(VietNamNet) - Ngày 29/1, đã có một số bước tiến mới trong các biện pháp đối phó với dịch cúm gà ở một số tỉnh, thành ở phía Nam. Trong khi vẫn chờ các biện pháp mang tầm cỡ quốc gia từ cuộc họp do Chính phủ chủ trì vào ngày mai 30/1, bạn có thể xem tiếp một số tin liên quan được VietNamNet tường thuật từ Hà Nội, Hà Tây và Thái Bình,...
TP.HCM: Nhiều mặt trận, tích cực phòng ngừa
BV Bệnh Nhiệt đới mở "Khoa Cúm A". Đêm 27/1, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận thêm 5 bệnh nhân bị nghi nhiễm virus cúm A, đến từ Huyện Đức Hoà - Tỉnh Long An, Quận 2, Quận 11 và Quận Bình Thạnh, Huyện Hóc Môn - TP.HCM. Cả 5 trường hợp này đều có ăn gà chết, hoặc có tiếp xúc với gà bệnh, mang đi tiêu huỷ. Trong ngày hôm nay, BV này cùng lúc được chuyên viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tập huấn cách phòng chống bệnh cúm A, và mở thêm Khoa điều trị bệnh lây nhiễm cúm A.
Tiêu điểm ngày mai: xoá các "chợ chim". Lãnh đạo các quận - huyện trên địa bàn Thành phố cam kết sẽ triển khai truy quét, thu gom và tiêu hủy triệt để các loài chim hoang dại, các loài chim cảnh đang được buôn bán trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, nhất là kể từ sáng mai 30/1.
Sở GD-ĐT TP.HCM chưa kiểm tra các bếp ăn! "Có thể chiều nay 29/1, hoặc vào ngày mai 30/1, Sở sẽ có văn bản cấm buôn bán trứng gà, vịt... trong trường học." bà Lê Thị Hồng Liên, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói - "Từ ngày 12/1, sau khi có công văn yêu cầu các trường quan tâm chọn nguồn thực phẩm cho các bếp ăn và hướng dẫn không ăn gà, vịt…, song Sở GD-ĐT chưa đi kiểm tra lần nào. Sang tuần sau, chúng tôi sẽ lập đoàn đi kiểm tra đột xuất một số trường có bếp ăn tập thể. Trường nào vi phạm, sẽ có xử lý nghiêm".
|
Trong ảnh: Người Thái vớt xác gà trên sông. Thái Lan báo động nạn lén quăng xác gia cầm nhiễm bệnh vào sông, rạch, do dễ gây lây nhiễm cúm gà theo đường nước. Còn Việt Nam? |
Bản đồ ô nhiễm: chậm chân! Thành phố đã tiêu hủy 77% tổng đàn gà (khoảng 1,4 triệu con), 87% tổng đàn vịt (khoảng 0,4 triệu con), 50% tổng đàn chim và cút các loại (khoảng 0,2 triệu con) và sẽ khẩn trương tiêu hủy nốt số gia cầm còn lại trong khoảng 2-3 ngày nữa. Trong khi Ban Chỉ đạo Phòng chống Dịch bệnh Gia cầm - Thủy cầm TP.HCM đã tính tới việc lập bản đồ các điểm chôn huỷ gia cầm để ngăn ngừa nạn ô nhiễm môi trường lẫn khả năng tiếp tục lây lan dịch bệnh từ các nơi này thì thực tế lại đi nhanh hơn chủ trương, văn bản mấy bước: Mùi hôi và dịch trào ra từ các hố chôn cạn những xác gà, vịt bị huỷ đã trở nên không chịu nổi đối với dân cư sống gần các nơi này.
Thêm vào đó, tình trạng lén vất xác gia cầm chết xuống kênh Tân Hoá - Lò Gốm, hay vất hàng loạt bao tải xác gia cầm trên sông Nhà Bè,... cũng vừa gây ô nhiễm không khí lẫn nguồn nước ở những nơi này. Các hộ nuôi tôm ở xã Hiệp Phước (Nhà Bè) còn lo nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại đối với nguồn thủy sản của họ.
Với các hố gia cầm "xì hơi", liệu có thể vừa khử trùng tiếp tục để ngăn ngừa dịch bệnh không lây lan từ những hố này, cũng như vừa khử được cả mùi hôi từ các điểm ô nhiễm này? Mặt khác, hiện đã xuất hiện cả nỗi lo của nhiều hộ dân dùng nước giếng tại các vùng có hố tiêu huỷ gia cầm: liệu các điểm ô nhiễm ấy có ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm ở thành phố? VietNamNet mong các cơ quan nghiên cứu và quản lý môi trường sẽ trả lời câu hỏi này, thay vì chỉ nói "phải lấy mẫu từ các giếng nước mới có câu trả lời chính xác” rất chung chung như BS Lê Công Thành, phó giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Bình Chánh đã trả lời báo Tuổi Trẻ.
Đáng sợ hơn, các nhà chuyên môn cho biết virus H5N1 không chỉ lây qua không khí (phân gia cầm bị bệnh được "cuốn theo chiều gió"), mà cả qua đường nước. Cũng vì lý do này, Chính phủ Thái Lan đã cho kiểm tra sông, rạch ở 13 tỉnh đầu tiên bị nhiễm cúm gà. Còn ở TP.HCM, ở cả Việt Nam thì sao? Chưa thấy những chỉ đạo cụ thể về việc giám sát và ngăn ngừa, khống chế nguy cơ này, nhất là từ cấp vĩ mô!
Đồng Nai "ém" tin dịch?
Liên tục trong nhiều ngày qua, Xã An Viễn, Huyện Trảng Bom bị chết lần lượt hơn 12.000 gà, với triệu chứng rất giống với bệnh cúm gà. Tuy vậy, sáng nay 29/1, qua điện thoại, lãnh đạo Chi Cục Thú y tỉnh Đồng Nai với 2 vị trưởng, phó đều từ chối cung cấp thông tin về tình hình dịch cúm gà tại tỉnh này. Trước đó, hôm qua một nhóm nhà báo HTV cũng đã về đây song cán bộ Chi Cục không cho tiếp cận, cũng như không cung cấp số liệu nào về tình hình cúm gà trong tỉnh.
Còn nhớ cách đây vài hôm, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có khuyến khích dân tiêu dùng thịt gà và gia cầm. Dư luận cũng đã đặt ra nhiều nghi vấn, chẳng hạn: Đồng Nai là một trong những nơi có nguy cơ phát triển dịch bệnh lớn, thế nhưng chủ trương của tỉnh là "ém nhẹm thông tin"?
Chiều 29/1, ông Phạm Minh Đạo, chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 9,5 triệu con gà, trong đó số chăn nuôi tập trung (chỉ tính những trại chăn nuôi trên 500 con) là hơn 2,9 triệu con. Như vậy, Đồng Nai là tỉnh có đàn gà cao nhất khu vực Đông Nam bộ, sản xuất và cung ứng khoảng 70% nhu cầu gà con giống công nghiệp cho các tỉnh phía Nam. Đáng chú ý là Công ty TNHH CP Việt Nam tại tỉnh này hiện đã thực hiện phương thức chăn nuôi gia công với các hộ chăn nuôi trong tỉnh (640.000 con gà, trong đó 159 con đến ngày xuất chuồng). Do tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bị bế tắc, công ty đã đề nghị cho giết mổ và vận chuyển đến trữ lạnh tại kho lạnh ở Khu Công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương). Theo cơ quan chức năng của tỉnh, kết quả kiểm tra cho thấy đàn gà của CP không nhiểm bệnh. Trong khi đó, một kết quả xét nghiệm khác cho biết đã phát hiện virus cúm gà chủng H5 trong mẫu bệnh phẩm thu từ ổ dịch trên đàn gà 4.500 con của bà Vũ Thị Thúy Hằng (Phường Long Bình, TP Biên Hoà).
Ông Phạm Minh Đạo khẳng định tỉnh mình không có chủ trương ém nhẹm thông tin. Theo ông, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra và tiêu huỷ trên 24.000 con gà, trên 10.000 con cút. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) căn cứ văn bản pháp lệnh về thú y để công bố dịch; chỉ đạo các Bộ ngành phối hợp để hướng dẫn thống nhất, đồng bộ trong triển khai phòng chống dịch.
Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, Cục Thú y hỗ trợ 1 triệu liều vắc-xin phòng bệnh cúm gà; và trước mắt cho phép các doanh nghiệp có qui mô đàn gà giống bố mẹ lớn được "nhập khẩu và thử nghiệm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm".
Tiền Giang: 204 hộ có đàn gia cầm không bệnh vẫn tự nguyện đăng ký hủy gần 192.000 con. Các huyện không đủ lực lượng, phương tiện giúp dân mang gà bệnh đi tiêu hủy kịp thời.
Long An: Chiều 28/1, có 2 trường hợp nghi nhiễm cúm gà đều ở Huyện Bến Lức. Hiện BV đa khoa Long An đã chuẩn bị khu cách ly và các phương tiện kỹ thuật để sẵn sàng tiếp nhận điều trị các bệnh nhân cúm A.
Đồng Tháp đã cấm vận chuyển gia cầm. Đồng Tháp đã có 8/11 huyện, thị xảy ra tình trạng gà và chim cút chết hàng loạt. Tỉnh đã xử lý tiêu hủy gần 22.600 gà, 37.800 cút nhiễm bệnh; và đã có thông báo cấm vận chuyển gia cầm sống cũng như các sản phẩm chế biến từ gia cầm từ tuyến huyện ra ngoài, hay ngược lại.
1 bệnh nhân tử vong tại BV Sa Đéc với chẩn đoán "suy hô hấp, nhiễm siêu vi đường hô hấp cấp" vào tối 26/1. Hai ngày sau, vào 28/1, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp gởi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 1 bệnh nhân khác, ngụ ở Huyện Lai Vung, để xem có liên quan hay không với bệnh cúm gà. Vĩnh Long: UBND tỉnh ứng trước mắt 700 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch cúm gà.
Sóc Trăng: 4 ổ dịch ở các Huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Mỹ Tú, Vĩnh Châu. Các cơ quan chức năng đã thu gom và tiêu hủy gần 15.000 con gà. UBND tỉnh đã ban hành mức trợ giá 5.000-15.000đ/con, tùy theo trường hợp cụ thể cho hộ bị thiệt hại do dịch bệnh. Vẫn còn tình trạng một số người dân làm gà phơi khô hoặc nấu ăn so tiếc của.
1 trường hợp nghi nhiễm cúm A từ Sóc Trăng đã nhập viện ở BV đa khoa tỉnh Bạc Liêu, sau đó đã được chuyển lên BV bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Kiên Giang: gà bệnh ra đảo! Ông Phạm Văn Quang - trưởng Trạm Thú y Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: Nhiều nhà hàng ở Phú Quốc đang sử dụng gà, bồ câu làm sẵn từ các cơ sở ở TP.HCM cung cấp theo đường hàng không (!). Bên cạnh đó, hôm qua 28/1, cơ quan thú y huyện đã phát hiện và thiêu hủy 921kg gà bệnh làm sẵn, không rõ nguồn gốc, được vận chuyển bằng tàu biển từ đất liền ra đảo tiêu thụ. Ngoài ra, tại thị trấn An Thới (Phú Quốc) đã xuất hiện ít nhất 200 con gà bệnh chết đồng loạt, chưa rõ nguyên nhân.
1 trong 2 trường hợp nghi nhiễm cúm A nhập BV đa khoa Kiên Giang đã tử vong, sức khoẻ bệnh nhân còn lại đang tiến triển tốt.
An Giang: Ông Nguyễn Minh Nhị, chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo nâng mức hỗ trợ tiêu hủy 10.000đ/con đối với gà vịt, 2.000đ/con với cút, bồ câu trong 7 ngày đầu, kể từ 29/1/2004.
Bình Định: Tiêu hủy 3.985 gà bệnh khi nghi có dịch cúm gà ở 3 ba trại chăn nuôi tập trung của Công ty CP Thái Lan VN ở huyện An Nhơn.
- Trương Hiệu - Cam Lu - Phi Long - Đức Nguyên
|