Nơi ở mới, khởi đầu cho quan hệ đồng tính nữ?
Nhiều người trong số hàng ngàn phụ nữ Philippines sang Hong Kong lao động đã có các quan hệ đồng tính. Vì sao lại như vậy?
Irene, 35 tuổi, từng là thư ký cho một văn phòng luật sư, có một ông chồng hờ và một đứa con gái 12 tuổi ở thành phố Manila (Philippines). Còn tại Hong Kong, cô là một người giúp việc nhà và ở lại luôn trong nhà của ông bà chủ. Mỗi tuần cô được nghỉ một ngày và cô dành trọn ngày đó để đi chơi với bạn gái là Louie.
Mặc dù đã có chồng và con ở Manila (Philippines), song cô Irene trong ảnh lại đang có "anh chồng" Louie ở Hong Kong. |
Irene (cũng như Louie, không muốn cho biết tên đầy đủ của mình) đã rời Philippines qua Hong Kong làm việc kể từ năm 1998 để phụ giúp cho gia đình nghèo khó của mình. Đó cũng là lý do chính đã đưa 220.000 nữ lao động Philippines qua lao động và phụ giúp việc nhà tại Hong Kong - tạo thành một lực lượng lao động nữ xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Cô đơn và xa gia đình, Irene đã phải trải qua rất nhiều nhớ nhung đau khổ trong các mối tình xa xôi cách trở với nhiều người đàn ông Philippines đến nỗi cô đã quyết: “Tôi không còn muốn yêu đương nữa. Tôi đã từng nghĩ là không có ai thật lòng với tôi”. Cô bồi hồi nhớ lại: “Nhưng rồi Louie xuất hiện…”.
Irene chưa bao giờ cho mình là người đồng tính luyến ái. Khi còn là sinh viên tại trường đại học, cô đã từng cự tuyệt lời tán tỉnh của một cô bạn học. Nhưng giờ đây, Irene lại đã và đang xây dựng hạnh phúc tương lai cùng với “người chồng“ Louie – người bạn gái 33 tuổi của cô và tự xưng mình là “con trai”. Cũng như Irene, Louie cũng là người Phillipines và đến Hong Kong làm người giúp việc nhà. “Ở đây, chúng tôi không phải lo lắng về những lời đàm tiếu của hàng xóm.” - Irene nói.
Giống như hàng ngàn cô gái giúp việc nhà tại Hong Kong, Irene và người “chồng” Louie cùng trải qua ngày chủ nhật tại các khu chợ của trung tâm thành phố. Đó là môi trường thuận lợi cho các sinh hoạt của giới đồng tính nữ diễn ra: Hàng đống các “anh” mặc quần jean rộng thùng thình, áo sơ mi của đàn ông cùng đi với các “nàng” tràn ngập trên đường phố.
Những người phụ nữ này, vốn là những con chiên ngoan đạo người Philippines – chưa từng biết đến những phong trào đấu tranh cho quyền lợi của giới đồng tính luyến ái nam. Trong khi đồng tính luyến ái nam đang ngày một phát triển tại Philippines thì gia đình và tôn giáo vẫn tiếp tục gây sức ép lên những người phụ nữ bằng cách bắt họ phải sinh con – và giấu kín xu hướng quan hệ đồng tính của mình. Nhưng khi cuộc sống nghèo khổ đã đưa đẩy họ đến Hong Kong làm dân lao động hạng hai tại đây thì xung quanh họ giờ đây chỉ toàn là những người bạn gái cùng cảnh ngộ - cùng sang Hong Kong lao động và giúp việc nhà như họ.
Một số người, như cô Lanie Caraig, 32 tuổi, cho biết: Họ luôn cảm thấy bị quyến rũ bởi những cô gái khác nhưng điều đó chỉ được bộc lộ sau khi họ đến Hong Kong. Với một số người khác, như bạn gái của Caraig và Irene trước kia đã từng yêu đàn ông và vẫn có nhiều người khác quay trở lại với các quan hệ khác giới khi họ rời Hong Kong và trở về lại Philippines.
“Họ có thể không phải là người đồng tính, nhưng do cuộc sống xa gia đình nên những người phụ nữ này cũng không có nhiều cơ hội để quan hệ với những người khác giới, nên họ chỉ còn có một khả năng là quan hệ đồng giới.” - Julie Palaganas, điều phối viên của nhóm hoạt động xã hội về đồng tính luyến ái nữ có tên Lesbond, văn phòng đặt tại Philippines cho biết.
Phần lớn các phụ nữ này đều đã rất chín chắn. Irene cho biết: “Tôi đã 35 tuổi, quan hệ hiện nay của tôi là hết sức nghiêm túc và vì tôi đang yêu”.
Từ trái sang: Louie và Irene. Nhìn thoáng qua, liệu bạn có ngờ rằng "chàng" Louie này là phụ nữ? |
"Phụ nữ Philippines thường nghiêm túc với các mối quan hệ của họ, và Louie thì còn phải đảm đương thêm cả phần ngoại hình và trách nhiệm của một người đàn ông nữa." – Irene giải thích.
Những ông bà chủ của họ dĩ nhiên không thể nào hiểu được hoặc không bao giờ chấp nhận các mối quan hệ và bề ngoài của họ. Có một chủ nhà cứ khăng khăng rằng Caraig là phụ nữ nên cung cấp và cứ bắt cô ta mặc váy dài, tô son má phấn. “Tôi bắt buộc phải sử dụng và mặc vào những thứ ngu ngốc đó bởi vì tôi không muốn mất việc.” - Caraig cho biết.
Tuy nhiên, công việc tại đây đã có thể giúp cô gởi về nhà 175 USD mỗi tháng - một số tiền lớn nếu so ở Philippines – điều này có nghĩa là những người giúp việc bây giờ có tiếng nói đầy sức nặng và đã có thể chống lại các áp lực xã hội ở quê nhà. “Lúc đầu, mẹ tôi rất tức giận. Nhưng tôi đã nói thẳng với mẹ tôi rằng nếu bà không đồng ý cho tôi kết hôn thì tôi sẽ không bao giờ trở về nhà nữa.” - với giọng nhẹ nhàng, Caraig kể về thời gian cô trở về nhà để chuẩn bị cho đám cưới của mình.
Hiện nay, Caraig và bạn gái của “anh” đang dự tính mua một căn nhà nhỏ tại Philippines. “Tôi muốn chính tôi là người quyết định và lựa chọn người sẽ sống suốt đời với tôi.” - “anh” Cariag nói.
Trần Anh (Theo FEER)
Đề tài liên quan:
Nhận dạng giới tính: 5% nhân loại thiệt thòi
Châu Á phản ứng gì với hiện tượng "gay"?
Indonesia: Âm thầm chấp nhận quan hệ đồng tính