Hỏi: Tôi có thai 4-5 tháng, không may bị tai nạn gãy kín xương cẳng chân và xương cẳng tay bên phải; phải bó bột. Sau tai nạn, tôi không bị động thai, nhưng chỗ gãy xương sau bó bột không trở lại như cũ. Tôi phải điều trị thế nào?
Trả lời: Đối với phụ nữ có thai vừa bị tai nạn chấn thương gãy xương ở chân, tay, phương pháp điều trị bảo tồn bằng nắn chỉnh - bó bột được xét chỉ định ưu tiên. Chỉ có trường hợp gãy xương đùi di lệch lớn và đa chấn thương có gãy xương hở ở tay, chân thì có chỉ định ngay từ đầu là phải mổ kết hợp xương bằng đinh nội tỷ hoặc nẹp vít kim loại.
Ở người lớn, việc nắn chỉnh gãy xương di lệch lớn mà không mở ổ gãy đối với xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay và xương cánh tay gặp nhiều khó khăn; kết quả thường không được như ý muốn do không sửa được hết hoàn toàn các di lệch. Trong trường hợp nắn chỉnh nhiều lần mà vẫn không đạt yêu cầu, có thể xét đến chỉnh phẫu thuậtt kết hợp xương.
Để mổ kết hợp xương cho bệnh nhân là phụ nữ có thai, cần phải có ý kiến hội chẩn của bốn chuyên khoa: chấn thương chỉnh hình, gây mê, hồi sức cấp cứu và sản khoa. Mục đích của việc làm này là giảm đến mức tối đa tác động bất lợi (nếu có) tới thai nhi do việc mổ xẻ; sử dụng thuốc gây mê; đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng người mẹ ở trước, trong, sau cuộc mổ.
Với phụ nữ có thai bị gãy xương do chấn thương, nhu cầu về chất đạm, vitamin, chất khoáng; đặc biệt canxi tăng rất cao. Do đó, trong chế độ ăn hằng ngày, cần chú ý bổ sung cân đối các chất. Cụ thể: - Ăn 1,2-1,5g chất đạm/kg thể trọng/ngày (có nghĩa là ăn khoảng 250-300g thịt, cá/ngày). - Để có đủ vitamin và khoáng chất, mỗi ngày ăn 200g rau xanh các loại, 300g củ quả chín, uống 1-2 ly sữa tươi hoặc sữa chua. - Chất đường, bột vừa đủ cho nhu cầu (khoảng 2600-3000Kcalo). - Uống thêm viên sắt và 400 đơn vị vitamin D mỗi ngày trong suốt thời gian mang thai.
Ths. Phạm Quang Trung theo Khoa học & Đời sống |