– Ngày 11/4, một đàn heo ở xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, TT-Huế đã bùng phát dịch bệnh. Đến ngày 14/4, số heo mắc dịch tại xã Hương Chữ đã lên đến 212 con- 82 lợn nái, 130 lợn thịt.
Ông Lê Ích Bường, cụm 5 thôn La Chữ xã Hương Chữ kể: “Cách đây ngày, 2 con heo thịt gần 1,5 tạ của nhà tui lơ ăn, phù đầu, thương hàn…Thấy heo có dấu hiệu khác thường tui lo quá, báo ngay với thú y xã”.
Khi nhận được tin báo, cán bộ thú y đã tiến hành kiểm tra, tiêm phòng. Đến nay, đàn heo nhà ông Bường bệnh không thuyên giảm.
Heo dịch đợi đi tiêu hủy ở Hương Chữ. Ảnh: Ngọc Lan.
Cùng cảnh với hộ ông Bường, toàn xã Hương Chữ có đến 95 hộ dân có đàn heo xuất hiện các triệu chứng tương tự. Ông Nguyễn Công Húc, một hộ chăn nuôi heo thâm niên bần thần kể: “Nuôi heo mấy chục năm ni, lần đầu tiên tui mới thấy heo xuất hiện các triệu chứng này. Tui không biết nguyên nhân vì răng và chỉ biết đợi cơ quan chức năng hướng dẫn”.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh TT-Huế cho biết: “Sau khi nhận được tin báo của chính quyền xã, chúng tôi đã tiến hành lấy 5-7 mẫu bệnh phẩm và gửi ra cơ quan thú y vùng 3 (Nghệ An) để tiến hành kiểm tra. Mặc dù đến nay vẫn chưa có kết quả, nhưng với các dấu hiệu như sốt cao, bỏ ăn, thương hàn và qua chẩn đoán lâm sang thì chúng tôi nghi là số heo của xã bị dịch heo tai xanh”.
Lượng lực thú y đến từng nhà để đưa heo đi tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Lan.
Trước thực trạng dịch bệnh heo đang bùng phát và có nguy cơ lan rộng, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y tỉnh và các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, tiêu huỷ toàn bộ số heo bị dịch bệnh.
Ngày 14/4, các cơ quan chức năng ban ngành của tỉnh, huyện và xã đã đến từng hộ dân có heo bị dịch bệnh để tiến hành đem heo tiêu huỷ. Chị Hà Thị Kiều Trang, một hộ chăn nuôi heo thổ lộ: “Tui biết chắc số heo dịch bệnh này trước sau chi cũng “ra đi”. Mình để heo bệnh trong nhà cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người. Tui cũng đứt ruột khi tất cả vốn liếng đều đổ vào heo, nay heo tiêu huỷ lại đeo nợ. Nhưng nếu không hợp tác với chính quyền thì khả năng lây lan cho các hộ khác rất dễ xảy ra”.
Trong khi một số hộ hợp tác, tự nguyện đem heo bệnh đi tiêu huỷ thì nhiều hộ như bà Lê thị Song, bà Hà Thị Lợi, ông Nguyễn Đình Ngọc… vẫn cố níu kéo số heo đang mang bệnh để điều trị.
Sáng 14/4, tất cả heo bệnh đã được thu gom và khử trùng. Ảnh: Ngọc Lan.
Khi đoàn thú y đến nhà bà Lê Thị Song lập biên bản, gia đình bà đã nhất định không đồng ý cho tiêu hủy heo. “Tui không biết heo ni có còn bệnh hay không, nhưng hôm qua đến chừ heo dã ăn bình thường. Tui sẽ chăm sóc vài ngày, coi thử kết quả ra rằng rồi tính” - bà Song nói.
Tương tự, bà Hà Thị Lợi có con heo nái gần 1,5 tạ cũng nhất định không cho đem heo tiêu huỷ. Bà Lợi cho hay:” Heo vẫn còn ăn được thì việc chi phải đem tiêu huỷ”.
Mặc dù một số hộ dân có heo bệnh đã phản đối không cho đem tiêu huỷ, nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý nào.
Theo phản ánh của một số người dân địa phương thì trong 3 ngày gần đây, một số hộ chăn nuôi heo ở đây đã lén lút vận chuyển heo bị dịch bệnh để tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Lựu (31 tuổi) ở cụm 5, thôn La Chữ cho biết: “Mấy ngày ni đi bán hàng từ sớm, khoảng 3 giờ sáng tui thấy người dân vận chuyển heo đi bán. Không biết heo mắc bệnh đưa đi khỏi xã, người dân ăn vô có mắc bệnh chi không nữa”.
Ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh TT- Huế cho biết: “Đối với địa phương đang xảy ra dịch, chúng tôi tiến hành tiêu độc, khử trùng 1 lần/ngày. Đồng thời, sẽ tiến hành rà soát lại đối với những địa bàn đã xảy ra ổ dịch cũ và tiến hành tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch. Tỉnh cương quyết không giấu dịch”.
Người dân vẫn tiếc nuối với " đầu cơ nghiệp" của mình. Ảnh: Ngọc Lan.
Theo thống kê của xã Hương Chữ, tổng số đàn lợn của xã lên đến 5.600 con, nguy cơ lây lan rất có thể xảy ra khi mà một số hộ dân có heo mắc bệnh kiên quyết không cho tiêu huỷ.
-
Ngọc Lan - Uyên Phương