(VietNamNet) - ''Mặc dù chưa bao giờ có sự ủng hộ lớn đến vậy của Nhà nước, công cuộc phòng chống AIDS năm 2002 vẫn thất bại do không tiếp cận và khống chế được nguồn lây. Công tác dự phòng, lẽ ra phải được chú trọng số một, lại rất yếu và gần như bị bỏ qua''. Đó chỉ là một trong nhiều bài học rút ra từ Hội nghị toàn quốc về phòng chống AIDS năm 2003 ngày 18/2 tại Hà Nội.
Trong Báo cáo đánh giá công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2002 của Bộ Y tế do Thứ trưởng, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng trình bày trước hội nghị chỉ có một phần rất ngắn về kết quả hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Cụ thể, đã triển khai hoạt động giáo dục đồng đẳng cho đối tượng ma tuý, mại dâm ở 40 tỉnh, thành phố, quản lý và can thiệp dự phòng cho 12.807 phụ nữ bán dâm và 56.428 người sử dụng ma tuý.
Thế nhưng, theo tiết lộ của một đại biểu phía Nam, đây hầu hết là các đối tượng đang được giáo dục, chữa bệnh trong các trại phục hồi nhân phẩm, trung tâm cai nghiện 05, 06. Hoạt động can thiệp dự phòng HIV/AIDS vẫn chưa đến được với người nghiện hút ngoài các cơ sở trên, phụ nữ bán dâm đang hành nghề, các đối tượng có nguy cơ lây truyền cao khác như lái xe đường dài, người cho máu và nhóm nguy cơ thấp nhưng nhiễm bệnh đông như thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự và phụ nữ trước sinh.
Theo lý giải của GS. Viện sĩ y học Phạm Song - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, sở dĩ số người nhiễm HIV năm 2002 vẫn tăng 42,31% so với năm 2001 (từ 11.095 người lên 15.790 người) trong khi phòng chống HIV/AIDS được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội là do chưa thể khống chế nguồn lây. Do các cơ quan chức năng chưa có những chính sách đủ mạnh để ''triệt nọc'' hạt nhân của sự lây lan là đầu nậu ma tuý, mại dâm, người dân dù được tuyên truyền rất mạnh về HIV/AIDS vẫn nhiễm bệnh ngày một đông. Khi mắc bệnh, lại không được phát không bao cao su, bơm kim tiêm; không được quản lý, dung nạp, dạy nghề để sống an toàn, ổn định nên họ khó lòng biến họa thành phúc, tiếp tục gieo mầm cái chết khắp nơi.
Chung ý kiến với GS. Phạm Song, đại biểu nhiều tỉnh thành cũng cho rằng căn nguyên của nạn gia tăng HIV/AIDS tại Việt Nam là đội ngũ phòng chống căn bệnh này chưa tìm được ''nút'' của vấn đề để tập trung giải quyết. Tuy nhiên, nút vấn đề không được nhìn nhận đồng nhất ở khâu dự phòng yếu, mà còn ở nhiều vấn đề khác trong phòng chống căn bệnh thế kỷ.
Nhiều nút, cởi không ra!
BS. Trần Văn Nhật - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Chánh văn phòng thường trực phòng chống AIDS TP. Đà Nẵng cho biết, căn nguyên của việc gia tăng nạn dịch là bộ máy tổ chức phòng chống AIDS các cấp cồng kềnh, kém hiệu quả. Chỉ riêng trong Bộ Y tế đã tồn tại song song 2 tổ chức có cùng chức năng phòng chống AIDS là Ban Phòng chống AIDS và Văn phòng thường trực Phòng chống AIDS; sức mạnh trong chỉ đạo triển khai các hoạt động từ trung ương đến địa phương vì vậy chưa thể tập trung. Ở các địa phương, bộ máy phòng chống AIDS có mô hình, thống nhất; hầu hết cán bộ chuyên trách đều làm kiêm nhiệm và chưa có chức danh cụ thể để trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý và điều hành.
Cũng với quan điểm này, đại diện Văn phòng thường trực phòng chống AIDS TP.HCM khẳng định, bộ máy phòng chống AIDS còn rất yếu so với bộ máy phòng chống nhiều căn bệnh khác (lao, phong, sốt rét...). Cán bộ tham gia phòng chống căn bệnh này thường xem đây là công việc làm thuê, không phải là một ngành nghề chuyên nghiệp, ổn định và lâu dài (trong khi hoạt động phòng chống căn bệnh này không thể chỉ kéo dài 10, 20 năm). Bên cạnh đó, đòi hỏi cả về chuyên môn y tế (như các loại bệnh tật khác) và kỹ năng hoạt động xã hội thường khiến người tham gia nhụt chí; tổ chức phòng chống AIDS thường không đủ quyền hạn để huy động sức mạnh toàn xã hội phòng chống, điều trị căn bệnh này.
Đấy là chưa kể đến kinh phí ít ỏi cho công việc đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Theo báo cáo của Uỷ ban thường trực phòng chống AIDS tỉnh Lào Cai - nơi hoạt động mại dâm chợ vùng biên nhộn nhịp ngày đêm (nhất là ở thị trấn Hà Khẩu) - kinh phí phòng chống AIDS năm 2002 là 350 triệu đồng; bằng khoảng 585 đồng/1 người dân. Tính trung bình, mỗi ngành chỉ được hỗ trợ 2,5-11 triệu đồng/năm, chỉ đủ triển khai các hoạt động phòng chống AIDS thật sự cần thiết như tuyên truyền, chưa nói đến công tác chống lây truyền qua biên giới.
Trong khi đó, những hoạt động dự phòng lây nhiễm thiết thực như khuyến khích sử dụng bao cao su và bơm kim tiêm một lần trong toàn xã hội (bằng cách phát không, trợ giá) để tránh lây truyền HIV lại chưa thể thực hiện. Đấy là chưa kể đến việc đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu trong khâu điều trị như ban hành quy chế quản lý chữa trị AIDS bằng thuốc đặc trị, xây các cơ sở điều trị, chăm sóc bệnh nhân AIDS, đặc biệt là đối tượng không nơi nương tựa (như đề nghị của tỉnh Cần Thơ), mở thêm trung tâm tập trung cai nghiện và giáo dục phục hồi sức khoẻ để quản lý người nghiện chích và phụ nữ bán dâm, thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác phòng chống HIV/AIDS và công chức bị phơi nhiễm (đề nghị của TP. Hải Phòng)...
Để tháo được những cái ''nút'' chật nhất cho hoạt động phòng chống AIDS tại Việt Nam, theo kiến nghị thống nhất của các đại biểu và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại hội nghị, Bộ Y tế cần xây dựng đề án bộ máy chỉ đạo phòng chống AIDS thống nhất trên cả nước để trình Chính phủ ngay trong năm 2003.
Kinh phí của Nhà nước đầu tư cho công tác này năm 2003 vẫn không thay đổi, 60 tỷ đồng; cùng với các nguồn tài trợ thành 150 tỷ, tính trung bình trên đầu người dân vẫn là 0,05 USD.
Nói về việc gỡ những cái ''nút’’ trong phòng chống AIDS, một quan chức ngành y tế tâm sự: ''Khi đi, người ta chỉ có thể nhấc một chân rồi mới bước tiếp chân kia. Ngành y tế cũng vậy, chỉ có thể chọn việc trọng tâm để thực hiện trước. Trong hàng núi vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao như khám chữa bệnh cho người nghèo, an toàn vệ sinh thực phẩm, các chính sách cho chính nhân viên trong ngành..., phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ tuy lớn, nhưng chưa chắc thuộc hàng ưu tiên đầu''.
Và ông đề nghị, xã hội đừng quá trông đợi vào một mình ngành y tế để mong thắng AIDS.
Đã có thuốc đặc trị AIDS giá rẻ |
-
Quảng Hạnh