Giãn, viêm tĩnh mạch có nguy hiểm?
07:34' 24/10/2003 (GMT+7)

Do là những mạch máu rất dễ bị tổn thương, tĩnh mạch dễ bị giãn hoặc viêm, dẫn đến tình trạng sưng nề, viêm loét chân. Nặng hơn, có thể hình thành một cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, khi vỡ làm nghẽn mạch phổi, gây suy hô hấp, thậm chí tử vong. Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là năng vận động.

Giãn tĩnh mạch khiến chân nổi nhiều ''sợi dây'' xanh tím dưới da.

Giãn tĩnh mạch

Theo ước tính của các nhà chuyên môn, cứ 2 phụ nữ thì có 1 người bị giãn tĩnh mạch. Tĩnh mạch bị giãn chủ yếu là các tĩnh mạch chân kèm theo tổn thương thành mạch. Sở dĩ có giãn tĩnh mạch là vì các van trong lòng tĩnh mạch ứ đầy máu và căng phồng lên. Trong nhiều trường hợp, giãn tĩnh mạch không phải là bệnh mà chỉ là bị chi phối bởi một số yếu tố như di truyền, nội tiết, thừa cân, lối sống tĩnh tại, đứng lâu hoặc sức nóng.

Triệu chứng:

Trong thời gian đầu, sau khi đứng lâu để làm một việc gì đó, bệnh nhân thấy khó chịu ở chân: nặng chân, cảm giác kiến bò, ít khi thấy đau thực sự. Những cảm giác này mới chỉ là hậu quả của việc ứ máu trong tĩnh mạch chứ chưa phải là do giãn tĩnh mạch gây nên. Nhưng lâu dần về sau, các tĩnh mạch sẽ bị giãn thật sự và ta có thể nhìn thấy chúng nổi hằn lên dưới da như những sợi dây. Sờ vào những sợi dây này, thấy mềm và có màu hơi xanh tím, sẽ xẹp xuống khi bệnh nhân nằm và lại phồng lên khi bệnh nhân đứng dậy.

Khi bị viêm thì giãn tĩnh mạch có thể gây đau và làm thay đổi lớp da dọc theo đoạn tĩnh mạch bị viêm. Có khi tĩnh mạch bị vỡ, máu chảy dồn về phần trong cẳng chân (tạo nên một bọc máu dưới da gây đau) hoặc máu chảy ngoài da (chảy máu đột ngột và nhiều). Về sau, vì máu tĩnh mạch không chảy về tim được như bình thường nên các mắt cá và bàn chân sẽ bị sưng nề, xuất hiện các bệnh viêm da có màu nâu đỏ, các tổn thương loét (loét giãn tĩnh mạch, loét kéo dài và bội nhiễm).

Điều trị:

Có nhiều cách điều trị giãn tĩnh mạch: chống tụ máu ở chân (đi tất chun, gác chân lên cao khi ngủ, không để chân bị nóng...), tập đi bộ để máu tĩnh mạch chảy về tim dễ dàng., dùng các thuốc trợ tĩnh mạch, tiêm thuốc làm xơ hoá những tĩnh mạch đã bị giãn. Với những trường hợp nặng có thể phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch. Điều trị bằng nước khoáng nóng cũng cho kết quả tốt với các bệnh da và tình trạng giãn tĩnh mạch loét.

Phòng tránh:

Phòng giãn tĩnh mạch thường bằng các hoạt động thể thao (bơi, đi bộ), không đứng lâu, khi ngủ gác chân lên cao, không để chân bị nóng (phơi nắng, tắm hơi). Cũng không đi bít tất quá chật để máu tĩnh mạch về tim dễ dàng.

Viêm tĩnh mạch

Trong trường hợp này, một cục máu đã hình thành trong lòng một tĩnh mạch; đôi khi kèm theo viêm thành tĩnh mạch. Như vậy, máu không thể tuần hoàn bình thường được và áp lực trong lòng mạch ở phần trên chỗ bị tắc sẽ rất cao. Tĩnh mạch nông hay bị viêm hơn các tĩnh mạch sâu.

Nguyên nhân gây nên viêm tĩnh mạch là do bệnh nhân bị bất động lâu hoặc do tĩnh mạch bị chèn ép (ngồi lâu trên máy bay, hồi phục sau một cuộc phẫu thuật, bó bột chân trong thời gian dài). Các rối loạn đông máu, hiện tượng tiêu fibrin, bệnh ung thư, bạch cầu... đều có thể gây viêm tĩnh mạch.

Triệu chứng:

Viêm tĩnh mạch sâu sẽ gây đau tự phát hoặc khi sờ vào chân (thường là đau bắp chân). Bệnh nhân thấy nóng ở vùng tổn thương, đôi khi sốt và tim đập nhanh. Nếu viêm tĩnh mạch nông thì đoạn tĩnh mạch viêm sẽ cứng và đau. Nhiều khi viêm tĩnh mạch không có biểu hiện bệnh lý mà chỉ phát hiện được khi làm siêu âm Doppler. Nếu là viêm tĩnh mạch sâu, cục máu có thể vỡ thành nhiều mảnh nhỏ di chuyển đến phổi gây nghẽn mạch phổi làm suy hô hấp nặng, dễ tử vong. Viêm tĩnh mạch cũng có thể làm phù chân, loét chân hoặc rối loạn dinh dưỡng các mô.

Điều trị:

Bệnh nhân viêm tĩnh mạch sâu cần được điều trị cấp cứu tại bệnh viện bằng các thuốc chống đông. Sau đó, để tránh tái phát, phải cai thuốc lá, không dùng các viên tránh thai và đi bít tất chun. Điều trị viêm tĩnh mạch nông bằng các thuốc chống viêm.

Phòng ngừa:

Các biện pháp phòng bệnh đơn giản là hàng ngày phải vận động đều đặn các cơ bắp chân trong trường hợp chân bị bó bột, không nằm lâu sau phẫu thuật hoặc sau khi đẻ; khi cần thiết phải dùng các thuốc chống đông để dự phòng nghẽn tĩnh mạch.

GS. Phạm Cường, Khoa học & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vợ chồng lệch vẫn có thể hạnh phúc (23/10/2003)
Yếu sinh lý do thiếu testosteron? (23/10/2003)
Chữa sai khớp khuỷu (23/10/2003)
Có nên dùng thuốc đau dạ dày lúc mang thai? (23/10/2003)
Vận động thể lực quá mức có thể bị đột tử (22/10/2003)
Thuốc corticoid dạng xịt mẹ dùng có nguy hiểm cho thai nhi? (21/10/2003)
Khó thở và cách xử trí (21/10/2003)
Bệnh tinh hồng nhiệt (20/10/2003)
Khắc phục hội chứng kích thích ruột (20/10/2003)
Cảnh giác với Hội chứng ngôi nhà bệnh (20/10/2003)
Tập thể dục sau chuyến bay dài ngày (20/10/2003)
Chăm sóc và điều trị gãy xương cho người cao tuổi (20/10/2003)
Người bệnh thận nên ăn gì? (18/10/2003)
Tránh thuốc gì khi mang thai? (18/10/2003)
Có thể chữa ung thư xương bằng thuốc nam? (17/10/2003)
Tro ve dau trang