- Khi số ca nhiễm cúm A/H1N1 quá nhiều, bệnh nhân có thể được điều trị theo phác đồ tại gia, không cần nhập viện. Người dân cần chuẩn bị tâm lý khi cúm A/H1N1 tiến triển theo hướng xấu hơn, xuất hiện nhiều ca tử vong hơn.
Đó là vấn đề chính được thảo luận trong buổi họp giao ban các quận, huyện về dịch bệnh được tổ chức vào buổi sáng ngày 5/8.
Chuẩn bị tâm lý sống lâu dài với dịch
Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM dự báo, dịch cúm A/H1N1 sẽ còn phát triển qua nhiều năm, trải qua những đợt bùng phát khác nhau trước khi trở thành đại dịch nguy hiểm ở Việt Nam. Do đó, đợt chống dịch lần này là cả một cuộc chiến lâu dài.
“Các đường dây nóng của ngành y tế TP.HCM luôn luôn bận, có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến từ các tỉnh thành khác nhau trên toàn quốc xin tư vấn như Bình Phước, Bình Dương, Bình Định… Khẩu trang bị sốt ảo trở nên khan hiếm. Ai bị nhức đầu, sổ mũi cũng chạy ngược xuôi để yêu cầu được làm xét nghiệm cúm A/H1N1. Điều đó chứng tỏ đại bộ phận dân chúng hiểu chưa rõ về bản chất bệnh cúm A/H1N1 dẫn đến hoang mang, hoảng loạn”, bác sĩ Giang nói.
Nhân viên y tế đang tiến hành làm xét nghiệm cúm. Ảnh: Thanh Huyền. |
Theo bác sĩ Giang, chỉ có cách duy nhất để công việc phòng chống cúm A/H1N1 đạt được kết quả tốt, hạn chế lây nhiễm và tử vong, đó là người dân phải đặt niềm tin vào ngành y tế và chung tay giúp sức.
Bên cạnh đó, người dân cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý vì dịch bệnh sẽ còn lan rộng, số ca tử vong gia tăng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng, chống thì có thể giảm thiểu được nguy cơ nhiễm bệnh.
UBND TP đã quyết định sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM để đầu tư thêm trang thiết bị và thuốc dự phòng.
Khi số ca quá nhiều, có thể các bệnh nhân cúm A/H1N1 sẽ được điều trị theo phác đồ tại gia, không cần phải nhập viện.
Cúm A/H1N1 tử vong còn thấp hơn cúm mùa
Theo bác sĩ Giang, người dân nên coi cúm A/H1N1 như một bệnh truyền nhiễm thông thường để chủ động hơn trong việc phòng, tránh. “Tại Mỹ, một đất nước phát triển cả về y tế cũng như dân trí. Tuy nhiên, 1 năm vẫn có 200.000 người mắc cúm mùa phải nhập viện, 36.000 người tử vong. Trong khi đến nay, thế giới mới chỉ có hơn 1.000 ca tử vong vì cúm A/H1N1. Như vậy có thể nhận định, nếu không được phát hiện, điều trị sớm thì cúm mùa còn nguy hiểm hơn nhiều”.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, các dịch bệnh khác luôn trong tư thế sẵn sàng "ngóc dậy". Chính vì thế, người dân cần cảnh giác không chỉ riêng với cúm A/H1N1.
Cụ thể như bệnh tay chân miệng, chỉ trong tháng 7 đã có 3 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2. Bên cạnh đó là bệnh sốt xuất huyết, trong 7 tháng đầu năm, toàn TP.HCM đã có 6.257 ca, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2008.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hiện tại, số ca bị sốt xuất huyết nặng độ 3, 4 chiếm 30% trên tổng số trường hợp nhiễm bệnh. Trong tuần qua, các bác sĩ của bệnh viện này đã phải tích cực cấp cứu liên tiếp cho 8 bệnh nhi bị sốc do sốt xuất huyết trở nặng.
Có yếu tố dịch tễ cũng chưa cần làm xét nghiệm
Bác sĩ Lê Trường Giang cho biết, từ nay trở đi việc làm xét nghiệm cúm A/H1N1 chỉ dành cho những đối tượng ưu tiên như người già, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Riêng đối với trẻ dưới 5 tuổi cũng phải sàng lọc, nếu thấy cần thiết mới tiến hành làm xét nghiệm.
Tất cả các ca bệnh trong ổ dịch cúm A/H1N1 cũng không cần phải làm xét nghiệm hết mà chỉ thực hiện với một vài ca điển hình, có nhiều khả năng tìm thấy virus nhất.
Theo bác sĩ Hồ Văn Nhỏ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng quận 7, chưa bao giờ chứng kiến một dịch bệnh lan nhanh như với cúm A/H1N1 lần này.
Cần thường xuyên rửa tay sát khuẩn để chống cúm. Ảnh: Thanh Huyền. |
“Khoảng 1 tuần nay, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo từ Trung tâm Y tế dự phòng TP không làm xét nghiệm cho các trường hợp dù có yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với người nhiễm cúm bởi các đối tượng này quá nhiều, làm không xuể được. Bên cạnh đó, chi phí cho một lần làm xét nghiệm quá cao ( trên dưới 200$), nếu không chọn lọc sẽ gây lãng phí. Dịch bệnh đã chuyển qua giai đoạn mới, chúng ta cũng phải thay đổi phương pháp phòng, chống”, bác sĩ Nhỏ nói.
Đối với các trường hợp có triệu chứng như cảm, sốt, nhức đầu, sổ mũi nên tự cách ly để theo dõi sức khỏe của mình. Nếu thấy tức ngực, khó thở, các triệu chứng trở nặng hơn thì cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Khi đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc có cần làm xét nghiệm cúm hay không.
-
Thanh Huyền
Khuyến cáo đeo khẩu trang
Theo bác sĩ Hồ Văn Nhỏ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng quận 7, ngành y tế không bắt buộc nhưng nên khuyến cáo và hướng dẫn người dân đeo khẩu trang để tránh lây cúm.
Tuy nhiên, người dân không nên coi khẩu trang như một màn bảo vệ diệu kỳ vì nó chỉ một phần nào hạn chế được sự tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Quan trọng hơn cả, mọi người vẫn phải thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn.
Đến nay, quận 7 đã có 32 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã có 8 ca nhiễm cúm. Ngày 3/8, Trường Đại học quốc tế RMIT đã hoạt động trở lại. Trong quá trình điều tra, phát hiện 37/5000 học sinh của trường này bị nhiễm cúm. Tuy nhiên dịch đã được dập, không phát hiện thêm ca mắc mới nào.