Khô miệng mạn tính ở người cao tuổi
07:30' 01/07/2003 (GMT+7)

Lượng nước bọt tiết ra ngày càng ít dần, người bệnh khó nhai, khó nuốt thức ăn khô. Các rối loạn do khô miệng nặng dần, nước bọt quánh đặc, ít hơn, niêm mạc miệng trở nên đỏ, khô, lưỡi bóng, mất gai gây đau đớn khi ăn. Có tới 20-25% người cao tuổi bị chứng bệnh này, nhưng ít ai nhận thức được sự tàn phá sức khoẻ của nó.

Tình trạng khô miệng khiến người bệnh phải uống nước liên tục trong ngày, nhấp nước khi nói, thậm chí thức giấc chỉ để uống. Hậu quả trực tiếp của khô miệng với người cao tuổi là suy dinh dưỡng, mất ngủ ban đêm, tăng suy nhược cơ thể.

Khô miệng tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành cao răng dày đặc, răng chóng sâu, mau rụng và viêm lợi. Một số biến chứng nguy hiểm hơn là nấm lưỡi hay vi khuẩn xâm nhập gây áp-xe tuyến mang tai.

Để đánh giá khô miệng, người ta có thể đo dòng chảy nước bọt bằng cách đặt một cục đường dưới lưỡi. Bình thường đường phải tan hết sau 3-4 phút. Khi có khô miệng thì cục đường vẫn còn nguyên hoặc chỉ tan rất ít. Ngoài ra người ta còn đo độ pH của nước bọt, chụp tuyến nước bọt mang tai, chụp đồng vị phóng xạ tuyến nước bọt hay sinh thiết tuyến nước bọt.

Nguyên nhân

- Có hai nhóm nguyên nhân chính gây khô miệng là thiểu tiết nước bọt và nuốt nhiều nước bọt. Ngay cả tuổi tác cũng làm teo các tuyến nước bọt, giảm bài xuất nước bọt gây khô miệng. Một số nguyên nhân thường dễ phát hiện như những người có thói quen uống ít nước, khi tuổi cao mất thêm cảm giác khát, do đó càng uống ít nước hơn. Một số khác lại ít uống nước do gặp khó khăn khi vận động sau tai biến mạch máu não, mắc một số bệnh lý xương nhớp. Thậm chí có người lại nhịn uống do mức chứng đái dầm, u xơ tiền liệt tuyến phải đi tiểu thường xuyên.

Có người lại hay nuốt nước bọt khiến nước bọt mau chóng cạn kiệt. Nguyên nhân là những bệnh lý vùng khoang miệng gây kích thích (khuyết răng, sâu răng, hàm giả không ổn định...) hay do lo âu trầm cảm. Một số trường hợp khô miệng xuất hiện chủ yếu vào buổi sáng do bệnh nhân thở bằng miệng trong giấc ngủ. Nguyên nhân chủ yếu là tắc mũi hoặc là tư thế nằm ngửa khi ngủ của người cao tuổi.

Trong những trường hợp này, khô miệng thường chỉ ở mức độ nhẹ, tiến triển dần dần. Tuy nhiên ở những người cao tuổi, có khi khô miệng trở nên nặng nề, làm cho họ không thể chịu đựng nổi và phải đi điều trị.

- Có nhiều nguyên nhân khác làm nặng thêm triệu chứng khô miệng, đầu tiên là dùng thuốc và xạ trị. Người cao tuổi hay bị mắc nhiều bệnh, phải dùng thuốc lâu dài. Người ta thống kê có tới khoảng 300 loại thuốc khác nhau có thể gây giảm tiết nước bọt. Đó là các loại: Thuốc hướng thần trị trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần, thuốc chữa bệnh Parkinson, thuốc tim mạch chữa tăng huyết áp, loạn nhịp tim, thuốc chữa dị ứng, thậm chí thuốc giảm đau hay chống viêm thông thường.

Điều cần chú ý là trong một số ít trường hợp, khô miệng sau dùng thuốc đôi lúc trở nên thường xuyên, ngay cả sau khi ngừng thuốc. Các nghiên cứu đã chứng tỏ thuốc có thể gây tác dụng hủy hoại vĩnh viễn nhu mô tuyến nước bọt.

Trong một số ít trường hợp chiếu xạ vùng miệng, họng, cổ sẽ gây tổn thương nặng nề tuyến nước bọt chính, làm giảm tiết nước bọt và hậu quả khô miệng có thể rất khó chịu đối với người bệnh. Chẩn đoán nguyên nhân là hội chứng Sjogren khi khô miệng kết hợp với sưng tuyến nước bọt mang tai. Đây là một bệnh tự miễn rất thường gặp, kết hợp không chỉ khô miệng mà còn gây khô mắt và khô các niêm mạc khác như khô mũi gây chảy máu mũi, khô niêm mạc tiết chất nhầy ở đường hô hấp gây viêm phế quản, khô âm đạo gây đau khi giao hợp...

- Một nguyên nhân khác gây khô miệng là u lympho, bệnh lý thần kinh, nội tiết hay rối loạn dinh dưỡng như nghiện rượu mạn tính, đái tháo đường, đái tháo nhạt, thiếu máu...

Chẩn đoán


Để chẩn đoán nguyên nhân khô miệng, đôi khi bác sĩ phải tiến hành sinh thiết tuyến nước bọt môi dưới. Đây là một xét nghiệm đơn giản, có thể phát hiện nhanh chóng các thoái hóa tuyến hay thâm nhiễm lympho bào thành ổ trong tuyến nước bọt môi.

Ngoài ra người ta còn làm các xét nghiệm máu, miễn dịch, di truyền... để phân biệt các thể bệnh khác nhau gây khô miệng.

Điều trị

- Điều trị nguyên nhân gây bệnh nếu có thể.
- Các biện pháp điều trị bổ sung bao gồm giảm liều thuốc gây khô miệng hay thay bằng loại thuốc khác, tăng uống nước, nhai kẹo chua, kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt. Khi những biện pháp này chưa đủ, cần uống thêm thuốc kích thích bài tiết nước bọt như Sulfarlem S 3-6 viên/ngày, Bilocarpin 60-90 giọt/ngày, Geneserine 3, 3-6 viên/ngày; Bisolvon 4-6 viên/ngày. Dùng thuốc trong nhiều tuần, khi đạt hiệu quả thì giảm liều dần. Trong một số trường hợp có thể dùng nước bọt nhân tạo như Artisan (chứa methylcellulose) hay Saliva Orthana (chứa muxin).
- Việc bảo vệ răng cũng rất quan trọng. Cần dùng thuốc đánh răng chứa fluor, trám, bọc răng sâu hoặc nhổ răng (nếu răng bị hỏng nhiều). Cần bỏ hàm giả cố định khi bị di lệch. Sử dụng thức ăn lỏng, mềm. Viêm lợi đòi hỏi phải lấy cao răng thường xuyên.
- Cần điều trị nấm lưỡi. Trong một số trường hợp aphtơ trong hội chứng Sjogren có thể dùng Ritrovir.
- Ngoài ra cần nâng đỡ tinh thần bệnh nhân để giúp họ có nghị lực chống lại bệnh tật.

BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đông y có thể hỗ trợ sinh con theo ý muốn? (30/06/2003)
Khi nào phụ nữ sợ quan hệ tình dục? (28/06/2003)
Có nên uống nước cua sống để chữa bệnh? (27/06/2003)
Ai hay bị chấn thương cơ và xương? (26/06/2003)
Phẫu thuật vá màng nhĩ (25/06/2003)
Cháo mùa hè cho người cao tuổi (25/06/2003)
Bệnh sán lá gan nhỏ (25/06/2003)
Nói không rõ tiếng, chữa được không? (25/06/2003)
Chữa bệnh bằng tắm thuốc (25/06/2003)
Món ăn phòng chống động thai (24/06/2003)
Rò bàng quang và rò trực tràng - âm đạo (24/06/2003)
Bệnh lo âu (23/06/2003)
Sốt đỉnh núi (23/06/2003)
Nhận biết và xử lý nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh (20/06/2003)
Đau khớp háng, bị bệnh gì? (20/06/2003)
Tro ve dau trang