221
12004
Radio VietNamNet
radiovnn
/radiovnn/
1313050
Tình người miền Trung trong cơn lũ dữ
1
Article
null
Tình người miền Trung trong cơn lũ dữ
,

- "Bây giờ người ở Yên Thọ vẫn còn ở trên Lèn chưa có chi mà ăn, nước chưa ra mô. Tụi tôi cũng bị nạn nhưng yêu cầu là nhà nước cấp cho những vùng, những người gặp khó khăn hơn..."

TIN LIÊN QUAN

Tính đến thời điểm này, Quảng Bình hiện là địa phương thiệt hại nặng nề nhất .  Đến 10h sáng hôm nay, Quảng Bình có 33 người chết, hàng chục người mất tích và bị thương. Nhiều địa bàn vẫn bị chia cắt do địa hình phức tạp, giao thông bị chia cắt. Trên 82.000 m3 đê điều bị sạt lở, hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng nặng nề.

Nước lũ đã tạm rút, trở về nhà từ nơi lánh nạn, anh Trương Đình Phúc – thôn Tân Sơn, làng Tân Lý, xã Minh Hóa không khỏi xót xa khi nhìn cảnh tượng xóm làng tan hoang. Cuộc sống trước mắt của gia đình anh và bà con nơi đây vô cùng khó khăn: "Gia đình tôi cũng như bà con ở đây trước mắt là không có cái ăn. Sách vở của học sinh thì đều trôi hết, xong nồi đồ đạc trôi hết. Bây giờ trâu bò lợn gà là không có nữa rồi. Tài sản cũng hỏng và trôi đi hết. Mấy ngày nay có xe cứu trợ về, cho được mỗi hộ 2 thùng mì tôm. Nhưng không đủ đâu cô ạ. Nhà tôi 6 nhân khẩu, 2 thùng mì tôm ăn 1ngày  là hết, không đủ qua ngày mai".

Hình ảnh về rốn lũ Minh Hóa – Quảng Bình (Ảnh: Vietnamnet)
Hình ảnh về rốn lũ Minh Hóa – Quảng Bình (Ảnh: Vietnamnet)

Chị Cao Thị Điều, làng Tân Lý thì xót xa đứa con mới 2 tuổi phải chịu đói mấy ngày qua: "Lũ dữ lắm chị ạ. Bọn tôi thì nước ra hết rồi (nước đã rút ở nhà), nhưng một số dân thì nước chưa ra. Như dân ở Yên Thọ, vẫn phải ở trên Lèn. Tụi tui thì cũng có cứu trợ nhưng chỗ có chỗ không. Nhà tôi sáng nay mới nhận được một thùng tôm. Con nhỏ một đứa 2 tuổi, một đứa 10 tuổi, khó khăn lắm. Cháu 2 tuổi thì chạy lên nhà dân trên núi với ba mẹ. Xin nhà ai có thì cho cháu ăn rứa thôi. Còn ba mẹ ăn gì cũng được thôi. Có chi thì ăn nấy, mấy hôm cháu bị ướt hết, áo quần cũng ướt hết chẳng có một cái chi cho cháu mặc hết. Bây giờ nước ra mà không có gì để nấu cơm, nước ô nhiễm hết rồi".

Chị Điều, anh Phúc cùng nhiều người dân khác tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình lại phải vật lộn với cuộc sống đầy những khó khăn trước mắt, thế nhưng, trong cơn hoạn nạn, những người dân nơi đây lại bao bọc nhau hơn bao giờ hết.

"Bây giờ người ở Yên Thọ vẫn còn ở trên Lèn chưa có chi mà ăn, nước chưa ra mô. Tụi tôi cũng bị nạn nhưng yêu cầu là nhà nước cấp cho những vùng, những người gặp khó khăn hơn tụi tui để cứu dân, cho họ sống với. Còn tụi tôi bây giờ nước cũng ra rồi" - Chị Điều tâm sự

Nhà bà Trương Thị Hường (xã Minh Hóa) là một trong những hộ dân hiếm hoi không bị ngập trong đợt lũ. Những ngày qua, nhà bà là nơi cưu mang 12 gia đình với hơn 40 người.

Bà Hường kể: "Bác 65 tuổi mới thấy cái lụt tới bất ngờ rứa. Nước ồng ộc tới, 1 - 2h sáng thì họ tới chỉ người không, không có áo không có quần, cứ chạy người không, bố mẹ cõng con tới. Cả làng bác gần 400 hộ coi như lụt hết, còn được có 20 hộ không lụt thôi cô ạ. Những ngày vừa rồi gia đình bác cho 12 hộ tới trú với 40 người. Trẻ con có, người già có, người trung tuổi cũng có. Người ta ăn thì bác lo lắng cho, mấy ngày đầu không đủ ăn, bác phải nấu ngô hột cho họ ăn cô ạ".

Xóm làng lụt hết, ngô lúa đều đã lên mầm. Nhà bà Hường còn hai tạ lúa nhưng chưa có điện để đi xát: "Vừa rồi đoàn cứu hộ cứu trợ tới, chở mì tôm với lương khô nhưng mà phát không đủ. Bác cũng lo được vài ba ngày nữa thôi. 40 người ăn nên đang thiếu cô ạ".

Nhiều người dân đang phải sống trên nóc nhà, chờ người tới cứu (Ảnh: Vietnamnet)
Nhiều người dân đang phải sống trên nóc nhà, chờ người tới cứu (Ảnh: Vietnamnet)

Phóng viên Trí Thức đang có mặt tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết: tại Minh Hóa, chiều nay trời đã hửng nắng, tuy nhiên nước rút rất ít. Nhiều thôn của xã Tân Hóa và xã Minh Hóa vẫn bị cô lập. Người dân vẫn phải ở trên núi cao, hay ở trên nóc nhà. Nhiều người già trong thôn vẫn bàng hoàng vì từ bé đến giờ chưa thấy trận lũ nào lớn như thế. Do không ngờ tới sức mạnh của cơn lũ, người dân nơi đây thiếu sự chuẩn bị, khi nước tràn về, họ chạy lên vùng cao, đồ đạc trong nhà trôi đi hết. Hiện tại, cuộc sống của người dân đi lánh nạn cực kì khó khăn. Hàng cứu trợ đến nhưng vẫn thiếu rất nhiều. Quần áo được cấp nhưng không đủ. Đa số bà con vẫn mặc đồ ướt.

Đang có mặt tại rốn lũ Tân Hóa, ông Cao Văn Đình – Bí thư huyện Minh Hóa cho biết: "Hàng cứu trợ đến, nhưng do phương tiện không đủ điều kiện để vận chuyển đến bà con. Máy bay trực thăng có thể thả một vài điểm nhưng cũng không cung cấp đủ. Chúng tôi đã huy động toàn bộ hệ thống thuyền bè sẵn có rồi tỉnh tăng cường thêm 2 chiếc thuyền cao tốc của Bộ đội biên phòng. Trong ngày hôm nay, chúng tôi đã vận chuyển tới bà con mì tôm, nước uống, thuốc chữa bệnh, áo quần và muối tới để cho bà con vượt qua những ngày rất khó khăn này... Khi tôi lên thăm bà con ở các đồi cao, thì có thể nói cảnh diễn ra rất khó khăn. Nhưng tinh thần tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau được phát huy hơn bao giờ hết. Trong cơn lũ, bà con chia sẻ nhau gạo cơm, muối nước. Khi hàng cứu trợ về thì họ cùng chia sẻ cho nhau trong lúc hoạn nạn"

Người dân tại miền Trung đang ở trong tình trạng khó khăn cần được hỗ trợ hơn bao giờ hết. Bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta hãy cùng chia sẻ và giúp đỡ người dân nơi đây vượt qua cơn nguy khó.

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật tình hình mới nhất tại miền Trung. Mời quý thính giả truy cập liên tục vào website: www.vietnamnet.vn.

  • Thu Anh – Lan Anh – Trí Thức (Thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,