Lúc nào nên dùng thuốc hạ sốt?
07:28' 05/08/2003 (GMT+7)
Để xử lý các cơn sốt, người ta thường uống Paracetamol. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, không phải trường hợp sốt nào cũng có thể giải quyết được bằng thuốc hạ sốt. Dưới đây là lời khuyên của thầy thuốc về việc dùng thuốc hạ sốt để tránh các phản ứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Không phải trường hợp nào cũng có thể giải quyết bằng thuốc hạ sốt
 
 
Người ta chia sốt thành các mức độ:

- Sốt nhẹ: Khi nhiệt độ cơ thể (thường đo ở nách) từ trên 37oC đến 38oC.
- Sốt vừa: Khi nhiệt độ từ trên 38oC đến 39oC.
- Sốt cao: Từ trên 39oC đến 40oC.
- Sốt rất cao: Khi nhiệt độ cao hơn 40oC.

Về bản chất, sốt là phản ứng có lợi cho cơ thể. Chỉ khi nào sốt cao và rất cao (là biểu hiện rối loạn nghiêm trọng quá trình điều hoà thân nhiệt và dẫn tới một loạt các rối loạn trầm trọng ở những cơ quan khác) thì mới cần dùng đến thuốc hạ nhiệt và các thuốc cần thiết khác. Bởi vậy, trước mỗi trường hợp sốt cần xác định rõ đó là sốt sinh lý hay sốt bệnh lý để có thái độ xử lý đúng và kịp thời.

Sốt sinh lý

Thường gặp trong các trường hợp:
- Mọc răng ở trẻ em (thường hay có đi ngoài lỏng kèm theo).
- Thời điểm rụng trứng giữa chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ (đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì).
- Sốt do say nắng, say nóng.

Đối với những trường hợp sốt sinh lý, không nên vội vàng dùng thuốc hạ sốt mà cần theo dõi mức độ và tính chất sốt. Bệnh nhân cần được đặt nằm nơi thoáng mát, uống nhiều nước, hạ nhiệt bằng các biện pháp thông thường như đắp khăn ướt trên trán, chườm lạnh ở nách và bẹn...

Chỉ các trường hợp sốt cao mới có chỉ định dùng thuốc hạ nhiệt; tốt nhất là dùng Paracetamol với liều trung bình 10-15mg/kg thể trọng/lần, ngày dùng 3-4 lần. Hiện trên thị trường có biệt dược Efferalgan 500mg viên dùng cho người lớn hoặc gói 80mg, 150mg dùng cho trẻ em.

Sốt bệnh lý


Có thể gặp do viêm nhiễm bởi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng..., do bệnh lý ác tính, rối loạn chuyển hoá nội tiết...

Với những bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu (do vi khuẩn, ký sinh trùng...) thì sốt chỉ được giải quyết khi bệnh nhân đã được dùng thuốc đặc hiệu đúng phác đồ. Trong trường hợp này, thuốc hạ sốt thông thường không có tác dụng, thậm chí có thể gây nguy hiểm vì làm mất triệu chứng của bệnh, làm cho thầy thuốc khó theo dõi, phát hiện và chẩn đoán đúng bệnh.

Còn với những bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng (bệnh do virus) thì dùng thuốc hạ sốt khi bị sốt cao là cần thiết, nhưng cũng chỉ nên dùng Paracetamol. Không dùng các thuốc hạ sốt có tác dụng giảm đau như lbuprofen, Aspirin, Analgin... vì có thể gây xuất huyết, tan máu thứ phát.

Nhiều trường hợp có biểu hiện nhiễm độc - dị ứng khi dùng thuốc hạ sốt còn gây sốt cao hơn. Trong trường hợp này, nếu tiếp tục sử dụng thuốc hạ sốt sẽ rất nguy hiểm cho cơ thể.

Vì vậy, không nên vội vàng dùng thuốc hạ sốt khi chưa cần thiết. Khi có sốt cao, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế. Không nên chủ quan để bệnh nhân, nhất là trẻ em bị sốt quá cao dẫn đến tình trạng co giật.

TS. Hoàng Vũ Hùng, Khoa học & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát hiện bệnh tật trẻ em qua tiếng khóc (05/08/2003)
10 bí quyết giữ gìn khả năng thụ thai (04/08/2003)
Trị bệnh Aphtes (04/08/2003)
Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn có nguy hiểm? (04/08/2003)
Vì sao đàn ông đau khi chăn gối? (08/08/2003)
Phòng chống chứng chướng bụng (02/08/2003)
Dị ứng tinh thần (02/08/2003)
Hạn chế phiền toái thường gặp khi mang thai (01/08/2003)
Tác động xấu của thuốc lá tới các cơ quan trong cơ thể (31/07/2003)
Béo phì do rối loạn nội tiết (31/07/2003)
Thuốc chữa bệnh viêm đại tràng mạn (31/07/2003)
Đái buốt, đái rắt không chỉ là dấu hiệu bệnh lý ở bàng quang (31/07/2003)
Bệnh basedow trẻ em (30/07/2003)
Phòng chữa khuyết tật bẩm sinh (27/07/2003)
Điều trị sẹo bằng máy siêu mài mòn da (25/07/2003)
Tro ve dau trang