Dùng thuốc sai, trẻ bị tai biến gì?
16:08' 19/11/2003 (GMT+7)

Trẻ có thể bị vàng răng, suy tuỷ xương, giảm tiểu cầu, bạch cầu, sốt, mẩn đỏ... chỉ vì một liều thuốc. Với đối tượng này, một số thuốc thường dùng cũng có thể gây tai biến nghiêm trọng.

Một liều thuốc sufamid cũng có thể làm trẻ sốt cao, mẩn đỏ.

Dựa vào chế độ nuôi dưỡng, sự phát triển về thể lực và trí não của trẻ em, người ta phân chia trẻ em theo các tuổi sau đây: Trẻ sơ sinh, trẻ còn bú sữa (khoảng 1 năm tuổi), trẻ trước tuổi đi học (1-5 tuổi), trẻ ở tuổi đi học (5-12 tuổi), trẻ ở tuổi thiếu niên (12-15 tuổi).

Cơ thể của trẻ em qua các lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ, thực chất là chưa trưởng thành. Hệ thống chức năng về chuyển hóa của các cơ quan nói chung chưa trưởng thành đầy đủ. Do đó, thuốc vào cơ thể trẻ em không được chuyển hóa dễ như ở người lớn. Liều điều trị rất cận kề với liều gây độc (ngay cả một số thuốc cũng thường dùng như: aspirin, théophilin, digitalin...).

Ðối với trẻ sơ sinh

Có một số thuốc cấm sử dụng hoặc phải dùng hết sức cẩn thận, khôn ngoan nếu thực sự cần dùng để điều trị cho một số trường hợp cụ thể.

- Chloramphenicol có phản ứng phụ rất nặng khi dùng cho trẻ em như: có khả năng gây thiếu máu bất sản (aplastic anemia), tuy hiếm gặp (1 trong 50.000 trường hợp) nhưng rất nặng; làm suy tủy xương với liều cao cho trẻ em; làm giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu.

- Tetracyclin có phản ứng phụ đối với trẻ em như làm vàng men răng khi dùng thuốc trong 3 tháng thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ và trong 3 tháng đầu của trẻ sơ sinh. Trẻ em từ tháng thứ 3 đến 8 tuổi mà sử dụng thuốc này vẫn bị vàng men răng. Nói chung, đối với trẻ em không nên dùng tetracyclin. Ngoài ra còn phản ứng phụ khác về tiêu hóa và chức năng thận, gây rối loạn tiền đình, tuy hiếm gặp nhưng rất có hại cho sức khỏe trẻ em.

- Sulfamid: Dễ gây phản ứng phụ và dị ứng như sốt, nổi mẩn đỏ ở trẻ em. Kể cả sản phụ sắp sinh con cũng không nên dùng.

- Penicillin: Khi dùng phải thử phản ứng cẩn thận vì dễ bị dị ứng, thậm chí gây chết người. Vì vậy không nên dùng thuốc này cho trẻ em ở nhà vì thiếu điều kiện cấp cứu khi cần.

Tai biến do thuốc

Nói chung đối với trẻ em dùng bất cứ thuốc gì quá liều đều có khả năng gây phản ứng phụ không lợi, có khi nguy hiểm. Có một số thuốc có thể gây tai biến điều trị khi dùng cho trẻ em. Những tai biến này thường xảy ra là do thuốc dùng quá liều, hoặc đôi khi cũng do bài xuất khó khăn các thuốc hoặc các chất chuyển hóa của thuốc trong cơ thể.

Thuốc kháng sinh:

Tai biến về tiêu hóa thường gặp như viêm ruột, có khi cả bệnh tả rất nặng, hay gây ra biến chứng này thường do thuốc aureomycin và các cyclin uống. Cũng có khi do cả penicillin, streptomycin nhưng hiếm gặp hơn. Có thể bị viêm dạ dày, thực quản khi dùng thuốc liều cao. Có thể gặp hội chứng kém hấp thu kéo dài ở trẻ em do dùng thuốc neomycin liều cao, kéo dài.

Tai biến về thần kinh:

- Xảy ra hội chứng tiền đình khi dùng thuốc streptomycin, gentamycin liều cao bằng đường tiêm.

- Tai biến về thần kinh tâm thần khi dùng thuốc điều trị lao như rimifon (INH), trecator gây trạng thái trầm cảm, cycloserin gây trầm cảm, lo âu.

- Tai biến về não do tiêm vào tủy sống có thể gây co giật. Thuốc có khả năng gây ra là penicillin, kanamycin, gentamycin liều cao.

- Tai biến về thận: gây thiểu niệu, albumin niệu.

- Sốc phản vệ có thể xảy ra, gây tử vong khi dùng penicillin nhất là dùng loại penicillin chậm, do đó không nên dùng penicillin cho trẻ em bằng đường tiêm.

Thuốc hóa chất: Sulfamid có thể gây rối loạn tiêu hóa, biến chứng về thận và máu.

Thuốc chống viêm, giảm sốt: Các thuốc này thường dùng cho trẻ em nhưng với liều cao đều có thể gây ra tai biến cả.

Phòng ngừa

Để hạn chế tai biến do thuốc gây ra cho trẻ em, thầy thuốc và cha mẹ cần chú ý:

Đối với người nhà trẻ em: Cần luôn nhớ, cơ thể của trẻ chưa phát triển đầy đủ, rất nhạy cảm với thuốc, nên khi trẻ bị đau, bị bệnh, nên đưa đi khám bệnh. Tuyệt đối không tự tìm thuốc cho các cháu uống, nhất là thuốc cho, biếu; khi không nắm được tính chất của thuốc, không có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Ðối với thầy thuốc:

- Khi ghi đơn cho trẻ phải viết với đầy đủ nguyên nhân của tình trạng bệnh tật, không được coi nhẹ điều gì.
- Cần quan tâm một số thuốc cấm dùng cho trẻ em nhỏ tuổi vì dễ có phản ứng thuốc nặng, có khi gây tử vong.
- Về liều lượng, các tài liệu đều khuyên dùng liều cho trẻ em tính theo trọng lượng và khi cần tính theo diện tích cơ thể vì tính theo tuổi không chính xác.
- Cách sử dụng thuốc tốt nhất là đường uống và đường trực tràng, tránh dùng đường tiêm, nhất là tiêm tĩnh mạch.

Trong một số tài liệu của Pháp, các thầy thuốc khuyên cho trẻ em dùng liều người lớn theo phác đồ sau đây, tiện lợi mà không nguy hiểm: Trẻ 10-12 tuổi dùng 1/2 liều người lớn. Trẻ 5-10 tuổi dùng 1/4 liều người lớn. Trẻ 2-5 tuổi dùng 1/8 liều người lớn.

GS. Lê Sĩ Liêm, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phòng trị chảy máu cam bằng thuốc Đông y (19/11/2003)
Phụ nữ dùng estrogen thế nào cho an toàn? (18/11/2003)
Di tinh và di niệu (18/11/2003)
Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính (18/11/2003)
Để có đêm tân hôn tuyệt diệu (17/11/2003)
Thuốc phiện và béo phì - kẻ thù của khả năng sinh sản (17/11/2003)
Tiểu đường khi mang thai (16/11/2003)
Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính (16/11/2003)
Phòng chữa bệnh ung thư da (16/11/2003)
Mẹ làm gì khi con táo bón? (16/11/2003)
Đồng tính luyến ái, do khiếm khuyết thể chất hay tinh thần? (15/11/2003)
Quả trám chữa bệnh mùa đông (14/11/2003)
Chữa viêm môi (13/11/2003)
Bài tập thể dục cho phụ nữ mang thai (13/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang