Nhiều thói quen của người dân vẫn phải duy trì vì mưu sinh dù dịch cúm A/H1N1 bùng phát mạnh. Nhưng có một thói quen đang thay đổi: vệ sinh cá nhân và cụ thể là rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.
Cứ khoảng 5 giờ sáng, bà Lanh lại tỉnh giấc theo đúng nhịp sinh hoạt hàng chục năm. Công việc đầu tiên trong ngày của bà là đi đến nhà 2 người bạn già gần đó cùng tập khí công ở một công viên đầu xóm. Thế nhưng, 1 tuần nay, bà Lanh dù vẫn dậy lúc mờ sáng nhưng chỉ ngồi ….nghe radio.
“Tivi, đài, loa phường ra rả số ca nhiễm cúm A/H1N1 liên tục tăng, khả năng phải đóng cửa một số trường học, công sở, tòa nhà”. Bà Thanh nói, “nghe đã sợ rồi, còn thiết tha gì tập khí công nữa”.
Số ca nhiễm cúm A/H1N1 tăng liên tục trên thế giới. Việt Nam cũng liên tiếp thông báo các ca nhiễm mới. Đáng ngại nhất là dịch cúm này bắt đầu lây nhiễm trong cộng đồng, tại trường học và công sở.
Cách đây 6 năm, người dân Việt Nam bắt đầu cảm thấy lo lắng khi nghe khái niệm “dịch bệnh”. Khi đó, hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) làm hơn 60 người mắc phải. Hai năm sau, dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, cũng làm hàng trăm người nhiễm bệnh. Nhưng có vẻ, đợt dịch cúm lần này, người dân cảm thấy lo sợ hơn, bằng chứng là ý thức vệ sinh và thói quen sinh hoạt thay đổi,
“Tôi phải thừa nhận rằng, đi ra đường hoặc đến những chỗ đông người rất sợ. Đứng ở 1 ngã tư đèn xanh đèn đỏ mà đếm được gần 15 người đeo khẩu trang y tế, hình ảnh này đập vào mắt rất đáng ngại. Ông Trần Thế Dũng, cán bộ hưu trí phường Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) nói.
Ông Dũng năm nay 70 tuổi, từng làm bác sỹ sản khoa có tiếng tại một bệnh viện tuyến cuối trong thành phố. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về y tế dự phòng và dịch bệnh được giải thưởng các cấp. Về hưu được 10 năm, nhưng ông vẫn “nhiễm” nghề. Con cháu ở nhà nhiều lúc “phát ốm” vì ý thức rửa tay với xà phòng, tắm giặt bài bản của ông.
“Thử nghĩ mà xem, nếu cả ngày anh không rửa tay xà phòng lần nào, trong khi tay anh cầm vào đủ thứ, từ tờ tiền, cái thìa, đôi đũa rồi đi vệ sinh. Thật kinh khủng”. Ông Dũng nói tiếp, “Nếu con cháu tôi mà vô ý thức như thế, tôi sẽ không ở cùng chúng nó nữa. Như vậy là coi thường sức khỏe bản thân, và không có trách nhiệm với người xung quanh. Dịch cúm đang hoành hoành là một dịp để mà kiểm chứng sự hiệu quả của hành vi rửa tay đúng kỹ thuật. Tại sao lại không làm chứ”
Ông Dũng cho rằng, hồi còn đi làm, dù chưa có quy chuẩn cụ thể về rửa tay nhưng ông đã thực hành rửa tay “chuẩn” nhất bệnh viện. Ông luôn rửa tay với xà phòng bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ông nói, đó là 2 thời điểm hết sức quan trọng mà vi khuẩn gây bệnh như cúm, tiêu chảy dễ nhiễm vào tay và truyền sang con người mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Vậy nên, 70 tuổi rồi, ông chưa một lần nhiễm cúm.
Có hàng triệu người dân Việt Nam cũng đang thực hiện theo cách của ông để phòng dịch cúm A/H1N1. Đây cũng là cách mà ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ngay cả khi không có dịch cúm xảy ra. Bản thân Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định, ngoài phòng chống cúm, thói quen rửa tay với xà phòng vẫn có tác dụng tốt trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác như tiêu chảy cấp, viêm phổi, đau mắt đỏ… - những bệnh người Việt Nam rất hay mắc phải.
-
Huy Hoàng