- Ngày 1/10, Luật BHYT chính thức triển khai tại bệnh viện các tuyến trong cả nước. Theo ghi nhận, ngày đầu thực hiện luật vẫn còn lúng túng, bệnh nhân người thì ngơ ngác phải trả thêm tiền, người vừa lạ lùng vì được bớt viện phí.
Ngơ ngác khi phải nộp thêm tiền
Có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai trưa 1/10, PV VietNamNet ghi nhận số bệnh nhân đến khám hầu như không có dấu hiệu giảm so với trước đây (dù Luật BHYT đã quy định người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại xã, huyện).
Điểm đáng lưu ý là rất nhiều người bệnh khám đúng tuyến không hề biết mình phải cùng chi trả từ 5% đến 20% viện phí theo quy định mới.
Bệnh nhân BHYT đúng tuyến đang làm thủ tục tại Bệnh viện Bạch Mai. Ở cửa ra vào đã có bảng thông báo "Những điều cần biết về áp dụng Luật BHYT mới", trong đó ghi cụ thể các mức cùng chi trả đối với từng đối tượng nhưng nhiều người bệnh vẫn chưa "thông". (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Khi thanh toán viện phí, chị Phương, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã đứng thắc mắc khá lâu với nhân viên thu viện phí và lần nào nghe xong câu giải thích chị vẫn nhắc lại câu hỏi: “Tại sao tôi đi đúng tuyến lại vẫn phải trả tiền?”.
Nhân viên thu viện phí chỉ trả lời ngắn gọn: “Đây là quy định được áp dụng từ ngày 1/10, chúng tôi chỉ biết làm thôi. Nếu chị không tin có thể ra cửa đọc bảng hướng dẫn”.
Khi đọc bảng hướng dẫn rồi, chị Phương vẫn nhăn mặt: “Từ lúc tham gia BHYT đến giờ, tôi đi đúng tuyến lần nào cũng không phải trả một đồng. Sao bây giờ lại vẽ ra như thế để bệnh nhân bảo hiểm bị thiệt thòi? Mà tôi thấy khám chữa có gì khác trước đâu?”.
Rồi chị nói với vẻ tiếc nuối: “Biết thế này tôi đi khám tranh thủ từ hôm qua”, rồi chị vẫn lẩm bẩm: “Tại sao phải cùng chi trả? Vẫn bệnh đấy, vẫn viện này, vẫn thuốc đó…”.
Có những người ngơ ngác vì phải nộp thêm tiền như chị Phương thì cũng có những người ngơ ngác vì bỗng nhiên được thanh toán 30% viện phí.
Anh Phước (Hoài Đức, Hà Nội) mắc bệnh đau thần kinh mãn tính, thỉnh thoảng vẫn phải vào viện khi bệnh phát nặng. Anh là bệnh nhân BHYT nhưng lần này đã vượt tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai mà không qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tây (cũ).
Theo kinh nghiệm, chị Thoa (vợ anh) cho rằng toàn bộ chi phí sẽ vẫn phải thanh toán 100% như trước đây, vì không có giấy chuyển viện thì thẻ BHYT coi như không có giá trị. Thế nhưng, lúc ra thanh toán viện phí, chị mừng rơn vì được bệnh viện trả 30% viện phí, chị chỉ mất 70%.
Chị Thoa cũng không hiểu tại sao lại có sự thay đổi này. E là bác sỹ nhầm nhưng chị cũng không hỏi lại vì sợ bác sĩ “nhầm” thật.
Nhiều bệnh nhi chưa có thẻ BHYT
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, lượng bệnh nhi đến khám ngày 1/10 không có gì khác ngày thường ngoại trừ việc bệnh viện sẽ chấm dứt thanh toán theo kiểu thực thanh thực chi trước đây. Thay vào đó, viện phí của các bệnh nhi dưới 6 tuổi được thanh toán 100% thông qua thẻ BHYT.
Nhưng theo ghi nhận, hiện vẫn còn nhiều bệnh nhi còn chưa có thẻ BHYT. Phụ huynh các em cũng không biết về sự thay đổi phương thức thanh toán viện phí theo luật mới.
Bệnh nhi BHYT đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương. (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Về điều này, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi, nguyên nhân là do hầu hết các tỉnh thành hiện nay chưa có danh sách trẻ em dưới 6 tuổi để chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội, để dựa trên cơ sở đó cơ quan bảo hiểm xã hội mới làm và cấp thẻ cho các cháu được.
Để giải quyết tình hình trên, Bệnh viện Nhi trung ương đã thực hiện quy định của Bộ Y tế: Nếu trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT, khi đi khám bệnh cần phải có các loại giấy tờ thay thế khác như giấy chứng sinh, giấy khai sinh hoặc xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.
Riêng với trẻ sơ sinh, thủ trưởng cơ sở y tế, cha hoặc mẹ trẻ cần ký chịu trách nhiệm vào hồ sơ bệnh án.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay: “Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương cần lên danh sách trẻ em dưới 6 tuổi và cấp thẻ BHYT cho các cháu càng sớm càng tốt”.
Bà Hương cũng cho biết các cháu dưới 6 tuổi nhập viện trước ngày 1/10/2009 nhưng hiện vẫn còn nằm viện thì khi ra viện cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm tạm ứng, thanh toán viện phí cho các cháu.
Nhân viên y tế lúng túng khi thực hiện
Theo quy định mới, Luật BHYT chia ra nhiều nhóm đối tượng, nhiều mức cùng chi trả. Ngay từ ngày đầu thực hiện đã xuất hiện những rắc rối xung quanh việc phân loại khá phức tạp và rối rắm này.
Với các đối tượng phải chi trả 5% như người nghèo, diện bảo trợ xã hội, mất sức, hưu trí,… hoặc 20% đối với các đối tượng còn lại, các cán bộ y tế gặp khá nhiều lúng túng trong việc phân loại từ khâu làm thủ tục. (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, khi bệnh nhân BHYT đến nhập viện, các nhân viên làm thủ tục nhập viện tỏ ra khá lúng túng vì có những người khó xác định đúng đối tượng.
Những bệnh nhân được chi trả 95% viện phí hầu hết đều phải có giấy chứng nhận lúc nhập viện. Nhưng các bệnh nhân được chi trả 80% được phân ra rất nhỏ, rất nhiều khiến chính các nhân viên làm thủ tục cũng không nhớ nổi.
“Tôi cảm thấy hôm nay làm thủ tục lâu hơn hằng ngày, nếu bệnh nhân thuộc diện phải cùng chi trả 20% thì chúng tôi lại phải lật giở lại giấy tờ. Thậm chí có những đối tượng có các điều kiện không có trong quy định, khó mà xác định chế độ cho họ được”, một nhân viên làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt trung ương nói.
Theo ông Trần An, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương thì đây là điều được tính đến ngay từ khi Luật BHYT chưa được triển khai. Do đó, Bệnh viện Mắt trung ương đã mở các đợt tập huấn cho cán bộ y tế trước ngày 1/10 để thực hiện tốt Luật BHYT.
“Những rắc rối phát sinh trong quá trình triển khai Luật BHYT (chủ yếu do có quá nhiều đối tượng bệnh nhân) là điều dễ hiểu. Nếu các cán bộ nhân viên làm việc có gặp rắc rối gì, chúng tôi sẽ có cách xử lý ngay, đảm bảo đúng quyền lợi bệnh nhân”, ông An nói.
Ông An cũng cho biết thêm: Hiện nay, bệnh nhân BHYT đến Bệnh viện Mắt trung ương đều dùng thẻ BHYT cũ (đến hết tháng 12/2009). Tuy nhiên, mọi chế độ dành cho bệnh nhân BHYT vẫn được tính theo quy định mới.
-
Cẩm Quyên