Để tránh những cơn đau khi hành kinh, sự khó chịu của hội chứng tiền kinh hay để chữa lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, bệnh nhức nửa đầu hay vì mục đích tôn giáo, vì phải đi xa..., một số phụ nữ đã dùng thuốc làm cho mình không còn hành kinh vài tháng, vài năm thậm chí mất hẳn. Việc làm này tiềm ẩn những phản ứng phụ rất nguy hiểm và chị em nên tư vấn bác sĩ trước khi có quyết định.
Chị em thường đình chỉ kinh nguyệt bằng các cách sau đây:
- Ðể tạm thời tránh hẳn một kỳ hành kinh, nếu đã dùng viên thuốc tránh thai được vài chu kỳ kinh và đang dùng viên thuốc tránh thai 28 viên thì khi uống hết những viên có hormon (21 viên) thì uống tiếp 1 vỉ mới, bỏ 7 viên cuối không có hormon (viên placebo).
Với người dùng viên thuốc tránh thai 21 viên, đáng lý nghỉ 1 tuần thì uống tiếp luôn 1 vỉ mới. Dùng liên tục những viên có hormon sẽ trì hoãn được sự ra kinh do nồng độ hormon luôn luôn được duy trì.
- Ðể tránh có kinh trong vài tháng hay vài năm, với những phụ nữ đủ tiêu chuẩn dùng thuốc tránh thai hay đã dùng rồi thì dùng liên tục viên thuốc, bỏ qua những viên placebo (không chứa hormon). Khi nào muốn lập lại chu kỳ kinh thì uống cả vỉ thuốc (gồm cả những viên placebo).
Lưu ý khi đình chỉ hành kinh
Các thầy thuốc phụ khoa hiện vẫn chưa thống nhất ý kiến về việc có nên đình chỉ hẳn kinh nguyệt hay không. Tuy nhiên, họ vẫn khuyến cáo chị em một số điều sau đây khi có ý định dùng thuốc tránh thai để tránh các kỳ kinh:
- Nếu chưa bao giờ dùng viên thuốc tránh thai, bạn cần biết mình có đủ tiêu chuẩn sức khỏe để dùng hay không (vì thuốc chống chỉ định dùng khi bị bệnh nghẽn tắc tĩnh mạch, bệnh mạch máu não hay mạch vành, bệnh van tim, tăng huyết áp, nhức đầu, nghi ngờ ung thư vú, bệnh gan, tiểu đường).
- Nếu đang dùng thuốc tránh thai thì có cảm thấy thích hợp không - có bị những khó chịu nặng do kinh nguyệt gây ra đến mức phải đình chỉ kinh nguyệt tạm thời hoặc lâu dài hay không (như hội chứng tiền kinh, đau bụng kinh nặng hay bị lạc nội mạc tử cung).
- Cần hỏi ý kiến thầy thuốc về ý định muốn hết hẳn kinh nguyệt để được thăm khám bệnh (nếu cần) và được tư vấn.
- Cuối cùng, cũng cần biết rõ về các tác dụng phụ có thể gặp khi đình chỉ kinh nguyệt bằng thuốc như rong huyết, giảm khẩu vị, buồn nôn, nhức đầu, thay đổi mức độ ham muốn và đáp ứng tình dục, viêm âm đạo, xuất tiết ở âm đạo, viêm đường tiết niệu, thay đổi về lượng kinh, đau ngực, có vấn đề ở da, viêm lợi, bệnh hen nặng hơn, dễ mắc các bệnh do virus...
BS. Ðào Xuân Dũng, Sức khoẻ & Đời sống
|