Nhiều phụ nữ lần đầu tiên cho con bú thường bị đau rát và nứt đầu vú. Điều nay đã gây khó chịu cho không ít các bà mẹ. PGS - Tiến sĩ Trần Thị Lợi sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn xung quanh việc chăm sóc núm vú khi mang thai và cho con bú.
- Tôi đang chuẩn bị sinh con thứ 2. Khi sinh đứa thứ nhất tôi bị nứt đầu vú rất đau nên đã ngưng sữa mẹ sớm. Không biết có phải vì vậy mà bé hay ốm vặt. Lần này tôi muốn cho bé bú sữa mẹ đến một tuổi, xin bác sĩ tư vấn cách tránh nứt đầu vú.
- Nứt đầu vú thường gặp trong những ngày đầu cho bú. Để tránh tình trạng trên, trước tiên bạn phải cho bé bú đúng cách. Để bé ngậm hết cả phần quầng vú và núm vú của mẹ, lưỡi bé ở dưới núm vú của bạn, bé sẽ không bị nuốt hơi vào bụng và mẹ cũng không bị đau… Khi bé bú, bạn nhìn thấy thái dương bé cử động là đã bú đúng cách. Khi bé đã bú hết sữa của một bên vú, bạn nên cho bé ngưng bú bằng cách luồn một ngón tay sạch vào giữa hai hàm của bé để hãm bớt động tác mút rồi mới lấy đầu vú ra. Nhớ lau sạch và thấm khô đầu vú sau khi cho bé bú. Cho bé bú tiếp vú bên kia nếu bé chưa no.
Nếu bị nứt đầu vú bạn có thể dùng thuốc mỡ dành riêng cho các bà mẹ cho con bú (Bepanthen Ointment). Loại này an toàn cho trẻ khi nuốt phải và giúp đầu vú của bạn nhanh chóng lành lặn. Bôi một lớp thuốc lên đầu vú sau khi đã thấm khô nước và cứ để như vậy cho đến lần cho con bú sau.
Sữa mẹ có chứa kháng thể rất tốt cho trẻ, giúp trẻ tránh được bệnh tật trong những tháng đầu, vì vậy bạn nên áp dụng các biện pháp trên và vẫn có thể cho bé bú đến một tuổi.
- Em đang có thai tháng thứ tư. Em muốn cho bé bú sữa mẹ nhưng thì có phải chuẩn bị gì từ bây giờ không? Có người bảo em phải xoa vú từ bây giờ, có người lại bảo không nên làm như vậy. Xin bác sĩ hướng dẫn cách chuẩn bị để có thể cho con bú.
- Em không phải chuẩn bị gì hết. Tự cơ thể em do ảnh hưởng của nội tiết tố sẽ chuẩn bị để làm nhiệm vụ tiết sữa.
- Cháu đang có thai tháng thứ ba, sức khoẻ tốt. Cháu muốn cho bé bú sữa mẹ nhưng núm vú của cháu bị tụt vào từ bé. Cháu sợ em bé sẽ không bú được. Xin bác sĩ chỉ cách khắc phục.
- Núm vú bị tụt vào trong là do những ống dẫn sữa bị ngắn quá, và tất nhiên sẽ làm cho em bé không bú được. Có những dụng cụ bơm hút để kéo núm vú ra. Nếu không kiếm được, em có thể tự chế ống hút núm vú bằng cách lấy một bơm tiêm 10ml, cắt bỏ phần ngang gắn với kim. Úp chặt bơm tiêm lên núm vú, rút piston để kéo núm vú ra. Dần dần ống dẫn sữa được giãn dài ra và núm vú không bị thụt vào trong. Em nên kéo núm vú khi không có thai hoặc sau khi sinh xong. Khi có thai nên tránh chạm mạnh vào núm vú vì có thể gây ra cơn co tử cung. Khi có thai em có thể dùng tay kéo núm vú ra nhẹ nhàng.
(Theo Sức khỏe và Đời sống)
|