221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
651592
Hà thành mất điện ký sự
1
Article
null
Hà thành mất điện ký sự
,

(VietNamNet) - 4h chiều, người bưu tá đưa bưu phẩm lên tầng 17 khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính lo lắng quay sang hỏi tôi khi thang máy đang chạy lên tầng 6 đột ngột chững lại: "Cô mang theo điện thoại di động đấy chứ". Gương mặt đột nhiên trắng bệch của anh lây sang cho tôi một cảm giác sợ hãi vì đèn báo trong thang máy bỗng tắt một cách đáng ngờ.

Mang theo quạt đề phòng mất điện. Ảnh chụp tại Trung tâm kính mắt Tràng Tiền

Hà Nội leo "núi"

Người bưu tá đưa bưu phẩm lên tầng 17 khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính lo lắng quay sang hỏi tôi khi thang máy đang chạy lên tầng 6 đột ngột chững lại: "Cô mang theo điện thoại di động đấy chứ. Lần trước tôi đã bị kẹt thang máy mà lại không mang theo di động. Thế là bị nhốt gần tiếng đồng hồ mới có người ứng cứu".

Gương mặt đột nhiên trắng bệch của anh lây sang cho tôi một cảm giác sợ hãi vì đèn báo trong thang máy bỗng tắt một cách đáng ngờ. Đồng thời, mùi xăng dầu từ máy nổ đột nhiên xộc lên ngột ngạt đến nghẹt thở.

Nhưng đúng là lo hão, bởi cửa thang máy xịch mở đúng tầng 17 và kêu ro ro êm ái. Anh chàng bưu tá cười rạng rỡ và nói nhỏ: "Chốc nữa xuống tôi sẽ leo cầu thang. Hơi mỏi chân nhưng an toàn".

Sống trong các căn hộ tiện nghi, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho từng nhu cầu tối thiểu của sinh hoạt vốn là niềm tự hào với những cư dân đô thị. Đặt chân vào tiền sảnh mát rượi của chung cư, không ai nghĩ sẽ có ngày lại phải leo "núi" trường kỳ như lúc này.

Ban quản lý khu nhà đã phải chạy máy phát điện phục vụ cho thang máy vào 3 buổi chính: buổi sáng đi làm, buổi trưa về nhà, buổi chiều tan sở. Người già, trẻ nhỏ nơm nớp canh chừng giờ chạy máy để lên xuống tránh nóng.

Đến chung cư những ngày này, câu chào cửa miệng khi gặp nhau là: "Có điện chưa?".

Một cụ già sống ở tầng 17T9 cho tôi biết, từ hôm Hà Nội mất điện, cụ chưa ra khỏi nhà lần nào vì sợ thang máy kẹt nửa chừng. Mấy người con của cụ còn giao hẳn cho mẹ điện thoại di động, hướng dẫn cách sử dụng để phòng khi bị kẹt thang máy biết số mà gọi.

Vì muốn đi làm về sớm để trông nom đứa cháu nội bị cảm lạnh do mất điện, chị Đào Hồng Vân ở P1006B luôn phải leo bộ bằng cầu thang. Tối đến, khu chung cư không còn tiếng ý ới của cánh phụ nữ rủ nhau đi thể dục như trước vì ngày 4 lần leo cầu thang đã là bài tập quá sức.

Chị Vân tâm sự, sống ở chung cư, lệ thuộc vào máy móc công nghiệp, mất điện giống như bị cắt đứt phương tiện liên lạc với thế giới bên ngoài. Chuông cửa ngắt. Bạn bè đến thăm đứng trước cửa còn phải liên lạc điện thoại di động vào nhà vì cửa cách âm lại trong ngoài kiên cố. Gõ đến bật máu tay mà chủ nhà vẫn im thít.

Siêu thị chung cư tấp nập người ra vào trong giờ cao điểm trái với không khí đìu hiu thường ngày. Lâu nay, sẵn tủ lạnh, các bà các chị vẫn có thói quen mua thức ăn mỗi tuần một lần ở chợ Trung Hoà, vừa tươi lại rẻ đủ dùng suốt tuần. Mất điện, tủ lạnh ngừng hoạt động, ai nấy nghiến răng vào siêu thị chấp nhận cảnh "gạo châu, củi quế".

Dọc hàng lang, có một đống thùng phuy to nhỏ đứng la liệt. Chị Hà, nhân viên trực trong tiền sảnh chung cư chỉ tay vào hành lang và giải thích: "Một số hộ gia đình mua về đây lúc trưa nhưng thang máy đông, chật, lại chạy theo giờ nên phải xếp hàng trực sẵn ở đây". Hiện tại, Ban quản lý khu nhà luôn cung ứng đủ nước song đa số các hộ gia đình đều nhanh chân sắm sửa thêm một số thùng phuy cỡ lớn để dự trữ sợ mất điện lâu sẽ kéo theo mất nước. Nếu chuyện đó xảy ra thật, người ta sẽ được chứng kiến cảnh rồng rắn người người xách xô nước leo tầng hoặc dịch vụ gánh nước thuê lên tầng cao chung cư sẽ phát đạt. 

Hà Nội quạt nan

Quạt nan lên ngôi

"Mất điện thế này, mỗi ngày tôi bán được gần 100 cái quạt nan. Chả bù cho ngày thường bán chơi lèo tèo 3,4 cái", chị Xuân, quê Hà Tây chuyên bán rong thảm, chổi quét nhà khoe với khuôn mặt rạng rỡ.

Trên xe đạp của chị, những chiếc quạt nan đủ loại đủ kiểu treo ngất ngưởng. Chị cho biết, quạt ba tiêu là loại được ưa dùng và bán chạy nhất, dáng thon nhẹ, mầu sắc vui mắt, thuận tay cầm. Loại hàng này hôm nào cũng hết sớm.

Chị Xuân sung sướng nhất thời là phải vì trong mấy ngày này, các cửa hàng bán máy phát điện cũng không lãi bằng cánh hàng rong các chị. Hôm đầu tiên Hà Nội mất điện, do chưa biết trước nên chị không lấy thêm quạt. Non buổi trưa đã bán hết sạch, nhiều người hỏi không có làm chị tiếc hùi hụi. Từ hôm sau, đi đâu chị cũng nghe ngóng khu vực sẽ cắt điện. Tối về nhà giục đứa con gái học lớp 8 phải theo dõi, ghi chép theo ti vi hàng ngày để biết lịch cắt điện của Hà Nội.

Vui miệng chị Xuân kể hôm đi qua quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, chủ quán gọi vào mua một lúc hai chục cái nói là để phục vụ khách lúc mất điện. Chị Dung, làm việc ở một tổ chức phi chính phủ cho biết, đến công sở, đi uống nước với bạn bè vẫn phải thường trực quạt nan giống như phòng bị áo chống nắng. Giờ giải lao, mọi người phì phạch quạt nan đến vui mắt.

Tranh thủ buổi tối mất điện, tôi lượn quanh Hà Nội những khu phố cắt điện. Trong cảnh nhập nhoạng tranh tối, tranh sáng, phần lớn người dân đổ xô la liệt ngoài vỉa hè, phe phẩy quạt nan và nói với nhau những câu chuyện phiếm lâu nay vẫn bị lãng quên trong công việc ngày thường. Lũ trẻ tận dụng bóng tối say sưa với những trò trốn tìm, bắn súng.

Bà Mai sống ở Ngọc Khánh vừa phe phẩy cái quạt mo vừa cười: "Mất điện khổ thật đấy nhưng lại... vui. Tối đến, bà con lối xóm tập trung hết trước hiên nhà hóng mát đông đúc, rôm rả lắm. Cảnh này hình như lâu rồi chưa có". Bà còn hẹn dưới quê thửa cho vài cái quạt mo cau, chia hàng xóm mỗi nhà một cái. Ai cũng tranh phần.

Đang dở câu chuyện chợt có tiếng hét "có điện rồi". Bà Mai ôm đứa cháu tiếc rẻ đứng dậy, không quên kẹp chiếc quạt nan vào nách. Ai nấy lục đục kéo nhau vào nhà. Sau cánh cửa khép kín, mọi người lại tất bật với những công việc bận rộn.

"Mấy giờ mới có điện để chúng em về nhà?". Ảnh chụp phía sau khách sạn Deawoo

Hà Nội di cư

Biết Hà Nội sẽ cắt điện trường kỳ trong mùa hè này, anh Huy ở đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy đã tìm cách liên kết với họ hàng, bạn bè thân quen ở các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm để gửi con luân phiên. Anh cho biết bọn trẻ rất háo hức với kế hoạch dài hạn này của cha mẹ.

Buổi sáng đầu tiên mất điện, đứa con gái lên 4 theo mẹ đến nhà bà ngoại ở Thái Hà. Con trai lên 8 được anh đưa sang nhà bác ở Trung Kính. Chiều tối đi làm về, dỗ dành thế nào hai đứa trẻ cũng không chịu theo bố mẹ về nhà. Đứa con gái lớn của anh còn lý luận: "Con ở đây luôn, mai bố mẹ khỏi mất công đưa sang".

Bà ngoại "bật mí" với anh, nghe mấy đứa cháu phân bì, bạn bè chúng đứa nào cũng có ông bà ở quê. Hè được về quê vừa mát, vừa thích. Chúng nó ở Hà Nội nhưng cả năm bị bố mẹ bắt đi học. Anh chị em họ mà không bao giờ được đi chơi với nhau.

Bố mẹ vợ anh dự định, chẳng mấy lúc tập hợp được toàn thể cháu chắt, ngày mai, ông bà sẽ đưa bọn trẻ đến công viên Thủ Lệ đi xem thú. Kế hoạch đã hoàn thành, đứa lớn sẽ quản đứa bé. Vậy nên, lũ trẻ nhất quyết không đứa nào chịu về theo bố mẹ.

Anh Huy kể chuyện, một chị đồng nghiệp có con nhỏ, sáng gửi con bà ngoại, chiều phải sang bà nội để chạy theo lịch phát điện. Ngồi trên cơ quan, cứ 30 phút một lần chị lại nhấp nhổm gọi điện về để nhắc nhở. Khác với những buổi trưa tranh thủ ngủ lại cơ quan, mấy hôm nay, trưa nào chị cũng sấp ngửa bổ về nhà bà ngoại.

Những đồng nghiệp may mắn hơn đã nhanh chân gửi con về quê, vừa khoẻ lại rảnh rang. Khi nào điện Hà Nội ổn định lại đưa con lên học hè.

Sáng nay, khu vực Cầu Giấy không cắt điện nhưng đứa con gái vẫn xếp quần áo, thức ăn vào balô và giục bố đưa đi sơ tán.

Ngoài phố, thỉnh thoảng lại thấy cảnh bố mẹ đèo con, đằng trước, đằng sau treo lủng lẳng túi xách, ba lô, túi ni lông.

Bạn tôi, vốn người Hà Nội đi xa trở về bảo: "Hà Nội mất điện giông giống thời sơ tán..."

  • Lê Ngọc Nhung  
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,