Khi đưa trẻ đi tàu xe
07:58' 20/07/2003 (GMT+7)

Để trốn chạy cái nóng, bạn quyết định đi du lịch. Mọi việc chuẩn bị thường đơn giản khi gia đình toàn người lớn, nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều nếu thêm vào đội hình một nhũ nhi hay tiểu nhi. Để đảm bảo sức khoẻ cho con, bạn cần lưu ý tính trước nhiều tình huống có thể xảy ra suốt hành trình.

Nếu đi bằng ôtô

- Không được đặt bé ngồi trong lòng vì xe có thể phanh lại đột ngột, rất nguy hiểm. Tốt nhất là để trẻ trong nôi nhỏ có quai xách. Với các loại xe có túi khí ở hàng ghế trước thì bắt buộc phải cho trẻ ngồi đằng sau vì khi có sự cố, túi khí bung ra có thể làm cho trẻ bị ngạt thở.

- Không để nắng chiếu thẳng vào bé, mỗi khi hạ kính xe xuống thì tránh gió lùa vào chỗ bé. Nếu dùng máy lạnh cũng phải rất cẩn thận vì cơ thể bé rất nhạy cảm.

- Sau 2 tiếng chạy xe nên dừng nghỉ nửa tiếng, những ngày nắng nóng nên nghỉ thường xuyên hơn.

- Ôtô cần sạch sẽ, không hôi hám, không có mùi xăng dầu. Cũng nên chọn thời điểm khởi hành phù hợp để tránh tắc đường vì tắc nghẽn giao thông không chỉ kéo dài thời gian đi đường mà còn làm mệt mỏi mọi người.

Khi đi tàu hoả

- Nên mua vé nằm, thoải mái cho cả mẹ lẫn con và thuận tiện cho việc thay tã lót. Nhưng nếu không có vé nằm hoặc đoạn đường khá ngắn thì cần chọn chỗ ngồi thuận lợi.

- Nên cho bé nằm trong nôi nhỏ có quai xách và lưu ý không để mặt trời rọi thẳng vào mắt bé cũng như tránh gió lùa, nước mưa hắt. Trong nhiều trường hợp, cần che tai cho bé để tránh tiếng ồn, tiếng còi tàu...

Nếu đi máy bay

- Nên yêu cầu để được bố trí chỗ ngồi phù hợp, thường là khu vực giữa máy bay- nơi ít chao đảo nhất.

- Khi máy bay bắt đầu lăn bánh ra đường băng, bạn nên cho bé nằm trong nôi có quai xách và đặt ngay dưới chân mình. Khi máy bay cất và hạ cánh, nên cho bé bú mẹ hoặc bú bình vì động tác nuốt sẽ giúp bé cân bằng được áp lực và không bị đau tai. Trẻ lớn hơn có thể cho ngậm kẹo.

- Vì không khí trong khoang hành khách khá khô và có thể hơi lạnh nên bạn cần cho bé uống nước nhiều lần (mỗi lần một ít, tuyệt đối không cho uống nước có ga) và mặc đủ ấm (có thể đắp chăn mỏng).

- Cần đặc biệt lưu ý là khi trẻ đang bị cảm lạnh thì không được đi máy bay vì sự cân bằng áp lực khi máy bay lên xuống dễ làm trẻ bị đau tai nặng. Ngoài ra, nếu trẻ bị viêm mũi, viêm xoang hay mới mổ tai thì cũng không nên đi máy bay.

- Với trẻ nhỏ, có thể cho uống thuốc chống say xe trước khi lên đường (nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng). Khi bé có hiểu hiện say xe (da tái, nôn và không muốn ăn, ngáp nhiều, vã mồ hôi, thở nhanh), bạn nên đắp một chiếc khăn mát lên trán và cổ bé.

Bạn cũng có thể chống sau tàu xe cho bé bằng cách day ấn huyệt Hợp cốc (khi khép chặt ngón tay cái và ngón trỏ, huyệt nằm ở điểm cao nhất của khối cơ nổi lên giữa hai xương bàn tay nối liền ngón cái và ngón trỏ).

Chuyện ăn uống

Dù sử dụng phương tiện giao thông nào đi nữa thì trước đó tất cả trẻ em cần được ăn đủ nhưng không quá no, tốt nhất là thức ăn đạm, nếu không thì thức ăn tinh bột (lưu ý đến tuổi của bé). Bạn bắt buộc phải mang theo đủ sữa, bột dinh dưỡng, bột sữa, sinh tố hoa quả, trà dinh dưỡng... để bé ăn dọc đường.

Một phích nhỏ đầy nước nóng chuẩn bị sẵn từ nhà và một chai to nước tinh lọc hay nước đun sôi để nguội là không thể thiếu. Nếu sử dụng túi lạnh thì không nên để thức ăn sẵn trong đó quá lâu.

(Theo Bác sĩ gia đình)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ăn gì lợi sữa? (19/07/2003)
Các cách đánh gió (18/07/2003)
Say nóng và biện pháp xử lý (18/07/2003)
Cholesterol xấu và tốt (18/07/2003)
Chăm sóc người già bị tiểu tiện không tự chủ (17/07/2003)
Bác sĩ gia đình giải đáp về ung thư (17/07/2003)
Tăng dục năng không cần rượu thịt (16/07/2003)
Ngứa hậu môn không do giun sán (16/07/2003)
Xoa bóp chữa phải gió (16/07/2003)
Hòn to - hòn nhỏ, bên có - bên không (15/07/2003)
Đuối nước và chết đuối (14/07/2003)
Chữa mụn nhọt mùa hè bằng thuốc Đông y (13/07/2003)
Chữa chai chân bằng ô mai mơ (13/07/2003)
Chữa mụn nhọt mùa hè bằng thuốc Đông y (12/07/2003)
Tóc bạc sớm (12/07/2003)
Tro ve dau trang