221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
123663
Được lấy mô trên cơ thể người khi đã chết não
1
Article
null
Được lấy mô trên cơ thể người khi đã chết não
,
 

(VietNamNet) - Đó là một trong những quy định của Dự thảo Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi do Bộ Y tế soạn thảo. Nếu Dự thảo hoàn thiện sẽ là cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học vào hoạt động ghép bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp lý nào cho phép lấy mô, tạng của người chết não để ghép cho người sống. Đây là nguyên nhân khiến ngành ghép tạng Việt Nam gần như không có cơ hội phát triển. Nếu Pháp lệnh ra đời sẽ tạo điều kiện giúp đỡ nhiều bệnh nhân suy tạng.

Kỹ thuật ghép tạng đã được thực hiện ở Việt Nam từ những năm 60. Cách đây 10 năm ca ghép thận đầu tiên đã thực hiện thành công nhưng đến nay cả nước mới có 106 trường hợp được ghép thận. Trên thực tế, nhu cầu ghép tạng rất lớn nhưng Việt Nam chưa đáp ứng được. Một ca ghép thận trong nước trung bình là 50 triệu đồng, trong khi ra nước ngoài (Trung Quốc) người bệnh phải trả 300 - 400 triệu đồng. Hiện chỉ có một số bệnh viện thực hiện được kỹ thuật ghép thận đó là BV 103, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy, BV Đa khoa T.Ư Huế và BV Nhân dân Gia Định. Thế nhưng, hàng trăm trường hợp vẫn phải ra nước ngoài để ghép thận với kinh phí cao chỉ vì văn bản pháp lý và luật cho - nhận tạng của Việt Nam chưa ra đời.

''Thừa mà vẫn thiếu''

Đơn cử việc ghép thận. Việc lấy thận hiến từ những người thân trong gia đình chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu. Trong khi đó, hoàn toàn có thể khai thác các nguồn hiến thận khác. Theo thống kê của ngành y tế, số ca tử vong do tai nạn giao thông của nước ta hiện nay rất cao. Nếu có hành lang pháp lý, chúng ta sẽ tận dụng được tạng của những người này vào việc cứu người sống bị bệnh.

Tuy nhiên, để có thể khai thác được nguồn phủ tạng quý giá này, cần có những văn bản pháp quy hoặc luật quy định việc cho - nhận hoặc sử dụng tạng của những người đã chết lâm sàng. Các văn bản này phải nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cá nhân (người cho, người nhận và đội ngũ y bác sĩ) trong việc lấy và sử dụng nguồn tạng phục vụ quá trình điều trị. Có như thế, hàng nghìn bệnh nhân mới có thêm cơ hội sống.

Trên thế giới, gan thay thế cho các bệnh nhân hầu hết được lấy từ các thi thể chết não và chỉ một số lượng nhỏ các ca phẫu thuật sử dụng phương pháp cắt trực tiếp từ người sống cấy sang. Nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa có luật cho phép chúng ta lấy tạng của các bệnh nhân chết não. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta đã chủ động thay ghép gan được vẫn còn một nghịch lý sẽ xảy ra bệnh nhân và bác sĩ đã sẵn sàng phẫu thuật nhưng... thiếu nguồn gan.

Theo GS. Lê Thế Trung, nguyên Chủ tịch Hội đồng chuyên môn về ghép tạng (Bộ Y tế): ''Ghép gan là một kỹ thuật không mới đối với các nước trên thế giới, song ở Việt Nam chưa có ca ghép gan nào thành công. Dự kiến, đến đầu năm 2004 ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam sẽ được thực hiện song do chưa có luật cho phép lấy tạng của bệnh nhân chết não, nên tiến bộ mới trong y học về khả năng có thể ghép gan ở Việt Nam chưa hẳn đã khiến các bệnh nhân gan thực sự vui mừng. Hiện nay, gan ghép được lấy từ hai nguồn là người chết não (não chết nhưng tim vẫn đập) và gan của những người thân của bệnh nhân, có thể ghép gan toàn bộ hoặc bán phần. Nhưng ở nước ta luật chết não vẫn chưa được thông qua. Do đó, nguồn gan duy nhất có được là từ người sống''.

Viện 103 - nơi sẽ diễn ra những ca mổ "chuyển giao công nghệ" vẫn chưa thể có giải pháp cụ thể để giảm chi phí cho công nghệ ghép gan, tạo điều kiện cho bệnh nhân có thu nhập thấp cũng có thể chữa bệnh. Với tính toán của các chuyên gia, phương pháp lấy nguồn gan từ các bệnh nhân chết não sẽ có chi phí thấp hơn so với việc tiến hành mổ lấy gan trực tiếp từ những người tự nguyện hiến vì phương án này sẽ tối giản được công đoạn bảo đảm an toàn tính mạng sống cho cả người cho gan và người nhận gan. Hiện chúng ta chỉ có thể tiến hành lấy gan của những người tình nguyện là thân nhân của người bệnh.

Có luật mọi việc đơn giản hơn

Theo TS. Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ điều trị (Bộ Y tế), khó khăn của chúng ta hiện nay là hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa có ngân hàng mô tạng, nguồn ghép từ người sống còn hạn chế. Trên thực tế, số người chết do tai nạn giao thông rất lớn, chỉ tính riêng BV Việt Đức trung bình mỗi ngày có 5 người chết. Nếu tạng được sử dụng có thể cứu sống nhiều người nhưng chưa có luật nên bệnh viện đã bỏ phí nguồn tạng này. ''Hơn nữa, nhiều trường hợp có bệnh nhân chết não nhưng gia đình không nỡ cho các bộ phận khác vì tim vẫn đang đập. Tâm lý của người nhà như vậy là không đúng đạo lý'', GS. Lê Thế Trung cho biết.

Dự thảo Pháp lệnh quy định người từ 18 tuổi trở lên không mắc các bệnh truyền nhiễm và di truyền, không mắc bệnh tâm thần, có đủ sức khoẻ, đảm bảo an toàn trong phẫu thuật lấy mô, bộ phận cơ thể người và phục hồi sức khoẻ sau phẫu thuật đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống hoặc sau khi đã chết.

Được biết, sau khi Pháp lệnh ra đời, Việt Nam sẽ thành lập ngân hàng mô. Những vướng mắc của kỹ thuật ghép tạng sẽ sớm có lối thoát khi Pháp lệnh có hiệu lực.

  • Lệ Hà 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,