(VietNamNet) – Tại Sơn La, nơi có bệnh nhân vừa tử vong do virus H5N1, các mẫu bệnh phẩm của gia cầm, thủy cầm đều âm tính với H5N1 dù nơi đây có gia cầm chết rải rác thời gian qua. Rất có thể virus gây bệnh đến từ chim hoang dã do người nhà bệnh nhân đi săn mang về.
Cúm gia cầm có thể tái phát. (Ảnh: SGGP). |
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống virus H5N1 chiều 2/1, TS Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y đã cho biết như trên.
Tại xã Chiềng Khoa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 8/10 bản báo cáo có gia cầm chết rải rác trong khoảng 2 tháng nay. Tại nhà bệnh nhi đã tử vong có nuôi 10 con gà, 2 con vịt. Toàn bộ số gà chết của gia đình bệnh nhi được chế biến làm thức ăn.
Bệnh nhi 4 tuổi ở Mộc Châu, Sơn La tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 do ăn thịt gà chết. Tuy nhiên, các mẫu bệnh phẩm của gia cầm, thủy cầm đều âm tính với H5N1.
Do đó, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng nguồn virus gây bệnh có thể đến từ chim hoang dã do người nhà bệnh nhân thường đi săn mang về.
Bộ Y tế đã hỗ trợ bổ sung cho tỉnh Sơn La 490 kg bột Chloramine B, 370.000 viên sát khuẩn và 2.000 viên Tamiflu để uống dự phòng và một số vật tư phòng hộ khác cho tỉnh Sơn La.
Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, kể từ trường hợp mắc cúm A/H5N1 được ghi nhận tại Thanh Hóa từ ngày 3/8/2007 đến nay, sau hơn 4 tháng đã ghi nhận tiếp 1 trường hợp bé trai 4 tuổi mắc cúm A/H5N1 tại Sơn La. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xuất hiện đại dịch cúm trên toàn cầu nếu virus cúm A/H5N1 đột biến, tái tổ hợp thành chủng virus mới lây lan nhanh từ người sang người. Trong khi đó, trường hợp bệnh nhi tử vong do cúm A/H5N1 ở Sơn La cho thấy, việc giám sát dịch trên gia cầm giữa thú y và y tế chưa chặt chẽ.
Tại Trà Vinh đang tái xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm mới trong những tháng cuối năm 2007. Bộ Y tế đã thành lập 69 đội cơ động chống dịch ở 64 tỉnh, thành và yêu cầu các địa phương xử trí sớm các trường hợp sốt liên quan đến cúm gia cầm, hạn chế thấp nhất tử vong.
Như vậy, tính từ trường hợp mắc cúm A/H5N1 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 26/12/2003, đến nay đã ghi nhận 101 trường hợp mắc tại 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 47 trường hợp tử vong.
-
Lệ Hà