Bé gái chưa đủ 7 tuổi đã có kinh, bé trai chưa đến 9 tuổi đã vỡ tiếng và có trứng cá... Những thiếu nhi lớn sớm bất bình thường này nếu không được điều trị sẽ không chỉ khó hoà nhập chúng bạn, mà còn có thể ngưng phát triển khi còn rất trẻ; trai không thể cao quá 1,6m và gái chỉ đến 1,5m.
Những dấu hiệu dậy thì sớm thường là: vú và lông mu phát triển hoặc có kinh ở con gái; mọc lông mu và râu, vỡ tiếng, sự to ra của dương vật hay tinh hoàn ở con trai. Hiện tượng mọc trứng cá cũng có thể xảy ra với cả 2 giới; các cháu lớn phổng và tăng cân nhanh.
Sự bài tiết sớm các hoocmon giới ảnh hưởng đến trẻ dậy thì sớm về nhiều mặt: về thể chất như trên đã nói. Về tâm lý và hành vi, con gái có thể dễ thay đổi khí chất và cáu bẳn; con trai hung hăng hơn và có thể phát triển ham muốn tình dục một cách không thích hợp trước tuổi. Nhiều em chỉ có những dấu hiệu dậy thì sớm ''từng phần", ví dụ một số cháu gái mới 6 tháng- 3 tuổi đã có biểu hiện phát triển vú nhưng rồi sau đó lại biến mất hoặc vẫn tồn tại nhưng không kèm theo các dấu hiệu thay đổi về thể chất khác. Tương tự, một số cháu trai và cháu gái có thể mọc lông mu hoặc lông nách sớm nhưng không có những biến đổi khác về giới tính.
Trẻ có những dấu hiệu dậy thì sớm ''từng phần" cần được thầy thuốc xem xét để loại trừ hiện tượng dậy thì sớm "thực sự''. Tuy nhiên những cháu này thường không cần điều trị gì và thường bộc lộ những dấu hiệu dậy thì khác khi đến tuổi.
Nguyên nhân dậy thì sớm
Tuyến yên trong não là tuyến đã phát động hiện tượng dậy thì bình thường; đôi khi dậy thì sớm có nguyên nhân từ vấn đề về cấu trúc của não. Ví dụ như có khối u hoặc có vấn đề ở buồng trứng làm cho dậy thì đến sớm hơn dự kiến (nhưng thường hiếm).
95% số trường hợp dậy thì sớm ở con gái không rõ nguyên nhân. Ở con trai, ít khi có dậy thì sớm; đôi khi dậy thì sớm ở con trai là do khối u ở tuyến yên hoặc do vùng dưới đồi (khu vực não kiểm soát hoạt động của tuyến yên).
Những khối u khác và sang chấn vùng đầu cũng có thể gây dậy thì sớm. Bệnh này cũng có thể đi kèm với bệnh thiểu năng tuyến giáp. Khoảng 5% con trai và 1% con gái bị dậy thì sớm là do di truyền.
Chẩn đoán và điều trị
Để xác định chính xác trẻ bị dậy thì sớm hay không, cần đánh giá nồng độ, hoocmon giới trong máu và nước tiểu xem có cao không. Cần chụp X quang xương cổ tay, bàn tay xem xương có trưởng thành sớm quá nhanh không. Các phương pháp thăm dò hình ảnh có thể giúp loại trừ những nguyên nhân chuyên biệt gây dậy thì sớm như có u tuyến yên dưới đồi, não, buồng trứng hay tinh hoàn.
Việc điều trị dậy thì sớm nhằm ngừng, hãm hay làm đảo ngược sự phát triển giới tính, làm cho xương ngừng phát triển và trưởng thành để trẻ sau này khỏi bị thấp bé. Tùy theo nguyên nhân, có thể có 2 phương pháp: điều trị nguyên nhân chính gây dậy thì sớm (ví dụ cắt khối u) và thay đổi cân bằng hoocmon bằng thuốc. Điều trị bệnh giáp trạng kém hoạt động bằng thuốc có thể có hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp dậy thì sớm không rõ nguyên nhân nên trẻ thường được dùng liệu pháp hoocmon để cản sự phát triển về giới tính.
Chăm sóc trẻ dậy thì sớm
Cần giải thích để trẻ hiểu và không hoang mang, bối rối khi bị trêu ghẹo. Việc này tránh cho các cháu khỏi bị ảnh hưởng kết quả học tập, trở nên ít hoạt động hoặc kém tự tin vào hình ảnh bản thân, thậm chí bị trầm cảm. Với trẻ dậy thì sớm, rất cần sự động viên, gần gũi, khích lệ của bố mẹ. Khi nhận thấy trẻ có biểu hiện dậy thì sớm hoặc lớn quá nhanh, các bậc cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến gặp thầy thuốc chuyên khoa nội tiết trẻ em để được tư vấn, hoặc thăm khám và điều trị kịp thời.
BS.Đào Xuân Dũng, Sức khoẻ & Đời sống
|