Hỏi: Tôi thường xuyên bị chóng mặt, mắt nhìn mờ đi. Tôi đã đi khám và được chẩn đoán thiếu máu cục bộ não thoảng qua. Xin cho biết rõ về bệnh này.
Trả lời: Thiếu máu cục bộ não thoảng qua là một tình trạng rối loạn chức năng của não do thiếu máu não cục bộ. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây thiếu máu cục bộ não thoảng qua; hay gặp nhất là các nguyên nhân: xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch cảnh, tăng huyết áp, các bệnh tim gây tắc (như các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc...), bệnh đái tháo đường.
Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu cục bộ não thoảng qua rất khác nhau, tuỳ theo mạch máu nào trong não bị tắc. Triệu chứng thường gặp nhất là rối loạn tiền đình: chóng mặt, cảm giác quay bồng bềnh, lơ lửng, cảm giác bị xô đẩy ra sau, ra trước hay sang một bên. Các biểu hiện này tăng lên khi thay đổi tư thế của đầu (nhất là khi chuyển từ nằm sang ngồi hoặc đứng) làm người bệnh sợ phải nhắm mắt lại. Ngoài ra, người bệnh có thể bị rung giật nhãn cầu, đảo mắt, nhìn mở, lác mắt tạm thời, nói ngọng, nói khó, nói lắp...
Các triệu chứng của bệnh thiếu máu cục bộ não thoảng qua thường xuất hiện đột ngột, kéo dài từ vài giây đến trước 24 giờ. Phần lớn từ vài phút đến 15 phút, một số ít cơn kéo dài trên 30 phút; có trường hợp kéo dài tới 72 giờ nhưng hiếm gặp. Các triệu có xu hướng lặp lại với tần suất khác nhau.
Để chẩn đoán phân biệt với cơn động kinh, hội chứng ménière, liệt migraine, ngất, cơn hạ đường huyết... cần làm một số xét nghiệm như điện não đồ, công thức máu, đường máu, chức năng đông máu, điện tim, siêu âm động mạch cảnh...
Có hai nguy cơ có thể thấy ở người đã bị bệnh thiếu máu cục bộ não thoảng qua là nhồi máu cơ tim hoặc chết vì bệnh tim trong vòng 5 năm (chiếm đến 20% các ca), nhồi máu não trong 5 năm (chiếm 25% các ca).
Mục đích của điều trị là đề phòng các biến chứng. Người bệnh có cơn thiếu máu cục bộ não thoảng qua cần được nằm nghỉ ngơi yên tĩnh với sự chăm sóc và theo dõi chặt chẽ, tránh mọi stress là những yếu tố nguy cơ nhằm lập lại tình trạng tạm thời và ngăn chặn các cơn tái diễn. Về thuốc, có thể sử dụng thuốc chống kết hợp tiểu cầu như Aspirin hoặc Ticlpidin, các thuốc chống đông máu như Heperine và Warfarin theo chỉ định. Ngoài ra điều trị ngoại khoa với các bệnh lý động mạch cảnh đoạn ngoài sọ cũng được áp dụng.
BS.Đinh Văn Thắng, theo Khoa học & Đời sống |