Liệt mặt hay liệt dây thần kinh số 7 là một chứng bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Nguyên nhân gây liệt mặt có nhiều nhưng thường gặp nhất là liệt mặt ngoại biên do lạnh. Ðặc điểm của loại liệt này thường là diễn tiến tốt, phục hồi nhanh nhưng cũng có thể để lại di chứng về vận động, thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và đúng.
Triệu chứng
Thường xảy ra đột ngột khi ngồi trên tàu, ô tô mở cửa bị gió tạt vào mặt hoặc tối ngủ nằm cạnh cửa sổ... Khi ngủ dậy vào sáng hôm sau, bệnh nhân thấy cười nói khó; soi gương thấy mặt méo, đánh răng súc miệng nước trào ra một bên mép.
Quan sát mặt người bệnh thấy mất cân xứng hai bên: mặt bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má mờ hoặc mất, miệng và nhân trung bị méo về bên lành.
Sự mất cân xứng này càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như khi nhe răng, miệng méo lệch sang bên lành, không huýt sáo được vì không chúm được môi, khi ngước nhìn lên trên nếp nhăn trán ở bên liệt mờ hoặc mất vì trán không nhăn được.
Ðặc biệt một triệu chứng rất quan trọng là mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi; qua khe mắt thấy nhãn cầu đưa lên trên để lộ một phần lòng trắng (dấu hiệu Charles Bell).
Ngoài ra còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt (do không tiết nước mắt) hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy ra giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn.
Tiến triển của chứng liệt này thường tốt, có thể tự khỏi 70-80% các trường hợp (sau khoảng 1-3 tháng). Nhưng một số trường hợp tiến triển xấu do chẩn đoán và điều trị sai gây ra các biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc vì mắt nhắm không kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm trùng, co giật cơ mặt do hồi phục thần kinh không hoàn toàn hoặc co cứng nửa mặt do dây thần kinh thoái hóa và hậu quả tất yếu là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh.
Chính vì vậy khi bị liệt mặt cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có thể chẩn đoán chính xác hoặc loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não...
Phòng ngừa & điều trị
Ðề phòng:
Chủ yếu là tránh để bị lạnh khi đi tàu xe hoặc tối đi ngủ nên đóng cửa sổ để tránh gió lùa, các cụ già ban đêm không nên ra ngoài đi tiểu.
Vào mùa nóng, khi nằm ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt. Ngoài ra cần điều trị sớm các viêm nhiễm ở tai, mũi, họng và đề phòng các chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm.
Ðiều trị:
Cần điều trị sớm, trong 7-10 ngày đầu bằng các thuốc chống viêm corticoid (prednisolon), kháng sinh (khi có nhiễm trùng), tiêm bắp vitamin nhóm B (B1, B6, B12). Ðồng thời, phối hợp với tập vận động xoa bóp cơ mặt hàng ngày, ngày 2 lần, mỗi lần 4-5 phút xoa từ cằm lên trán; mục đích là tăng cường tuần hoàn chống lại sự co cứng cơ mặt.
Ngoài ra để bảo vệ mắt bên liệt chống gió bụi, tránh biến chứng viêm loét giác mạc, nên đeo kính râm lót gạc sạch bên trong và rửa mắt hàng ngày bằng dung dịch nước muối NaCl 9%o hoặc cloramphenicol 0,4%. Có thể dùng băng dính cắt theo hình chữ Y dán đảo ngược một đầu vào trán hai đầu kia vào môi dưới và môi trên để nâng cơ mặt khỏi bị xệ.
Khi điều trị nội khoa đã có kết quả, người bệnh nên giảm dần liều thuốc và tập phục hồi chức năng; tốt nhất là đứng trước gương tự tập luyện. Vấn đề điều trị bằng phẫu thuật được đặt ra khi điều trị nội khoa không có kết quả, liệt mặt không hồi phục và cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sâu về thần kinh.
BS. Nguyễn Thế Anh, Sức khoẻ & Đời sống
|