221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
1228927
Chỉ điều trị tại nhà với ca cúm A/H1N1 nhẹ bệnh
1
Article
null
Chỉ điều trị tại nhà với ca cúm A/H1N1 nhẹ bệnh
,

 – Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, cho rằng chỉ tiến hành điều trị cúm A/H1N1 tại nhà với ca bệnh nhẹ, ca nặng vẫn phải nhập viện. 

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có 26 tỉnh thành có bệnh nhân cúm AH1N1, trong đó có 4 tỉnh thành có chùm ca bệnh. Do đó, chiến lược hiện nay của ngành y tế vẫn là phát hiện sớm ca bệnh, cách ly nhanh chóng, điều trị kịp thời để ngăn chặn tử vong và cách ly các nguồn lây bệnh.

Mô tả ảnh.
Các bệnh nhân cúm A/H1N1 nhiễm bệnh nặng (ho long đờm, sốt rất cao, có dấu hiệu bất ổn về đường hô hấp) cần được nhập viện, không thể tự điều trị cách ly tại nhà (Ảnh minh họa: Phạm Hải)

Đối với điều trị cách ly, chúng ta có thể sử dụng nhiều mô hình khác nhau: Cách ly tại các bệnh viện, khoa truyền nhiễm; cách ly tại các bệnh viện vệ tinh và bệnh viện dã chiến. 

Việc điều trị tại nhà dưới sự giám sát của các bác sỹ là 1 phương án được để tăng cường khả năng hỗ trợ của cộng đồng. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho rằng: “Việc điều trị tại nhà chỉ tính đến khi dịch đã lan ra khắp cộng đồng và chỉ áp dụng đối với trường hợp nhẹ. Trường hợp nào bị nặng (có các dấu hiệu sốt rất cao đi kèm hiện tượng khó thở, đường hô hấp có hiện tượng bất ổn) vẫn phải đưa ngay vào bệnh viện”. 

Ông Kính cho biết có nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. “Nếu cách ly tại nhà và được thông báo về phác đồ điều trị, người dân sẽ ở nhà hết. Hiện nay, chúng ta vẫn đang đếm từng ca bệnh cơ mà?”, ông Kính nhấn mạnh. 

Việc cách ly tại nhà có thể khiến triệu chứng sẽ nặng thêm mà người bệnh không biết. Khi đến viện với các triệu chứng đã nặng như suy hô hấp, tamilfu sẽ không còn phát huy tác dụng, có thể dẫn đến những điều đáng tiếc. 

“Do vậy, có thể cách ly tại nhà nhưng Bộ Y tế cần xây dựng hướng dẫn cụ thể: Những đối tượng nào, bị bệnh ở mức nào, … thì được phép cách ly như thế”, ông Kính nói.

Ngày 8/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 37 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó, miền Nam: 16 ca, miền Bắc: 10 ca, miền Trung: 9 ca, Tây Nguyên: 2 ca.

Tính đến 17h ngày 8/8, Việt Nam đã ghi nhận 1115 trường hợp dương tính, 1 ca tử vong. 

Số bệnh nhân đã ra viện là 628. 487 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Bộ Y tế ban hành 10 khuyến cáo phòng cúm tại nơi làm việc: 

1. Cúm A (H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A (H1N1) gây ra.

2. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm vi rút rồi đưa lên mũi, miệng.

3. Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh. Người nhiễm vi rút có thể truyền bệnh ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng.

4. Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

5. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

6. Thường xuyên làm vệ sinh và khử trùng các bề mặt như mặt bàn làm việc, tay nắm cửa, bàn phím máy tính, nền nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường; hạn chế sử dụng điều hòa (đặc biệt là điều hòa trung tâm), mở cửa thông thoáng.

7. Nên duy trì các thói quen tốt cho sức khoẻ như tích cực vận động cơ thể, giảm căng thẳng, uống nhiều nước, ăn đủ chất để nâng cao thể trạng.

8. Người lao động phải tự theo dõi sức khoẻ hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng... thì thông báo cho người sử dụng lao động, y tế để được tư vấn.

9. Người lao động nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở nơi làm việc thì phải được cách ly, đeo khẩu trang; đồng thời thông báo cho người sử dụng lao động và cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

10. Các cơ sở lao động, người sử dụng lao động phải có địa chỉ bệnh viện và cơ sở y tế dự phòng gần nhất, có số điện thoại đường dây nóng để liên hệ kịp thời.

(Nguồn: Website Bộ Y tế)

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,