Sốt cao co giật là một hội chứng hay gặp ở trẻ còn bú mẹ (dưới 2 tuổi), biểu hiện bằng những cơn co giật hoặc co cứng- co giật khi trẻ sốt cao. Ðây là một tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải xử trí cấp cứu vì có thể đe dọa tính mạng bệnh nhi trước mắt hoặc để lại những di chứng nặng nề về sau như động kinh, chậm phát triển tâm trí, vận động.
Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt cao co giật cho trẻ còn bú mẹ, nhưng thường gặp nhất là sốt cao co giật do nhiễm khuẩn (đặc biệt là nhiễm virus đường hô hấp trên) và yếu tố tiền sử gia đình về sốt cao co giật.
Về triệu chứng lâm sàng, có hai thể sốt cao co giật, là sốt cao co giật lành tính và sốt cao co giật có biến chứng. Tuy nhiên để chẩn đoán một cách chính xác phải khám bệnh cho trẻ thật kỹ, đặc biệt là khám thần kinh; nếu có điều kiện thì làm điện não đồ ngay sau cơn co giật và một tuần sau giật để đánh giá.
Ðiều trị
Trong khi chờ xe cấp cứu hoặc bác sĩ đến, cần xử trí nhanh tại nhà với các động tác sau:
- Bình tĩnh đặt trẻ vào nơi yên tĩnh, thoáng mát, rời xa các vật sắc nhọn, đặt chăn hoặc gối mềm dưới đầu trẻ, để trẻ ở tư thế đầu nghiêng về một bên đề phòng tắc đờm dãi. Nhớ kiểm tra xem trẻ còn thở không, da có tím không. - Nới rộng quần áo, tã lót cho trẻ. - Hạ sốt bằng cách lau nước ấm cho trẻ để làm giãn mạch ngoại vi; dùng thuốc hạ sốt paracetamol loại viên đạn đặt hậu môn (nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng). Theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc ở hậu môn, trẻ sốt khi nhiệt độ nách trên 37oC, còn ở hậu môn là trên 37,8oC. - Không được giới hạn cử động của trẻ (không giữ, bế chặt) không cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ kể cả thuốc hạ sốt paracetamol (efferalgan) trong khi trẻ còn co giật hoặc chưa tỉnh hẳn. - Gọi xe cấp cứu hoặc bác sĩ đến càng sớm càng tốt.
BS. Nguyễn Thế Anh, Sức khoẻ & Đời sống
|