đề này không - là chuyện của ngành thuế. Có bao nhiêu thơ đề được tung ra 1 ngày, 1 tuần, hoặc 1 tháng (trong khi ngày nào số cũng xổ) - là việc của ngành thống kê. Chỉ hay, thơ đề vẫn đang đi vào đời sống như minh chứng hùng hồn cho một tệ nạn đi đôi với nó, tồn tại đã lâu mà khó khống chế thay: Nạn lô đề! 

''Về đây nghe sóng vỗ bờ. Về đây với biển lững lờ buông trôi. Về đây con số của tôi! Đừng đi đâu nữa, người ơi hỡi người...''...

  • Bình Thành

,
,