221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
1239227
"Vợ con tôi chết oan vì bác sĩ chẩn đoán cúm muộn"
0
Article
null
'Vợ con tôi chết oan vì bác sĩ chẩn đoán cúm muộn'
,

- Bác sĩ chẩn đoán chậm, vợ tôi nhập viện từ ngày 21/9, chết ngày 27/9, đến ngày 1/10 mới có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.

 

Anh Trương Công Ngôn, sinh năm 1974, chồng của sản phụ Nguyễn Ngọc Trân (26 tuổi) thổn thức không nên lời bởi nỗi đau mất vợ con: “Vợ tôi chết oan quá, cô ấy đã bị các bác sĩ bỏ mặc cho đến chết vì cúm A/H1N1. Chúng tôi mới cưới nhau được gần 1 năm, ông bà còn chưa kịp vui sướng đón đứa cháu nội đầu lòng chào đời thì đã phải khóc thương mẹ con cháu ra đi mãi mãi!”.

 

Sản phụ tử vong tên Nguyễn Ngọc Trân, sinh năm 1984, làm nghề buôn bán, ngụ tại Ấp 4, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, đang mang thai 8 tháng.

Chị Trân hạnh phúc trong lễ cưới chưa đầy 1 năm. Ảnh: N.N.B.N.
Chị Trân hạnh phúc trong lễ cưới chưa đầy 1 năm. Ảnh: N.N.B.N.

 

Ngày 21/9, do có các triệu chứng sốt cao, ho nên bệnh nhân đã nhập thẳng Bệnh viện Phụ sản Cà Mau để điều trị. Do diễn biến bệnh quá phức tạp nên lúc 22h30 phút ngày 21/9, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện đa khoa Cà Mau.

 

Theo lời kể của cậu và chồng của bệnh nhân, chị Trần đã chết lâm sàng 2 lần và được cứu tỉnh trở lại. Các bác sĩ cho biết thai đã bị chết lưu, để cứu sống mẹ bắt buộc phải mổ lấy thai nhi ra.

 

Tuy nhiên, do sức khỏe bệnh nhân quá yếu, huyết áp tụt dưới mức cho phép, không đủ điều kiện làm phẫu thuật. Bệnh nhân đã lên cơn co giật và tử vong vào hồi 21h ngày 27/9.

 

Mãi đến ngày 1/10, sau khi đám tang bệnh nhân diễn ra rồi gia đình mới nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 của Viện Pasteur TP.HCM do Bệnh viện đa khoa Cà Mau chuyển đến.

 

“Trong đám tang có cả thảy 2.000 người đến dự nhưng không hề được đeo khẩu trang, vì nhà tôi ngay giữa chợ nên rất nhiều người qua lại. Mãi đến ngày 5/10, Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau mới cử người xuống phun xịt thuốc. Gia đình tôi không bằng lòng chỉ sát khuẩn mỗi nhà tôi mà yêu cầu phải khử khuẩn cả những khu vực lân cận”, anh Ngôn nói.

 

Theo lời kể của ông Lê Thanh Vũ, cậu ruột sản phụ xấu số, khi nhập viện chị Trân không hề bị nghi nhiễm cúm A/H1N1 dù sốt cao, ho nhiều nên không hề được cách ly. Bệnh nhân được nằm điều trị tại phòng  số 7, khu Nội tim, mạch. Tại đây, có 10 giường bệnh, mỗi giường có 2 bệnh nhân nằm ghép.

Đông đảo người dân đến cùng hạ huyệt mẹ con chị Trân. Ảnh: N.N.B.N.
Đông đảo người dân đến cùng hạ huyệt mẹ con chị Trân. Ảnh: N.N.B.N.

Vợ của ông Vũ, người trực tiếp chăm sóc sản phụ Ngọc Trân hiện đang có các biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1 và được cách ly tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau.

 

 

 Trước sự việc trên, phóng viên báo đã liên lạc với bác sĩ Lưu Anh Tài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, nơi sản phụ Nguyễn Ngọc Trân tử vong.

 

Bác sĩ Tài cho biết: “Tiền sử bệnh nhân Trân bị bệnh hen suyễn. Khi được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Cà Mau sang, chị Trân đang lên cơn suyễn. Các bác sĩ chỉ tập trung cấp cứu, điều trị suyễn cho sản phụ chứ chưa nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị cúm A/H1N1.

 

Sau khi xử trí bệnh suyễn của chị Trân xong, thấy có bất thường nên Bệnh viện đã tiến hành chụp phổi và phát hiện có những tổn thương do bội nhiễm.

 

Lúc này, các bác sĩ tiến hành siêu âm thì phát hiện thai nhi đã chết lưu (vì không có kinh nghiệm về sản khoa nên chúng tôi không để ý đến điều này. Khi nhận bệnh nhân, chúng tôi chưa khám thai ngay mà chỉ tập trung chữa hen suyễn).

 

Lý giải về việc đến ngày 1/10 mới có kết quả xét nghiệm cúm A/H1N1 của sản phụ Trân, trong khi bệnh nhân đã tử vong từ 21h ngày 27/9, bác sĩ Tài giải thích: “Chúng tôi không tự làm xét nghiệm cúm được nên mẫu xét nghiệm phải gửi lên Viện Pasteur TP.HCM. Hiện tại, Bệnh viện đa khoa Cà Mau đang quá tải về khám bệnh nhân cúm, mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 lượt bệnh nhân. Cán bộ y tế của bệnh viện đang oằn mình cáng đáng dịch cúm A/H1N1”.

 

Theo bác sĩ Tài, việc phát hiện sản phụ Trân nhiễm cúm A/H1N1 chậm trễ một phần do gia đình đã giấu yếu tố dịch tễ. Chồng bệnh nhân làm việc tại TP.HCM, đã từng phải điều trị cúm A/H1N1 tại một bệnh viện tại tỉnh Bình Dương.

 

Tuy nhiên, khi các bác sĩ điều tra bệnh sử, không thấy người nhà bệnh nhân nói về điều này.

 

“Riêng về chị Trân, trước khi nhập viện Phụ sản Cà Mau, bệnh nhân đã từng nằm điều trị tại y tế tuyến cơ sở ở địa phương khoảng 5 ngày. Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm chị Trân bị nhiễm cúm A/H1N1, ngày 3/10, ngành y tế địa phương đã cử người đến nơi gia đình sinh sống để phun thuốc sát khuẩn.

 

Do vấp phải sự phản ứng của người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế chỉ phun thuốc được các khu vực xung quanh. Mặc dù vậy, Trung tâm y tế dự phòng sở tại đã thông báo đến Ủy ban nơi gia đình bệnh nhân cư ngụ để phổ biến cho người dân biết để chủ động phòng tránh.”, bác sĩ Tài nói.

  • Thanh Huyền - Ý Nhi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,