Đuối nước và chết đuối
15:18' 14/07/2003 (GMT+7)

Khi phát hiện hoặc nghe tiếng kêu cứu của một người dưới nước, không phải ai cũng bơi, lặn đủ giỏi để đưa được nạn nhân lên bờ. Cũng không phải ai cũng đủ kiến thức để cấp cứu tại chỗ, giành giật sự sống cho người bị nạn. Những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn đủ bình tĩnh để xử lý tình huống hiểm nghèo này.

Khi một người bị chất dịch (thường là nước) ngǎn không cho không khí vào đường thở thì người đó đang bị đuối nước. Đuối nước lâu, cơ thể thiếu oxy sẽ bị chết ngạt thì gọi là chết đuối. Nguyên nhân có thể là do uống nhiều nước vào phổi hoặc đường hô hấp bị phản ứng co thắt do nước gây ra làm ngạt thở.

Sắp chết đuối là trạng thái mà nạn nhân gần chết nhưng được cứu sống. Trạng thái này nhiều khi cũng để lại những di chứng hết sức nặng nề như tổn thương sọ não, tê liệt và tổn thương hệ thần kinh. Người sắp chết đuối được cứu sống có thể còn chứa rất nhiều nước trong phổi và dễ bị viêm phổi nặng hoặc do rối loạn pH trong máu dẫn đến "chết đuối thứ phát" sau 3 ngày. Trong trường hợp uống phải nhiều nước mặn thì lượng muối trong phổi sẽ kéo nước từ máu ra làm phù phổi và nạn nhân có chết sau nhiều giờ kể từ khi bị nạn.

Nguyên nhân

Đuối nước hoặc chết đuối xảy ra do nhiều nguyên nhân:

- Bơi lúc đang say rượu.
- Không biết bơi.
- Trẻ em không có người giám sát tại bể, hồ bơi, bãi tắm ở biển.
- Tai nạn do lặn sâu, va đập mạnh, vướng tóc phải vật cản ngầm, chuột rút khi đang bơi. Có khi do trẻ em nghịch cho tay vào các ống bơm hoặc ống hút khuấy đảo nước ở bể bơi rồi không rút tay ra được để nổi lên.
- Trẻ nhỏ còn có thể bị ngã vào chậu nước, bồn tắm, vại hay bể nước, giếng khơi, ruộng ao quanh nhà khi người lớn lãng quên chúng chỉ trong giây lát.

Xử trí


Trước một nạn nhân đang còn ở dưới nước, bạn phải thật bình tĩnh. Nếu bản thân không bơi giỏi mà chỗ nước đó lại sâu thì phải coi chừng, kẻo chính bạn có thể sẽ bị đuối nước.

Trước hết phải nhanh chóng tìm cách đưa nạn nhân lên cạn. Cởi bỏ ngay quần áo ướt lạnh và đắp quần áo khô. Phải xác định xem nạn nhân còn thở không (bằng cách quan sát lồng ngực, kiểm tra hơi thở) và tim còn đập không (bằng bắt mạch, kề tai vào lồng ngực).

Nếu nạn nhân đã ngừng tim, ngừng thở thì phải lập tức cấp cứu như sau:

- Vỗ mạnh 3-5 cái vùng ngực. Đặt nạn nhân lên nền cứng (ván cứng, mặt đất).

- Hà hơi thổi ngạt: Quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu nạn nhân. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và banh miệng. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân. Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở, đồng thời mắt nhìn ngực nạn nhân.

Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng nạn nhân tới khi ngực nạn nhân khô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà tiếp theo. Thổi nhanh 5 lần liên tiếp. Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần.

- Ép tim ngoài lồng ngực: đứng hoặc quỳ ngang ngực bên trái nạn nhân. Hai cùi bàn tay chồng lên nhau, đặt trên chỗ nối 2/3 trên với 1/3 dưới của xương ức. Dùng sức mạnh 2 tay và cả người ấn mạnh xuống ép xương ức ra sau (cánh tay phải thẳng xuống phía gốc bàn tay, không gặp khuỷu tay) sao cho di chuyển xương ức lên xuống 4-5cm. Bàn tay và ngón tay không di chuyển và không được nâng lên xuống khi ép tim.

Với trẻ nhỏ (10-15 tuổi): chỉ dùng một bàn tay để ép. Trẻ bé hơn chỉ cần dùng sức bóp của hai tay hoặc hai ngón tay. ấn sâu xuống xương ức khoảng 2-3cm. Số lần ép: 60-80 lần/phút. Cứ ép tim 5 lần - hà hơi 1 lần.

- Nếu có hai người ứng cứu, một người nên hà hơi thổi ngạt, một người ép tim. Làm kiên trì tới khi nạn nhân thở lại.

- Chỉ khi nạn nhân thở được và tim đập lại thì mới được đem nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được tiếp tục theo dõi và điều trị, trên đường đi đừng quên ủ ấm nạn nhân.

Phòng ngừa

Để đề phòng đuối nước, cần phải học bơi và chỉ bơi ở nơi không nguy hiểm. Không bơi khi đang no hoặc đang đói (tốt nhất là từ 1,5-2 giờ sau khi ǎn), khi vừa mới uống rượu, đang vã mồ hôi, khi người không được khỏe, khi chưa khởi động, khi thời tiết xấu...

Đối với trẻ nhỏ cần luôn để mắt tới chúng. Cần rào, quây kỹ ao, giếng, hoặc những nơi trẻ có thể rơi xuống.

BS. Nguyễn Minh Nguyệt, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chữa mụn nhọt mùa hè bằng thuốc Đông y (13/07/2003)
Chữa chai chân bằng ô mai mơ (13/07/2003)
Chữa mụn nhọt mùa hè bằng thuốc Đông y (12/07/2003)
Tóc bạc sớm (12/07/2003)
Cho trẻ uống thuốc (11/07/2003)
Thận trọng khi dùng viên thuốc sủi (10/07/2003)
Xử lý chuột rút (10/07/2003)
Tiểu ra cặn trắng (10/07/2003)
Dùng thuốc hạ sốt thế nào cho an toàn? (09/07/2003)
Viêm cốt tuỷ trẻ em (08/07/2003)
Nam giới chăm sóc sức khỏe sinh sản thế nào? (08/07/2003)
Chụp X-quang nhiều có bị nhiễm xạ không? (07/07/2003)
Xử trí khi trẻ bị co giật (07/07/2003)
Ngứa khi mang thai (07/07/2003)
Sử dụng thuốc berberin đúng cách (06/07/2003)
Tro ve dau trang