Dùng đúng thuốc trị đau nửa đầu
10:56' 20/08/2003 (GMT+7)
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 10% dân số phải chịu những cơn đau nửa đầu từ tuổi thanh niên. Do không nhận thức được mối nguy hiểm, người bệnh thường tự điều trị và phải chịu những biến chứng khó lường do tác dụng phụ của thuốc. Dưới đây là lời khuyên của thầy thuốc về cách sử dụng đúng các loại thuốc trị chứng bệnh này.
 

Chứng đau nửa đầu (migraine) là một dạng đau đầu rất đặc biệt. Ðây là một loại bệnh rất phổ biến (chiếm khoảng 10% dân số) và nữ mắc nhiều gấp 3 lần nam. Nguyên nhân bệnh chưa được biết rõ, nhưng nhận thấy có yếu tố gia đình (70%-90%); các trạng thái thần kinh (căng thẳng, trầm cảm, lo âu...) có thể làm xuất hiện bệnh, hoặc nặng thêm; rượu và một số chất trong ăn uống cũng làm tăng bệnh.

Chứng đau nửa đầu thường bắt đầu ở lứa tuổi thanh niên, xuất hiện thành từng cơn đau kéo dài từ 2-4 giờ, nhưng cũng có thể 1-2 ngày, với tính chất đặc biệt: Chỉ đau khu trú ở một nửa đầu, đau giật giật theo nhịp mạch đập, đau vừa phải hoặc dữ dội, có thể thay đổi từ cơn này đến cơn khác.

Kèm theo cơn đau có thể buồn nôn, nôn, sợ tiếng động và ánh sáng. Trong một số trường hợp (khoảng 10%) trước khi cơn đau xảy ra có thể có một vài triệu chứng báo trước như dị cảm, rối loạn thị giác, rối loạn tiêu hóa... Cơn đau có thể thưa mỗi tháng chỉ 1-2 lần, nhưng cũng có thể dày 4-5 lần/tháng. Cơn đau xuất hiện có thể bởi nhiều yếu tố như do co rồi giãn mạch não do tăng chất trung gian hóa học serotonin, do sự tích tụ ion canxi trong tế bào thần kinh...

Ðiều trị

Thuốc chữa chứng đau nửa đầu thường có 2 loại là điều trị cơn đau đầu, và điều trị dự phòng các cơn đau:

Ðiều trị cơn đau:

Ðối với các thể nhẹ, cơn đau xảy ra thưa, thời gian mỗi cơn ngắn, cường độ đau nhẹ hoặc vừa phải thì dùng các thuốc giảm đau thông thường không steroid (aspirin, aidometacin, diclofenac...); với người bệnh dạ dày thì dùng paracetamol.

Những thể nặng, cơn đau dày có thể dùng thuốc sau:

- Naproxen: Là thuốc chống viêm giảm đau không steroid dẫn xuất của acid propionic có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp các prostaglandin làm hạ nhiệt, giảm đau. Thuốc có tác dụng tốt giảm cơn đau nửa đầu, uống vào bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn. Không dùng cho người bệnh loét dạ dày, người hen suyễn, phụ nữ có thai hoặc nuôi con bú, trẻ em dưới 15 tuổi.

- Gynergen: Làm mất cơn đau nửa đầu do làm co các nhánh ở động mạch cảnh ngoài, trị nhức đầu do vận mạch (thuốc viên hoặc dung dịch) và không dùng quá 7 ngày, nếu cần phải nghỉ mấy ngày mới được dùng tiếp. Phụ nữ có thai, người bệnh tim, người suy gan thận nặng, xơ cứng động mạch, suy tuần hoàn ngoại vi không được dùng.

Ðiều trị dự phòng:

Áp dụng cho những người có cơn đau dày, thể nặng để ngăn ngừa cơn tái phát. Các thuốc này có tác dụng trực tiếp đến các yếu tố tạo cơn đau. Có thể dùng một trong các thuốc sau:

- Dihydroergotamin: Có tác dụng duy trì thế cân bằng vận mạch ở não và kháng serotonin. Cụ thể: kích thích chủ vận một phần các thụ thể alpha - adrenergic, đặc biệt là hệ thống tĩnh mạch; ổn định tính tăng phản ứng ở các mạch máu, nhất là ở hệ thống động mạch cảnh ngoài. Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bú, người suy gan, thận nặng... không được dùng.

- Pizotifen: Chống lại sự tăng cường chất trung gian hóa học serotonin, điều trị cơ bản chứng đau nửa đầu, nhức đầu vận mạch hoặc sau chấn thương. Phụ nữ có thai, nam giới phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh tăng nhãn áp (glaucome) không được dùng.

- Flunarizin: Ngăn chặn sự tích tụ ion canxi trong tế bào thần kinh. Chống chóng mặt do nguyên nhân ở trung ương thần kinh và phòng bệnh đau nửa đầu.

Tuy nhiên, người bệnh chỉ dùng thuốc này khi đã được thầy thuốc chuyên khoa thần kinh thăm khám có chẩn đoán xác định và chỉ định thuốc.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần có chế độ ăn uống thích hợp như: tránh uống rượu, hạn chế bia, cà phê, không hút thuốc và tránh khói thuốc. Tránh những cơn căng thẳng về thần kinh. Ðảm bảo giấc ngủ tối thiểu 7 giờ mỗi ngày. Tập luyện đều đặn để giảm áp và tăng cường tuần hoàn.

BS. Vũ Hướng Văn, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vì sao trẻ sơ sinh suy hô hấp và qua đời? (20/08/2003)
Ảnh hưởng của estrogen với sức khỏe phụ nữ (20/08/2003)
Tại sao người già hay ngã? (19/08/2003)
Không có thai sau nạo phá nhiều lần (19/08/2003)
Ung thư ruột già có di truyền không? (18/08/2003)
Bệnh tự kỷ trẻ em (18/08/2003)
10 cách đưa Calci vào bữa ăn trẻ em (18/08/2003)
Đừng để stress giết chết đam mê (16/08/2003)
Bong vảy, ngứa cơ quan sinh dục (16/08/2003)
Điều trị táo bón lúc mang thai (16/08/2003)
Hãy đi bộ nhanh, nhưng đừng chạy (16/08/2003)
Mổ u buồng trứng có bị mất trinh? (15/08/2003)
Những nguyên nhân khiến thai chết trong tử cung (14/08/2003)
Thuốc và ăn uống khi cholesterol cao (14/08/2003)
Bảo vệ và chăm sóc mắt thời hiện đại (14/08/2003)
Tro ve dau trang