Trước kia, người ta cho rằng thời gian có thai là lúc nghỉ ngơi hoàn toàn, không được làm điều gì có vẻ bất thường, ngay cả khi ǎn uống. Ngày nay nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, thể dục thể thao không ảnh hưởng xấu đến thai phụ và thai nhi khi vận động điều độ dưới trời mát với dinh dưỡng đầy đủ; trái lại còn làm cho bà mẹ khi sinh ít đau, ít biến chứng và thai nhi có trọng lượng phát triển bình thường.
|
Các bài thể dục nhẹ giúp nâng cao thể trạng cho cả thai phụ và thai nhi. |
Các môn thể thao được các thai phụ ưa chuộng là thể dục, đi bộ, chạy thong thả, bơi lội. Các môn thai phụ nên tránh là các môn có cường độ vận động lớn, hao sức, cần lượng oxy tiêu thụ cao như chạy cự ly dài, võ, vật, bóng đá, bóng chuyền...
Những tháng đầu tiên của thời kỳ mang thai, từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 3, là thời kỳ rất nhạy cảm, trứng sau khi được thụ tinh bắt đầu làm ổ và phát triển trong dạ con, do vậy thời kỳ này cần tránh các tác động không cần thiết cả về mặt tâm lý cũng như thể lực. Giai đoạn này tránh lao động nặng và tập luyện thể dục không thật cần thiết.
Tuy nhiên, phụ nữ có thai từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 7 lại rất cần tập các bài thể dục nhẹ với các động tác dưới đây:
- Khởi động các khớp: xoay khớp cổ, khớp vai, khớp khuỷu, xoay hông, xoay gối, xoay khớp cổ tay, cổ chân. Thời gian thực hiện trong 5 phút, chú ý khởi động kỹ các khớp, lúc đầu xoay theo chiều kim đồng hồ, sau xoay theo chiều ngược lại.
- Bài tập chính:
Động tác 1: Hai chân mở rộng bằng vai, hai tay từ dưới lên cao, vươn thở. Khi đưa tay lên cao thì hít vào sâu, khi hạ tay xuống cúi đầu thở ra. Động tác đều nhịp nhàng. Chân bước sang trái, sau đó trở về vị trí ban đầu. Tiếp theo, sau đó bước sang phải và trở về vị trí ban đầu. Thực hiện hai lần tám nhịp (2x8).
Động tác 2: Đứng chụm chân, nhịp 1 bước sang trái 1 bước, hai tay từ dưới đưa lên ngang vai vặn mình sang trái. Nhịp 2 trở về vị trí ban đầu thu tay và chân về. Nhịp 3 bước sang phải 1 bước và vặn mình sang phải. Nhịp 4 về vị trí ban đầu (2x8).
Động tác 3: Hai chân chụm lại, hai tay song song với thân người. Nhịp 1 chân trái bước sang trái, hai tay dang ngang, ngửa lòng bàn tay. Nhịp 2 tay trái chống hông, tay phải ép sát tai nghiêng về bên trái. Nhịp 3 thu chân trái về, hai tay dang ngang. Nhịp 4 hạ tay xuống. Nhịp 5, 6, 7, 8 đổi nghiêng bên phải (2x8).
Động tác 4: Đứng thẳng, hai tay chống hông. Nhịp 1 nâng chân trái vuông góc với thân người. Nhịp 2 hạ chân xuống đất. Nhịp 3 nâng chân phải vuông góc với thân người. Nhịp 4 hạ chân phải xuống đất (2x8).
Động tác 5: Đứng thẳng, chụm hai chân. Nhịp 1 bước chân trái sang trái, hai tay đưa cao lên đầu. Nhịp 2 cúi gập người về trước, hai tay hạ xuống. Nhịp 3 thu chân về, hai tay lên cao trên đầu. Nhịp 4 về vị trí ban đầu (2x8).
Động tác 6: Đứng thẳng. Nhịp 1 bước sang trái, nhún chân xuống hai tay dang ngang, khi nhún chân hai tay hạ xuống song song với thân người. Nhịp 2 bước sang phải như nhịp 1 (4x8).
Động tác 7: Đứng thẳng. Nhịp 1, 2, 3 bước lên trên ba bước bắt đầu từ chân trái. Nhịp 4 co chân phải hai tay cúi đầu đưa về trước. Nhịp 5 lùi chân phải về sau, hạ tay xuống. Nhịp 6 lùi chân trái. Nhịp 7 lùi chân phải. Nhịp 8 co chân trái hai tay song song về trước cúi đầu (4x8). Động tác 8. Động tác thả lỏng. Hai tay lên cao, hai chân mở rộng bằng vai, hít sâu, khi cúi xuống thở ra (4x8).
Từ tháng thứ 8 trở đi các thai phụ nên đi bộ nhẹ nhàng sau khi kết thúc bữa ǎn tối khoảng 1 giờ. Thời gian đi bộ từ 30 phút - 1 giờ với quãng đường khoảng từ 1.000 đến 1.500 m để khí huyết lưu thông, các cơ khớp linh hoạt, tǎng cường sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Lưu ý: Tập luyện thể dục thể thao có tác dụng tốt đối với người phụ nữ có thai, kể cả sau khi sinh; cần tập luyện nhẹ nhàng, điều độ có sự theo dõi của thầy thuốc. Khi tập luyện cần theo dõi và kiểm soát mạch đập làm sao mạch đập tối đa không quá 120-130 lần/phút.
(Theo Sức khoẻ & Đời sống) |