Tại sao người già hay ngã?
15:39' 19/08/2003 (GMT+7)

Với người cao tuổi, ngã là một tai nạn nặng. 5% cụ bị gẫy xương sau ngã, trong đó gẫy cổ xương đùi chiếm 1-2%. Cú ngã còn tác động mạnh đến tâm lý người già; các cụ trở nên mặc cảm vì thấy kém cỏi, không dám hoạt động nữa, dần mất tính độc lập và trở thành phụ thuộc người khác... Có nhiều nguyên nhân gây ngã nhưng dễ hạn chế cho người cao tuổi.

 

Các chuyên gia lão khoa liệt kê nhiều nguyên nhân gây ngã ở người cao tuổi. Đó là:

Do có bệnh

Trước khi ngã người già vốn đã có sẵn một bệnh nào đó hoặc đã có những lúc mất ý thức (lịm, ngất...). Thường gặp thiếu máu cấp tính, mất nước, bệnh phổi cấp, cấp cứu tim mạch.

Mất thăng bằng kịch phát


Các cụ đột nhiên quỵ xuống do hai chân bỗng dưng suy yếu. Trước khi ngã, không mất ý thức, không có triệu chứng báo hiệu. Thường ngã quỵ trên đầu gối rồi lại đứng lên được. Ðây có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh, ví dụ bệnh thiểu năng sống - nền (nhưng ngã khuỵu đơn thuần chưa đủ để chẩn đoán là có bệnh thiểu năng sống - nền!).

Do dùng thuốc

Những thuốc hay gây ngã nhất là: thuốc hướng tâm thần và thuốc tim mạch. Nếu khi ngã mà nạn nhân vẫn tỉnh táo, thì còn phải kể đến mất điều hòa tiền đình - tiểu não (chóng mặt) do dùng hydantoin hoặc tégrétol với liều mạnh và/hoặc hội chứng tiền đình do dùng aminosid (streptomycin, gentamycin) với liều mạnh, kéo dài.

Do tai nạn

Người già rất dễ ngã do bị xô đẩy, do tai nạn giao thông... Phải xem lại giày, dép của các cụ có hợp với chân không (rộng, hẹp quá, không bám vào chân), kiểm tra lại buồng ở, nhà... xem có những yếu tố dễ gây ngã không (thiếu đèn ở hành lang, cầu thang, sàn nhà trơn, bước hụt, vấp, trượt chân, giường quá cao, đồ chơi trẻ em vương vãi trên đường đi...).

Rối loạn thăng bằng hoặc/và rối loạn vận động

- Thầy thuốc khám và phát hiện có rối loạn vận động trung ương hay ngoại vi, rối loạn cảm giác sâu, hội chứng ngoại tháp, hội chứng tiểu não và tiền đình.
- Do nằm lâu nên dễ gây hạ huyết áp khi đứng.
- Thiếu dinh dưỡng gây teo cơ, làm yếu các chi dưới.
- Có ám ảnh sợ bị ngã.

Rối loạn cảm giác và/hoặc nhận thức

Các rối loạn cảm giác (nhất là rối loạn thị giác) là yếu tố nguy cơ quan trọng. Ta thử đi trong buồng tối đen để thấy... dễ ngã như thế nào. Các rối loạn nhận thức cũng vậy. Nếu lại kèm theo có dùng thuốc an thần thì càng nguy hiểm.

Tổn thương tâm lý, tình cảm

Sống cô đơn, trầm cảm, có cảm giác bị bỏ rơi... là những yếu tố nguy cơ dễ gây ngã cho người cao tuổi.

Phòng và xử lý

Khi một người cao tuổi ngã mà nguyên nhân ngã không phải là chấn thương hoặc một bệnh nội khoa nào đó thì điều cốt yếu nhất là phải làm cho họ không mất đi lòng tự tin. Muốn vậy, cần phải làm những việc sau:

- Tập cho nạn nhân nhanh chóng đi trở lại. Thầy thuốc, gia đình nạn nhân và cả nạn nhân đều sẽ phạm sai lầm nếu lại hạn chế bớt việc đi lại của mình vì sợ sẽ tiếp tục ngã nữa! Trái lại phải tập cho đi lại càng sớm càng tốt để cho nạn nhân không bị mất đi lòng tự tin.

- Xem lại các thuốc đã dùng. Nếu đang dùng các thuốc như benzodiazépin, an thần, hạ huyết áp thì phải giảm liều, thậm chí tạm ngừng thuốc. Nếu nghi ngờ có hạ huyết áp khi đứng, phải dùng các băng chun ép cẳng chân. Xem lại giày, dép của nạn nhân (nhỏ quá, rộng quá, đế trơn quá...). Khám mắt, thay đổi kính cũ không còn hợp số, phát hiện đục thủy tinh thể làm giảm thị lực.

Phục hồi chức năng

Thực hiện liệu pháp vận động nhằm 2 mục đích: tập cho nạn nhân đi lại và tập đứng dậy. Hồi phục chức năng sẽ giúp cho họ giữ được lòng tin ở mình.

Lần lượt tập những động tác sau: nằm sấp, chống 4 chi xuống đất (tư thế bò), quỳ 2 đầu gối, đứng thẳng dậy, tay dựa trên đầu gối hoặc trên một vật cố định. Tập đi chân trần trên mặt đất (để kích thích cảm giác sâu). Tập vịn vào 2 thành 2 bên rồi tập đi trong buồng, lên xuống cầu thang, tránh các vật cản trên đường đi.

Sắp xếp lại nhà ở

Có nhiều việc phải làm như: cho người già nằm loại giường thấp, không dùng thảm trải nhà để khỏi vấp; trong buồng tắm, buồng vệ sinh, bố trí đóng những thanh vịn vào tường; ở cầu thang, hành lang cần có đèn chiếu sáng; làm tay vịn ở cầu thang; có biển báo hiệu những chỗ mấp mô...

GS. Phạm Gia Cường, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Không có thai sau nạo phá nhiều lần (19/08/2003)
Ung thư ruột già có di truyền không? (18/08/2003)
Bệnh tự kỷ trẻ em (18/08/2003)
10 cách đưa Calci vào bữa ăn trẻ em (18/08/2003)
Đừng để stress giết chết đam mê (16/08/2003)
Bong vảy, ngứa cơ quan sinh dục (16/08/2003)
Điều trị táo bón lúc mang thai (16/08/2003)
Hãy đi bộ nhanh, nhưng đừng chạy (16/08/2003)
Mổ u buồng trứng có bị mất trinh? (15/08/2003)
Những nguyên nhân khiến thai chết trong tử cung (14/08/2003)
Thuốc và ăn uống khi cholesterol cao (14/08/2003)
Bảo vệ và chăm sóc mắt thời hiện đại (14/08/2003)
Teo một tinh hoàn có thể có con? (13/08/2003)
Mẹ nhiễm HIV có thể cho con bú? (13/08/2003)
Xử trí chấn thương tinh hoàn (12/08/2003)
Tro ve dau trang