Cho trẻ uống thuốc
07:48' 11/07/2003 (GMT+7)

Khi trẻ ốm, không ít ông bố, bà mẹ đè con ra, cạy miệng, đổ cả chén thuốc vào, bất kể bé khóc, sặc thế nào, cốt thuốc vào được bụng con. Hành động cưỡng chế này đôi khi gây tai nạn đe doạ tính mạng cháu nhỏ. Đừng che giấu sự lúng túng của mình, hãy trang bị những kiến thức tối thiểu để đỡ vất vả và nguy hiểm khi cho con uống thuốc.

Trẻ em uống thuốc gì?

Trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc mới ở nhiều dạng như sirô, hỗn dịch, thuốc bột, thuốc viên. Có viên nang, hoặc viên nén. Đối với trẻ dưới 5 tuổi thích hợp nhất là loại thuốc nước, sirô hoặc thuốc hỗn dịch, thuốc bột. Trẻ trên 5 tuổi có thể dùng thuốc nén hoặc nang.

Tâm lý rất quan trọng

- Động viên, khuyến khích trẻ, nếu trẻ lớn cần giải thích rõ bệnh của trẻ và sự cần thiết phải uống thuốc, đồng thời bố mẹ và những người xung quanh cũng cần tỏ thái độ tự tin, vui vẻ để trẻ có thêm lòng tin khi uống thuốc. Trẻ nhỏ thường khó phân biệt mùi vị của thuốc, nên khi cho uống cần khích lệ trẻ, trẻ sẽ không sợ mùi của thuốc nữa (kể cả dầu cá).

- Hết sức tránh tình trạng dọa nạt hoặc cưỡng chế để bắt trẻ uống. Bởi trẻ em, tuy bé nhưng có lòng tự trọng cao. Cũng không nên bóp mũi để trẻ không thở được phải há miệng thở rồi đổ thuốc, quát trẻ để bắt há miệng, hoặc ném thuốc vào miệng trẻ. Phản xạ của trẻ em rất yếu; những hành động này có thể làm thuốc lọt vào khí quản gây tắc đường thở đe dọa tính mạng các cháu.

Cách cho trẻ uống thuốc

- Khi cho trẻ uống thuốc, nếu là thuốc viên nên hòa với ít nước sôi để nguội, cho thêm ít đường để trẻ dễ uống, hòa thật mịn. Nếu trẻ dưới 1 tuổi, nên bế nằm, hoặc để trẻ nằm ngửa ở tư thế đầu cao hơn mình, hơi nghiêng, thuốc đã nghiền mịn hoặc sirô...

- Nên cho trẻ uống bằng thìa cà phê, mỗi lần đút nửa thìa thuốc, đưa thìa vào cạnh mé hoặc dưới lưỡi để trẻ từ từ nuốt. Không được cho thìa sâu quá chạm vào lưỡi gà sẽ làm trẻ nôn hoặc đổ trực tiếp và miệng trẻ bởi thuốc dễ vào khí quản (đường thở) rất nguy hiểm gây sặc và dễ bịt tắc đường thở. Cho trẻ uống từ từ, ít một, khi hết thuốc cho trẻ uống thìa nước sôi để tráng miệng.

- Không được pha thuốc với sữa, các loại nước uống có ga hoặc với thức ǎn. Thức ǎn có mùi vị của thuốc sẽ khiến trẻ sợ ǎn, hoặc chán ǎn; mặt khác cũng làm giảm tác dụng của thuốc.

- Nếu trẻ phải uống 2, 3 loại thuốc, tốt nhất là nên cho uống riêng từng loại, nếu hòa lẫn phải tùy theo loại thuốc. Nếu cho trẻ uống lẫn lộn, có loại sẽ làm trung hòa giảm tác dụng; đặc biệt là các loại kháng sinh.

Đối với thuốc kháng sinh phải chia đều thành 2, 3 lần trong ngày, mỗi lần cách nhau từ 8-12 giờ. Như vậy mới duy trì được nồng độ của thuốc trong máu để có tác dụng diệt vi khuẩn.

Lưu ý


- Chỉ cho trẻ nhỏ uống thuốc theo đơn của cán bộ y tế và thực hiện đúng theo chỉ dẫn: loại thuốc, liều lượng uống mỗi lần, uống trước, trong, hay sau bữa ǎn. Khi mua nên kiểm tra kỹ hướng dẫn của từng loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng, còn hạn hay quá hạn, có dùng cho trẻ nhỏ được không?

- Theo dõi trẻ trong và sau khi uống thuốc. Nếu thấy dấu hiệu bất thường như vật vã kích thích, nôn, nổi ban, rối loạn tiêu hóa... thì cần ngừng ngay và đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế, đề phòng trẻ bị dị ứng hoặc ngộ độc thuốc.

BS.Thanh Sơn, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thận trọng khi dùng viên thuốc sủi (10/07/2003)
Xử lý chuột rút (10/07/2003)
Tiểu ra cặn trắng (10/07/2003)
Dùng thuốc hạ sốt thế nào cho an toàn? (09/07/2003)
Viêm cốt tuỷ trẻ em (08/07/2003)
Nam giới chăm sóc sức khỏe sinh sản thế nào? (08/07/2003)
Chụp X-quang nhiều có bị nhiễm xạ không? (07/07/2003)
Xử trí khi trẻ bị co giật (07/07/2003)
Ngứa khi mang thai (07/07/2003)
Sử dụng thuốc berberin đúng cách (06/07/2003)
Nốt ruồi nào phát triển thành ung thư? (06/07/2003)
Thế nào là tình dục bình thường? (06/07/2003)
Tầm xuân - loài hoa chữa bách bệnh (05/07/2003)
Tự sử dụng thuốc nhức đầu (05/07/2003)
Món ăn - bài thuốc cho người suy nhược thần kinh (04/07/2003)
Tro ve dau trang