221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
1231992
Đối phó với cúm A/H1N1: 6 điều lúng túng
0
Article
null
Đối phó với cúm A/H1N1: 6 điều lúng túng
,

 – Sau gần 3 tháng đối phó với dịch cúm A/H1N1, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những tổng kết ban đầu nêu ra 6 hạn chế của công tác phòng, chống dịch. 

Chuyển bệnh nhân cúm đi… lòng vòng 

Theo đó, việc quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối (Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, …) đã dẫn đến những khó khăn trong công tác cách ly, điều trị cúm. 

Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất ngay tại các bệnh viện này còn thiếu thốn nên không tránh khỏi những phàn nàn của người bệnh đang được cách ly và điều trị bắt buộc tại đây.

Mô tả ảnh.
Các bệnh viện xét nghiệm, điều trị, cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên)

Một số bệnh viện các tuyến chưa chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống dịch, chua chủ động trang bị, tập huấn đầy đủ cho nhân viên y tế về công tác chẩn đoán, điều trị, cách ly và phòng lây nhiễm cúm.

Nhiều nơi còn chủ quan, một số bệnh viện còn lúng túng trong việc chẩn đoán và điều trị cúm, chuyển bệnh nhân lòng vòng (trong khi quy định là hạn chế di chuyển, nhất là bằng phương tiện giao thông công cộng). Cán bộ y tế nhiều nơi còn nhận thức chưa đúng về cúm A/H1N1, chưa có kinh nghiệm điều trị. 

Một số bác sỹ tại các bệnh viện chưa có kinh nghiệm và ý thức cảnh giác trong việc phát hiện, chẩn đoán cúm, chưa cương quyết yêu cầu người bệnh nghi cúm vào theo dõi điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh, khi có biến chứng nặng mới vào lại viện điều trị khiến nguy cơ tử vong tăng cao. 

Hiện nay, trong việc điều trị cúm A/H1N1, việc chuyển tuyến chưa được phù hợp, chưa thực hiện tốt cách ly và điều trị tại chỗ. Một số bệnh viện chưa cảnh giác và chú trọng đến công tác kiểm soát lây nhiễm dẫn đến một số chùm ca bệnh chính là cán bộ y tế. 

Thực tế, một số người dân do quá hoang mang nên đến cơ sở khám, xét nghiệm dù không có triệu chứng. Một số bệnh viện đã không giải thích rõ ràng cho người bệnh về vấn đề khám, xét nghiệm, thu viện phí dẫn đến bức xúc cho người dân. 

Ngoài ra, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu do hạn chế về kinh phí. Trong khi đó, ngay khi dịch xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương chủ động lên phương án đầu tư, bổ sung nhân lực, vật lực. Thủ tướng cũng đã phê duyệt ngân sách phòng chống bệnh ngay từ đầu mùa dịch. 

Những hạn chế trên, ngành y tế thừa nhận là không dễ giải quyết, khi “quá tải”, “năng lực, nhận thức hạn chế”, “cơ sở vật chất không đáp ứng đủ yêu cầu”, “thiếu kinh phí” luôn là những vấn đề “bức xúc” xuyên suốt, “nóng bỏng” bấy lâu nay.

Bộ Y tế chuẩn bị cho mùa đông "nóng 

Trước tình trạng trên, dù dịch đã xuất hiện được 3 tháng, để chuẩn bị đối phó kịp thời với dịch khi mùa đông đang đến gần, lượng bệnh nhân sẽ tăng lên mạnh mẽ, Bộ Y tế vẫn tiếp tục đưa ra giải pháp “kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 các cấp”! 

Mô tả ảnh.
Các cán bộ y tế sẽ tiếp tục được tập huấn để "đủ sức, đủ lực" đi cùng dịch bệnh sẽ còn kéo dài (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên)

Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Cục sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyên sâu về cúm A/H1N1 cho cán bộ y tế tuyến tỉnh/thành phố và bệnh viện huyện. Chỉ đạo việc chuẩn bị các phương án đối phó với tình hình dịch bệnh lan rộng và gia tăng trong thời gian tới”.

Ông Kính thông tin thêm: Ngay sau khi được tập huấn, Sở y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh cần có kế hoạch tập huấn cho các cơ sở y tế trực thuộc, các cán bộ y tế tuyến huyện, xã, kể cả cơ sở y tế ngoài công lập.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện cần rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện, trình UBND tỉnh báo cáo Chính phủ cấp bổ sung kinh phí để chuẩn bị, dự trữ thuốc và các phương tiện, sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra trên diện rộng. 

Ông Kính cho rằng: Để phòng chống cúm A/H1N1 thực sự có hiệu quả, cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Các ban, ngành có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch phòng chống đại dịch cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. 

Một vấn đề quan trọng khác là cần sự phối hợp của người dân thông qua các kênh truyền thông. “Người dân không nên hoang mang, cũng không nên chủ quan, cần làm đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế”, ông Kính nói.

Thêm 69 ca nhiễm cúm mới trong ngày 

Ngày 25/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 69 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó, miền Nam: 55 ca, miền Bắc: 12 ca, miền Trung: 2 ca. 

Như vậy, tính đến 17h ngày 25/8, Việt Nam đã ghi nhận 2142 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong. 

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có thêm 6 trường học có học sinh nhiễm cúm. Đó là trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến cơ sở 3, trường THPT dân lập Trí Đức nội trú ( phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú), trường THCS Cù Chính Lan ( quận Bình Thạnh), trường Chu Văn An, trường Phan Sào Nam (quận3) và  trường Nguyễn Du (quận1).

Ngoài ra, diễn biến dịch cúm A/H1N1 tại trường PTCS Lam sơn (quận 6) và THPT Thanh Bình (quận Tân Bình) vẫn đang được ngành y tế TP. giám sát chặt chẽ.

Trung tâm Y tế dự phòng TP. và các quận, huyện tiếp tục thực hiện giám sát tại cộng đồng các trường hợp đã tiếp xúc ca bệnh và tổ chức xử lý các ổ dịch mới.

Như vậy, tính đến nay, TP.HCM đã có 1.130 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, 1 người đã tử vong vì căn bệnh này.

Cùng ngày, đoàn thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học trên địa bàn TP.HCM.

Thanh Huyền

  • Cẩm Quyên

Mô tả ảnh.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,