221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
1226765
Hải Phòng xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên
0
Article
null
Hải Phòng xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên
,

 – Trưa 28/7, Sở Y tế Hải Phòng xác nhận có thêm 3 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 do trước đó đã tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân nhiễm cúm. Như vậy, Hải Phòng đã có chùm ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên với 5 người mắc.

 

Toàn bộ 5 người thân trong gia đình của 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 ngày 24/7 (trú tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân) có tiếp xúc rất gần và thường xuyên với bệnh nhân đã được cách ly và xử lý y tế. Sau khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, có tới 3 người trong số này dương tính với vi-rút cúm A/H1N1.

 

Mô tả ảnh.
Ngày càng  xuất hiện nhiều chùm ca bệnh cúm A/H1N1. Hải Phòng là địa phương mới nhất có chùm ca bệnh (Ảnh minh hoạ: C.Q)

 

“Đây là chùm ca bệnh đầu tiên của Hải Phòng. Chúng tôi đang triển khai các phương án dập dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, không để ổ dịch tồn tại lâu và lây lan trong cộng đồng”, ông Trần Văn Tấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết.

 

Trong số 5 người thân được cách ly, có một trường hợp đặc biệt là vợ của bệnh nhân. Người này có tiếp xúc rất gần và liên tục, có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, đau họng nhưng khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm thì kết quả lại âm tính.

 

“Đáng ra, một người bình thường tiếp xúc gần và liên tục với bệnh nhân như vậy chắc chắn sẽ nhiễm cúm, nhưng đây là một ngoại lệ. Chúng tôi đã cho trường hợp này về gia đình nhưng sẽ vẫn theo dõi xem liệu có biểu hiện gì không”, ông Tấn nói.

 

Đến trưa nay, kết quả xét nghiệm của một thí sinh ở Hải Phòng trở về từ TP.HCM sau kì thi ĐH vẫn chưa có nên chưa thể xác định em này có nhiễm cúm hay không.

 

Hiện nay, Sở Y tế Hải Phòng đã tăng cường kiểm dịch các tàu biển và các chuyến bay quốc tế, bảo đảm 100% các tàu thuyền và máy bay đều được kiểm dịch.

 

Theo ông Tấn thì dịch cúm của Hải Phòng đang ở quy mô nhỏ, việc điều trị sẽ do Bệnh viện Việt-Tiệp và Bệnh viện Trẻ em đảm nhiệm. Nếu dịch ở quy mô trung bình, huy động thêm Bệnh viện Kiến An, Lao và bệnh phổi. Nếu dịch lan rộng thành đại dịch ở quy mô lớn sẽ huy động tất cả hệ thống bệnh viện trong và ngoài ngành y tế trên địa bàn.

 

TP.HCM: Một phụ nữ mang thai 4 tháng nhiễm cúm A/H1N1

 

Ngày 28/7, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 2 trường hợp mắc cúm A/H1N1 nặng nhất từ trước đến nay. Đó là một nam bệnh nhân ngoài 30 tuổi và một phụ nữ mang thai 4 tháng, ngụ tại TP.HCM.

 

Nam bệnh nhân sau khi nhập viện được 4 ngày đã bị biến chứng vào phổi nên phải điều trị kéo dài hơn bình thường. Đến nay, sau 9 ngày tích cực điều trị, sức khỏe ca bệnh này đã ổn định, có thể xuất viện vào ngày mai.

Khu cách ly của BV Hoàn Mỹ. Ảnh: Thanh Huyền

“Trường hợp thứ 2 là một thai phụ mang thai 4 tháng, nhập viện cách đây 4 ngày. Nữ bệnh nhân này đang được điều trị theo phác đồ bằng thuốc tamiflu, tuy nhiên thai nhi có bị ảnh hưởng gì không thì chưa dám nói trước. Đến nay, trên thế giới chưa có thử nghiệm dùng thuốc tamiflu trên phụ nữ có thai”, bác sĩ Hiền nói.

Bác sĩ Hiền khuyến cáo, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 1 tuổi cần phải đến khám tại bệnh viện khi phát hiện triệu chứng để được điều trị cúm A/H1N1 sớm. Những đối tượng này rất dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm bệnh bởi sức đề kháng yếu, yếu tố nguy cơ mắc bệnh gia tăng.

Cùng ngày, Bệnh viện Hoàn Mỹ cũng đang điều trị cho 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 (một sinh viên Đại học RMIT và một nhân viên của Ngân hàng Sacombank).

Nữ bệnh nhân tên Nguyễn Thị L., một nhân viên của Ngân hàng Sacombank, nhập viện ngày 27/7 do có triệu chứng sốt cao. Buổi chiều cùng ngày, chị L. đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1.

Tuy nhiên bệnh nhân này kiên quyết giấu quê quán cũng như địa chỉ cơ quan, chỉ cho nhân viên y tế biết mình làm việc tại Ngân hàng Sacombank. Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Bệnh viện Hoàn Mỹ thuyết phục bệnh nhân, nhanh chóng tìm ra các mối quan hệ với người bệnh, kịp thời cách ly những đối tượng tiếp xúc gần, khống chế không để dịch phát tán.

Trường Đại học Kinh tế, địa chỉ số 279 đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 cũng đã có một sinh viên nhiễm cúm A/H1N1.

Mở cửa tàu hoả để hạn chế vi-rút cúm A/H1N1 lây lan

 

Mô tả ảnh.
Các tàu nên mở cửa thông thoáng để tránh lây lan vi-rút cúm (Ảnh: VNN)
Liên quan đến 3 trường hợp nhiễm cúm đã đi tàu từ TP HCM ra Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết, tình hình sức khoẻ của bệnh nhân vẫn ổn định, điều trị tiến triển tốt.

 

Theo quy định của Bộ Y tế, khi phát hiện ở đâu có người nhiễm cúm cần phải xử lý y tế, phun thuốc khử trùng ngay và toàn bộ nơi đó, đặc biệt là toa có hành khách nhiễm cúm. Tất cả các hành khách đi cùng chuyến với bệnh nhân phải được thông báo để họ chủ động theo dõi sức khoẻ và cách ly tại nhà dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) thì việc này còn vấp phải một số khó khăn.

 

Hiện nay là kết quả xét nghiệm phải mất 1, 2 ngày, trong khi đó các đoàn tàu và máy bay vẫn hoạt động liên tục. Các hành khách đi tàu không để lại địa chỉ gì nên gần như không thể lần ra được thông tin cá nhân để tìm được họ và xử lý y tế.

 

“Một điều nữa là chuyện phun thuốc khử trùng máy bay hoặc tàu hoả phải đảm bảo sao cho không ảnh hưởng đến các thiết bị máy móc. Để phun được các phương tiện này cần hóa chất chuyên dụng chứ không phải hoá chất thông thường”, ông Nga cho hay.

 

Bộ Y tế khuyến cáo, các đoàn tàu nên mở cửa, tạo môi trường thông thoáng để vir-rút không có điều kiện lây lan, phát tán, bởi vi-rút cúm sẽ sống lâu hơn trong phòng kín và có điều hoà.

 

  • Cẩm Quyên - Thanh Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,