Để công việc không gây stress
09:27' 05/09/2003 (GMT+7)

Trong thời đại công nghiệp, ít ai thoát sức ép công việc. Căng thẳng thường xuyên làm thay đổi sự cân bằng thần kinh và hormon, giảm khả năng tập trung và gây mệt mỏi kinh niên. Có nhiều bí quyết tạo thăng bằng nơi làm việc để chứng căng thẳng không trở thành căn bệnh mãn tính.

 

Làm chủ sự căng thẳng
 
Không có thần dược nào cho căn bệnh stress. Để thích ứng được với công việc, cần biết chấp nhận áp lực của công việc. Mỗi người nên học cách tạo cho mình một chiến lược riêng phù hợp để tránh stress.
 
Trước hết, cần phải biết tìm ra những yếu tố tích cực trong mọi vấn đề, tương đối hóa những vấn đề phức tạp, tự tin, tự vệ và rút ra những bài học từ thất bại.
 
Quan trọng nhất: sống lành mạnh
 
- Tránh thuốc lá, cafe và rượu. Những chất này khi mới dùng thì có tác dụng làm giảm stress, nhưng khi đã dùng nhiều thì chúng lại làm tăng sự căng thẳng.
- Có chế độ ăn uống cân bằng đầy đủ các vitamin.
- Giữ hoà khí với  những người trong gia đình và ở nơi làm việc.
- Trong công việc, phải biết nói không khi cần thiết, trao đổi và phát biểu quan điểm riêng của mình.
- Vào giờ nghỉ ăn trưa, hãy tách mình ra khỏi môi trường làm việc bằng cách đi ăn với người mà bạn thấy quý mến. Buổi tối, trước khi về nhà, hãy tranh thủ đi dạo một chút, hoặc đi xem triển lãm, mua sắm.
- Hãy biết giải trí, thư giãn và luôn nghĩ rằng, cuộc sống không chỉ là công việc. Tập thể dục thể thao (đi bộ, chạy, yoga, tắm hơi…) là nguyên tắc vàng để bảo vệ sức khoẻ. Vận động thể chất sẽ làm săn chắc cơ bắp ở tay chân và nhất là phần lưng vốn thường xuyên bị gò bó trong phạm vi ghế ngồi.
 
Cuối cùng là học cách ngủ đúng mà không cần dùng đến thuốc. Chất lượng giấc ngủ quyết định sức khoẻ và sự cân bằng tâm lí của bạn trong suốt cả ngày.
 
Nếu bị stress kéo dài, hãy đi gặp bác sĩ ngay để trạng thái này không đẩy bạn đến tình trạng trầm cảm.
 
Khoẻ trong văn phòng
 
Với các nhân viên văn phòng, gần 8 tiếng làm việc mỗi ngày trong phòng kín khiến cơ thể luôn trong trạng thái gần như tĩnh tại hoàn toàn. Mạch máu vì vậy lưu thông kém hơn; các cơ trở nên nhão, sệ do thiếu vận động; lượng adrenalin tăng gây tăng huyết áp. Không ít nhân viên văn phòng than phiền bị đau nhói ở lưng (thậm chí đau như muốn gãy lưng), hay nhức đầu thường xuyên.
 
Để thoát khỏi tầm với của stress, nỗ lực giải toả tâm lý chưa đủ, bạn cần chú ý giữ gìn thể chất ngay tại nơi làm việc. Một số lời khuyên bổ ích dưới đây sẽ giúp bạn tránh những triệu chứng khó chịu khi phải thường xuyên làm việc trong môi trường văn phòng:
 
- Điều chỉnh ghế ngồi cho phù hợp: Hãy chọn ghế ngồi là loại ghế điều chỉnh được, có 5 chân trên một trụ vững. Ghế phải có 3 tay gạt: 2 để điều khiển độ nghiêng lưng ghế, 1 để điều chỉnh độ cao của ghế.
 
- Ngồi vững chãi trong lòng ghế: Lưng phải gần như thẳng góc với chân, đáy thắt lưng đặt đúng vào phần lõm của lưng ghế. Sau khi đã ngồi thật vững, bạn mới nâng ghế lên cho phù hợp với độ cao của bàn làm việc.
 
- Mắt nhìn chúc xuống màn hình: Đừng đặt CPU máy tính dưới màn hình hay đặt màn hình cao quá, vì như vậy sẽ khiến bạn phải ngẩng đầu hay ngước mắt lên nhìn, rất hại cho mắt.
 
- Tránh ánh sáng phản chiếu vào màn hình: Tránh ngồi ở khu vực cửa sổ quá sáng, nếu không, bạn phải treo rèm hay mành để tránh nắng. Bởi ánh sáng phản chiếu lên màn hình sẽ làm loá mắt bạn. Tốt nhất là bạn nên kê bàn làm việc bên cạnh một cửa sổ. Ngoài ra, các khu vực khác trong phòng làm việc cũng phải đủ sáng để tránh hiện tượng tương phản về độ sáng có thể làm mắt bạn chóng mỏi.
 
- Nghỉ giải lao đều đặn: Đừng tham công tiếc việc đến mức chúi mắt chúi mũi liên tục trước màn hình máy tính. Hãy sắp xếp công việc sao cho cứ sau 45 phút làm việc thì giải lao 5 phút; sau 1 tiếng làm việc, giải lao 10 phút; hoặc sau 2 tiếng làm việc, giải lao 15 phút. Giải lao đều đặn giữa giờ làm việc cho phép bạn thả lỏng các cơ mắt đã căng mỏi vì màn hình và giúp các mí mắt cử động tốt hơn. Nên nhớ: đừng đợi đến lúc cảm thấy mệt mới chịu nghỉ!
 
- Thiết kế chỗ kê chân: Khi ngồi lâu, máu sẽ lưu thông chậm lại. Vì thế, kê chân cao lên sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể. Tối kỵ xếp chéo hai chân dưới gầm ghế!
 
- Kiểm tra hệ thống thông gió để đảm bảo sao cho không gian làm việc của bạn lúc nào cũng thoáng khí.
 
- Nghe nhạc không dùng tai nghe: Tai nghe có thể gây nên những tổn thương cho cơ quan thính giác. Nó cũng có thể dẫn đến trạng thái mệt mỏi căng thẳng. Ngoài ra, toàn bộ âm lượng trong phòng (tiếng ồn của các thiết bị văn phòng và tiếng nhạc) không được vượt quá 55 decibel.

(Mạnh Hùng - Tổng hợp từ Doctissimo.com và Tạp chí Elle)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Có thể chữa khản tiếng vì liệt dây thanh đới? (04/09/2003)
Chữa tắc tia sữa, mất sữa bằng y học cổ truyền (04/09/2003)
Thai phụ có được ăn chay? (08/09/2003)
Tự theo dõi và bảo vệ khi có thai (03/09/2003)
Thử nghiệm thuốc chữa cận thị (03/09/2003)
Dùng thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai (02/09/2003)
Để trẻ nhỏ thoát nguy cơ béo phì (08/09/2003)
10 bí quyết giúp con bắt đầu năm học mới không stress (08/09/2003)
Điều trị bệnh nhược cơ (01/09/2003)
U sụn (01/09/2003)
Băn khoăn thường gặp khi dùng thuốc tránh thai (01/09/2003)
Để người phụ nữ hấp dẫn hơn bạn tình (31/08/2003)
Ăn nhiều mỡ động vật có thể bị ung thư vú (30/08/2003)
Trẻ em có thể điếc vì tiếng ồn trường học (29/08/2003)
Chống suy giảm tình dục bằng nhân sâm (29/08/2003)
Tro ve dau trang