Đến ngày 11/02, đã có 2 địa phương công bố dịch cúm gia cầm là Quảng Ninh và Sóc Trăng. Nhiều địa phương khác, tình hình lây lan dịch cúm gia cầm cũng đang ở mức báo động.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm tại xã Quảng An, huyện Đầm Hà.
Dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại. Ảnh: Phan Công
Ngày 2/2, Lỷ Tài Múi (nữ, dân tộc Dao, 23 tuổi), trú tại thôn Nà Cáng, xã Quảng An, huyện Ðầm Hà đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng sốt cao, huyết áp tụt và suy hô hấp nặng.
Theo xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh nhân Lỷ Tài Múi đã được xác định dương tính với virus cúm A H5N1. Hiện tại, bệnh nhân Lỷ Tài Múi bị tổn thương suy đa tạng nặng với các biểu hiện như suy hô hấp cấp dẫn đến tổn thương phổi nghiêm trọng, suy tuần hoàn, thiếu máu và đang hôn mê, phải thở máy. Bệnh nhân đã được chủ động điều trị với các loại thuốc và máy thở hiện đại nhất nhưng do diễn biến nhanh của bệnh nên tình trạng của Lỷ Tài Múi không mấy khả quan.
Huyện Đầm Hà cùng các ngành chức năng địa phương đã tiến hành tiêu huỷ hơn 2.000 con gia cầm của 87 hộ dân thuộc thôn Nà Cáng, xã Quảng An. Đến thời điểm này, toàn bộ môi trường và nhà ở của các hộ dân trong vòng bán kính 3 km tính từ hộ gia đình có bệnh nhân nhiễm cúm A ở thôn Nà Cáng đã được phun hoá chất tiêu trùng khử độc.
Huyện Đầm Hà cũng đã thành lập 17 chốt kiểm dịch gia cầm từ thôn Nà Cáng mở rộng ra bán kính 5 km, kiểm soát 24/24 giờ; phun khử trùng toàn bộ các phương tiện đi ra từ vùng dịch. Chi Cục Thú y tỉnh và Trạm Thú y huyện tiếp tục lấy mẫu gia cầm của 8 thôn gồm: 6 thôn ở xã Quảng An, một thôn ở xã Quảng Lâm, một thôn ở xã Quảng Lợi để xét nghiệm.
Ngày 11/2, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện Ngã Năm và đề ra các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo và giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND huyện Ngã Năm có trách nhiệm áp dụng triệt để các biện pháp ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để lây lan sang nơi khác; đồng thời phối hợp cơ quan Báo, Đài kịp thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình, tác hại của dịch bệnh để người dân nắm, hiểu rõ và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách có hiệu quả.
Ngã Năm là huyện có đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng với trên 700 ngàn con, đây cũng là địa phương thường bùng phát dịch bệnh nhiều và sớm ở tỉnh Sóc Trăng do có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và có tuyến đường thuỷ vận chuyển gia cầm đi lại thường xuyên giữa các tỉnh trong khu vực... Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có trên 10 ổ dịch được phát hiện với tổng đàn trên 4.000 con vịt, gà bị chết và bị tiêu huỷ.
Ngoài ra, dịch cúm gia cầm cũng đang xuất hiện ở nhiều địa phương khác.
Chi cục Thú y Quảng Trị cho biết, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 2 đàn vịt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngành thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 2 đàn vịt này. Đồng thời, tiêm phòng cho gần 10 ngàn con gia cầm trên địa bàn xã.
Ở Hậu Giang, theo Ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục thú Y tỉnh, đến ngày 11/2, toàn tỉnh đã xuất hiện 8 ổ dịch cúm H5N1 trên đàn vịt, tập trung ở 2 huyện Vị Thủy và Long Mỹ. Tổng số gia cầm bị nhiễm bệnh và tiêu hủy trên 3.000 con. Chi cục thú y tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc đưa xuống hết các địa bàn có dịch để tiến hành tiêm ngừa và tiêu độc khử trùng cho đàn gia cầm. Tổng số gia cầm dự kiến tiêm trong đợt này khoảng 500.000 con, chiếm gần 30% tổng đàn.
Theo TTXVN