Điều trị bệnh gút
18:05' 07/10/2003 (GMT+7)

Hỏi: Tôi bị đau hai đầu gối 6 tháng nay, đi khám bác sĩ cho là bệnh khớp. Chữa không thấy tiến triển; khớp vẫn đau, không sưng nóng, đi lại bình thường. Lúc ngồi xuống đứng dậy phải dùng tay vịn vào cái gì đó, hoặc chống tay xuống đất đẩy hỗ trợ mới đứng lên được. Có người nói tôi bị bệnh gút có đúng không? Xin cho biết triệu chứng và cách điều trị bệnh này.

Trả lời: Bệnh gút (còn gọi là thống phong) là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá axit uric trong cơ thể. Bình thường lượng axit uric trong máu được giữ hằng định dưới 7mg/100ml do có sự cân bằng giữa 2 quá trình tổng hợp và đào thải. Khi 2 quá trình này rối loạn sẽ gây tăng axit uric trong máu, dẫn đến sưng, đau khớp - những biểu hiện của bệnh gút.

Triệu chứng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh gút có 2 dạng:

- Gút cấp tính: Viêm khớp bàn chân ngón cái, rồi đến các khớp khác như cổ chân, ngón chân, khớp gối...; rất ít khi ở khớp chi trên. Cơn cấp thường xuất hiện đột ngột sau bữa ăn nhiều rượu, thịt, hoặc sau chấn thương, đi lại nhiều, đi giày quá chật...

Cơn đau hay xuất hiện ban đêm, đau dữ dội ngón chân cái, ngón chân sưng to, phù nề, căng bóng, nóng đỏ. Một đợt viêm cấp thường kéo dài 1-2 tuần (trung bình 5 ngày) có thể tái phát nhiều lần trong năm.

- Gút mạn tính: Các u cục (tophi) nổi ở cạnh khớp hoặc vành tai kèm viêm đa khớp mạn tính. Gút mạn tính thường có tổn thương thận, lâu dần dẫn tới suy thận.

Điều trị

Điều trị bệnh gút là làm hết đợt viêm khớp cấp, tránh cơn gút cấp tái phát, làm bệnh ổn định lâu dài và ngăn ngừa biến chứng.

Muốn điều trị phải phối hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt và thuốc. Vì vậy người bệnh phải có chế độ ăn kiêng rượu và các thứ kích thích, hạn chế các thức chứa nhiều purin như thịt màu đỏ (chó, trâu, bò...), phủ tạng động vật (lòng, gan, tim, tiết...), hải sản (tôm, cua, cá...).

Nên ăn nhiều rau xanh, đậu, khoai, uống nhiều nước (2l/ngày, uống nước khoáng có nhiều bicacbonat hoặc dung dịch bicacbonat natri 14%o). Chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh lạnh, tránh mệt mỏi cả tinh thần và thể chất.

Thuốc điều trị:

Điều trị bệnh gút, người ta thường dùng thuốc chống viêm và thuốc hạ axit uric máu. Thuốc nào cũng có tác dụng phụ và tai biến, vì vậy khi sử dụng phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

Bằng phương pháp điều chỉnh dinh dưỡng, sinh hoạt và dùng thuốc, có thể khống chế bệnh gút cấp, không để tái phát, không để chuyển sang gút mạn tính cũng như các biến chứng của nó. Tuy vậy, người bệnh cần phải được theo dõi lâu dài tại các cơ sở chuyên khoa, thăm khám định kỳ theo hẹn.

BS. Phạm Thị Hiếu (Sức khoẻ & Đời sống)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Một số bệnh lây truyền từ mẹ sang con (07/10/2003)
Suy thận mạn và thời điểm cần lọc máu (07/10/2003)
Có nên sinh mổ? (06/10/2003)
Các loại rối loạn giấc ngủ (06/10/2003)
Giải đáp thắc mắc về bệnh béo phì (04/10/2003)
Tự theo dõi và bảo vệ mình khi có thai (04/10/2003)
Chữa bệnh 'máu trắng' trẻ em (04/10/2003)
Hạn chế triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch (03/10/2003)
Trị lang ben (02/10/2003)
Nguời bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn uống gì? (02/10/2003)
Để cá làm lợi cho sức khoẻ (02/10/2003)
Nuôi dưỡng người bệnh ung thư (01/10/2003)
Xử trí khi thân nhiệt trẻ sơ sinh thay đổi (01/10/2003)
Phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt (01/10/2003)
Bệnh hen có nguy hiểm cho thai nghén? (30/09/2003)
Tro ve dau trang